Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 29/7/2014
E-mail     Bản in

Còn mãi nhạc phẩm: Xuân và tuổi trẻ
"Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…".
Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại lâng lâng khi nghe lại những giai điệu tuyệt vời ấy. Sẽ là bất ngờ với nhiều người khi biết rằng; ca khúc trên ra đời ngay trên quê hương xứ Quảng và tác giả của nó là một người gốc Hội An. Và, cũng ít ai biết rằng đằng sau những ca từ và tiết tấu vui nhộn đó, lại ẩn chứa số phận đau buồn của người viết ra nó – nhạc sĩ La Hối, con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Nhân dịp Tết đến xuân về, xin giới thiệu một số điều ít biết về tác giả của ca khúc này.
 
Theo ông La Gia Quảng (hiện sống tại 91 Nguyễn Thái Học - Hội An) cho tôi biết: “Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Hội An (Quảng Nam) trong một gia đình phong lưu mà phần đông con cái đều có ít nhiều năng khiếu về nghệ thuật. Từ nhỏ, chú tôi (tức La Hối) đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc ở các môn học và đặc biệt rất có năng khiếu về âm nhạc. Ông tự học và nghiên cứu âm nhạc Đông-Tây, nhất là âm nhạc Tây Âu. Năm lên 14 tuổi, La Hối đã tập tành sáng tác những giai điệu vui tươi, sôi nổi... Từ năm 1936-1938, chú vào Sài Gòn để hoàn chỉnh chương trình học vấn đồng thời cũng học hỏi các giáo sư, nhạc sĩ về nhạc cổ điển Tây phương. Sau đó, ông trở về Hội An dạy đàn và vận động những người cùng sở thích thành lập Hội yêu âm nhạc (Société philharmonique) đầu tiên tại đây. Ông được anh em tín nhiệm bầu làm hội trưởng và ông cũng là người đầu tiên đưa các hành khúc cách mạng Việt Nam vào chương trình hòa tấu (trước đó chỉ sử dụng nhạc ngoại quốc). Một số nhạc sĩ trẻ thời đó đã từng được La Hối hướng dẫn như: Dương Minh Ninh (tác giả ca khúc Gấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Đài (tác giả Chiều tưởng nhớ)...”. 


Theo nhạc sĩ Trương Đình Quang – là một trong những học trò của La Hối hiện sống tại Đà Nẵng cho tôi biết thêm: “La Hối là người cực kỳ kín đáo, trong dạy học ông khá nghiêm nghị, dù dựng vở hay dạy nhạc ông luôn buộc anh em chúng tôi tập thành thật thuần thục mới được lên sân khấu biểu diễn. Có một cô học trò được La Hối dạy và sau đó là người yêu của ông, nhiều ca khúc ông sáng tác trong thời gian từ năm 1943-1945 đều tặng cho cô này giữ, nên sau này thất lạc khá nhiều!”.

Khi phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, quân Nhật triển khai đóng dày đặc tại Đà Nẵng và Hội An, cũng như bao thanh niên yêu nước thời bấy giờ tại Hội An, La Hối nhanh chóng tham gia vào các phong trào chống Nhật. Ông đã gia nhập một tổ chức chống phát xít với tất cả bầu nhiệt huyết và mau chóng trở thành lãnh đạo nòng cốt của tổ chức này. Ông tham gia in truyền đơn, viết biểu ngữ hô hào chống Nhật nên bị hiến binh Nhật theo dõi ráo riết. Năm 1944, hiến binh Nhật phát lệnh truy nã La Hối nên ông phải tránh qua Lào nhưng vì nhiệm vụ thiết yếu nên ông lại quay về Hội An. Một ngày vào trung tuần tháng 5.1945, bọn hiến binh Nhật quyết định bắt thủ tiêu La Hối và 10 đồng chí của ông tại Hội An. Theo nhạc sĩ Trương Đình Quang cho biết: “Chiều hôm ấy, Mặt trận Việt Minh của Hội An mà cụ thể là anh Huỳnh Đắc Hương (sau này là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) báo cho biết bọn Nhật sẽ bắt và thủ tiêu La Hối song ông lại nói: “Nếu mình trốn đi, bọn Nhật chắc chắn sẽ bắt giết mẹ mình mất!”. Vì thế, La Hối đã bị Nhật bắt giữ. Sau nhiều ngày giam giữ và tra tấn vô cùng dã man, Nhật đã đem tất cả 11 người ra xử bắn và vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường (phía tây nam TP Đà Nẵng). 

Những ngày cuối năm này, tôi may mắn gặp được một nhân chứng đã chứng kiến cuộc hành hình La Hối năm nào. Ông Ngô Văn Lại, cựu sinh viên Văn khoa Huế hiện ở tại phường Hòa Thọ Tây nhớ lại: “Năm 1945 tôi chừng mươi tuổi, một buổi sáng nọ tôi cùng cha đi lên đám thuốc lá tại làng Cẩm Khê gần chân núi Phước Tường để bắt sâu hại thuốc. Đang làm, bỗng tôi thấy 1 chiếc xe nhà binh của quân Nhật từ Đà Nẵng lên đổ xịch cách chỗ mình độ vài trăm mét. Bọn Nhật đẩy trên xe xuống chừng chục người rồi nhanh chóng cột họ lần lượt vào các cây cọc đã trồng sẵn. Lập tức, một tên lính Nhật cởi trần bước tới từng nạn nhân vừa vung kiếm lên thét lớn rồi chém đứt đầu từng nạn nhân một. Đó là cuộc hành hình duy nhất của bọn Nhật tại Đà Nẵng mà tôi thấy, mà cũng không nghe thêm một vụ hành hình nào khác! Từ năm 1948 ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” đã được phổ biến khắp nơi, tôi rất thích nó song mãi năm 1953, nhân đọc bản “Xuân và Tổi trẻ” và tiểu sử của La Hối tôi liền liên tưởng đến cuộc hành hình mà mình tình cờ chứng kiến năm nào”. 

