Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 4/12/2012
E-mail     Bản in

Ba đạo luật về kinh tế thời mở cửa và dấu ấn Giáo sư LƯU VĂN ĐẠT
Trong ngôi nhà nhỏ số 5 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) có một vị Giáo sư đáng kính đã bước qua tuổi 90 nhưng vẫn âm thầm làm việc, nghiên cứu pháp luật và cống hiến sức mình để đòi công lý cho hàng vạn nạn nhân của chất độc da cam. 93 tuổi đời và gần 70 tuổi nghề, có lẽ trong giới luật không ai lạ gì ông nữa: Giáo sư, luật sư Lưu Văn Đạt, người từng làm việc dưới 8 đời Bộ trưởng Thương mại và là một trong những vị luật sư tên tuổi của Việt Nam.

Giao su Luu Van Dat nguoi man can voi cong viec 410x307 Ba đạo luật về kinh tế thời mở cửa và dấu ấn Giáo sư Lưu Văn Đạt
Chân dung vị Giáo sư già


Ông chỉ cho phép tôi thời gian rất ngắn 2 giờ đồng hồ để phỏng vấn, trò chuyện với những “cam kết” ban đầu là viết bài: Chân thực, đúng người, đúng việc và không quá đề cao những cống hiến của ông. Tất nhiên, để “đạt được mục đích” tôi phải đồng ý với những “yêu sách” rất đỗi giản dị, khiêm nhường của ông, nhưng nếu chỉ viết như những điều ông nói, thì chắc chắn là nó quá khô cứng và khó truyền tải hết được những gì tôi biết về con người ông. Nên trong bài viết này, tôi xin phép ông, xin được viết lên những điều mà tôi đã biết, đã tìm hiểu về con người, công việc và những cống hiến của ông cho ngành thương mại, ngành luật và cả những trăn trở rất tình người, rất trách nhiệm của ông trước những vấn đề thời cuộc nóng bỏng liên quan đến cả vận mệnh đất nước nữa…

Vị giáo sư già trong ngôi nhà đầy sách

Trước khi viết, tôi biết nhiều về ông với vai trò là luật sư bảo vệ công lý cho những nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam trong vụ kiện Chính phủ Mỹ đình đám mấy năm nay. Tôi cũng biết đôi chút về ông với tư cách là luật gia từng giữ những nhiệm vụ quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam cũng như một vài đóng góp của ông cho ngành thương mại Việt Nam. Tất nhiên, đó là những thông tin quá ít về ông.

Tôi nhớ lần đầu gặp ông để đặt ông viết bài góp ý kiến cho Dự thảo Điều lệ của Hội Luật gia Việt Nam, tôi đã rất ấn tượng trong căn phòng nhỏ của ông đầy sách, có những tập sách mỏng chỉ vài chục trang, nhưng cũng có tập sách dài hàng nghìn trang. Và khi quan sát kỹ, tôi thấy những cuốn sách về pháp luật, về thương mại chiếm phần lớn trong cái thư viện mini đó. Như lời ông, thì đọc sách không những là sở thích mà cái quan trọng là để thêm sự hiểu biết và phục vụ cho mục đích công việc của mình.

Ông sinh ra ở làng Gián Khẩu, thuộc huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), mới 4 tuổi đã theo cha lên Hà Nội dạy học và sau đó ông học ở Hà Nội luôn. Ông từng tốt nghiệp trường Bưởi (trường Chu Văn An ngày nay), một ngôi trường nổi tiếng và danh giá bậc nhất thời bấy giờ, rồi khi tốt nghiệp tú tài, ông thi đỗ vào khoa Luật của trường Đại học Đông Dương (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Thời đó, Đại học Đông Dương là một trong những trường đào tạo kiến thức luật bậc nhất do người Pháp thành lập và mỗi khóa học chỉ đào tào mấy chục học sinh cho Pháp và ba nước Việt, Lào, Campuchia. Như khóa 12 của ông học, chỉ có vài chục người, trong đó phần nửa là người Pháp. Nói ra điều đó để thấy rằng, những người được vào đây học đều là những nhân vật có tiếng cả và rất nhiều người Việt sau khi tốt nghiệp khoa Luật này đều là hiền tài cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Trong thời gian học tại đây, ông đã nhận thức sớm về con đường đi cho bản thân, không giống với nhiều đồng môn khác học để theo nghiệp quan trường thì ông lại yêu thích nghề luật sư cho nên sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, ông tiếp tục chọn học và tốt nghiệp cao học về vấn đề tư pháp và cao học về chính trị kinh tế.

