Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 30/7/2014
E-mail     Bản in

Lưu Chí Hiếu - Người Cộng sản kiên cường, bất khuất
Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu (1923-1961), quê làng Hương Cát, nay là Tổ Dân phố Bắc Hoà, Thị trấn Cát Thành, Huyện Trực Ninh, Tỉnh Nam Định.
 

Cha mẹ ông mất sớm từ nhỏ, Lưu Chí Hiếu được người chú nuôi dưỡng, cho đi học tại trường làng, được thầy giáo truyền cho tinh thần yêu nước. Do giác ngộ tinh thần cách mạng, nên Lưu Chí Hiếu sớm được gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội của huyện và được giao nhiệm vụ liên lạc, in tài liệu, rải truyền đơn. Sau một thời gian gián đoạn, cuối năm 1934, Lưu Chí Hiếu tìm cách liên lạc với cách mạng để thành lập tổ chức “Thanh niên dân chủ” đưa phong trào đấu tranh của nhân dân làng Hương Cát đi lên.

Năm 1942, phong trào bị địch đàn áp dã man, ông được cấp trên chỉ đạo bí mật sơ tán lên Hà Nội, sau đó ra Hải Phòng và một thời gian sau vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại đây, Lưu Chí Hiếu tham gia phong trào “Thanh niên tiền phong giành chính quyền Sài Gòn - Gia Định”, gia nhập Tiểu đoàn Quyết tử, sau này là Đại đội 3824. Ông được kết nạp Đảng năm 1949.

Sau ngày đình chiến, ông được bố trí làm cán bộ tổ chức của Quận uỷ Quận I, Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định. Ngày 3-7-1955, ông bị bắt khi đang chỉ đạo cuộc biểu tình của nghiệp đoàn thợ giày do Uỷ ban Cứu trợ - bảo vệ tài sản dân chúng thành phố phát động và bị giam tại đề lao Gia Định (Biên Hoà) cùng 4 người khác với tội danh “chỉ huy đám biểu tình”. Sau này địch chuyển ông về giam tại Trung tâm huấn chính Biên Hoà, là một trong số 305 tù nhân “nguy hiểm” ở các nhà lao trên toàn miền Nam bị đày ra Côn Đảo.

Tại Nhà tù Côn Đảo, Lưu Chí Hiếu bị giam ở phòng số 6, trại I. Đây là trại giam dành cho những đối tượng “to gan”, “lớn mật” chống ly khai Đảng, là ngọn cờ của phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Lưu Chí Hiếu cũng như nhiều tù chính trị chống ly khai đã phải trải qua đủ mọi loại cực hình của nơi “địa ngục trần gian” này. Ông và những người tù khác bị kẻ địch giam giữ trong điều kiện tồi tệ, khoảng 300 người chỉ trong một phòng rộng 100 m2, đóng chặt cửa, bịt lỗ thông hơi khống chế hơi thở của người tù, và không được đổ thùng cầu để phòng giam ngập mùi xú uế. Những người tù thường xuyên bị đánh đập truy bức dã man. Tuy nhiên, ở trong tù được tiếp xúc với nhiều cán bộ cách mạng giàu kinh nghiệm, Lưu Chí Hiếu càng hiểu thêm về lý luận, quan điểm, phương châm, phương pháp đấu tranh, rèn luyện tinh thần chiến đấu kiên cường.

Trong thời gian từ năm 1957-1960 bị địch đày ải, truy bức, trong số 4.080 tù chính trị bị giam tại Côn Đảo đã có gần 500 người ngã xuống, hàng ngàn người khác không chịu nổi tra tấn khốc liệt của kẻ thù. Tháng 4-1960, chính quyền Sài Gòn lại tổ chức đàn áp lực lượng tù chính trị chống ly khai ở Trại I. Sau 3 ngày đêm chống trả với các thủ đoạn của kẻ thù, Lưu Chí Hiếu chấp nhận cái chết để giữ vẹn toàn khí tiết, bảo vệ lý tưởng Cộng sản, bảo vệ tư tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã khai sáng.

Trước cái chết, Lưu Chí Hiếu vẫn giữ vững lập trường và nói với mọi người: “Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu chúng ta có hy sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác Hồ. Không thể ly khai Đảng. Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Ly khai là cướp không xương máu của những người đã hy sinh”.

Trong bản cam kết, ông đã viết: “Tôi là Lê Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai”. Lưu Chí Hiếu là người chống ly khai Đảng đến cùng và hy sinh anh dũng tại “Chuồng Cọp” ở Nhà tù Côn Đảo đêm ngày 24-12-1961 sau những đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Cái chết của ông đã chặn đứng đợt khủng bố của địch khiến chúng phải thừa nhận “vũ lực không thể thắng được trái tim người Cộng sản”.

Toàn thể tù nhân chính trị Côn Đảo tôn vinh tấm gương hy sinh của Lưu Chí Hiếu đã nêu cao khí tiết cho những người tù chính trị, từ đó củng cố đội ngũ, thống nhất tư tưởng và hành động để thành lập tổ chức Đảng. Ngày 3-2-1972, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã chính thức ra đời ở trại VI khu B trong Nhà tù Côn Đảo, là nòng cốt của Đảo Ủy Lâm thời Côn Đảo trong cuộc nổi dậy đêm 30, rạng ngày 01-5-1975.

Về tấm gương hy sinh anh dũng của Lưu Chí Hiếu, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã nhận xét: “Đó là những người anh hùng thực sự, hàng trăm lần anh hùng”. Ghi nhớ công lao của Liệt sĩ Lưu Chí Hiếu, năm 2010, Nhà nước đã truy tặng Liệt sĩ Lưu Chí Hiếu danh hiệu “Anh hùng LLVTND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, bia mộ ông được khắc đậm dòng chữ “Quyết không ly khai” thể hiện ý chí bất khuất trước kẻ thù. Còn tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, Thị trấn Cát Thành quê hương ông đều có những con đường mang tên ông để tưởng nhớ người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất.    

Tiếp tục thực hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Trực Ninh, Huyện uỷ, UBND huyện Trực Ninh, Ban liên lạc Hội Cựu tù chính trị Côn Đảo đã phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp chung tay xây dựng Nhà lưu niệm Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu tại Tổ Dân phố Bắc Hoà, Thị trấn Cát Thành.

Nhà lưu niệm được xây trong khuôn viên trên 900m2, gồm nhiều hạng mục: Nhà thờ họ, nhà khách, Nhà lưu niệm, ao, tường bao, hệ thống đường giao thông, trong đó công trình Nhà lưu niệm có diện tích hơn 50m2 được xây dựng trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình liệt sĩ Lưu Chí Hiếu. Tổng trị giá công trình khoảng 5 tỷ đồng. Xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, từ tháng 5-2014, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tấm gương Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu, đồng thời phát động mỗi cán bộ, công chức từ huyện đến các xã, thị trấn, cán bộ hưu trí, các đoàn thể chính trị xã hội, nhân dân ủng hộ kinh phí xây dựng công trình.

Ngày 21-7-2014, UBND huyện Trực Ninh đã chính thức khởi công xây dựng công trình Nhà lưu niệm. Đây sẽ là địa chỉ cách mạng, một di tích lịch sử, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

Theo THANH NGỌC (Nam Định Online)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)