Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 5/12/2012
E-mail     Bản in

Giáo sư - Luật sư LƯU VĂN ĐẠT
Giáo sư Lưu Văn Đạt - Ủy viên Đoàn chủ tịch Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ- Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam:Những năm tháng hoạt động xã hội.

Giáo sư - Luật sư LƯU VĂN ĐẠT

Giáo sư Lưu Văn Đạt sinh ra tại ngôi làng không xa cố đô Hoa Lư, ven một con sông nhỏ. Thân phụ ông là nhà giáo dạy học tại thị xã tỉnh lẻ, người rèn giũa ông từ thuở ấu thơ. Tháng năm qua đi, giờ giáo sư đã nghỉ hưu nhưng các hoạt động xã hội không hề dừng lại. Ngôi nhà số 5, phố Nguyễn Đình Chiểu của ông vẫn là địa chỉ tin cậy của nhiều người. Sự thâm trầm toát ra ngay khi người ta đặt tay lên cánh cổng màu xanh, bấm chuông và bước vào khoảng sân nhỏ. Trong ngôi nhà đó, giáo sư Lưu Văn Đạt tiếp khách tại căn phòng chất chồng sách vở, tài liệu...

Người không muốn làm quan

Điều này được chứng minh ngay từ thuở ông còn là một cậu học trò trường Bưởi. Ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ ghi nhận cậu học trò Lưu Văn Đạt xuất sắc trong rất nhiều môn học. Đỗ tú tài phần thứ nhất, rồi tự học để đỗ tú tài phần thứ hai, thời đó, Lưu Văn Đạt là một trong số ít người ở miền Bắc đỗ cả hai bằng tú tài Triết học và Toán học. Thông minh, học giỏi nhưng Lưu Văn Đạt không muốn theo con đường quan trường, bởi thế, lên cao học, khi nhiều bạn đồng môn theo học về pháp luật Đông Dương để làm quan thì ông chọn học về tư pháp và chính trị kinh tế học. Ông nuôi dưỡng ước mơ trở thành luật sư từ thời đó. Cách mạng tháng Tám thành công, ông thuộc đội ngũ trí thức tham gia chính quyền cách mạng từ những tháng đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có vinh dự được làm việc dưới lá cờ vinh quang của Hồ Chủ tịch. Ông cũng là một trong 10 luật sư đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với sự am hiểu về pháp luật, ông là người đạt “kỷ lục” gắn bó với ngành Thương mại. Làm việc dưới 8 thời Bộ trưởng, ông đảm nhận nhiều trọng trách trong ngành Thương mại: Giám đốc Nha thương mại kiêm Cục trưởng cục Ngoại thương (Bộ Kinh tế), Giám đốc nhiều vụ của Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương từ năm 1947 đến 1965, Chánh văn phòng Bộ Ngoại thương từ năm 1965 đến 1982, Viện trưởng Viện kinh tế đối ngoại (Bộ Kinh tế đối ngoại) từ năm 1982 đến 1989, làm cố vấn Bộ trưởng Bộ Thương mại từ năm 1989 đến 1998. Việc xây dựng và hoàn chỉnh đường lối chính sách, hệ thống pháp luật của ngành Thương mại trong thời kỳ 1960-1970 có sự đóng góp rất lớn của ông. 

Đất nước thống nhất, yêu cầu mới về mở cửa với bên ngoài được đặt ra. Ông chuyển sang nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề chiến lược, chính sách, cơ chế quản lý kinh doanh ngoại thương và kinh tế đối ngoại. Từ năm 1977, ông được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì Ban soạn thảo Điều lệ về Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông cũng là trụ cột của Ban soạn thảo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987. Sau khi Luật này được ban hành, ông giúp Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai chủ trương đổi mới và mở cửa, soạn thảo các đạo luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 1987 (Luật sửa đổi bổ sung năm 1980, 1982), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành năm 1997. Đồng thời ông cũng tham gia soạn thảo các văn bản dưới Luật thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Năm 1997, Luật Thương mại năm 1997 do ông chủ trì công tác soạn thảo được ban hành, ông tiếp tục tham gia soạn thảo các văn bản dưới Luật. Âm thầm và lặng lẽ, ông góp phần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, tạo điều kiện cho sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tạo nên các chế định thương mại theo đường lối đổi mới. Năm 2000 ông chính thức nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục đem kiến thức về pháp luật của mình phục vụ cho xã hội.

