Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 4/8/2020
E-mail     Bản in

TỰ HÀO ẤM ÁP TÌNH LƯU TỘC TẠI THANH NGHỆ TĨNH
(LUUTOC.VN) - Chuyến Khảo sát điền dã về dòng họ LƯU, tại ba tỉnh THANH NGHỆ TĨNH lần này của Ban nghiên cứu LTVN, do Ts Lưu Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng LTVN làm Trưởng đoàn; thành phần Đoàn còn có HS.Lưu Thiên An - PCT, Trưởng BNC LTVN; Ông Lưu Đình Tấn, UVHĐ; Ông Lưu Ngọc Oanh - Trưởng họ Lưu Văn ở Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội và Ông Lưu Đình Lĩnh - đại diện dòng họ Lưu thôn Thanh Mỹ, xã Xuân Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An. Đây là chuyến đi tràn ngập tình yêu thương, ấm áp của Lưu Tộc Việt Nam.
   
   Mục đích của chuyến điền dã là "Tìm về cội nguồn". Sáng ngày 28/07/2020 đoàn tới thăm nơi thờ Tiến sỹ Thượng thư Bộ hộ Lê Duy Hàn, người xã Bái Cầu cũ, nay là thôn Hà Đồ, xã Hoằng Trạnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông làm quan Hiến sát sứ. Theo tài liệu nghiên cứu của PGS TS Nguyễn Đức Nhuệ, Viện phó, Viện Sử học thì đây là họ Lê mang quốc tính của vua Lê Thái Tổ ban cho. Thực chất Cụ là người họ Lưu. Tại đây đoàn được ba ông cựu Bí thư đảng bộ ba giới thiệu thì mới tìm đến nhà ông Lê Hữu Ty (nguyên Bí thư xã Hoàng Trạch). Được Ông đón tiếp và hướng dẫn rất nhiệt thành đến thăm gia đình và cũng là nơi Từ đường thờ Thượng Thư. Gia đình ân cần cho biết đây là nơi thờ Cụ, còn phần mộ của Cụ táng tại xóm dưới, xã Hoằng Tân, Hoằng Hoá và Cụ được thờ là Thần hoàng làng. Theo bà Lương Thị Sắm (người đang cùng các con chăm lo hương khói cho Cụ) thì nhà thờ trước đây xây dựng bằng đá xanh, mấy năm gần đây mới xây lại bằng vật liệu mới, nhà thờ và phần mộ của Cụ đã dược UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Cụ đã từng được Vua yêu quí, gả Công chúa cho nhưng Cụ từ chối nên phải lánh về xã Hoằng Tân sinh sống cùng bạn học, có lẽ vì vậy cải sang họ Nguyễn, lúc đổ bệnh quy tiên được gia đình người bạn cùng dân làng mai táng và được thờ là Thần hoàng làng.
 
   Tạm biệt nơi đây để lại cho đoàn chúng tôi bao vấn vương suy nghĩ tình cảm ân cần. Hoàng Hóa là nơi địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra rât nhiều danh nhân, hào kiệt. Hoàng Hóa là nơi địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra rât nhiều danh nhân, hào kiệt như: Lưu Diễm Vĩnh Trị - Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Đệ nhất giáp, khoa Thái học sinh Nhâm Tuất (1232) Đông các Đại học sĩ. 
 
