Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Quảng Nam.
Đăng ngày 31/3/2020
E-mail     Bản in

CÓ MỘT NGŨ XÃ - TRÀ KIỆU NHƯ VẬY
(LUUTOC.VN) - Năm 2000 vào dịp trung tuần tháng 3 âm lịch Hội đồng chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu tổ chức lễ hội lần đầu tiên kỷ niệm 530 năm ngày thành lập xã Trà Kiệu. Tháng 3 năm Canh Tý 2020 này Trà Kiệu sẽ kỷ niệm 550 năm ngày thành lập, tôi xin có vài dòng tản mạn về mảnh đất Ngũ xã Trà Kiệu, nơi có ghi dấu Cao Tổ Tộc Lưu Văn, mà tôi đã có dịp đến thăm.
Trung tuần tháng 7 năm Kỷ Hợi 2019 tôi cùng đoàn đại biểu của Lưu Tộc Việt Nam do Tiến Sỹ Lưu Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam dẫn đầu vào xứ Quảng dự Lễ giỗ các vị Tiền hiền và tế thu của các họ Lưu Văn: làng Dưỡng Mông; làng Thạnh Mỹ huyện Quế Sơn và họ Lưu Văn thôn Bì Nhai, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
“Làm người phải nhớ cha ông,
Như cây có cội như sông có nguồn.
Bà con vì tổ vì tiên,
Không phải vì tiền, vì gạo người dưng”.
(Ca dao xứ Quảng)
Tại Nhà thờ tộc Lưu Văn làng Dưỡng Mông chúng tôi may mắn được gặp ông Lưu Văn Tám - Trưởng tộc Lưu Văn ở xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. Ông tâm sự về mối quan hệ mật thiết giữa các tộc Lưu Văn ở Quảng Nam và rất tự hào về tộc Lưu Văn của mình ở Ngũ xã Trà Kiệu.
Nhân dịp lưu lại Quảng Nam mấy ngày để dự lễ tế thu tộc Lưu Văn làng Bì Nhai, huyện Điện Bàn đoàn Lưu Tộc Việt Nam đã thăm, chiêm bái, dâng hương, tại một số nhà thờ họ Lưu ở các huyện Phú Ninh,Tam Kỳ, … và đi thăm viếng hai lăng mộ cổ: Cụ Lưu Kim Giám và Cụ Lưu Văn Nghệ.
Đúng là: “Sớm Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối
Chiều Điện Bàn xe đạp nước thay mưa”
(Nhà thơ Tường Linh)
Sau khi tham quan thánh địa Mỹ Sơn, chúng tôi vào thăm gia đình ông Lưu Văn Tám ở thôn An Hòa, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. Ông Tám đã từng được dự Đại hội Hội khuyến học toàn quốc, được khen thưởng là gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh. Phát huy truyền thống cần cù, ham học của người xứ Quảng và gia đình các con của ông đều đã qua đại học, cao học và đang công tác tại quê hương.
“Khi mô vật đổi sao dời,
Đất Quảng Nam hết nước mới hết người tài hoa”.
(Ca dao xứ Quảng)
Niềm tự hào về đất và người xứ Quảng luôn được đặt trong mối quan hệ biện chứng với đất nước như mẹ với con, như máu với thịt. Đây cũng là một điểm sáng trong tâm hồn người Quảng. Đó là tinh thần đại đồng, bác ái, đoàn kết, không phân biệt vùng miền. Chúng tôi được ông Lưu Văn Tám hào hứng kể cho nghe bằng một giọng đặc trưng của người xứ Quảng về vùng đất mà cụ Cao Tổ Lưu Kim Giám là một trong 13 vị Khai cơ Tiền hiền của Ngũ xã Trà Kiệu, Huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Ngược dòng lịch sử, năm 1470 đích thân vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) cầm quân đi chinh phạt những cuộc loạn lạc, giặc giã ở vùng biên giới Việt – Champa, chiếm thành Đồ Bàn (thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định ngày nay). Năm 1471, nhà vua đã lấy đất ấy đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, chia thành 3 phủ:Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (tức Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay). Ta có thể hiểu Quảng là rộng, Nam là chỉ vùng đất phương nam.(1)
Trong hành trình theo vua Lê “mang gươm đi mở cõi” Cụ Cao Tổ Lưu Kim Giám cùng 12 vị tiền hiền từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, … thuộc các dòng tộc Lê Đình, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thành, Nguyễn Như, Nguyễn Tá, Lê Quang,… đã dừng chân ở vùng đất, nơi đã từng là kinh đô Simhapura của Vương quốc Champa cổ - được xây dựng vào thế kỷ thứ IV-V(2), một thời vàng son mà hậu thế thấy như vẫn hiển hiện "Điện các huy hoàng trong ánh nắng, Đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh".
Đi mãi về phương Nam là khát vọng của người Việt. Và chỉ khi vượt qua được đèo Hải Vân, có được Quảng Nam thì hành trình ấy mới thực sự mở ra một tiền đồ rộng lớn và có khả năng trở thành hiện thực.(3)
Xứ Quảng được hình thành trong tổng thể địa văn hóa miền Trung, dựa trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Champa rực rỡ. Tại mảnh đất mới này các bậc tiền bối đã khai phá những vùng đất hoang vu, san núi đồi hiểm trở, đào kênh mương khai thác nguồn nước thiên nhiên, ngăn đê đắp đập, dẫn thủy nhập điền cải tạo thành ruộng đất phì nhiêu chia cho dân làng canh tác. Từ hơn 400 mẫu đất được khai hoang, làng mạc được hình thành và danh xưng xã Trà Kiệu ra đời, lúc này thuộc huyện Hy Giang, phủ Thăng Hoa (nay là Huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Với công lao to lớn trong công cuộc dẹp loạn, khai công thác thổ, chiêu dân lập ấp nên 13 vị Tổ nói trên đã được Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613-1635) (miếu hiệu là Hy tông-Hiếu văn hoàng đế) truy phong tước Bá(4), tước thứ 3 trong phẩm trật Công, Hầu, Bá Tử, Nam. Cụ Lưu Kim Giám, Cao Tổ của tộc Lưu Văn - Trà Kiệu được phong Hàm Rồng bá.