“Được cống hiến- đó là điều may mắn”

Ông bắt đầu hoạt động xã hội từ khi còn là sinh viên khoa Luật, trường Đại học Đông Dương. Vào thời đó, ông tham gia hoạt động xã hội trong tổ chức của sinh viên với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật cho người nghèo. Sau khi tham gia chính quyền cách mạng, ông tham gia hoạt động công đoàn ở đơn vị nhiều năm, sau đó tham gia hoạt động Hội tại Hội khoa học Kinh tế và Hội Luật gia Việt Nam trong một thời gian dài. Từ những năm cuối của thập kỷ 80, thế kỷ 20, ông liên tục tham gia công tác Mặt trận. Cho đến thời điểm này, giáo sư Lưu Văn Đạt là người duy nhất suốt 3 nhiệm kỳ là ủy viên Đoàn Chủ tịch, chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ- Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam. 20 năm làm công tác Mặt trận, ông luôn tâm niệm “được cống hiến- đó là điều may mắn”. Để có thể lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân hơn, ông đảm nhận vai trò Phó Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư số 1, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây, trăn trở trước việc Luật Mặt trận và Điều lệ MTTQ Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi trong dân, giáo sư Lưu Văn Đạt trở thành người “tuyên truyền Luật”. Trong suốt những năm tháng qua, ông miệt mài làm việc để hướng tới vấn đề dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội. Theo ông, có dân chủ thực sự thì mới có đoàn kết, có đoàn kết mới có đồng thuận xã hội. Muốn đạt được những điều đó, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận cần được phát huy. Tại khu dân cư, với cái nhìn thực tế, giáo sư Lưu Văn Đạt gợi ý Ban công tác Mặt trận vận động nhân dân thực hiện việc giám sát hoạt động của các đảng viên trực tiếp công tác tại phường để phát huy vai trò giám sát của Mặt trận ở cơ sở. Ông quan niệm: Không nên mong chờ làm những việc to tát, hãy thực hiện những điều thiết thực nhất trong cộng đồng nơi mình sinh sống, dù là nhỏ. Vì vậy, ai có nhu cầu tư vấn về pháp luật, ông sẵn sàng giúp đỡ. 

Ông tâm sự: Đời tôi bây giờ có hai 2 việc chính: Đó là dốc sức giúp Mặt trận thúc đẩy hoạt động phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, vì nhân dân, thực sự trong sạch, vững mạnh và đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. 

Là một trong những người kiến nghị thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, giáo sư Lưu Văn Đạt được bầu làm ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội. Với cương vị này, ông có điều kiện vừa tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Hội vừa tập trung vào việc liên hệ với các luật gia nước ngoài, với Hội luật gia dân chủ quốc tế để giúp những nạn nhân chất độc da cam trong hành trình đi đòi công lý. Bước vào tuổi 90 nhưng giáo sư không ngại những chuyến bôn ba ra nước ngoài, cùng các nhân chứng đứng lên tố cáo tội ác của chiến tranh, đòi công lý. Là người thẳng thắn, ôn hòa, thận trọng, giáo sư không đánh giá sự việc một chiều với cái nhìn phiến diện. Ông xúc động kể về những đóng góp to lớn của nhiều người nước ngoài, trong đó có những người Mỹ trong việc giúp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đi đòi công lý. “Đây là hành ­­­trình gian khổ, lâu dài nhưng chúng ta có chính nghĩa và được những tiếng nói của lương tri ủng hộ. Tôi tin rằng công lý sẽ chiến thắng”.

“Mong muốn nhiều, làm chưa được bao nhiêu”

Đây là điều giáo sư Lưu Văn Đạt luôn trăn trở. Với cương vị là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ- Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam, những đóng góp của ông và của Hội đồng được lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá cao. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng: 20 năm qua, bản thân ông và Hội đồng Tư vấn Dân chủ- Pháp luật tuy đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Khi vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận chưa thực sự phát huy tác dụng, ông cảm thấy Hội đồng còn phải cố gắng nhiều mặt. Thái độ thẳng thắn, trung thực trong nhìn nhận, đánh giá sự việc của giáo sư đã trở thành động lực để ông tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội. 

Đến giờ, giáo sư vẫn canh cánh trong lòng về những khó khăn, thách thức đối với đất nước. Ông lo lắng về ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, về sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra rất nhanh, về vấn đề tham nhũng mà cả xã hội đang ra sức đấu tranh,... Tất cả những điều đó tạo nên một con người làm việc không biết mệt mỏi.

Trong ngôi nhà của ông ở số 5 Nguyễn Đình Chiểu, rất nhiều Huân, Huy chương, trong đó có Huân, Huy chương đại đoàn kết dân tộc  được chủ nhân cẩn thận lưu giữ cùng mọi tư liệu, kỷ vật khác. Những Huân, Huy chương ấy gắn liền với cuộc đời hoạt động của ông, đánh dấu những mốc công việc mà ông đã thực hiện. Ông tin rằng, với phương châm “thà ít mà tốt”, ông vẫn còn có hy vọng tiếp tục hoạt động xã hội, góp phần đấu tranh cho công lý, công bằng xã hội, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, củng cố Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Theo Phạm Hằng (Báo Đại đoàn kết)