Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 30/10/2012
E-mail     Bản in

Biển Đông,Thái Bình Dương và Việt Nam - Lưu Văn Lợi
Giới thiệu bài tham luận của Ông Lưu Văn Lợi nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trong buổi tọa đàm lần thứ nhất ( Hà Nội 3/2009 )

Ngay từ khi mới là nước Văn Lang, Việt Nam đã là nước ven bờ biển Đông và Thái Bình Dương. Biển Đông là một biển rìa của Thái Bình Dương rộng 3.444.000 km2. Biển Đông nằm giữa các nước Đông Nam Á: Việt Nam, Trung Quốc, Philippine, Bruney, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Nó thông với biển Hoa Đông ở phía Bắc, biển Sulu ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Nam và Tây Nam. Với vị trí đó, nó năm trên con đường ở Đông Bắc Á xuống phía Nam để đi Châu đại dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải. Với diện tích đó, nó rộng hơn tất cả các biển kín hay nửa kín trên thế giới.
 

Về vị trí địa lý cũng như về tài nguyên, Biển Đông năm trong một khu vực chiến lược ở châu Á, từ lâu là một địa bàn tranh chấp giữa các nước lớn. Thế kỷ XVII là cuộc tranh giành giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, thế kỷ XIX là cuộc tranh giành giữa Anh và Pháp. Thế kỷ XX, trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm Đông Dương, Philippine, Malaysia, Thái Lan, đảo Hải Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Hiện nay Trung Quốc đang tính tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông để tiến đến khả năng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, Biển Đông là con đường huyết mạch đi châu Âu, châu Phi của Nhật Bản. Mỹ đã rút lui khỏi Philippine nhưng còn yêu cầu bảo đảm con đường hàng hải Biển Đông là con đường quốc tế, không bị nước nào chiếm.

Các nước khác có yêu cầu qua lại Biển Đông cũng muốn Biển Đông mãi mãi là con đường quốc tế. Vụ va chạm vừa qua giữa Hoa kỳ và Trung Quốc do tàu khảo sát của Hoa Kỳ trong Biển Đông là con đường quốc tế, không bị nước nào chiếm. Các nước khác có yêu cầu qua lại Biển Đông cũng muốn Biển Đông mãi mãi là con đường quốc tế. Vụ va chạm vừa qua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc do tàu khảo sát của Hoa Kỳ trong Biển Đông báo hiệu quan tâm của cả hai nước đối với Biển Đông.

 

Biển Đông còn được quan tâm vì tài nguyên. Biển Đông với sự phong phú của các tài nguyên sinh vật là ngư trường lý tưởng của các nước ven bờ. Tài nguyên khoáng sản còn phong phú hơn nhiều. Hiện nay Philippin đang khai thác dầu mỏ ở khu vực Bãi cỏ rong (Reed Bank). Brunei có trữ lượng dầu mỏ quan trọng. Đảo Natuna có 1 túi khí vào loại lớn nhất thế giới. Tây Nam đảo Hải Nam có mỏ khí. Việt Nam đang khai thác các mỏ dầu Bạch hổ, Rồng, Đại hùng. Và ta đã thu được hơn hai triệu tấn dầu thô. Về hải sản ta có thể đạt một triệu tấn/năm.
 

Nói đến Biển Đông là nói đến Thái Bình Dương. Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất hành tinh, rộng 168 triệu km vuông, so với Đại Tây Dương chỉ rộng 105 triệu km vuông, Ấn Độ Dương rộng 75  triệu km vuông, Bắc Băng Dương rộng 14 triệu km vuông, tất cả các châu lục cộng lại chỉ rộng 149 triệu km vuông. Độ sâu trung bình là 4300 mét nhưng có những vực sâu nhất thế giới: vực Philippine 10.500 mét, vực Tonga 10.880 mét, vực Guam 11.034 mét.
 

