Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 30/10/2012
E-mail     Bản in

Ký ức về Hội nghị Paris của một nhân chứng lịch sử
Trò chuyện với VnExpress, ông Lưu Văn Lợi, thư ký riêng của cố vấn Lê Đức Thọ, đã hồi tưởng về những kỷ niệm liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt này.
Click để xem ảnh lớn hơn
Ông Lưu Văn Lợi trao đổi với VnExpress.Ảnh: Xuân Thu

Con đường đưa ông Lưu Văn Lợi đến Hội nghị Paris rất tình cờ. Ngày 2/6/1968, cố vấn Lê Đức Thọ dừng chân ở Matxcơva trên đường đi Pháp tham gia đàm phán với đoàn Mỹ. Ông muốn nghe những tin tức mới nhất xung quanh Hội nghị Paris cũng như dư luận thế giới về sự kiện này. Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Thọ Chân đã giao cho Lưu Văn Lợi, lúc đó là tùy viên văn hóa - báo chí của đại sứ quán, soạn tin cho ông. Sau đó, ông Lợi còn đảm nhiệm luôn nhiệm vụ phiên dịch cho cố vấn Lê Đức Thọ trong hội đàm với một lãnh đạo cao cấp của Matxcơva tại tòa biệt thự trên đồi Lênin.

Click ảnh để xem lớn hơn
Ông Lưu Văn Lợi (đứng thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ (người ngồi thứ hai từ trái sang) tại Paris.

Sau bữa cơm tối, bất ngờ cố vấn Lê Đức Thọ gọi ông Lợi tới thông báo: “Cậu thu xếp mai đi với tôi sang Paris. Tôi cần người thạo ngoại giao, ngoại ngữ cùng tôi tới đó”. Từ đó, ông Lưu Văn Lợi bắt đầu phục vụ trong văn phòng của cố vấn Lê Đức Thọ cho tới tháng 10/1989.

Ông Lợi đã may mắn có thời gian gắn bó lâu dài với "anh Sáu Thọ" (tên gọi thân mật mọi người dành cho vị cố vấn đặc biệt) và chứng kiến nhiều sự kiện tại Hội nghị Paris. Người trợ lý năm xưa vẫn xúc động khi mỗi lần nhắc đến vị thủ trưởng đã khuất của mình. Theo ông, cố vấn Lê Đức Thọ là người "lúc nào cũng trăn trở với công việc". Mặc dù chưa từng qua trường lớp nào về ngoại giao nhưng cố vấn được đánh giá là một nhà thương thuyết cỡ lớn. Một nhà ngoại giao có trong tay mấy bằng tiến sĩ, từng kinh qua nhiều cuộc thương thảo tầm cỡ như ông Kissinger cũng không thể nào lật ngược được thế cờ trên bàn đàm phán, hay bẻ gãy được lập luận của ông Lê Đức Thọ - "nhà ngoại giao chân đất" như một nhà nghiên cứu đã từng gọi.

Click ảnh để xem lớn hơn
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tới Paris ngày 3/6/1968.

Đóng thế

Trong thời gian diễn ra hội nghị Paris, hàng chục phóng viên luôn “trực chiến” sẵn trước trụ sở của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở số 11 phố Darthes, thị trấn Choisy Le Roi. Ngay khi phát hiện xe của phái đoàn Việt Nam rời khỏi nhà, họ lập tức dùng môtô phân khối lớn bám theo, mong lần ra địa điểm họp bí mật với phía Mỹ.

Ông Lợi kể: "Một lần, để đảm bảo bí mật, tôi cùng người bảo vệ quen thuộc ngồi lên xe của trưởng đoàn. Xe vừa từ sân trụ sở lăn bánh ra khỏi cổng đã phóng nhanh như mọi bận. Một tốp phóng viên trực sẵn trông thấy lập tức bám theo. Xe của trưởng đoàn giả cứ thế chạy lòng vòng khắp các phố với cái đuôi là đám phóng viên dính chặt. Trong khi đó, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy đã qua cửa phụ lên chiếc xe riêng của một người Pháp làm công tác phục vụ đoàn và tới nơi họp mà chẳng bị ai quấy rầy".

Tuy đã giữ bí mật như thế nhưng cũng nhiều lần các tay săn tin vẫn tìm ra được nơi họp kín giữa đoàn Việt Nam và Mỹ. "Họ thuê các ngôi nhà đối diện, tìm vị trí đặt ống kính, sẵn sàng chộp lấy bất cứ hình ảnh nào của cuộc họp".

Click ảnh để xem lớn hơn
Ngày 6/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ lên án Mỹ tại Paris sau trận "Điện Biên Phủ trên không".

Suốt quãng thời gian 4 năm 9 tháng tham gia cuộc đàm phán về Việt Nam, ông Lợi đã tháp tùng cố vấn Lê Đức Thọ đi đi về về khoảng 20 lần giữa Paris và Hà Nội. Trong đó, có một chuyến trở về xúc động vào mùa hè năm 1969 làm ông nhớ mãi: "Lần đó, nhận được điện báo từ trong nước cho biết Hồ Chủ tịch mệt nặng, tôi tháp tùng cố vấn Lê Đức Thọ cùng một số cộng sự khác lập tức về Hà Nội. Mọi khi từ Paris về, cố vấn Lê Đức Thọ thường đi thẳng từ sân bay Gia Lâm tới thăm và báo cáo với Hồ Chủ tịch. Nhưng lần này, muốn vào gặp Bác phải có sự cho phép của các bác sĩ, nên đoàn đành về nơi ở tại khu biệt thự Hồ Tây chờ đợi. Vừa về tới nơi, người bảo vệ đã chạy vào báo: Hồ Chủ tịch tới thăm!".

Gặp cố vấn Lê Đức Thọ, cụ Hồ Chí Minh bảo: "Nghe chuyện Paris tôi rất vui. Lần này nhất định sẽ có thưởng cho đoàn Paris". Cố vấn liền thưa: "Chiến tranh còn ác liệt, bao giờ chiến thắng, đất nước độc lập thống nhất rồi, Bác thưởng cũng không muộn". Đó là lần cuối cùng ông Lợi được nhìn thấy Hồ Chủ tịch. Hai tháng sau thì cụ Hồ mất.

… Bây giờ đến thăm người thư ký năm xưa của cố vấn Lê Đức Thọ, khách vẫn dễ dàng nhận ra nhiều kỷ vật gắn liền với Hội nghị Paris trong căn phòng của ông. Sức khỏe đã không còn như trước, nhưng ông Lưu Văn Lợi vẫn nhiệt tình tham gia các công trình nghiên cứu về cuộc đàm phán ở Paris, cũng như về nhà ngoại giao nổi danh Lê Đức Thọ - người mà ông luôn coi như một người thày và một người anh thân thiết.

 

 
Theo Đình Chính