Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 30/11/2012
E-mail     Bản in

Khẳng định và tiếp tục khám phá Lưu Trọng Lư
Lưu Trọng Lư - một trong những người tiên phong trong phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) - từng là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hoá nghệ thuật năm 2000...
Khám phá một Lưu Trọng Lư - nhà văn…

Hai bộ sách khá đồ sộ, in ấn đẹp, công phu cùng ra mắt bạn đọc trong thời điểm này là  “Lưu Trọng Lư - tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết”  (trọn bộ 2 tập - NXB Lao Động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây) dày tổng cộng 1.450 trang  do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Hoàng Minh sưu tầm, biên soạn và cuốn “Bài ca tự tình” (NXB Hội Nhà văn) tuyển chọn những bài thơ chưa từng công bố của Lưu Trọng Lư.

Đây có thể coi là một phần di sản của nhà thơ Lưu Trọng Lư và theo nhóm biên soạn đó là “sưu tập với số lượng lớn những tác phẩm lớn đã hầu như bị quên lãng kể từ sau lần công bố đầu tiên, cách đây 60 - 70 năm...” và “có thể làm phong phú hơn những hiểu biết về Lưu Trọng Lư, không chỉ như nhà thơ, nhà viết kịch và hoạt động sân khấu, mà còn như một tiểu thuyết gia”.

Theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân, thì vai trò, vị trí của Lưu Trọng Lư như một người viết truyện chưa được đánh giá đúng mức,  trải qua quá trình thăng trầm, từ chỗ được đánh giá cao đến chỗ dần bị coi nhẹ. Chủ bút Phan Khôi (tuần san “Phụ nữ thời đàm” ở HN) từng cho rằng, tập “Người sơn nhân” (Hoài Thanh chủ biên, Lưu Trọng Lư  sáng tác trong tập này với 3 truyện ngắn, 15 bài thơ mới, 1 tiểu luận) và “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng là hai tác phẩm văn học khá nhất trong năm 1933. 

Hay nhà phê bình Trương Tửu từng đánh giá cao các truyện “Người sơn nhân”, “Ly Tao tuyệt vọng”, “Tiếng địch trong rừng sim”... với lối tả cảnh mới mẻ nhất có tính cách thần bí ở thời điểm đó. Nhưng sau vị trí  Lưu Trọng Lư bị hạ thấp. Có nhà phê bình nổi tiếng đánh giá ông là “một nhà tiểu thuyết rất tầm thường”- một sự bất công như  Lại Nguyên Ân nhận định.

Khi làm tập sách này, Lại Nguyên Ân đã cùng Hoàng Minh - một người bạn ở CLB Những người yêu sách báo cũ ở TPHCM tiến hành sưu tầm ở các thư viện lớn trong nước và của những người chơi sách báo cũ, dù chưa thể tìm hết, vẫn có thể khẳng định Lưu Trọng Lư có số lượng tác phẩm văn xuôi tự sự khá phong phú... Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cũng dành nhiều trang viết để phân tích tác phẩm văn xuôi của Lưu Trọng Lư.

…đến “Bài ca tự tình”

Tập thơ “Bài ca tự tình” (NXB Hội Nhà văn) tuyển chọn những bài thơ chưa từng công bố của Lưu Trọng Lư. Sách dày 350 trang với 124 bài thơ được  chia làm  nhiều phần: “Tự sự... đời”, “Những vấn vương”, “Cánh hoa bay”, “Tự sự... bạn”, “Tự sự... tình”...  kết hợp hiện thực và lãng mạn, hiện thực và ẩn dụ và rất mới.  Như “Tư duy mới là tư duy hành động / Một lời nói: Một cây trồng”, hay “Không phải áo nát từ trong rương / Lấy ra vá chằng vá chịt/ Phải “mới” từ trong máu thịt / Đổi mới cả tâm hồn / Làm nên chất mới / Càng gần dân càng mới / Càng gần quy luật càng mới muôn đời... (thơ rút từ ghi chép: 1982-1986).

Có những câu mang chất triết lý, có câu lại thấm đẫm những trải nghiệm.

Và có những bài mang tính chính luận nêu rõ, nhắc nhở trách nhiệm những “nô bộc của dân” như “Chiếc ghế”,  “Tự tình thấu xương”, “Ngơ ngác dân”...

Các nhà nghiên cứu đã và sẽ tiếp tục khám phá những vẻ đẹp trong thơ của nhà thơ “con nai vàng ngơ ngác”.

Văn là người - 4 câu thơ sau của Lưu Trọng Lư bộc lộ rõ tâm hồn ông, nhân sinh quan của ông: “Đi giữa vườn Nhân dạ ngẩn ngơ / Vì thương người lắm mới say thơ /... Đi trong trời đất từ duyên ấy / Sớm tối không rời một chữ “thương”.

Nó khẳng định lại câu nói mạnh mẽ của ông: “Ta thà bị lừa còn hơn không tin vào con người”.

 

Theo Việt Văn