Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. DANH NHÂN LƯU TỘC.
Đăng ngày 30/1/2014
E-mail     Bản in

THÁI SƯ LƯU CƠ XỨNG ĐÁNG LÀ DANH NHÂN ĐẤT VIỆT
(LUUTOC.VN) - Vào giờ phút thiêng liêng của trời đất đón Giao Thừa Tết Giáp Ngọ - 2014, BBT xin giới thiệu ý đẹp, lời hay của các chuyên gia Sử học đầu ngành khảng định “Với vị trí và công trạng đóng góp cho triều đại nhà Đinh nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ xứng đáng được tôn vinh với thiết chế văn hóa toàn quốc và được giới thiệu với thế giới như các danh nhân nước ngoài được giới thiệu vào Việt Nam”. Đó là đánh giá của GS TSKH Vũ Minh Giang và việc làm của GS Sử học Lê Văn Lan tại Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm ngày mất của Đức Thánh Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ tại đình Đại Từ, ngày 24 tháng Chạp năm Quý Tỵ (tức 24/1/2014).

Đại Lễ Tưởng niệm 1000 năm ngày Tạ thế của Thái sư Lưu Cơ
 
Cách đây ba năm cả nước và thế giới ngưỡng mộ Đại Lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với một loạt sự kiện, trong đó Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long là Tâm điểm thu hút tất cả nhân dân và quan khách trong nước và quốc tế. Thời kỳ tiền Thăng Long, thành Đại La gắn chặt với Danh nhân đất Việt có tên là Đô Hộ phủ Thái sư Lưu Cơ.

  
Rồng đá - thềm điện Kính Thiên (thời Lê Sơ)            Cổng Đoan Môn (Hoàng Thành)

 
Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm ngày mất của Thái sư Đô hộ phủ Lưu Cơ - Tuy Lộc Đại vương, Thành hoàng làng Đại Từ đã được Ban Quản lý di tích đình Đại Từ, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Lưu Tộc Việt Nam cùng nhân dân địa phương tổ chức long trọng, tôn nghiêm và thành công tốt đẹp đúng vào ngày giỗ 24 tháng Chạp (tức 24/01/2014) tại đình Đại Từ, nơi thờ Thái sư.

Tại Đại Lễ, GS TSKH Vũ Minh Giang (Phó CT Hội đồng DSVH Quốc gia, Phó CT Hội Sử học Việt Nam) đã khảng định Thái sư Lưu Cơ là khai quốc công thần gây dựng nhà Đinh, là tứ trụ triều đình của Đinh Tiên Hoàng, đã tham gia trực tiếp bình định 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lần đầu tiên dựng nên nước Đại Việt độc lập với các triều đại Trung Quốc ở phía Bắc. Thái sư còn có công “Việt hóa” thành Đại La của Cao Biền - An Nam Đô hộ phủ, tạo điều kiện khách quan cho Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra, đổi tên là thành Thăng Long và là Thủ đô Hà Nội ngày nay. Tất niên năm nay và Mùng Một Tết Giáp Ngọ, VTV sẽ phát Chương trình nghệ thuật “Không gian Xuân trên Cố đô”, tái hiện lại không gian xuân trên đất Cố đô Hoa Lư, vẻ đẹp di sản vùng kinh đô Việt cổ, đang được quảng bá để Tổ chức Phát triển Văn hóa và Giáo dục Thế giới công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới. Điểm nhấn tập trung là Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và các quan đại thần nhà Đinh, trong đó có quan đầu triều là Thái sư Lưu Cơ. Sự kiện 1000 năm này và Nhân vật Lưu Cơ này cần được trân trọng; di tích Văn hóa - Lịch sử đình Đại Từ cần được tôn tạo vượt qua danh giới của làng xã, huyện tỉnh thành thiết chế văn hóa của toàn quốc và được giới thiệu với quốc tế như danh nhân thế giới được giới thiệu vào Việt Nam.


