
Lưu Đình Long sinh năm 1985 tại Sơn Viên, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Anh tốt nghiệp ngành Báo chí, ĐH KHXH&NV TP.HCM, và hiện đang công tác tại Báo Giác Ngộ. Đồng thời, anh còn là CTV thường xuyên của các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ nữ TP.HCM…và phụ trách mục tư vấn tâm lý trên Tập san Áo Trắng (Báo Tuổi Trẻ).
Theo đánh giá của cây bút trẻ Tiểu Quyên, các bài viết trong tập sách là những góc nhìn, phân tích thấu đáo giúp cho người đọc có thể nhận diện rõ nhất những khoảnh khắc của chính mình, nhận ra được đâu là điều quý giá cần thiết giữ lại trong cuộc sống và cũng biết buông bỏ những gì chỉ mang đến thương tổn cho thân và tâm.
Thật vậy, mặc dù chỉ là những chiêm nghiệm ở độ tuổi 8x, nhưng tác giả Lưu Đình Long đã có những chia sẻ hết sức sâu sắc từ thực tế cuộc sống nhiều suy tư và sự am hiểu tường tận về Phật pháp.
Các chủ đề trong tập sách được phân chia theo giai đoạn cảm xúc của chính tác giả cũng như mỗi người trong chặng hành trình cuộc đời. Đó là “nhận diện chính mình”, “vượt qua thử thách”, “kiến tạo niềm vui”, “lắng nghe trái tim” và “hạnh phúc trong giáo pháp”.
Vì thế, khi đọc tập sách “Lắng nghe hơi thở”, những chia sẻ, chiêm nghiệm của người viết có thể được tìm thấy trong chính tâm hồn của người đọc, như một hành trình tìm về với tâm tưởng của bản thân; để nhận diện chính mình, kiến tạo niềm vui, học cách buông bỏ và gọi tên hạnh phúc.
“Tôi thấy được cả cái trung dung và tình thương trong từng bài viết của tác giả, để mỗi lần đọc là một lần làm tâm hồn mình rộng mở thêm ra…” – chị Nguyễn Thị Trang, giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chia sẻ.
Tập sách “Lắng nghe hơi thở” thuộc Tủ sách Tuổi Trẻ – Nhà xuất bản Trẻ có thể tìm thấy tại hệ thống các nhà sách: Nhân văn, Văn Lang, Văn Thành; phòng phát hành các báo Giác Ngộ, Tuổi Trẻ…
Lắng nghe hơi thở….cùng Lưu Đình LongHơi thở, ai cũng có để sống. Nhưng sống bởi một hơi thở thiếu ý thức, ta sẽ sống thiếu trọn vẹn vì ta không xúc chạm được với hiện tại, với sự an tĩnh trong tâm hồn…
Sự an tĩnh trong tâm hồn mới là hạnh phúc vững bền, bởi nó giúp chính mình vượt thoát khổ đau, nhận diện được đầy đủ cuộc sống như là chính nó. Phải hiểu cuộc sống, hiểu chính mình thì mới yêu thương đúng đắn. Đó là tuệ giác được chế tác bằng hơi thở, bằng sự lắng nghe hơi thở…
Bìa tập sách “Lắng nghe hơi thở”