-Lưu Miễm Vĩnh Trị, Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa Đệ nhất giáp Khoa Thái học sinh Kỷ Hợi (1239) An phủ sứ lô Thanh Hóa tước Minh tư;
-Tiến sy đệ nhị giáp đinh điền sứ Thiếu bảo Lưu Đình Chất Hoàng giáp Đinh Mùi (1607) Hộ Bộ Thượng thư tước Lộc Quận
-Lưu Thành Vĩnh Trị, Hoằng Quang, Hoằng Hóa,Thanh Hóa Tiến sĩ Nhâm Thìn (1712) Đông các Hiệu thư (Hoằng Hóa,Thanh Hóa) có rất nhiều danh nhân hiền tài, đã từng được Đô đốc trấn Thanh Hoa hết lời ca tụng.
"Vi Hoa huyện trấn Đông Nam giới
Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim"
(Dịch là.Đông Nam một cõi Thanh Hoa trấn
Một tấc non sông, một tấc vàng)
   Buổi trưa tại nhà hàng Sen,TP Thanh Hóa. đoàn chúng tôi giao lưu với đoàn Lưu Tộc Việt Nam vừa vào dự Lễ Kỷ niệm 3 năm thành lập HĐLT TT - Huế ra. Chiều cùng ngày đoàn nghiên cứu được bổ sung thêm TS.Lưu Tất Thắng - PCTTT HĐLTVN và Ông Lưu Thành (Quảng Ngãi), UVHĐ, đại diện cho LTVN tại miền Trung. Đoàn đã tới thăm Từ đường Giám sát Ngự sử Lễ Bộ Tả thị lang Tiến sỹ Lưu Ngạn Quang, tại thôn Thanh Oai (xã Đông Anh, Đông Sơn, Thanh Hóa). Tại đây đoàn vào dâng hương nơi thờ Ngài và được ông Lưu Trọng Độ - Trưởng tộc đón tiếp rất niềm nở đầm ấm tình đồng tộc. Ông trân trọng cho chúng tôi xem đạo sắc phong của Cụ và cho biết, hiện nay dòng họ Lưu tại đây có ba chi: Lưu Trọng, Lưu Huy và Lưu Văn. Hậu duệ của Cụ hiện nay tới vài trăm đinh. Nơi đây cũng là quê hương của Anh hùng LLVT phi công tiêm kích Đại tá Lưu Huy Trao, người đã bắn rơi 7 máy bay tiêm kích Mỹ và hỗ trợ đồng đội hạ 11 chiếc khác. Dòng họ Lưu ở đây trong quá khứ và thời nay có nhiều sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang, là dòng họ hiếu học. Hiện nay hậu duệ của Cụ có rất nhiều người có học hàm là cử nhân; kỹ sư, bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ…
 
   Qua sử sách và các tư liệu lịch sử chúng tôi được biết Giám sát Ngự sử Lễ Bộ Tả thị lang TS. Lưu Ngạn Quang có cuôc đời thuở thiếu thời rất vất vả. Khi triều đình mở khoa thi Hương, Cụ từ biệt mẹ và vợ vác lều chõng đi thi. Cụ đỗ ngay Hương Cống, tiếp tục lên kinh theo học nhờ sự đùm bọc của mẹ hiền, vợ thảo. Đến kỳ thi Hội, Cụ vượt qua một cách dễ dàng, rồi kỳ thi Đình khoa thi Tân Sửu (1481) đời vua Lê Thánh Tông, Cụ đỗ ngay Hoàng Giáp (tức Đệ Nhị giáp Tiến sĩ). Kể từ ấy sự nghiệp bần hàn của Cụ Ngạn Quang chấm dứt. Cụ đã đem hết tài trí ra phò vua, giúp nước, cứu dân. Nhớ lại cảnh ngày xưa nghèo túng, đói rét, giờ đã công thành danh toại, cả đời Cụ làm quan rất mực thanh liêm chính trực, là người vốn xuất thân từ cảnh cơ hàn, lớn lên lại phải chịu bao sóng gió cuộc đời, nên Cụ Ngạn Quang rất hiểu nổi khổ của người dân. Ông suốt đời làm điều phúc đức cho dân, bởi vậy được triều đình trọng dụng và ban cho ông giữ chức Giám sát Ngự sử Lễ Bộ Tả thị lang khi ông mới 25.
Là người nổi tiếng hay chữ, lại sống dưới triều Lê Thánh Tông, một ông vua hay chữ biết trọng hiền đãi sĩ, biết đãi thần dân, cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Ngạn Quang để lại cho chúng ta một tấm gương vượt khó vượt khổ đói nghèo vươn lên trở thành Giám sát Ngự sử Lễ Bộ Tả thị lang. Qua đó ta thấy được công lao, công đức của ông trong một thời đại thái bình thịnh trị. Chính vì thế, để tưởng nhớ công lao của ông khi mất được dòng họ, nhân dân lập đền thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và ở đình thờ tiên hiền của làng. Đặc biệt là nhà thờ ông và dòng họ. Lưu Ngạn Quang mãi mãi là con người bất hủ, sống trong tâm khảm của người dân xứ Thanh. Công lao của ông đã được sử sách ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư và được khắc tên tuổi trên bảng vàng bia đá tại Quốc Tử Giám, Hà Nội để lưu danh muôn đời. Sự nghiệp của ông thời nhà Lê còn được ghi thành 2 câu thơ:
Kim bảng thạch bi truyền bất hủ
Thái Sơn, Bắc Đẩu ngưỡng duy cao
Dịch nghĩa:
Bảng vàng bia đá truyền mãi mãi
Công người như núi Thái Sơn Sao Bắc Đẩu
   Buổi chiều đoàn chúng tôi tới xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, thăm nhà thờ đại tôn họ Lưu Đức. Tại đây, được cụ Lưu Xuân Đài, Chủ tịch HĐLT Nghệ Tĩnh và các ông Lưu Đức Thuyên, Lưu Đình Lợi, Lưu Bằng - PCT HĐLT Nghệ Tĩnh đón tiếp rất ân cần, thân mật, cùng nhau trao đổi tâm tình về hoạt động của các dòng họ Lưu tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Sáng 29/07 đoàn vào Từ đường thờ: Khởi tổ - Tiến sỹ Lưu Đức An, Cao Tổ - Đề lĩnh Lưu Đức Đôn, Cao Tổ - Lưu Đức Nhân và các liệt tổ liệt tông, cô tổ mãnh tổ của dòng họ Lưu Đức Đại Tôn. Nhà thờ đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà thờ đại tôn họ Lưu Đức đang được dòng họ trung tu, nâng cấp xây dựng to đẹp đàng hoàng, tráng lệ.
 