GS.TSKH Vũ Minh Giang giải thích đình Đại Từ phải là Thiết chế văn hóa toàn quốc

 
GS Lê Văn Lan phát biểu và thông báo “Chương trình truyền hình Danh nhân Đất Việt” sẽ chính thức quay phim VTV về Danh nhân Lưu Cơ tại Đại Lễ này. Phim có thời lượng dài 25-26 phút, do đạo diễn nổi tiếng Phạm Hoàng Giang và nhà quay phim kỳ cựu Quốc Khánh đảm nhận. Theo kịch bản, phim gồm 6 trường đoạn: Dẫn nhập; Tên phim “Thái sư đô hộ phủ Lưu Cơ, người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Thái Tổ”; Thời kỳ cùng Vạn Thắng vương bình định 12 sứ quân, thống nhất đất nước; Ba mươi năm quản lý và cải tạo thành Đại La là công việc, công lao chính và công đức của Thái sư Lưu Cơ - phỏng vấn TS Nguyễn Việt, tác giả cuốn sách “Hà Nội, Thời tiền Thăng Long”; Phần kết: Trao thành Đại La cho Lý Thái Tổ - kết thúc cuộc đời; Cuối cùng là phỏng vấn một trưởng lão họ Lưu Việt Nam hoặc lãnh đạo của địa phương. Dự kiến, phim sẽ được truyền hình trên VTV1 vào đầu 4/2014 và sau đó phát sóng trên kênh quốc tế VTV4. Như vậy, thân thế và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ sẽ được giới thiệu và tôn vinh không những rộng rãi cả nước mà còn trên toàn thế giới.


Nhà sử học GS. Lê Văn Lan giới thiệu về Chương trình truyền hình Danh nhân đất Việt Lưu Cơ

 
   Tổng cộng có khoảng 450 quan khách và nhân dân đến dự buổi Lễ, trong đó về dự có khoảng 30 dòng họ Lưu và 200 con cháu đồng tộc Lưu Tộc Việt Nam từ nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, đặc biệt có đoàn đại diện Lãnh đạo xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình (nơi có đền thờ Thái úy Lưu Khánh Đàm và Thái phó Lưu Ba là khai quốc công thần nhà Lý). Tất cả quan khách và nhân dân trân trọng làm lễ dâng hương lên Đức Thánh của làng Đại Từ, đồng thời là Viễn Tổ của họ Lưu Việt Nam.
 
 
 
          
         
 
 
        
Văn nghệ chào mừng Đại Lễ

 
          Đặc biệt, Ts. Nguyễn Việt (Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, người làng Đại Từ) đã giới thiệu tóm tắt quá trình tìm được Đinh triều công thần Tuy Lộc Đại vương Ngọc phả đình Đại Từ và điền dã các địa phương có dấu ấn của Thái sư Lưu Cơ, như Sơn thần Bạch Bát, trang Tri Hối, đình Bát Tràng, tượng Đức Thánh Lưu Cơ tại đền Ngọc Sơn v.v. Chính Ngọc phả đình Đại Từ đã bổ sung cho chính sử làm rõ thân thế và hành trạng của Thái sư Lưu Cơ. Lần giỗ thứ 1000 này có Họ Lưu Việt Nam về dự thì chắc chắn Đức Thánh sẽ rất vui, rất ấm lòng và nhân dân Đại Từ cũng rất mừng...
 

TS. NGUYỄN VIỆT - Giám đốc Trung tâm Ngiên cứu Tiền sử Đông Nam Á
 
          Trong Đại Lễ, ông Nguyễn Đình Độ (Trưởng ban TC) trong diễn văn khai mạc và Nguyễn Đức Thịnh (Phó ban TC) trong diễn văn giới thiệu về đình Đại Từ đã ca ngợi công đức của Đức Thánh phù hộ cho dân làng quốc thái dân an, ban Phúc, Tài - Lộc hàng nghìn năm nay cho dân Đại Từ và bày tỏ tình cảm mang ơn, sự trân trọng của nhân dân Đại Từ hàng nghìn năm nay vẫn tôn nghiêm thờ cúng Đức Thánh. Thay mặt Lưu Tộc Việt Nam, Ts. Lưu Văn Thành (Phó BLL Lưu Tộc VN) đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới nhân dân và chính quyền địa phương đã bảo tồn được ngôi đình thờ Viễn Tổ Lưu Cơ và giữ được Đại vương Ngọc phả quí báu hàng nghìn năm nay; đồng thời giới thiệu tóm tắt về Họ Lưu Việt Nam. Chi tiết có trong toàn văn các bài phát biểu kèm theo.