Ông La Gia Quảng còn cho tôi biết thêm: “Sau ngày Nhật đầu hàng phe Đồng Minh, nhiều người dân Hội An đã tác động với quân Tưởng để buộc Nhật chỉ nơi hành quyết 11 người con của Hội An. Quân Nhật đã chấp nhận điều kiện và đưa cả đoàn đi chỉ, lúc này tôi đã 18 tuổi và cũng được đi. Đến nơi hành hình tại chân núi Phước Tường, khi khai quật 11 xác người, đến xác thứ 9 tôi nhận ra đó chính là La Hối, vì ông mặc một chiếc áo vét carô màu đỏ, một chiếc đầu lâu tôi nhận ra ông nhờ có chiếc răng vàng. Tuy nhiên, do xác đã phân huỷ lại vùi chung một hố nên lẫn lộn nhau, chúng tôi đành đưa họ về và an táng cùng một mộ như anh thấy hiện nay. Khi đưa 11 thi hài về, xe chở quanh Hội An bà con thương khóc, phúng viếng nhiều lắm!”.

Theo ông La Gia Quảng cho biết: “La Hối sáng tác rất nhiều nhưng chỉ còn lại khoảng 20 tác phẩm. Số lớn tác phẩm của ông đã bị hiến binh Nhật thu giữ, một phần khác do... người yêu của ông cất giữ, gia đình thường gọi là “Cô giáo dạy dương cầm”). Sau khi ông chết, người này đi đâu không rõ nên gia đình không xin lại được. Riêng ca khúc “Xuân và Tuổi trẻ” được sáng tác trong thời kỳ La Hối bị hiến binh Nhật theo dõi, hoàn cảnh sống rất khó khăn, thế nhưng giai điệu của tác phẩm lại rất hào hứng, phấn chấn yêu đời. Cũng như đa số các khúc khác, La Hối viết nhạc phẩm này không có lời. Sau khi ông chết, thì Diệp Truyền Hoa mới đặt lời Hoa. Năm 1946, nhà thơ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung... trong đoàn ca vũ nhạc Anh Vũ đến Hội An trình diễn. Thế Lữ đã rất yêu thích giai điệu bài hát này. Qua tìm hiểu và xúc động trước cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy tài hoa của chàng nhạc sĩ - liệt sĩ này, Thế Lữ đã xin phép gia đình La Hối để đặt lời Việt cho nhạc phẩm này. Từ đó, “Xuân và tuổi trẻ” (nhạc La Hối, lời Thế Lữ) luôn vang lên trong mỗi độ xuân về. Trong kháng chiến, “Xuân và tuổi trẻ” theo đoàn quân vào tận chiến khu, lên Việt Bắc, vào miền Nam và vang xa tận hải ngoại...

Ông La Gia Quảng đưa cho tôi xem 2 bản “Xuân và Tuổi trẻ” do Nhà xuất bản Đón Gió ấn phẩm hè 1954 (Duy Liêm vẽ bìa), bản này có in cả lời Việt (của Thế Lữ) và lời Hoa (của Diệp Truyền Hoa), bìa 4 có in hình nhạc sĩ La Hối đang chơi đàn accordéon. Ở bản khác cũng ghi: Xuân và tuổi trẻ, chính xác và đầy đủ, đặc biệt ấn hành lần thứ tư (ấn phẩm 1956) nhưng không có lời Hoa.


Chỉ trong 2 năm mà đã tái bản đến 4 lần, đủ thấy sức cuốn hút và lan tỏa của “Xuân và Tuổi trẻ”. Riêng Nhạc sĩ Trương Đình Quang thì cho tôi một bản in “Xuân và Tuổi trẻ” của nhà in Trùng Dương ấn hành năm 1957, được trình bày rất đẹp và trang trọng! Ông Quảng còn đưa cho tôi xem 4 bản nhạc ông vừa sưu tầm được của La Hối gồm: “Xuân sắc quê hương”(Lê Chương), “Thanh niên lên đường”(Lê Chương), “Gió thiêng liêng”(lời Duy Liễu)…

Tôi đứng tần ngần trước mộ La Hối và 10 đồng chí của ông trong một ngày cuối năm giá rét, cứ thấy buâng khuâng, day dứt một nỗi niềm: Con người tài danh ấy đã để lại cho đời một ca khúc bất hủ mỗi khi đất trời chuyển mùa vào Xuân song dường như chúng ta chưa tôn vinh ông một cách xứng đáng, ít ra trong lịch sử âm nhạc Việt Nam!

 

LƯU ANH RÔ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)