Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 3/2/2014
E-mail     Bản in

’Vua’ sưu tập phim Hà Thành
- Kho phim thuộc "hàng khủng" của ông với hơn 10.000 cuốn có đủ cả những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam và thế giới.
 
Trong thời đại bùng nổ Internet, việc tìm kiếm và sưu tầm phim không còn quá khó khăn. Nhưng có trong tay hơn 1 vạn phim, đa phần là đĩa xịn có bản quyền và hầu hết đều là những bộ phim nghệ thuật kinh điển, từng đoạt giải cao tại các liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới là điều không phải ai cũng có thể làm được. Chủ nhân của bộ sưu tập phim đáng mơ ước này là nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh. Kho phim của ông có thể là viện lưu trữ phim tư nhân lớn nhất ở Việt Nam.

Mua đĩa không tiếc tiền

Nhắc đến những bộ sưu tập hay những nhà sưu tập, điều khiến nhiều người quan tâm nhất chính là số lượng hay quy mô của bộ sưu tập đó. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến con số, NBK Lưu Nghiệp Quỳnh chỉ cười trừ vì ông không muốn tiết lộ con số cụ thể.

“Với tôi chuyện nhiều ít không quan trọng, mà quan trọng là mục đích sử dụng để làm gì và sử dụng nó như thế nào. Hiện nay, có rất nhiều người có sở thích sưu tập một thứ gì đó, với nhiều tiêu chí khác nhau. Nhưng riêng với tôi, việc sưu tầm những chiếc đĩa là để phục vụ cho công việc nên tôi quan tâm nhiều hơn đến công dụng của chúng", ông nói.

Những chiếc tủ chứa đĩa phim như thế này xuất hiện dày đặc trong nhà.

Mê phim đến nỗi ông sẵn sàng bỏ một món tiền lớn thậm chí là toàn bộ số tiền trong một chuyến đi công tác nước ngoài chỉ để mua vài đĩa phim mang về.

"Mỗi bộ phim hay, có thể coi là một cuốn tiểu thuyết. Mỗi bộ phim ẩn trong đó nhiều thông điệp mà có thể chạm được vào sâu trong tâm hồn từng con người. Một bộ phim nghệ thuật hay có thể thay đổi quan niệm và tính cách cả một người trong cuộc sống. Mà đáng tiếc là những bộ phim như thế không phải dễ tìm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi các bộ phim thương mại giải trí đang thống trị và thu hút quá nhiều thời gian của những người mê phim. Vì vậy để biết được những bộ phim nghệ thuật hay như thế đã khó, tìm được chúng để mua còn khó khăn và may mắn hơn nhiều lần. Thế nên dù có bỏ ra gần hết số tiền trong túi để mua chúng tôi cũng không hề tiếc".

Chỉ sưu tầm phim nghệ thuật

Hiện nay nhiều người chỉ biết đến những bộ phim thương mại mang đậm tính chất giải trí với nhiều kĩ xảo đẹp mắt mà không mấy để ýhay biết nhiều đến dòng phim nghệ thuật. NBK Lưu Nghiệp Quỳnh nói gần đây ông cùng các con đi xem phim Die Hard 4. Xem xong, khi được hỏi về bộ phim, ông trả lời: “Bố thấy nó buồn cười".

Ông nói thêm: “Tôi không có ý chê phim này dở hay ý gì khác, mà đơn giản với tôi nó không hay. Bộ phim nếu nói về kĩ xảo công nghệ, cách thu hút khán giả thì có thể là đỉnh cao. Nhưng về yếu tố nghệ thuật như cốt truyện, nội dung thì không có nghĩa gì cả".

Để hiểu nội dung và dịch được lời thoại cũng như cốt truyện trong các bộ phim, ông cũng phải dùng rất nhiều cuốn từ điển ngoại ngữ và từ điển điện ảnh chuyên ngành. Chính vì vậy ngoài kho phim đồ sộ ông cũng sở hữu rất nhiều từ điển và sách điện ảnh.

Dòng phim nghệ thuật thì khác, có nhiều phim không hề dùng tới kĩ xảo mà vẫn được đánh giá cao tại các LHP danh tiếng. Bởi đơn giản nó nằm ở yếu tố nội dung và thông điệp mang đến cho người xem qua những câu chuyện có thực hoặc có tính hư cấu. Chính vì vậy phần lớn lượng phim tôi chọn mua và sưu tầm hơn 20 năm vẫn chủ yếu là những bộ phim nghệ thuật, được đánh giá cao và đoạt giải tại Oscar của Mỹ, LHP Venice của Ý, LHP Berlin của Đức... ".

Khám phá kho lưu trữ phim tại gia của NBK Lưu Nghiệp Quỳnh


Góc xem phim của ông rất đơn giản và không cầu kì như nhiều người nghĩ. Xung quanh luôn là hàng chồng phim và sách. Thời gian xem phim của ông thường là từ 4-7h sáng và từ 7- 9h tối. Với ông, xem phim vừa là đam mê, vừa là công việc.

Góc làm việc khác của ông cũng bao quanh bởi đĩa phim và sách.


Những giá sách đã chật cứng. 

NBK Lưu Trọng Quỳnh không ngần ngại dẫn chúng tôi đi xem những kệ phim mà ông có và sẵn sàng nói về những bộ phim khi được hỏi một cách say mê.

Những bộ phim Việt Nam một thời cũng không nằm ngoài thú sưu tầm của ông.

Theo NGUYỄN HOÀNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)