DIỄN VĂN KHAI MẠC ĐẠI LỄ

(Bí thư Chi bộ Đảng thôn Đại Từ, Trưởng ban Tổ chức)  
          Trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân thôn nhà cùng cả nước hân hoan chào mừng Năm Mới – 2014, đón Xuân Giáp Ngọ; Kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng đất nước đổi mới.
 
          Hôm nay, 24/1/2014 (24/12 Quý Tỵ) được sự chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND - UBND - UBMTTQ xã Đại Đồng, Ban quản lý di tích đình làng Đại Từ - thôn Đại Từ phối hợp cùng Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, Ban liên lạc Lưu tộc Việt Nam cùng toàn thể nhân dân long trọng tổ chức Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm ngày mất của Thái sư đô hộ phủ Lưu Cơ - Thành hoàng làng được phong thần Tuy Lộc Đại Vương – Một viên tướng khai quốc công thần triều nhà Đinh có công với đất nước ở các triều Đinh - Lê - Lý, có công với dân làng, được lưu tích trong thần phả và được Nhà nước các thời công nhận. Gần đây năm 2010 được UNBN tỉnh Hưng Yên cấp bằng di tích Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh.

          Nhân dịp năm mới, thay mặt cho cán bộ và nhân dân địa phương Ban quản lý di tích xin gửi tới các quý vị đại biểu và toàn thể nhân dân lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe, một năm mới an khang thịnh vượng, chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.


Ông Nguyễn Đình Độ - Trưởng ban Tổ chức khai mạc Đại Lễ

 
          Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân ta bị xâm lược ngoại hạng… Sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thân thế sự nghiệp của Thái sư đô hộ phủ Lưu Cơ gắn liền với lịch sử dân tộc, người trao chìa khóa thành Thăng Long cho Lý Công Uẩn, tuyên chiếu dời đô gắn liền với truyền thống của quê hương Đại Từ. Gương sáng đó là dấu ấn lịch sử được các thế hệ nhân dân Đại Từ trên 1000 năm giữ gìn truyền thống, đã đoàn kết đứng lên cùng cả nước làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng cho quê hương mình, góp phần lớn cho đất nước giành độc lập thống nhất tổ quốc, đã làm nên bao điều kỳ diệu đem lại hạnh phúc cho nhân dân, các thế hệ con em Đại Từ đã đoàn kết phát huy các giá trị tốt đẹp của cha ông, xây dựng quê hương, đóng góp phần công sức của mình cho xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

          Trong kháng chiến, ngôi đình thờ Tuy Lộc Đại Vương Lưu Cơ là một điểm sáng đại diện cho các truyền thống, được các thế hệ nhân dân ghi sâu trong tiềm thức, lấy đó làm tâm điểm giáo dục con em phát huy cao tinh thần yêu nước mà ra sức học tập rèn luyện trở thành công dân có ích, đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho việc xây dựng quê hương.

          Truyền thống quý báu đó đã hun đúc, sản sinh ra các tài năng cống hiến cho Tổ quốc ở các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Ngày nay, có sự đổi mới do đường lối của Đảng khởi xướng, nhân dân Đại Từ cùng cả xã làm nên thành quả: Thôn văn hóa - xã anh hùng, giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đoàn kết xung quanh Đảng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương đất nước, góp phần tích cực làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh theo tiêu chí của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đề ra.

          Trong buổi lễ kỷ niệm long trọng này có sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ xã, Ban quản lý di tích, Ban lãnh đạo thôn Đại Từ, Ban khánh tiết, cán bộ và nhân dân thôn Hoằng Nha, các ban ngành, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, Ban liên lạc Lưu tộc Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các tổ chức, đơn vị hữu quan, anh em bè bạn, các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trong toàn xã, các quan khách thập phương và toàn thể nhân dân tham gia thiết kế nội dung xây dựng chương trình và tham dự buổi lễ thể hiện uống nước nhớ nguồn, tỏ lòng tri ân thành kính tổ tiên, nhằm tôn vinh vai trò lịch sử của Thái sư đô hộ phủ Lưu Cơ, động viên nhân dân xã Đại Đồng - thôn Đại Từ, góp lời chia sẻ tạo nên mối quan hệ gắn bó yêu thương chân tình nhất, và là niềm tự hào tô thắm them truyền thống quê hương, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

          Trong không khí an lành của buổi lễ, sẽ linh ứng cho tất cả chúng ta phấn đầu làm nên được điều kỳ diệu nhất. Tôi xin tuyên bố khai mạc buổi lễ “Kỷ niệm 1000 năm ngày mất của Thái sư đô hộ phủ - Tuy Lộc Đại Vương Lưu Cơ”.