Giao su Luu Van Dat nguoi man can voi cong viec 2 410x307 Ba đạo luật về kinh tế thời mở cửa và dấu ấn Giáo sư Lưu Văn Đạt

GS LƯU VĂN ĐẠT trong căn phòng đầy sách


Khi kể về cuộc đời mình, ông bảo giây phút hạnh phúc nhất là thời điểm cầm trên tay Sắc lệnh số 30/B-SL ngày 18/3/1947 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bổ nhiệm ông làm Giám đốc Nha thương vụ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Bộ Kinh tế quốc dân, sau là Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương). Và từ đó đến lúc nghỉ hưu năm 2000, với 54 năm trong nghề, ông đã giữ hàng loạt chức vụ quan trọng, cống hiến trí tuệ và sức lực cho ngành thương mại Việt Nam. Đặc biệt ông có những đóng góp đáng kể xây dựng những dự án luật mang tính thời cuộc trong thời kỳ kinh tế đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế nhiều thành phần hội nhập và phát triển.

Mặc dù đã nghỉ hưu trong công việc chính ở Bộ Công Thương hàng chục năm nay, nghỉ công tác lãnh đạo ở HLG VN gần 8 năm nay, nhưng ông vẫn rất nhiều công việc khác, lịch làm việc của ông vẫn dày đặc cả tuần. Hôm nay dự hội thảo ở Hội này, ngày mai lại đi gặp gỡ, làm việc ở nơi khác, khoảng thời gian rỗi, ông dành để đọc sách, nghiên cứu chính sách pháp luật cho cuộc đấu tranh mà ông cho là trường kỳ: đòi công lý cho hàng vạn nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam.

Hơn 90 tuổi đời, gần 70 năm cống hiến cho công việc, ông đã có trên 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước  hoặc được thuyết minh tại các hội thảo khoa học. Ông cũng tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học bậc đại học và trên đại học về chuyên ngành ngoại thương, pháp lý tại nhiều trường đại học khác nhau. Là một trong 10 luật sư đầu tiên khai sinh ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ những năm đất nước mới sơ khai ngành Luật, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghề luật sư, cũng như sự phát triển của Hội Luật gia ngày nay. Ông xứng đáng khi nhận được nhiều phần thưởng cao quý vì sự nghiệp khoa học, vì sự nghiệp tư pháp và những phần thưởng quý giá của Đảng và Nhà nước. Trong căn phòng đầy ắp sách và tư liệu, có một góc bàn ông xếp đầy các bằng khen và ở một góc trang trọng trên kệ sách, ông chỉ cho tôi vô số những huân huy chương mà ông được tặng thưởng, kỷ niệm chương của Chủ tịch nước…

Người “thổi hồn” vào 3 đạo luật về kinh tế thời mở cửa

Có lẽ với ông, bước ngoặt trong nghề của mình là lúc được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng giao chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987.

Ông kể, sau tháng 4/1975, khi đất nước thống nhất, yêu cầu mới về mở cửa với bên ngoài được Đảng và Nhà nước đặt ra, thời điểm này, ông giữ chức vụ Viện trưởng Viên Ngoại thương với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề chiến lược, chính sách và cơ chế quản lý kinh doanh ngoại thương và đối ngoại. Trước khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hàn thì từ năm 1977, ông đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đông giao chủ trì Ban soạn thảo Điều lệ về Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đến năm 1984, thời điểm mà chúng ta chuẩn bị chuyển đổi sang nền kinh tế nhiều thành phần nên yêu cầu chính sách pháp luật về kinh tế đối ngoại cũng phải phù hợp hơn và đây là thời điểm, ông cho là mang tính lịch sử, có bước đột phá về pháp luật kinh doanh, bước đệm cho vấn đề mở cửa hội nhập.