Kích thước của Thái Bình Dương cũng ghê gớm: Theo trục Đông Tây, từ Philippin sang kênh đào Panama 17.000 km, theo trục Bắc Nam từ Tokyo xuống Sydney 8.000 km. Thái Bình Dương nằm giữa hai châu lục lớn nhất là châu Á và châu Mỹ với những quốc gia cực lớn như Trung Quốc, Nga, Canada, Hoa Kỳ. 

Khu vực châu Á Thái Bình Dương là cái nôi của những nền văn minh rất cổ như Trung Quốc, văn minh tiền Colomb ở châu Mỹ như Inca, Azơtếch. Về địa lý, Thái Bình Dương có đặc điểm là tất cả các đảo, bán đảo, quần đảo chủ yếu tập trung ở bờ châu Á, còn bờ phía Mỹ hầu như không có đảo, khoảng giữa có một số quần đảo nhỏ và một số đảo nhỏ.

 

Lịch sử Thái Bình Dương từ sau khi Colomb phát hiện ra châu Mỹ, nhất là từ sau chuyến đi vòng trái đất của Magellan, là lịch sử tranh chiếm đất, giành ưu thế giữa các nước châu Âu, châu Mỹ. Từ đây bắt đầu cuộc giành giật ưu thế trong Thái Bình Dương. Cuối thế kỷ XVI Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha ký hiệp ước Saragosse chia nhau Thái Bình Dương như họ đã chia nhau Đại Tây Dương cuối thế kỷ XV. Đầu thế kỷ XVII người Bồ Đào Nha bị người Hà Lan thay thế ở Java Thế kỷ XVIII người Tây Ban Nha chiếm ưu thế ở Mỹ và còn thám hiểm vùng Alaska, Pháp có nhiều cuộc thám hiểm Thái Bình Dương, Anh thiết lập được một căn cứ ở Penang (bán đảo Malacca) để đổi lấy Singapore đầu thế kỷ XIX để giành quyền kiểm soát eo biển Malacca. Thế kỷ XIX hải quân Anh chiếm ưu thế trên Thái Bình Dương và thiết lập thời kỳ PAX BRITANICA.

Thế kỷ XIX có nhiều thay đổi, Nga tiến vào Mãn Châu, Pháp chiếm Đông Dương, Nhật Bản, sau khi thắng Trung Quốc chiếm Đài Loan, Banh Hồ và đặt chế độ bảo hộ ở Triều Tiên, đánh thắng Hạm đội Nga, nổi lên là cường quốc hải quân, Mỹ chiếm được Philippin. Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Hoa Kỳ và Nhật Bản trở nên mạnh nhất về hải quân ở Thái Bình Dương. Sau khi thắng cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Mỹ lập nên PAX AMERICA. Hiện nay Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng hải quân viễn dương không phải không có ý đồ tiến đến PAX CHINA. Trong một hai thập kỷ tới, cuộc tranh giành ưu thế và tài nguyên trong Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp diễn quyết liệt.

 

Từ thế kỷ XX, nhiều học giả đã tiên đoán tương lai của Thái Bình Dương. Nhà địa lý Pháp Albert Demangeon đã viết: Sự phồn vinh của châu Âu già cỗi sẽ dần tan rã và trọng tâm của thế giới xa dần châu Âu: sự chuyển dịch ảnh hưởng đó tương ứng với sự chuyển dịch những đường hàng hải lớn và sự lên ngôi của Thái Bình Dương là đường thương mại phổ quát.

Từ năm 1924 Karl Haushorfer; nhà địa lý chính trị nổi tiếng của Đức, khi xuất bản cuốn Địa lý chính trị của Thái Bình Dương đã báo sự chuyển dịch của nền thương mại thế giới về Thái Bình Dương. Và sự quy tụ (la convergence) lịch sử ngàn năm và cực kỳ phong phú của Viễn Đông và lịch sử: của không gian sinh tồn lớn mà chúng ta hướng tới. Từ lịch sử Viễn Đông chúng ta chuyển tới lịch sử Đại – Thái Bình Dương (l’histoire Pan – Pacifique).
 