“Ngài Lưu Kim Giám vững vàng
Tước Hàm Rồng bá trong hàng sắc phong”
(Diễn ca lịch sử Ngũ xã Trà Kiệu – Nguyễn Đức Có)
Vào năm 1568 Mạc Cảnh Huống (con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh) mang gia đình theo chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Năm 1617, ông được tấn phong chức “Nguyên huân sư Thống thủ Thống Thái phó” hay còn được gọi là “Thống binh Thái phó” và sau này còn được ban quyền mang họ của nhà Chúa là Nguyễn Phúc (đến thời Tây Sơn đổi thành Nguyễn Trường). Mạc Cảnh Huống trở thành Cao Tổ của tộc Nguyễn Trường.(5)
Theo sổ bộ lập từ thời Gia Long, dày đến 840 trang thì tổng diện tích ruộng đất khai khẩn được hơn 1.525 mẫu. Vào thời Khải Định, Trà Kiệu được coi là xã lớn nhất ở tỉnh Quảng Nam (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng).
Năm 1905, thời vua Thành Thái, đất rộng 2.000 mẫu, dân số đạt 4.000 người. Do vậy, chính quyền đã tách làm 5 xã cho dễ quản lý, gồm Trà Kiệu Trung, Trà Kiệu Đông, Trà Kiệu Tây, Trà Kiệu Thượng và Trà Kiệu Nam. Tuy vậy, các lễ cúng tế Tổ tiên vẫn giữ nguyên như lúc chưa chia cắt nên danh xưng Ngũ xã Trà Kiệu ra đời từ đó.
Năm 1925 vua Khải Định đã ban sắc phong “Trà Kiệu khai cơ tiền hiền” cho 13 vị tiền hiền đầu tiên, “Trà Kiệu thứ thế tiền hiền” cho 4 vị đến vào năm 1535, “Trà Kiệu hậu hiền” cho 13 vị đến vào năm 1578 và “Trà Kiệu Thượng hậu hiền” cho 5 vị Tổ là hậu duệ của các vị Khai cơ tiền hiền và 2 vị Tổ (tộc Lê Văn và Nguyễn Viết) từ miền Bắc đến vào năm 1661. Do công lao to lớn phò nhà Lê trung hưng như vậy nên các vị cũng được phong thần hiệu “Dực bảo Trung hưng linh phò tôn thần”.
Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu được xây dựng vào thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680), được xây lại vào năm 1955, tọa lạc trên một mảnh đất rộng lớn, mặt tiền nhìn về hướng đông bắc. Lối vào là một cổng chính, hai cánh cửa gắn vào hai trụ đá, xây theo kiểu cuốn thư, có đôi câu đối bằng chữ Hán:
“Trà địa phong quang, nhiễu hậu tào sơn chung tụ khí
Kiệu phong cảnh sắc, chiêm tiền sài thủy dẫn văn lang”.
Nối liền hai trụ cổng có một tấm biển khắc 4 chữ “Triệu tổ từ môn”, xung quanh chạm khắc công phu.
Bên trong nhà thờ có 5 bệ thờ: chính giữa là bàn thờ Hội đồng, tả hữu thờ các liệt tổ, các vị tiền bối và hiền triết chư tộc, hậu cung thờ 13 vị khai cơ tiền hiền, 1 vị khai quốc công thần Mạc Cảnh Huống - Thủy Tổ tộc Nguyễn Trường, 4 vị thứ thế tiền hiền, 13 vị hậu hiền và 7 vị hậu hiền của làng Trà Kiệu Thượng. Kim bảng bài vị ghi danh 69 vị Tổ của 63 tộc hiện sinh sống ở đây.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” các tộc họ ở Ngũ Xã Trà Kiệu thường xuyên chăm chút hương khói nhà thờ, giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu quê hương đất nước. Chúng ta càng hiểu thêm cuộc sống, tình cảm chân chất của những người con đất Quảng, mà từ xưa đã có câu ca:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm,
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say.
Bạn về, nằm nghĩ gác tay,
Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta”.
Là những người con họ Lưu, chúng ta thấy tự hào với truyền thống yêu nước thương nòi của các vị tiền bối các tộc Lưu đã cùng với các dòng họ khác đến đây khai hoang lập ấp trên mảnh đất Ngũ xã Trà Kiệu nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Chúng ta mong muốn các tộc Lưu trên mọi miền Tổ quốc đồng hành cùng với Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam tăng cường kết nối, xây dựng dòng họ Lưu Việt Nam đoàn kết, lớn mạnh với tâm nguyện “Hướng về cội nguồn, Kiến tạo tương lai”.
Trong Hội Đồng Lưu Tộc Việt Nam, tiêu biểu nhất là Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Cố vấn Hội đồng có mối quan hệ thân tình với Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ ở làng gốm Bát Tràng, Hà Nội, nơi thờ Thành hoàng làng là Thánh Cả Lưu Thiên Tử đại vương (tức Thái sư Lưu Cơ). Nghệ nhân Trần Độ hứa sẽ cung tiến vào Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu đôi chân đèn “Ngọc lục bảo” cao 1,8m, đường kính bầu 0,4m do chính ông chế tác theo mẫu và men thời Lê. Đôi chân đèn này sẽ được cung tiến vào thời điểm sớm nhất.