Trước khi bắt tay vào soạn thảo nâng Điều lệ Đầu tư nước ngoài thành Luật, ông có được sự ủng hộ rất lớn của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Đầu tiên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng rồi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Phó Thủ tướng Đặng Viết Châu, Tố Hữu,… Bởi trước đó, thành phần kinh tế tư nhân chưa được coi là chủ đạo của nước ta. Việc quyết định thành phần kinh tế cũng được nâng lên, đặt xuống nhiều lần trước khi bước vào soạn thảo dự án Luật. Trong vấn đề này, theo ông, nhiều vị lãnh đạo thời đó thực sự là những người có tầm nhìn xa, và quyết tâm để sửa đổi chính sách kinh tế, theo hướng  phục vụ mở cửa, đổi mới kinh tế. Những thành quả đổi mới kinh tế của đất nước ta ngày hôm nay đã chứng minh rõ điều đó.

Trong quá trình xây dựng các điều Luật, ông bảo cái khó nhất là bản thân về mặt chính sách chưa thay đổi nên những thành viên trong Ban soạn thảo phải nghiên cứu tất cả những điều luật tiến bộ nhất ở luật chuyên ngành kinh tế của một số nước, sau đó rút ra những cái hay nhất, phù hợp nhất để đưa vào. Bước đột phá nhất trong dự án Luật này là sau khi chúng ta có chủ trưởng mở cửa mở rộng đầu tư ở Việt Nam, cho phép nhà đầu tư được thành lập 100 vốn doanh nghiệp nước ngoài.

Để xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Ban soạn thảo bắt đầu đi vào nghiên cứu, xây dựng từ năm 1984 cho đến 1986 và năm 1987 mới thông qua, như vậy mất 3 năm mới hình thành luật với sự trợ giúp, đề xuất ý tưởng từ các chuyên gia của Liên hợp quốc. Khi Luật được thông qua, nhiều nước đã rất ngạc nhiên vì sự tiến bộ của dự án luật này ngay ở một đất nước mới mở cửa về chính sách kinh tế và đầu tư.

Ông cũng là người có đóng góp lớn trong việc xây dựng Luật Thương mại (xây dựng, thông qua năm 1997) với vai trò là Trưởng ban soạn thảo. Trong quá trình soạn thảo Luật này, ông kể cái khó nhất là hiểu biết là về kinh tế thị trường, về kinh tế thương mại rất hạn chế, chỉ hiểu đơn giản là mua bán, kinh tế hàng hóa, chưa hiểu về dịch vụ, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Khi Luật Thương mại được thông qua, ông tiếp tục tham gia xây dựng các văn bản thi hành dưới Luật.

Âm thầm và lặng lẽ, giáo sư Lưu Văn Đạt là một trong những người công tác trong ngành thương mại lâu đời nhất với 54 năm trong ngành, với những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thương mại, tạo điều kiện cho sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, tạo nên các chế định thương mại theo đường lối đổi mới của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2000, ông chính thức nghỉ hưu – ở Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), về công tác tại Hội Luật gia Việt Nam với vai trò là Phó chủ tịch, Kiêm tổng thư ký. Trong thời gian đương chức, ông cũng là thành viên chính trong việc xây dựng Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003. Đây là một trong những nhiệm vụ lớn của Hội Luật gia Việt Nam thời kỳ đó, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo một Pháp lệnh rất quan trọng này. Khi đó, ông Phùng Văn Tửu, Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ tịch Hội Luật gia đưa ra đề nghị này. Là một dự án pháp lệnh đầu tiên của do chính Hội Luật gia thực hiện, mà cái khó khi soạn thảo là hầu như không có thực tiễn, nên phải đi trước một bước. Sau 8 năm thực hiện Pháp lệnh TTTM, do nhu cầu thực tế, Hội Luật gia tiếp tục được giao chủ trì xây dựng Luật TTTM và luật đã được thông qua năm 2010, có hiệu lực từ 1/1/2011. Ông cho rằng, việc Luật Trọng tài Thương mại được thông qua sẽ khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, đáp ứng nhu cầu thực tiễn Việt Nam và hội nhập với pháp luật Trọng tài trong khu vực và thế giới.

