Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 30/12/2011
E-mail     Bản in

Sống chậm
Đó là một lời đề nghị dành cho giới trẻ thời nhịp sống số ! Lời đề nghị này là của những người lớn, của những nhà khoa học và của những người hoạt động tôn giáo khi thấy người trẻ thời @ bị cuốn vào vòng xoáy của những lao chen đến mệt nhọc.

Từ stress được người trẻ dùng cho mình và những người xung quanh ngày càng nhiều để minh chứng cho một hệ quả xấu của nhịp sống hiện đại, khi mà những giá trị vật chất được nhiều người cổ súy, tôn vinh và thước đo của thành công được định lượng bằng việc anh có bao nhiêu bằng cấp, đi xe hiệu gì, dùng sản phẩm thời trang, mỹ phẩm của hãng nào?

Chính vì thước đo ấy phổ cập quá mức, đề cao quá mức (giở báo mỗi ngày ra sẽ thấy) nên người trẻ đã định hình một cách nghĩ: thành công là khi bạn tạo ra những giá trị vất chất nhiều hay ít.

Tất nhiên, xã hội phát triển cần có định lượng cụ thể về những giá trị vật chất nhưng định giá cho những sản phẩm ấy được tạo ra bằng phương cách gì, nó có thực sự mang lại hạnh phúc cho con người thì gần như người ta ít nói, ít cân đo! Vì vậy mà người trẻ phải “chạy” để khẳng định bản thân bằng cách đếm những thành tích, còn con đường đi đến mục đích ấy thì không cần biết.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy một người trẻ rất thành đạt nhưng trông họ có vẻ bất an. Nhất là ở những thành phố lớn như TP.HCM thì hình ảnh ấy càng dễ thấy. Điện thoại di động xài hai ba cái, laptop lúc nào cũng sáng với nick name luôn sẵn sàng cho những cuộc trò chuyện xuyên biên giới.

Ngay cả khi đi ngủ nhiều bạn trẻ cũng để điện thoại “trực chiến” trên đầu giường… Họ không một phút bình yên, luôn chuẩn bị chiến đấu cho những dự án, những cuộc đua để khẳng định bản thân.

Thương hiệu của người trẻ là năng động nhưng mặt trái của nó lại là những bất an tiềm ẩn. Anh bạn tôi đi công tác dài ngày tại một vùng núi, sóng điện thoại chập chờn, internet không có… điều đó đã làm anh “muốn phát điên lên”. Dùng lại từ ngữ biểu thị trạng thái của anh bạn ấy để thấy rằng khi bạn chạy quá nhanh, khi chúng ta để mình lệ thuộc vào những phương tiện hiện đại quá nhiều thì nội tâm của chúng ta sẽ rất yếu ớt.

Câu nói đầy bực bội của anh bạn khi sống trong môi trường thiếu tiện nghi kia đã nói lên một sự thật là khi sống vội thì đến lúc cần dừng lại nghỉ ngơi hoặc bắt buộc phải ngơi nghỉ, lùi lại thì hệ quả là sự đau khổ xuất hiện. Chính vì vậy mà những nhà khoa học hay những người hoạt động tôn giáo muốn tìm kiếm hạnh phúc cho con người đã đề xuất một phương án để giảm thiểu và trị liệu những thương tổn xảy ra do sống gấp của giới trẻ là sống chậm. Mỗi ngày dừng lại một đôi phút để “thở và mỉm cười”, quay về với hơi thở để nhận diện mình đang sống ở hiện tại – đó là phương pháp hãm phanh.

Hoặc có thể ngồi bên tách trà, nghe những bài nhạc thiền, nhạc trà, Trịnh với những triết lý: sống là cho, là chia sẻ, là nhận ra mình “ở trọ trần gian” để không hờ hững với mình và người.

Một trong những gạch đầu dòng ấy là đến với những hoạt động tâm linh của đạo Bụt. Các bạn trẻ vì quá mệt mỏi đã tìm đến chùa chiền, nghe pháp thoại, cùng nhau pháp đàm và tham gia các hoạt động từ thiện trong tinh thần hiểu và thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội…

Cổ đức dạy về việc làm người rằng “tu thân, tềgia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chúng ta không đưa nó vào góc nhìn Nho giáo mà đưa về “đôi mắt” Phật giáo với cái nhìn nhân bản: tự độ, độ tha. Các bạn trẻ muốn thay đổi cuộc sống, khẳng định bản thân nhưng chưa biết mình là ai, mình đang làm gì ở hiện tại thì làm sao có thể đạt được những mục tiêu lớn lao khác?

Đương nhiên, khi sống gấp chúng ta sẽ không kiểm soát được bản thân và chính vì vậy chúng ta cũng sẽ không kiểm soát được hành vi của mình và người khác. Thế thì, cái giá trị của sự thành công mà bạn trẻ đang nghĩ, đang dùng để định lượng là những giá trị vật chất để rồi lao đi tìm kiếm, nắm bắt kia cần phải được điều chỉnh, nhìn lại để bên cạnh đó chúng ta phải quay về với tự thân, tu thân…

Cảm ơn lời đề nghị của những người lớn đã kịp thời điểm chuông cho giới trẻ dừng lại thở và cười chánh niệm.
 



Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)