          Xin kính chúc các vị đại biểu cùng toàn thể nhân dân sang năm mới có nhiều may mắn, có sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, thành đạt. Chúc Đại Lễ thành công tốt đẹp.

BÀI PHÁT BIỂU CHÀO MỪNG

(Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng thôn Đại Từ, Phó Ban TC)

 
         Hôm nay, ngày 24 tháng Chạp năm Quý Tỵ, được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND xã Đại Đồng  địa phương thôn Đại Từ long trọng tổ chức 1000 năm ngày hóa của Thượng đẳng thần, Tuy Lộc Đại Vương Lưu Cơ, Người đã có công với dân tộc được sử sách lưu truyền.

         Kính thưa quý vị đại biểu, cũng như bao làng quê trên đất nước Việt Nam, trải qua những biến thiên của lịch sử đều có sự phát triển thăng trầm của thời gian, làng Đại Từ cũng vậy. Theo truyền thuyết để lại, vào cuối thế kỷ 10 vào những năm 970 đến năm 980, một vị tướng nhà Đinh có tên gọi là Lưu Cơ trên đường đi bình định 12 xứ quân. Chúng đã chia nhau cắt cứ đất đai. Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, chiếm cứ huyện Siêu Loại. Đinh Bộ Lĩnh cử Lưu Cơ đi bình định Lý Lãng Công. Ông đã lĩnh 3.000 binh mã, đóng quân, thiết lập doanh trại ở trang Đại Từ, huyện Tế Giang, phủ Thuận An. Lúc ấy nhiều trai tráng của trang Đại Từ đến xin ứng mộ nghĩa quân. Lưu Công đồng ý. Đóng đồn ở đây được một năm, Ông thấy đất ở trang Đại Từ phong cảnh đáng yêu, người dân thuần hậu. Với thế địa lợi nhân hòa, ông dựng một gian nhà làm chỗ nghỉ ngơi, phát cho dân trang Đại Từ 1.000 quan tiền và bảo rằng: “Khi ta trăm tuổi ắt sẽ làm thần ở trang này. Ta bình sinh khi làm tế lễ cho ta chỉ dùng đồ chay thôi”.


Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó ban Tổ chức phát biểu

 
                   Sau khi bình định được Lý Lãng Công, Lưu Cơ được Đinh Bộ Lĩnh phong cho làm Đô hộ phủ Sĩ Sư, thượng tướng phụ quốc công cùng với Đinh Điền, Nguyễn Bặc làm tướng. Sau đó Ngài trở về kinh đô Hoa Lư, giúp sửa sang việc chính sự. Đến năm 70 tuổi, Ngài xin về hưu và đã về thăm lại trang Đại Từ, thăm hỏi, ban thưởng cho nhân dân trang Đại Từ và lưu lại 10 ngày. Ngài thừa mệnh vua ban cho mỗi xuất đinh của làng 1 mẫu ruộng công điền để cày cấy. Tỏ lòng biết ơn Ngài, nhân dân lập đình thờ và tôn Ngài là Thần Hoàng làng.

         Trải qua thời gian của lịnh sử, cũng như nhiều làng quê trong vùng châu thổ sông Hồng, mang đậm nét văn hóa lúa nước phương Đông, Đại Từ đã có đình, chùa của làng từ những năm cuối thế kỷ 10, hàng năm vẫn tổ chức những ngày trọng đại, như Mùng 3 tháng Giêng, ngày sinh của Ngài, ngày 24 tháng Chạp ngày hóa của Ngài. Song, do chiến tranh vào những năm đầu thế kỷ 19, giặc Pháp xâm lược nước ta, nhân dân trong làng đã tập hợp lực lượng tổ chức đào hào đắp lũy, rào làng chiến đấu lập đồn mà chiến tích còn để lại là cổng đồn bên trong lũy đường Trấu xưa.

