Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 30/11/2012
E-mail     Bản in

’Oan’ cho Lưu Trọng Lư !
(Đất Việt) Mảng tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư tưởng như đã ngủ quên vì một nhận xét đầy định kiến, nay đã được “minh oan” là rất phong phú và giàu giá trị…

Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư (1911 - 2011) tổ chức sáng 15/6 tại Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có những công bố gây bất ngờ cho giới văn nghệ và công chúng.

Vũ Ngọc Phan “dìm” Lưu Trọng Lư?

Ông Lại Nguyên Ân khẳng định, tác giả họ Lưu có số lượng tác phẩm văn xuôi tự sự khá phong phú, dưới dạng tác phẩm in sách hoặc tác phẩm đăng báo. 

Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận định cách đây gần 60 năm của Vũ Ngọc Phan trong cuốn sách Nhà văn hiện đại (1942). Theo đó, về thơ, Lưu Trọng Lư là “một thi sĩ có biệt tài”, nhưng về văn xuôi tự sự, Lưu Trọng Lư lại là “một nhà tiểu thuyết rất tầm thường”! Có lẽ, chính vì phát biểu này của một người được coi là “cây đa cây đề” trong làng phê bình nên quan niệm Lưu Trọng Lư không viết được tiểu thuyết đã “đóng đinh” trong suy nghĩ của đồng nghiệp, giới nghiên cứu và độc giả.

 Chân dung Lưu Trọng Lư.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết: “Ngay đầu những năm 1960 tại miền Nam, khi viết bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ, ở đoạn đề cập những tiểu thuyết gia viết cho nhà xuất bản Tân Dân, đã hầu như hoàn toàn tin cậy sử dụng lại nhận định nói trên của Vũ Ngọc Phan về nhà tiểu thuyết Lưu Trọng Lư”. Và hàng chục năm sau này, cái tên Lưu Trọng Lưu vẫn bị xem thường ở mảng tiểu thuyết.

Gia tài tiểu thuyết

Chị Lưu Ý Nhi, con gái của nhà thơ Lưu Trọng Lư cho biết, gia đình từ lâu đã có ý tưởng tập hợp lại các tác phẩm văn xuôi của cha và nghĩ là có lẽ cũng không nhiều. Nhưng khi các nhà nghiên cứu, sưu tầm bắt tay vào việc, càng làm càng thấy: hóa ra gia tài tiểu thuyết, tự sự của ông vô cùng đa dạng.

Chị kể, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã có quá trình làm việc rất nghiêm túc và cẩn trọng. Ông được một thành viên của CLB những người yêu sách báo cũ TP HCM trợ giúp sưu tầm từ các thư viện lớn ở Hà Nội, TP HCM và từ sách báo cũ. Từ những bản chụp lại rất mờ, thiếu, ông lọ mọ đánh máy lại. Có lúc bản thảo thiếu hàng chục, hàng trăm trang, chẳng hạn truyện Nàng công chúa Huế đang đến đoạn cao trào thì mất trang, còn mỗi trang cuối nhưng rồi sau đó ông cũng tìm được phần còn lại. Với sự giúp đỡ của ông Đoàn Tử Huyến, bộ sách Lưu Trọng Lư -  Tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết trọn bộ hai tập với 1.450 trang đã ra đời.

Tác phẩm vừa được xuất bản nhân dịp 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của tác giả Lưu Trọng Lư.

Nhà nghiên cứu cho biết, Lưu Trọng Lư gọi các sáng tác văn xuôi tự sự của mình là tiểu thuyết dù đó có thể là truyện ngắn, truyện dài, truyện vừa… và triển khai chúng trong khá nhiều kiểu tác phẩm. Trong số các giá trị của tiểu thuyết Lưu Trọng Lư, nổi bật lên là khả năng cảm nhận và biểu hiện đời sống đương thời, điều mà ở giai đoạn đó người ta chưa thấy rõ. Ông Lại Nguyên Ân đánh giá điều này “có lẽ còn rõ rệt hơn thậm chí so với không ít tác phẩm của các tác gia trong Tự Lực văn đoàn, hoặc so với một vài đàn anh trong số những người cùng cộng tác với NXB Tân Dân như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố - những người lớn tuổi hơn Lưu Trọng Lư nên khó có thể có được cảm nhận tinh nhạy về đời sống của những lớp người trẻ trung đương thời”.

Chị Lưu Ý Nhi tiết lộ, một phần quan trọng nữa của Lưu Trọng Lư là mảng bút chiến văn nghệ cũng đang được gia đình và các nhà nghiên cứu sưu tầm và sẽ cho ra mắt trong thời gian tới.
 
Theo Lê Thoa