Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 31/8/2012
E-mail     Bản in

Trường ca Giọng biển của Nhà thơ Lưu Đình Hùng
Nhà thơ Lưu Đình Hùng - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng- vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc trường ca Giọng biển.
 
 
 
 
Sau nhiều năm ấp ủ, tháng 4 năm 2011, tác giả đã hoàn thành bản thảo trường ca này tại trại sáng tác Đồng Mô – Hà Nội. Đây là thi phẩm thứ hai của anh ra mắt bạn đọc sau tập thơ Nợ phù sa, xuất bản 2002, đã đoạt giải C của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Trường ca Giọng biển ghi lại những cảm xúc chân thực của tác giả về một thời hào hùng của dân tộc trong kháng chiến chống xâm lược trước đây và những năm tháng gần đây với những chuyển động tích cực của đất nước trên chặng đường đổi mới. 

Nhà thơ Lưu Đình Hùng vốn là người lính chiến đấu trên mặt trận Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ gian lao và anh dũng. Đã hơn 40 năm qua đi, nhưng những kỷ niệm xưa vẫn cứ ùa về trên từng trang thơ của anh thương binh hạng 4/4 bày. Cả tập thơ Nợ phù sa và trường ca Giọng biển của Lưu Đình Hùng đều đầy ắp chất lính trên hành trình “trả nợ”. 

Trường ca Giọng biển gồm 2 phần, với 9 khúc thơ. Bằng chất giọng của biển, mặn mòi, “nói thật/hát thật/khóc thật/son phấn gì đâu”, tác giả hồi tưởng lại cảnh tiễn đưa người lính vào chiến trường, không hề giấu diếm:

 
Riêng em muốn níu tôi ở lại
chân núi Đông Triều em khóc thẫm trời mưa
Cắn môi nghẹn ngào không nói được

Anh cùng đồng đội hành quân qua mảnh đất miền Trung trung kiên, với giác quan của người làm thơ tác giả không mô tả lại những trận không kích của kẻ địch cùng sự hi sinh mất mát của quân và dân nơi đó mà bằng một nét chấm phá rất đời thường cảnh các em nhỏ đói cơm không dám xin các chú bộ đội mà chỉ “đứng ngõ” rồi”tần ngần” bỏ đi. Các chú bộ đội thì vô tình sẻ bớt cơm cho các em và cứ nghĩ “dân dành nuôi gà nuôi chó”. Nào có ngờ đâu, khi chính tác giả trực tiếp hỏi các em thì mới biết cơm đó đem về để các em ăn. Chỉ một chi tiết đó thôi ta thấy thêm rằng sự hi sinh của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại biết chừng nào.

Đoàn khúc thứ 6 của trường ca là “hành trình tìm mộ” .Đó là cảnh người con gái đi tìm di hài của bố là liệt sĩ chống Mỹ tại vùng Vàm Cỏ Đông cũng như tình cảm và trách nhiệm của đồng đội cũ với Liệt sĩ. Một cô giáo trẻ mảnh mai yếu ớt cùng các chú là đồng đội cũ của bố trở lại chiến trường xưa để tìm mộ. Năm tháng qua đi dấu vết xưa giờ cây rừng che lấp, đã có luc tuyệt vọng thì các chú quả quyết đứng ra làm thay cô giáo để có thể trở về lên lớp cho bầy em nhỏ, cô chỉ xin một nắm đất đỏ gói mang về cho người mẹ già chờ chồng đằng đẵng mấy mươi năm ở một phương trời miền Bắc. Chỉ đến phút cuối cùng thì hình như có thần linh phù hộ:

 
Trời ơi !!!
tấm tăng của người lính trận
lộ thiên nhăn vết thời gian
gỡ từng rễ cây mọc búi
hộp sọ, hốc mắt tràn lan
lọ penexilin nắp đậy
mở ra mẩu giấy úa vàng.

Đã có nhiều người đọc đến đây không cầm được nước mắt.Có những lúc cảm giác tác giả như không làm thơ mà chỉ cần kể lại một cách trung thực quá khứ  bằng tình cảm trước hết của người lính chiến từng là đồng đội của những người đã hi sinh mà tác giả đã gặp hoặc tự tay chôn cất. Thế mới biết chỉ bằng những cảm xúc chân thực và sự trải nghiệm thì thơ đã có sức thuyết phục.

Trường ca Giọng biển còn đề cập đến nhiều vấn đề khác của xã hội giữa người lính và đời thường mà mỗi vấn đề đó nếu có điều kiện chắc tác giả sẽ phát triển nó thành những đề tài lớn. Trong khúc cuối của trường ca này, tác giả đưa ra một lát cắt, lát cắt nằm ở vị trí khác song không kém phần tiêu biểu và sống động đó là “lát cắt Hải Phòng”, nơi tác giả đã sống và trưởng thành với quãng thời gian gần 60 năm. Tác giả đề cập đến những người con lam lũ của Hải Phòng, cần cù lao động mà vẫn không quên bồi đắp cho thế hệ tương lai. Chính họ đã có niềm tự hào xác đáng và đầy sức thuyết phục, sau những lo toan thường nhật, sau những lam lũ đời thường, họ vẫn tràn trề hi vọng như mảnh đất Hải Phòng đã từng chứng minh, rằng: “Và có thể/trạng lại được sinh ra”.

Trường ca Giọng biển của nhà thơ Lưu Đình Hùng viết chắc tay, giàu chất liệu sống, vốn sống đầy đặn, nhiều đoạn cảm động, như các khúc thơ: Miền Trung, Hành trình tìm mộ…, Mỗi chương có giọng điệu, có cốt cách, câu thơ chọn lọc kỹ, tinh. Với tác phẩm này, Lưu Đình Hùng thêm lần khẳng định sự thành công hơn trên con đường sáng tác thơ, xứng đáng là một tác giả sung sức sáng tạo trong làng thơ Hải Phòng.
Theo HOÀI KHÁNH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)