   TS.Lưu Đức An Sinh năm 1490; Ông học giỏi, tài cao, đỗ Tiến sĩ thời Mạc năm 1538, được triều đại Mạc tin dùng, làm quan đến các chức quan trọng trách như: Giám sát Đô ngự sử đạo Kinh Bắc (1544), Tham nghị Thừa tuyên sứ ty đạo Nghệ An (1545), Hiến sát sứ ty đạo Lạng Sơn (1546), rồi về kinh thăng hàm Triều Liệt đại phu, chức Doãn phủ Phụng Thiên, sau thăng Tự Khanh - quan Tam Phẩm (1547), liệt vào bậc Khanh hầu. Cụ là người cương trực và tận tâm với quốc gia, xã tắc, tạo hậu phương vững chắc cho Nhà Mạc, được dân gian ca ngợi “cai trị dân vừa có ân vừa có uy”.
 
   Đề lĩnh - Lưu Đức Đôn Sinh năm 1545 tại xứ Vĩnh (TP Vinh ngày nay), là con duy nhất của TS Lưu Đức An với bà vợ thứ ba (người Nghệ An). Ngay từ nhỏ được cha mẹ cho theo nghiệp bút nghiên; đã dự và đỗ thi hương Theo thời cuộc. Năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa đến năm 1583, đất Nghệ An thuộc tập đoàn Lê - Trịnh, liên tục là chiến địa đánh nhau với quân Nhà Mạc. Cụ Lưu Đức Đôn đã gia nhập quân đội Lê -Trịnh tham gia đánh đổ Nhà Mạc. Vốn có “tài thao lược” nên lập công nhiều và được thăng chức quan “Đề Lĩnh”, được triều đình ban sắc phong thưởng.
 
   Cao Tổ Lưu Đức Nhân Là con thứ ba của Cụ Lưu Đức Đôn, dân gian còn gọi là Ông Gồm. Cụ là người đã khai phá bưng biền lập nên làng Rào. Làng Rào được sát nhập trở thành là 1 trong 4 làng của xã Ước Lễ (nay là xã Hưng Đạo). Theo lưu truyền, Cụ được dân Làng Rào tôn là Hậu Thần và được thờ trong Đền Làng Rào.
 
   Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên cao trên đầu ngọn tre đoàn chúng tôi cùng Hội Đồng Lưu Tộc Nghệ Tĩnh vào làm lễ dâng hương và tặng cờ thần LTVN tại Nhà thờ họ Lưu Đức chi Ất (xóm 5 xã Hưng Đạo), mới khánh thành. Trên triền đê sông Lam, Đoàn cùng đại diện HĐLT NT tới nhà thờ họ Lưu Văn, xóm Vạn Cồn, xã Hưng Long, huyện Hưng nguyên - làm lễ dâng hương và tăng cờ; Thăm bến đò Cố Xin; Cụ Cố Xin là cha của Ông Lưu Xuân Khuồi và các con của ông trong kháng chiến chống Mỹ đã băng qua lửa đạn vận chuyển bộ đội, vũ khí khí tài trên dòng sông Lam, đóng góp công sức và xương máu vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông Lưu Xuân Khuồi đã hy sinh năm 1968 trong khi đang làm nhiệm vụ. Bến đò Cố Xin đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
   Quay lại xã Xuân Lam thăm dòng họ Lưu Văn của Ông Lưu Đình Lĩnh. Xã Xuân Lam mới hình thành cách đây 2 tháng từ xã Hưng Xuân và xã Hưng Lam. Đoàn đã làm lễ dâng hương và tặng cờ thần Lưu Tộc VN, không khí buổi lễ rất trang nghiêm, đầm ấm đậm đà tình cảm họ tộc của Lưu Tộc Việt Nam.
Tiếp theo, đoàn đón thêm ông Lưu Đình Chương nhà giáo xứ Nghệ, đầu cầu sông Lam, cùng sang xã Lam Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh để khảo sát về xã Quả Phẩm xưa. Cách đây 550 năm tướng quân Lưu Văn Huân đã theo vua Lê Thánh Tông Nam tiến, bình định Chiêm Thành, sau đó định cư tại Điền Quan trại - làng Dưỡng Mông, Quế Sơn, Quảng Nam. Ngày nay đã trở thành dòng họ lớn của xứ Quảng. Trong đoàn đi hôm nay con có hậu duệ của Cụ là ông Lưu Ngọc Oanh từ Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội (một chi ngành từ họ Lưu - Dưỡng Mông ra Bắc làm quan thời Nguyễn). Tại đây, Đoàn được ông Phó Chủ tịch UBND xã Lam Hồng Trần Đức Liên đón tiếp rất nhiệt tình và cho biết hiện nay trên địa bàn xã không có ai là người họ Lưu. Địa danh xã Quả Phẩm xưa ở ven bờ Sông Lam, do thủy lưu dòng chảy của dòng sông bên lở, bên bồi nên đất xã Quả Phẩm đã bị cuốn đi, nay chỉ còn một bãi đất ven bờ sông Lam. Bên kia sông vẫn còn đất canh tác của đất xã Quả Phẩm xưa, nay là của xã Lam Hồng (Nghệ An). Ông dẫn đoàn chúng tôi ra thăm khu đất còn lại ven bờ sông Lam, xưa là xã Qủa Phẩm. Sông Lam còn đó dòng nước trong xanh chảy mãi khôn nguôi. Núi Hồng Lĩnh, núi Thành vẫn sừng sững soi bóng xuống dòng sông. Trải qua trên 550 năm, biến thiên của lịch sử vật đổi sao dời, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, việc thay đổi địa danh, sự dịch chuyển tên của các làng xã, cư dân, họ tộc, âu cũng là lẽ tự nhiên.
 