Đôi chân đèn Ngọc Lục bảo
HĐLT Việt Nam là trung tâm đoàn kết của Lưu Tộc Việt Nam, cũng đang vận động bà con Lưu tộc trong cả nước, phát tâm công đức cung tiến vào Nhà thờ 4 bộ đồ thờ gốm Bát Tràng men rạn cao cấp.
Bài viết này như một nén tâm nhang dâng lên các vị Tổ trong Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, đặc biệt là nơi Cao Tổ Lưu Kim Giám cùng 12 vị khai cơ tiền hiền đã có công phò vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, định cư ở Trà Kiệu 550 năm trước đây được thờ tự.
Quảng Nam là đất quê mình,
Núi đồi, sông biển rành rành từ lâu.
Thương yêu đùm bọc trước sau,
Cùng trong Đại Việt chung nhau cơ đồ”.
( Ca dao xứ Quảng )
Hà Nội, ngày 31.03.2020
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Minh Quốc “Người Quảng Nam”. NXB Trẻ tháng 11.2018
2. An Khang “Phát hiện thành cổ Vương quốc Chăm Pa xưa trong lòng đất”. Báo CAND ngày 10 tháng 3 năm 2013.
3. Lê Minh Quốc “Người Quảng Nam”. NXB Trẻ tháng 11.2018
4. Hội đồng chư tộc Ngũ Xã Trà Kiệu “Trà Kiệu xưa và nay, đặc san 4/2005”
5. Gia phả của dòng họ Nguyễn Trường ở Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên.
Bảng xếp hạng Di tích quốc gia năm 2005
Thắm tình đồng tộc tại nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã Trà Kiệu
Tấm biển khắc 4 chữ “Triệu tổ từ môn”.

Đoàn HĐLT Việt Nam và các đại diện Tộc Lưu Văn - Quảng Nam thăm nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu (7/2019)
Bia ký ở Lăng mộ Ngài Cao Tổ Lưu Kim Giám, được dựng vào năm Bảo Đại thứ 9

Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1925)
Lưu Ngọc Anh


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)