Trong thời gian công tác tại Hội Luật gia Việt Nam, ông đã có những đóng góp quan trọng gắn liền với sự phát triển của Hội. Có thời điểm, ông từng là quyền Chủ tịch khi ông Phùng Văn Tửu xin nghỉ. Do tuổi cao, năm 2004 ông xin nghỉ các chức vụ và chỉ tham gia với tư cách là Ủy viên, nhưng trong mỗi cuộc Hội thảo của Hội, ông đều tham gia phát biểu hăng say, đóng góp những ý kiến thiết thực.

Tuổi đã già, bước đi của ông không còn nhanh nữa nhưng vững chắc, còn trí tuệ thì vẫn minh mẫn lạ thường. Trong suốt gần 2 giờ đồng hồ trò chuyện, khi cần nhắc đến sự kiện gì, dù đã xảy ra hơn nửa thế kỷ những ông vẫn nhớ chính xác. Nhưng theo bản tính, ông vẫn lật giở những trang tư liệu được ghi chép cẩn thận để cung cấp chính xác sự kiện cho tôi.

Hơn chục năm nghỉ hưu, nhưng ông vẫn chưa thực sự ngơi nghỉ. Ông vẫn luôn suy nghĩ và canh cánh trong lòng những vấn đề nhỏ nhoi cho đến lớn lao của đất nước, dành những khoảng thời gian ngắn ngủi, ông đã trải lòng với tôi như chính những điều mà ông đang muốn làm, muốn góp phần công sức của mình lắm lắm…

Trăn trở với vận nước

Nhắc đến công việc hiện tại ông bỗng rạng ngời hẳn lên, nhưng chỉ trong chốc lát, ông xúc động không nói nên lời.

Ông bảo, đời tôi bây giờ có hai việc chính là: Đòi công lý, quyền lợi chính đáng cho những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam và dốc sức giúp Mặt trận thúc đẩy hoạt động phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, vì nhân dân.

Là thành viên của Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật của UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong hơn 20 năm nhưng ông tự nhận rằng, nhiều việc mà bản thân và Hội đồng tư vấn Dân chủ, pháp luật còn phải cố gắng rất nhiều. Khi đề cập đến vấn đề “đưa pháp luật vào cuộc sống”, ông cho rằng, chúng ta thường nói “đưa pháp luật vào cuộc sống”, mà ít khi đặt câu hỏi: Tại sao một số qui định của pháp luật chưa đi vào cuộc sống? Có phải vì những qui định pháp luật ấy còn xa rời thực tiễn, xa rời cuộc sống nên chưa được nhân dân đồng tình và chấp thuận?

“Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không phù hơp và chưa thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều vấn đề pháp luật mang tính khả thi không cao, đụng chạm quyền lợi của người dân mà mình chưa xử lý được”, ông nói. Nhưng ông cũng cho rằng, việc thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ và ý thức tôn trọng pháp luật của người dân ở đất nước ta quá kém, quá xem thường pháp luật. Chúng ta không chỉ chú trọng xây dựng pháp luật mà cái chính là phải thực thi vấn đề pháp luật như thế nào. Chẳng hạn như pháp luật liên quan đến giao thông, người thực thi pháp luật còn làm sai luật, còn nhận tiền “bôi trơn, mãi lộ” để tạo điều kiện cho người vi phạm pháp luật thì làm sao đưa luật vào cuộc sống được. Tôi nghĩ, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì đầu tiên là phải coi trọng, tôn trọng pháp luật và thực thi pháp luật, nhưng phải là pháp luật đúng”.

“Một vấn đề hiện nay mà tôi thấy bất cập là việc chủ trì xây dựng pháp luật chủ yếu ở các Bộ. Là các cơ quan hành pháp thì họ thường có xu hướng, đề ra qui định có lợi cho họ (phù hợp với quản lý của họ). Còn Luật có đi vào cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận hay không thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Mà gần đây Luật Thuế thu nhập cá nhân là một điển hình.