   Buổi trưa, đoàn tranh thủ đến đường Lưu Đức An, TP Vinh, vào thăm gia đình ông Lưu Đình Lợi, được gia đình đón tiếp rất nồng hậu chu đáo và đậm tình cảm gia đình. Buổi chiều, Ông Lưu Đức Thuyên, PCT TT HĐLT Nghệ Tĩnh đưa đoàn chúng tôi tới khảo sát dòng họ Lưu thôn Nghĩa Sơn, xã Nghi Tiến, Huyện Nghi Lộc. Tại đây, Ông Lưu Quang Thượng, Chủ tịch HĐGT Chi I họ Lưu, nguyên Chủ tịch xã Nghi Tiến cho biêt Cụ Cao Tổ họ Lưu ở đây có nghề thuốc và chữa bệnh theo phương pháp tâm linh, cứu dân độ thế cho dân chúng quanh vùng, để lại tiếng thơm cho con cháu. Theo phả hệ, dòng họ Lưu tại đây đã phát triển khoảng hai mươi thế hệ, hiện nay có trên 1.000 Đinh, con cháu có cuộc sống đề huề, khấm khá. Từ đường họ Lưu Nghĩa Sơn mới tu tạo rất đẹp, khang trang dựa theo thế núi. Theo sáng kiến của Ông Lưu Đức Hạnh, Uỷ viên HĐLTVN, ba chi họ Lưu vốn hàng trăm năm nay đã kết thân đã gặp mặt, gồm họ Lưu thôn Nghĩa Sơn, xã Nghi Tiến (Chi I), họ Lưu thôn Phú Hậu, xã Diễn Tân, Diễn Châu (Chi II), do ông Lưu Đức Hanh là Trưởng đoàn và họ Lưu thôn Tương Lai, xã Phú Thành, huyện Yên Thành (Chi III), do ông Lưu Đức Ngợi làm Trưởng đoàn. Cuộc mạn đàm đã diễn ra chân tình, thẳng thắn, đậm tình anh em họ tộc, cả ba chi họ Lưu tại đây đều thống nhất tiếp tục gắn bó và kết nối để tìm về cội nguồn, đoàn kết dòng họ, giúp đỡ đùm bọc lấy nhau trong họ tộc là mục đích tối thượng. Buổi tối đoàn được họ Lưu -Tường Lai đón tiếp rất trọng thị, trong bầu không khí ấm áp tình cảm Lưu Tộc Việt Nam.
 
   Ngày 30/ 07 đoàn về làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, nơi có đền Đồng Cổ, để giao lưu và gặp mặt với ba dòng họ Trịnh Lưu Hà. Được ông Lưu Duy Hưng thư ký đề tài "Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống làng Đan Nê" đón tiếp và giúp đỡ tận tình. Tại đền Đồng Cổ đoàn đã được ông Lê Phi Cường - Phó chủ tịch xã Yên Thọ, Trưởng ban QL đền Đồng Cổ; ông Trịnh Ngọc Minh - Trưởng làng Đan Nê; ông Trịnh Văn Vân -Phó trưởng làng Đan Nê.Trước khi bước vào công việc nghiên cứu về làng Đan Nê và đền Đông Cổ. Ba dòng họ đã vào làm lễ dâng hương tại đền Đồng Cổ; Đại diện Lưu Tộc VN do TS.Lưu Văn Thành Chủ tịch HĐLT Việt Nam; Đại diện họ Trịnh Việt Nam do PGS,TS. Trịnh Hòa Bình - Phó CT HĐ Họ Trịnh Việt Nam; Đại diện họ Hà Việt Nam do Nhà Báo, BS. Hà Minh Đô - Phó CT HĐ Họ Hà Thanh Hoá và đại diện các dòng Họ Trịnh, Lưu, Hà ở làng Đan Nê, Hổ Bái đã kính cẩn dâng hương cầu cho quốc thái dân an, anh em đoàn kết, xây dựng vùng quê Đan Nê thành làng văn hóa…
 
   Chiều cùng ngày, mặc dù thời tiết rất nóng bức các cụ tại làng cổ Đan Nê với nhiệt huyết rất cao, kể cho chúng tôi nghe về di tích đền Đồng Cổ trong quá khứ và hiện tại, những lễ hội truyền thống và tập tục của làng Đan Nê. Có cụ cho chúng tôi xem những quyển gia phả, sắc phong, hương ước, văn cúng bằng chữ Nho, bìa sách đã nhầu nát, úa vàng. đã photo sao chép gia phả các dòng họ Lưu, Hà.
 
