Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 5/1/2014
E-mail     Bản in

THÁI SƯ LƯU CƠ VỚI ĐẤT VIỆT
(LUUTOC.VN) - Hướng tới chuẩn bị tổ chức Đại lễ Húy nhật tưởng niệm 1.000 năm Tạ thế của Danh nhân lịch sử dân tộc Thái sư Lưu Cơ, BBT giới thiệu một số thông tin về Thái sư Lưu Cơ do Ban Nghiên cứu Họ Lưu Việt Nam tổng hợp sau các chuyến khảo sát điền dã tại các địa danh có liên quan đến Ngài Cao Tổ Lưu Cơ.


"Bạch Bát Sơn thần" (nay thuộc làng Bạch Liên, xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Binh), tương truyền là nơi cha mẹ Cụ Lưu Cơ đến ăn chay cầu tự
 
 -  Cao Tổ Lưu Cơ quê ở Tri Hối, châu Đại Hoàng, nước Đại Cồ Việt (nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Bố là Lưu Kỳ và mẹ là Lê Thị Phương đến ăn chay cầu tự tại núi Bạch Bát. Hiện ở đó còn chùa Bạch Liên (xã Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình). Cụ Lưu Cơ sinh năm 940 (ngày Mùng 3 tháng Giêng); lớn lên được theo học Tri Hối tiên sinh. Cao Tổ Lưu Cơ là một trong ngũ hổ gây dựng Nhà Đinh, do Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Trịnh Tú là tứ trụ triều đình - Khai quốc công thần.
 

Đền Vua Đinh, Tràng An, Ninh Bình

 
- Cao Tổ Lưu Cơ được phối thờ tại Đền Vua Đinh và Phủ Đột (đền Trình). Tại Trung tâm TP Ninh Bình có đường mang tên Lưu Cơ và tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế đang tiến hành dựng tượng Lưu Cơ cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Trịnh Tú ở bốn góc xung quanh tượng Đinh Bộ Lĩnh ở giữa.


Phủ Đột (Đền Trình), nơi phối thờ Tứ trụ triều đình Nhà Đinh (trong đó có Cụ Lưu Cơ)


Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Ninh Bình và Đoàn Nghiên cứu Họ Lưu VN đến thăm đường Lưu Cơ (Ninh Bình - 11/10/2013)



Tượng thần Lưu Cơ được thờ tại đền Ngọc Sơn, thôn Uy Viễn, Liễn Sơn, Gia Viễn
 
- Tại Ninh Bình hiện tại có Đền Ngọc Sơn (thôn Uy Viễn, xã Liên Sơn, Gia Viễn) thờ Phò mã Lưu Cơ. Đền có từ lâu, tọa trên bờ sông Hoàng Long; lâu nay chưa rõ tên thần được thờ, chỉ biết theo các sắc phong còn lưu giữ được thì đó là Đại vương triều Đinh, Thượng đẳng phúc thần, trong Đền nhân dân dựng tượng Phò mã Lưu Cơ.
 

Đồng tộc Họ Lưu Danh và Đoàn Nghiên cứu Họ Lưu VN tại Đền Ngọc Sơn

 
- Tại Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm Hưng Yên, nơi đây Cao Tổ Lưu Cơ đã đóng quân, để xuất binh đi bình định sứ quân Lý Khuê (Lý Lãng Công) ở Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Dân làng, trai đinh Đại Từ đã ủng hộ và tham gia nghĩa quân. Sau khi mất, Cụ Lưu Cơ được thờ tại đình Đại Từ là Tuy Lộc Đại Vương,Thành hoàng làng Đại Từ. Đình đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp bằng xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

Đình Đại Từ, xã Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên


Đình Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, nơi thờ Lưu Thiên Tử Đại vương là Thánh cả

 
- Cao Tổ Lưu Cơ là Thánh Cả Thành hoàng được tôn thờ tại Đình làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Đó chính Ngài là Lưu Thiên tử Đại vương -Thái sư Lưu Cơ.

- Chức quan của Cao Tổ Lưu Cơ thời nhà Đinh và Tiền Lê là Thái sư Đô hộ phủ, được giao cai quản tòa thành Đại La quan trọng với vai trò cai quản kho người, vựa lúa và trung tâm văn hiến của Giao Châu. Thái sư Lưu Cơ trong 40 năm cai quản đã cải tạo An Nam Đô hộ phủ (thành Đại La) theo hướng vọng về phía Bắc (tức hướng về thành Tràng An của Nhà Đường) thành một tòa thành hướng về phía Nam (tức hướng về thành Hoa Lư của Hoàng đế Đại Việt của nhà Đinh và Tiền Lê).