Chúng ta vui mừng là tất cả các nước châu Á Thái Bình Dương hiện nay đều tham gia Tổ chức APEC và đang hợp tác để khu vực châu Á Thái Bình Dương trở thành khu vực hòa bình, hợp tác và phồn vinh.

Tuy vậy vấn đề lớn trước mắt là vấn đề Biển Đông mà cột lõi nhạy cảm là hai quần đào Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratley). Đây là một vấn đề hết sức phức tạp. Khởi đầu cả hai quần đảo đều là đất vô chủ (rés nullíus) chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Nhà nước Việt Nam (các chúa Nguyễn) lập một tổ chức tên là Đội Hoàng sa có nhiệm vụ đi chiếm hữu và quản lý Hoàng Sa khi đó gọi là Bãi Cát vàng. Sau khi danh nghĩa chủ quyền đã rõ ràng Bãi cát vàng được nhập vào lãnh thổ Đại Việt, phủ Quảng nghĩa.
Từ đó triều đình liên tiếp cử các đoàn ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, nghiên cứu địa hình, cắm mốc, dựng bia. Năm 1938, khi Việt Nam đã thuộc Pháp, dựng bia chủ quyền vớ dòng chữ: Cộng hòa Pháp Vương quốc Việt Nam quần đảo Paracels đảo Hoàng Sa (Patle). Tháng 3 năm 1938, hoàng đế Bảo đại quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

 

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là rõ ràng và Việt Nam đã liên tục thực hiện chủ quyền do trong hàng mấy trăm năm không gặp sự phản đối nào của Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á. Nhưng từ 1909 Trung Quốc bầy ra màn kịch cho ba chiếc tàu nhỏ của hải quân Trung Quốc ra Hoàng Sa để vin vào đó đòi có quyền với quần đảo Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa. Để từ đó tiến lên dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng hai cuộc tấn công: năm 1956 và năm 1974. Năm 1988, sau khi khiêu khích quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng hải quân Trung Quốc đã chiếm 8 đảo và bãi trong quần đảo Trường Sa.
 

Năm 1992 công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOC) ký thỏa thuận cho phép công ty Mỹ Créstone thăm dò khu vực Vạn An Bắc thực tế là khu vực Tư chính của Việt Nam. Đây là sự vi phạm trắng trợn các quyền của Việt Nam về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
 

Quốc gia thứ hai đòi quần đảo Trường Sa (Spratley) là của họ là Philippin. Theo hiệp ước Tây Ban Nha ký với Hoa Kỳ năm 1998, biên giới Tây của Philippin là kinh tuyến 110 độ Đông không bao gồm đảo nào của quần đảo Trường Sa (đề nghị kiểm tra con số 110). Năm 1978, Philippin công bố thành lập khu Kaalayan (Tự do) bao gồm tất cả các đảo của của quần đảo Trường Sa (Spratley) trừ đảo Trường Sa (Spratley) của Việt Nam. Mới đây Thượng Hạ viện Philippin đã thông qua danh sách các đảo của Philippin trong đó có những đảo của Việt Nam. Ngoài Philippin ra còn Malaysia. Malaysia đang chiếm 4 đảo, bãi của quần đảo Trường Sa: đã Hoa lau, đá Kẹo Ngựa, đá Saclooits, Đá Lucia.
 

Tình hình hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cực kỳ phức tạp, có lẽ còn phức tạp hơn nhiều vấn đề Malvinas. Vì chiến lược hải quân viễn dương và chính sách độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc không dễ bỏ Tây Sa, các nước Malaysia, Philippin không dễ bỏ quyền lợi trong Biển Đông. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta phải tính đến cả lợi ích của nước lớn, nước nhỏ, kể cả các nước khác cũng chống mọi ý đồ độc chiếm Biển Đông. Có thể thấy trước đó là bộ phận của cuộc đấu tranh giữa các nước lớn thế giới đa cực. Muốn có hiệu quả cuộc đấu tranh đó phải dân tộc hóa, phải quốc tế hóa, không thể lững lờ như hiện nay.
 

Lúc này hơn lúc nào khác là lúc thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước.

 
Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)