   Chúng tôi đã ra thăm viếng và dâng hương mộ Tổ và từ đường họ Lưu Quang sau đền, trên bờ sông Mã và từ đường họ Lưu Huy-Đình trước cổng đền. Buổi tối tại gia đình ông Lưu Huy Bưởi ba dòng họ Trịnh Lưu Hà đã giao lưu gặp mặt trong bầu không khí cởi mở, thân thiện cùng nhau hướng về cội nguồn, Tổ tông, dòng họ. Để cùng nhau tìm hiểu hai câu ngạn ngữ và cũng là câu đôi:
 
VẬT LƯU BÁCH VIỆT TỔ KIẾN ẤP TRỊNH LƯU HÀ
 
   Đêm 30/07 chúng tôi được ông Lưu Thế Lâm đón về nghỉ tại gia đình, tại lảng Hổ Bái, xã Yên Bái. Tại đây được gặp Cụ Lưu Thế Lạm 95 tuổi, thân phụ của ông Lâm, bà Lan vợ ông Lâm, và cháu Lưu Thế Quỳnh con ông Lâm. Đây là gia tộc tứ đại đồng đường, gia thế hưng thịnh. Cụ Lưu Thế Lạm và ông Lưu Thế Lâm đều là cựu chiến binh đóng góp thành tích vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. bà Lan vợ ông Lâm là một phụ nữ đảm đang, lo toan công việc gia đình và họ tộc. Gia đình có một trang trại trồng cây ăn quả rộng khoảng 2,5 ha, trồng bưởi Diễn và các cây hoa quả khác. Đây là một gia đình họ Lưu điển hình của Yên Bái về xây dựng nông thôn mới; Giàu có – Văn Minh – Văn Hóa - truyền thống.
 
   Sáng ngày 31 tháng 07 đoàn vào làm lễ dâng hương và thượng cờ Lưu Tộc VN tại từ đường họ Lưu Thế. Tiếp theo làm lễ dâng hương tại đền Hổ Bái nơi thờ 2 danh thần Quan Võ Họ Lưu: là Phụ quốc Thượng tướng quân, Trình Quốc công, Thái phó Lưu Thế Tán và Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm Đường hầu Lưu Thế Chân và 2 Quan Văn là Hoàng giáp Trịnh Cảnh Thụy và Tiến sỹ Trịnh Minh Lương (đền Hổ Bái hiện nay đang được trùng tu); Sau đó làm lễ dâng hương tại từ đường họ Lưu Vũ, Lưu Văn xã Yên Bái và Bái vọng tại Nhà thờ họ Trịnh, dòng họ của TS.Trịnh Minh Lương. Tiếp theo, đoàn khảo sát ba họ Trịnh, Lưu, Hà đã gặp mặt, mạn đàm với các dòng Họ Lưu của xã Yên Bái tại Nhà thờ Họ Lưu Thế. Tại đây các dòng họ đã trao đổi rất thẳng thắn, nhiệt thành, cởi mở. Mong muốn tìm được cội nguồn quê hương ,dòng tộc. Xây dựng khối đoàn kết trong Lưu Tộc và các dòng họ trong cộng đồng các dòng tộc Việt Nam.
 
   Qua bốn ngày điền dã, khảo cứu các dòng họ Lưu tại Thanh Nghệ Tĩnh đi đến đâu chúng tôi cũng thấm rằng:
- Dòng họ Lưu là một dòng họ hiếu học, có nhiều hiền tài, biết vượt khó, vượt khổ vươn lên trong mọi hoàn cảnh, mọi triều đại, cống hiến nhiều cho giang sơn đất nước.
- Tính cách trung thực, thẳng thắn không chịu khuất phục trước cường quyền áp ức, vì một tư tưởng cao cả Chân - Thiện - Mỹ.
- Bản tinh cần cù lao động, đoàn kết yêu thương đồng tộc, biết yêu cái đẹp, gét cái xấu; Khao khát vươn lên làm giàu chính đáng, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phồn vinh…
Đồng Cổ - Đan Nê – Yên Định Mạnh thu – Canh Tý 2020
Ghi chú: Kích vào đường dẫn này để xem thêm nhiều hình ảnh tường thuật sự kiện: https://www.facebook.com/luuthienan47
HS.LƯU THIÊN AN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)