Đoan Môn (Cổng phía Nam vào Hoàng Thành) ngày nay

 
- Miếu cổ làng Thụy Thú xưa (nay là thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình), thờ chính là Đàm Thái Hậu (Thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh, được phối thờ cùng 4 vị tướng là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Công và Sát Công. Đó là bốn tướng do Đinh Bộ Lĩnh cử về chăm lo và bảo vệ Hoàng lăng mộ địa; trong đó Lưu Công được Tác giả nghiên cứu (theo Ngọc phả) cho là Lưu Cơ và có ghi quê từ Hương Tích, Hà Tây5


Miếu Lộc Thọ (thờ Đàm Thái Hậu - Nhà Đinh), xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình


Miếu Lộc Thọ có phối thờ 4 tướng: Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Công và Sát Công

 
- Việc nghiên cứu về Thái sư Lưu Cơ cần phải trao đổi đàm thảo/hội thảo kỹ hơn để các nhà Sử học có thể đi đến đánh giá đầy đủ về thân thế và sự nghiệp cũng như công trạng của Người đối với quê hương, đất nước. Từ đó đồng tộc Họ Lưu Việt Nam sẽ được tự hào và noi gương truyền thống vẻ vang của Cao Tổ Lưu Cơ. Mong là ngày 24 tháng Chạp này (tức 24/01/2014) tất cả đồng tộc Họ Lưu VN hướng về và đến dâng tâm hương cúng Cụ tại đình Đại Từ, Hưng Yên.
 
Ghi chú:

1 - Theo “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” thì Lưu Cơ cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình). Trong “Đại vương Ngọc phả lục” (còn gọi là Đình Phả đình Đại Từ) ghi Lưu Cơ quê ở trang Tri Hối, huyện Gia Viễn (nay là thôn Tuy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình).

2 - Theo “Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê” tác giả Trương Đình Tưởng, NXB VHDT, 2009 (tr. 83) thì mẹ Lưu Cơ là Bà Lê Thị Lao; Lưu Cơ cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú là cùng quê và cùng thời nên sinh 924 (năm sinh của Đinh Bộ Lĩnh).

3 -  Theo “Bát Tràng - làng nghề, làng văn” Chủ biên PGS TS Bùi Xuân Đính, Nxb Hà Nội, 2013 (tr.290-300) thì đình Bát Tràng thờ 6 vị Thành hoàng: Lưu Thiên Tử đại vương, Đức Thánh bà - Lã Đệ tam Đại vương, Bạch Mã Đại vương, Phan Đại tướng Đại vương, Hộ Quốc Đại vương và Cai Minh Tự Đại vương. Trong đó Lưu Thiên Tử Đại vương là Thánh cả, được thờ ở giữa, nơi trang trọng nhất. Có nhiều quan điểm về Lưu Thiên tử Đại vương, như: cho là thiên thần (như trong sắc phong); là Hán Cao Tổ Lưu Bang; là Ông tổ nghề gốm Bát Tràng, là một trong hai vị Tổ của họ Nguyễn (cùng với Đức Thánh Bà)... Ý kiến đánh giá của Ts. Nguyễn Việt cho là Lưu Thiên Tử Đại vương là Lưu Cơ là có cơ sở vì Lưu Cơ là con cầu tự tại Sơn thần Bạch Bát ở Ninh Bình (do vậy thường được gọi là “con trời cho” hay “con trời - Thiên tử”, khi mất được dân làng Bạch Bát thờ là Thành Hoàng. Khi dân Bạch Bát mang nghề gốm sứ từ làng Bồ Bát (Bồ Bát hiện là Bồ Xuyên và Bạch Bát) ra Bạch Thổ (Bát Tràng) lập nghiệp, cư dân các làng thông thường khi di chuyển đi nơi khác thường lấy thành hoàng làng gốc để thờ tại làng mới.

4 - Theo “Đại Việt sử lược, quyển 1” Năm 971, sau khi dẹp xong các sứ quân, lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Bộ Lĩnh đã tổ chức bộ máy Triều đình Đại Việt đầu tiên, Lưu Cơ đứng tên đầu danh sách và chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư của Lưu Cơ chính là Thái sư Đô hộ phủ thành Đại La. Hơn nữa, Bài viết của Ts. Nguyễn Việt “Tròn 1000 năm ngày mất của “ Người trao chìa khóa” Thành Đại la cho Lý Công Uẩn” trên báo www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/van.../281867.html đã bao quát hết công trạng và các ngày kỷ niệm Đại lễ của Thái sư Lưu Cơ.

5 - Theo bài viết Phóng sự và khám phá “Ly kỳ ngôi mộ mẹ đẻ vua Đinh Tiên Hoàng ở Thái Bình” của Nhà Sử học Đặng Hùng trên “ http://vtc.vn/394-349760/phong-su-kham-pha/ly-ky-ngoi-mo-me-de-vua-dinh-tien-hoang-o-thai-binh.htm” thì Lưu Cơ là một trong bốn tướng cùng Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Sát Công được phối thờ trong Miếu Lộc Thọ - “Miếu thờ Quốc Mẫu Thiềm Nương Hoàng Thái Hậu” và được thờ là bốn Thành hoàng làng Lộc Thọ, xã Độc Lập, Hưng Hà, Thái Bình.

 

BAN NGHIÊN CỨU LƯU TỘC VN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)