Bởi thế, khi xây dựng pháp luật, chúng ta cần đặc biệt lưu ý tới tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Chỉ khi nào chúng ta đưa được những đòi hỏi của cuộc sống vào luật, thì luật mới thực sự được triển khai hiệu quả trong cuộc sống.

Bàn chuyện “đưa pháp luật vào cuộc sống” mà có khi tôi thấy ông thở dài. Ông bảo, ở một đất nước khi chưa giải quyết dứt điểm được nạn tham nhũng tràn lan thì việc thực thi pháp luật là điều rất khó khăn. Ở cấp chính quyền, rất cần những cán bộ trong sạch, thanh liêm để điều hành, có như vậy mới tránh được nạn khiếu kiện kéo dài, đông người của người dân lên các cấp cao hơn. “Tôi thấy nổi cộm hiện nay là tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai xảy ra ở nhiều nơi, với số lượng nhiều người. Bức xúc nhất là thu đất sản xuất của dân mà lợi nhuận lại rơi vào tay nhà đầu tư hoặc một vài cá nhân có địa vị nào đó, như thế nói sao mà lại không có việc khiếu kiện?. Tôi nghĩ, một khi thực hiện đúng pháp luật, chính quyền do dân, vì dân, thực sự có dân chủ thì sẽ giải quyết được vấn đề này”.

Trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước để dành được độc lập, vinh quang và hòa bình như hôm nay, ông thấu hiểu nỗi khổ của những cựu binh và thế hệ kế tiếp là nạn nhân của chất độc hóa học kinh khủng này. Đó mãi là nỗi đau thương cho nhân loại bởi những hậu quả mà nó gây ra.

Mái đầu tóc bạc trắng, dáng đi chậm rãi, vị giáo sư già này vẫn không bao giờ vắng mặt trong những buổi hội thảo hay cuộc họp của Hội Nạn nhân chất độc da cam. Tuy điều mà ông mong đợi là Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc hóa học phải bồi thường cho các nạn nhân chưa có kết quả nhưng ông vẫn luôn tin, công lý luôn đứng về lẽ phải. Theo ông, cái khó khăn nhất hiện nay là Chính phủ Mỹ không thừa nhận bởi nếu thừa nhận thì đó là tội phạm chiến tranh nên họ tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm. Ở đây, vấn đề không phải là chúng ta thua, mà là tòa án Mỹ không chịu thụ lý, không chịu xét xử vụ kiện. “Cho dù Tòa án phía Mỹ chối từ đưa vụ án ra xét xử, nhưng bằng sức lực và những gì tôi còn làm được, tôi sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng, đến khi chúng ta đòi được công lý”, ông tự tin khi kết lại vấn đề với tôi như vậy.

Chia tay ông trong cái nắng tà mùa hè, ra khỏi ngôi nhà có vị giáo sư tóc bạc trắng mà còn canh cánh trong lòng những vấn đề lớn lao của đất nước, của dân tộc tôi thầm cảm phục những điều ông đã và đang làm. Những việc mà theo ông “không vì lợi danh hay tiền bạc mà đơn giản, làm chỉ vì trách nhiệm của một người con của đất nước Việt Nam thân yêu”.

BOX 1: Những ai đã từng tiếp xúc và công tác với ông đều nhận ra một con người hết mình vì công việc với phong thái đĩnh đạc, nghiêm minh và có trách nhiệm. Từng làm việc dưới 8 thời Bộ trưởng, ông đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong ngành thương mại: Giám đốc Nha thương mại kiêm Cục trưởng cục Ngoại thương (Bộ Kinh tế quốc dân), Giám đốc nhiều vụ của Bộ Công thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương từ năm 1947 đến 1965; Chánh văn phòng Bộ Ngoại thương từ năm 1965 đến 1982, Viện trưởng Viện kinh tế đối ngoại (Bộ Kinh tế đối ngoại) từ năm 1982 đến 1989; Làm cố vấn Bộ trưởng Bộ Thương mại từ năm 1989 đến 1998. Tham gia đóng góp và xây dựng, hoàn chỉnh đường lối chính sách, hệ thống pháp luật của ngành Thương mại trong thời kỳ 1960 – 1970.

 

Theo Phùng Bình