         Kính thưa quý vị đại biểu, không gian văn hóa đình làng, hiện nay được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Cây có gốc, nước có nguồn, đình chùa của làng đã bị giặc Pháp đốt phá thành phế tích ở những năm đầu thế kỷ 20. Từ năm 1994 được phép của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của nhân dân, đình đã từng bước được tôn tạo xây dựng lại thành nơi thờ phụng như ngày hôm nay. Phát huy đạo đức lối sống thuần phong mỹ tục của ông cha để lại lấy thiện nhân lễ nghĩa sống văn hóa giúp đỡ nhau mọi người sống ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua: Chi bộ Đảng trong nhiều năm liền là Chi bộ trong sạch vững mạnh; giữ vững danh hiệu làng Văn hóa, các phong trào đoàn thể luôn hoàn thành xuất xắc nhiệm vụ, được tặng bằng khen và giấy khen, ngành nghề trong địa phương ngày càng phát triển, kinh tế ngày một tăng, hộ giàu tăng nhanh hộ nghèo giảm còn 5%, không có hộ đói, làng và các dòng họ duy trì tốt quỹ khuyến học. Năm 2010, đình làng được UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Trong hai năm qua địa phương đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội thôn, xóm nhà văn hóa thôn xóm hơn 10 tỷ đồng, từng bước đáp ứng tiêu chí nông thôn mới.

         Thưa quý vị đại biểu, với bề dày lịch sử của dân tộc, với hơn 4000 năm rực rỡ, quê hương Đại Từ từng bước như mạch nước ngầm không ngừng chảy phát triển theo kịp thời gian lộ trình của nó, phát triển bền vững kinh tế đi đến chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhân dân trong làng, tập trung đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách từng bước và đang bước những bước đi đầy khích lệ xứng với cái tên là tổng Đại Từ.

         Nhân buổi lễ long trọng này, thay mặt lãnh đạo địa phương thôn Đại Từ, tôi xin được cảm ơn sự có mặt của quý vị đại biểu cùng toàn thể dân làng. Chúng ta hãy cùng nhau chung sức chung lòng dù là ở dòng họ nào, ở thời điểm nào chúng ta đều là những con Lạc cháu Hồng cùng chung một mẹ Âu Cơ sinh ra 50 lên rừng 50 người xuống biển thời kỳ dựng nước của các vua Hùng để lại. Chúng ta phát huy sức mạnh đồng hợp đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân địa phương tập trung phấn đấu các mục tiêu phát triển kinh tế giữ gìn ổn định an ninh thôn xóm, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

         Cuối cùng thay mặt lãnh đạo địa phương thôn Đại Từ, xin cảm ơn các quý vị đại biểu cùng đoàn thể nhân dân có nhiều sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Chúc buổi lễ thành công.
         
TỰ HÀO VỚI VIỄN TỔ LƯU CƠ

(Phát biểu của TS. Lưu Văn Thành, Trưởng đoàn Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam)

 
          Lời đầu tiên cho phép tôi xin thay mặt tất cả bà con đồng tộc họ Lưu Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn chân thành nhất tới toàn thể nhân dân làng Đại Từ đã duy trì nghi lễ tôn nghiêm thờ cúng Tuy Lộc Đại vương Lưu Cơ tại di tích Lịch sử - Văn hóa đình Đại Từ, một di tích đã có từ nghìn năm nay; Cảm ơn các nhà sử học, các giáo sư, tiến sĩ của Hội nghiên cứu Đông Nam Á đã nghiên cứu và xác định rõ ràng thân thế và công trạng của Viễn Tổ Lưu Cơ của chúng tôi.

Theo truyền thuyết, như trong “Ngọc phả Hùng vương”, “sự tích trầu cau”, cũng như theo tư liệu ở đền Đồng Cổ (Thanh Hóa) thì người họ Lưu có từ thời dựng nước (2569 năm trước Công nguyên), cách đây khoảng 4.600 năm. Họ Lưu là 1 trong “trăm họ bách tính” của Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ đã cùng các dòng họ khác kết thành dân tộc Việt Nam anh hùng. Họ Lưu, tuy là một họ bé về quy mô, nhưng có danh tính trong sử sách và trong tiềm thức tâm linh của nước nhà. 


