Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 4/1/2014
E-mail     Bản in

Tròn 1.000 năm Ngày mất của “Người trao chìa khóa” Thành Đại La cho Lý Công Uẩn
(QĐND) - Cách đây hơn ba năm, trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, người ta chú ý nhiều đến nhân vật lịch sử Vua Lý Công Uẩn, người từ cương vị một viên tướng phụ trách cấm quân lên ngôi sau khi Lê Ngọa Triều mất, đã rất nhanh chóng dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, lấy tên là Thăng Long. Trong thực tế, thời gian để Lý Công Uẩn quyết định dời đô chỉ chưa đầy 5 tháng (từ tháng 2, khi ông về thăm quê ở Cổ Pháp, Bắc Ninh đến tháng 7 âm lịch năm 1010 thuyền rồng cùng triều đình đã ngự ở núi Long Đỗ bên sông Tô Lịch). Một quyết định lớn lao như vậy được thực hiện trong một thời gian ngắn khi có vai trò to lớn của Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ.
 
Đại La là một tòa thành lớn và kiên cố vào loại nhất Việt Nam thời đó. Tòa thành đã được nhiều đời thứ sử, tiết độ sứ nhà Đường huy động nhân tài vật lực Giao Châu xây dựng, biến thành một An Nam Đô hộ phủ bề thế. Tòa thành này đã được những đời tiết độ sứ người Việt ở Giao Châu cai quản, như Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn. Tuy nhiên, khi chối từ chức tiết độ sứ của phương bắc để trở thành một vị vua độc lập đầu tiên, Ngô Quyền đã đồng thời chối từ ở trong tòa thành Đại La, tuy kiên cố nhưng lại là một tòa thành đô hộ. Sau họ Ngô, họ Đinh và Tiền Lê cũng không chấp nhận sử dụng Đại La làm kinh đô. Vậy cớ sao, Lý Công Uẩn vừa mới lên ngôi đã chấp nhận ngay Đại La làm kinh đô ?

Trong quá trình đi sâu nghiên cứu, chúng tôi nhận ra bản chất thành Đại La là một thành thuộc Đường, tức người xây thành là quan tướng của nhà Đường đã phải xây thành và các kiến trúc nghi lễ trong thành theo hướng chầu về phía bắc, tức hướng Hoàng Đế nhà Đường ngự (thành Tràng An). Một vài ghi chép trong Đường Hội Yếu và trong An Nam chí lược cho biết thành mở cửa chính có lầu ngoảnh về hướng bắc. Nền kiến trúc Đại La lớn nhất khai quật được trong khu vực khảo cổ học Hoàng Thành cho thấy đó là một tòa nhà nhiều gian, hình chuôi vồ, mặt chính hướng về phía bắc với dãy hàng hiên phía trước.

Điện Kính Thiên trong kinh thành Thăng Long xưa. Ảnh: T.L

Năm 971, dẹp xong các sứ quân, lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Bộ Lĩnh đã tổ chức bộ máy Triều đình Đại Việt đầu tiên. Đại Việt sử lược, cuốn sử đời Trần duy nhất ghi rằng Lưu Cơ đứng tên đầu danh sách các quan trong triều với cương vị Thái sư Đô hộ phủ. Và tòa thành Đại La quan trọng với vai trò cai quản kho người, vựa lúa của Giao Châu đã được vua Đinh giao cho vị quan đứng đầu triều Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ trông coi.

Đương nhiên, Lưu Cơ không thể sử dụng tòa thành thuộc địa hướng bắc đó để thờ Hoàng Đế Đại Việt đóng đô ở Hoa Lư. Mà theo lẽ thường tình, ông phải cải tạo tòa thành đó trở thành một tòa thành Đại Việt, tức thành hướng Nam chầu về Hoa Lư. Gạch ngói và các vật liệu kiến trúc niên đại Hoa Lư khai quật được rất nhiều ở khu vực thành Đại La, cũng chính là Hoàng Thành Thăng Long, đã chứng tỏ những hoạt động xây cất đã được tiến hành trong khoảng 40 năm dưới thời Đinh và Tiền Lê. Dõi theo biến thiên lịch sử của hai triều đại này, chúng tôi không hề thấy có sự thay đổi vị trí người cai quản thành Đô hộ phủ, ngay cả khi Lê Hoàn chủ trương phong đất xưng vương cho các con ra cai quản rất nhiều khu vực trọng yếu ở đồng bằng bắc bộ. Điều này cho thấy Lưu Cơ vẫn đảm nhiệm cương vị Thái sư Đô hộ phủ cả dưới thời Tiền Lê, cho đến tận khi Lý Công Uẩn dời đô.

Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), sau mấy tháng lo tang lễ vua Lê, làm lễ lên ngôi và chấn chỉnh triều chính xong, Lý Công Uẩn về thăm quê ở Cổ Lễ (Bắc Ninh). Lúc này ông đã chứng kiến tòa thành Đại La của Cao vương Biền, nhưng khác với thời Ngô vương Quyền và Đinh Tiên Hoàng, tòa thành bây giờ đã là một tòa thành Đại Việt hướng về phía nam, đủ điều kiện để ông thực hiện dời đô. Vì thế mới có thể nói rằng chính Lưu Cơ đã là người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn.

Tuy vậy, hầu như sau đó không mấy khi sử sách nhắc đến tên Lưu Cơ. Lý do dễ hiểu là do công trạng lớn nhất của ông với nhà Đinh là đã dẹp sứ quân họ Lý (Lãng Công) ở vùng Thổ Lỗi, Siêu Loại (Bắc Ninh). Ông không thể tiếp tục được trọng dụng dưới triều Lý. Hơn nữa, đến năm 1010 ông cũng đã 70 tuổi.

Hiện tại, rất may mắn cho chúng ta rằng bản thần tích rất hiếm hoi về Thành Hoàng làng Đại Từ: Tuy lộc Đại vương Lưu Cơ vẫn còn ghi chép về ngày sinh và ngày mất của Ngài. Bản thần tích này được Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đưa vào trong “Bách thần phả lục”, được lưu truyền và sao lại năm 1736 (Vĩnh Hựu nhị niên) để thờ tại địa phương. Đến thế kỷ 19 đã bị thất lạc. Năm 1887 (Đồng Khánh nhị niên), một người địa phương làm quan, có học đã phát hiện bản thần phả đó trong cuốn “Bách thần phả lục” lưu tại nhà quan Lễ bộ thượng thư triều Lê ở xã Bình Đăng, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. Được tin đó, thân hào, bô lão trong làng họp lại rồi cử người đến xin sao chép lại từ bản “Bách thần phả lục”. Bản chép lại hiện được truyền lưu các đời bô lão trong làng. Năm 2006, bô lão trong làng đã đưa nguyên bản “Ngọc phả lục” chép lại năm 1887 đến Viện Hán Nôm nhờ phiên dịch và hiệu đính.

Theo thần tích, thì Lưu Cơ là con cầu tự của ông Lưu Kỳ và bà Lê Thị Phương, quê ở làng Tri Hối (Gia Viễn, Ninh Bình). Lưu Cơ sinh ra nhằm ngày 3 tháng Giêng, lớn lên được cha mẹ cho học chữ ở làng rồi tham dự lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh vào lúc khoảng 20 tuổi. Liền sau đó ông lập công lớn trong việc dẹp loạn Lý Khuê. Ông làm quan đến khoảng 70 tuổi thì cáo lão về hưu, sau đó ba năm thì mất, nhằm ngày 24 tháng Chạp. Từ đó có thể suy đoán rằng, cụ mất ba năm sau năm Canh Tuất (1010), tức nhằm vào tuần cuối cùng của năm Quý Sửu (đầu năm 1014 dương lịch), hưởng thọ 73 tuổi. Theo đó, cụ Lưu Cơ đã ra đời vào năm 940. Vì là con cầu tự, cụ đã ăn chay gần như suốt đời và dặn dân làng Từ vào dịp Giỗ Tết chỉ cúng chay cho cụ thôi. Điều này đã được ghi lại trong thần tích.

 

Theo TS. NGUYỄN VIỆT


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)