TS. Lưu Văn Thành thay mặt Lưu Tộc Việt Nam phát biểu

 
          Sơ bộ tìm hiểu thì họ Lưu có thể tự hào với những điểm nổi bật sau:

1-  Họ Lưu có 5 bậc Tiên Tổ là khai quốc công thần trong lịch sử, đó là: Thái sư Lưu Cơ, Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ba, Đại tướng Lưu Trung và Tể tướng Lưu Nhân Chú. Ngoài ra, có 16 quan đại thần có công với đất nước, được các triều đại phong kiến ban sắc phong và được thờ cúng ở các địa phương.

2-  Họ Lưu có 26 nho sĩ, đỗ đại khoa trở thành tiến sỹ Nho học, trong đó nổi bật là 4 người đỗ đầu, là Trạng Nguyên hoặc tương đương. Đó là các Cao Tổ Lưu Diễm, Lưu Miễn, Lưu Thúc Kiệm và Lưu Danh Công. Họ là những bậc hiền tài, là nguyên khí Quốc gia, đã đóng góp rất lớn cho đất nước, chúng tôi rất đỗi tự hào về các Cao Tổ của chúng tôi.

3-  Họ Lưu đang sinh sống trải rộng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đã tham gia tích cực vào các cuộc trường trinh vệ quốc, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Thời nào cũng có những người con anh hùng tham gia bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Thời đại Hồ Chí Minh, họ Lưu nổi bật có những nhà cách mạng tiêu biểu như Thiếu tướng Lưu Văn Thi, Viện sỹ - Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Lưu Thị Phương Mai, Luật gia Lưu Văn Lợi… và nhiều anh hùng, như người cộng sản trung kiên Lưu Chí Hiếu, AHLLVT Lưu Viết Thoảng, Phi công Đại tá Lưu Huy Chao, AHLĐ Lưu Ban, Lưu Huy Thành v.v. Ở đâu có họ Lưu là ở đó có thanh niên là lực lượng nòng cốt bảo vệ và xây dựng đất nước; rất nhiều người đã hy sinh xương máu, được Tổ quốc ghi công là thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Sáng ngời nhất là trên bầu trời luôn có một ngôi sao sáng được mang tên họ Lưu của GS Ts. Lưu Lệ Hằng, quê ở Nam Định.

          Hôm nay, trước anh linh của Viễn Tổ Thái sư Lưu Cơ, là hậu duệ của Người, chúng con xin báo cáo: Ngày 10 tháng 3 năm nay (năm Quý Tỵ), nhân ngày giỗ của Thái úy Lưu Khánh Đàm, họ Lưu toàn quốc lần đầu tiên đã họp mặt tại Lưu Xá (Thái Bình), đã thành lập được Ban Liên lạc để kết nối toàn bộ các dòng họ và đồng tộc họ Lưu thành một khối thống nhất. Đến nay, chúng con đã tổ chức khảo sát điền dã, tìm hiểu về họ Lưu tại ba cố đô: Phong Châu, Tây Đô (Cửu Chân), Hoa Lư, và tiếp cận tìm hiểu được khoảng 100 dòng họ Lưu tại Hà Nội và ba miền Bắc, Trung và Nam. Ở đâu con cháu họ Lưu cũng hồ hởi tay bắt mặt mừng đón đoàn như đón người nhà lâu nay mới gặp lại!

Mặc dù kề sát Tết Giáp Ngọ, mọi người đang hối hả lo kết thúc năm Quý Tỵ, nhưng ngay tại đây với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, có tất cả gần 30 đoàn và hơn 200 đồng tộc họ Lưu đã tề tựu về dâng tâm hương lên Viễn Tổ Lưu Cơ!

Chúng con tin tưởng rằng các liệt tổ, liệt tông họ Lưu Việt Nam sẽ phù hộ cho con cháu đoàn kết, sớm xây dựng được cây phả hệ họ Lưu Việt Nam; phù hộ cho các dòng họ tôn tạo các di tích, từ đường ngày càng khang trang để thờ cúng các bậc tiền bối anh minh; và trợ giúp cho con cháu khỏe mạnh để đóng góp nhiều cho họ tộc phát triển, cho đất nước hòa bình và thịnh vượng.

          Kính chúc cho dân làng Đại Từ phồn vinh! Chúc Xuân, mừng Năm Mới! và chúc sức khỏe tất cả quý vị đại biểu và quý khách.


 
BAN NGHIÊN CỨU LƯU TỘC VN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)