Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Thái Nguyên.
Đăng ngày 29/11/2013
E-mail     Bản in

Dòng họ Lưu nổi tiếng ở Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên
(LUUTOC.VN) - Họ Lưu Việt Nam rất tự hào có ba dòng họ Lưu nổi bật có các Khai quốc công thần trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là Thái sư Lưu Cơ (Ninh Bình), Thái úy Lưu Khánh Đàm (Thái Bình) và Tể tướng Lưu Nhân Chú (Thái Nguyên). Trong ba trung tâm tiêu biểu này, dòng họ Tể tướng Lưu Nhân Chú đã được nghiên cứu kỹ vì còn lưu giữ được Gia phả cổ xưa nhất. BBT LUUTOC.VN xin trân trọng giới thiệu từng bước tư liệu về dòng họ Lưu – Văn Yên, trích từ Gia phả và Kỷ yếu hội thảo về Lưu Nhân Chú, do Ts. Lưu Thị Tuyết Vân và Ts. Lưu Văn Thành sưu tầm và biên tập.

Lễ hội Núi Văn Núi Võ ở Đại Từ, Thái Nguyên
TÌM  THẤY GIA PHẢ DÒNG HỌ LƯU NHÂN CHÚ[1]

Tác giả: Đặng Nghiêm Vạn

            Nhân dịp công tác tại huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái vào dịp hè năm 1966, tổ công tác viết sử địa phương của khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp tìm thấy một số tài liệu liên quan đến dòng họ Lưu ở xã Vân Yên. Tập tài liệu tìm đều là các bản sao chép lại gồm có các bản sau:
            - Bản gia phả thực lục ghi chiến công của ba vị võ tướng thời Lê là Lưu Trung, Lưu Nhân Chú[2] và Phạm Cuống.
         - Bản sao sắc phong của vua Lê Nhân Tông đề năm Nhâm Thân, hiệu Thái Hoà, năm thứ 10 (1452) ngày 25 tháng 3 tuyên dương công đức của Phạm Cuống có phong thêm chức Quán quân tướng quân, tư mã trụ quốc Đinh thượng hầu.

            - Bản sao sắc phong của vua Lê Thánh Tông đề năm Quang Thuận thứ 10 (1469 năm Kỷ Sửu) ngày 19 tháng 5, tuyên dương công đức của Lê Văn Hiển con cháu Phạm Cuống trước là Quán quân tướng quân, Bắc quân đô đốc phủ, đô đốc đồng tri, Thượng hộ quân, Trụ quốc Á hạ phẩm, đồng thời tuyên dương công đức Phạm Cuống vi Cuống với Trương Phi đời Hán.

            - Bản sao sắc phong của vua Lê Thánh Tông đề năm Hồng Đức thứ 15 (1484 năm Giáp Thìn) ngày 21 tháng 6, truy tặng cho Lưu Trung chức đặc tiến khai phụ phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái uý, Giới quốc công, ban tướng công tên thuỵ Trực Độ.

            - Bản sao sắc phong của vua Lê Thánh Tông đề năm Hồng đức thứ 15 (1484 năm Giáp Thìn) ngày 29 tháng 10, gia phong cho Phạm Cuống tuyên lao công thần, đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Hoàn nghĩa hậu ban tên thuỵ: Võ Tương.

            - Bản ghi những ngày sinh và ngày giỗ của tổ tiên dòng họ Lưu từ khi lên Thái Nguyên lập nghiệp cho đến đời Minh Mệnh.
            - Bản của Tây Đô vương Trịnh Tạc sắc cho con cháu họ Lưu được quyền thế tập và được giữ số ruộng cho Lê Thái Tổ cho hưởng để làm hương hoả.
            - Hai sắc chỉ của vua Gia Long, một cho Lưu Nhân Toại được miễn tạp dịch, phu phen thuế má (ghi năm Gia Long nguyên niên 1802) và một cho Lưu Nhân Nghị được miễn như cha để trông nom phần mộ và thờ cúng cha ông (ghi năm Gia Long thứ 8, 1810).

             Những bản trên đều do cụ Lưu Sĩ Sinh là trưởng họ Lưu năm nay 71 tuổi ở xóm Dưới xã Vân yên cho mượn, ghi trên giấy bản khổ 22-36 nay đã hơi nát, giấy đã ngả màu vàng[3]. Những bản này đều được sao chép từ bản chính thời Lưu Nhân Cô là con Lưu Nhân Nghị cháu 13 đời của Lưu Nhân Chú. Theo cụ Sinh, vào thời trước khi Pháp sang, vùng Đại Từ loạn lạc liên tiếp, dân xã Vân Yên thất tán,người chạy vào rừng, kẻ chạy sang xã khác. Làng mạc bị đốt phá, di tích các cụ để lại trong xã còn nhiều: bia, lăng, dinh cơ, phần mộ đều mất cả. Các bản chính lưu truyền từ đời cha ông phần bị mối xông rách nát, phần vị loạn lạc nay không còn. Ngay những bản sao hiện còn giữ cũng không được đóng lại cẩn thận rơi vãi mất nhiều bản sao các sắc chỉ.v.v. Đến khoảng năm 1924 -1925, ông Sinh cho Tri huyện Đại Từ là Hoàng Đinh Tân mượn cớ đóng lại bằng tờ niêm yết sổ số trên còn ghi năm 1923.

            Tất cả các bản trên dày 41 trang trong đó có bản đầu là có giá trị hơn cả và trực tiếp liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chúng tôi xin toàn văn dưới đây và phát biểu một vài nhận xét sơ bộ.

I.   GIA PHẢ THỰC LỤC DÒNG HỌ LƯU XÃ VÂN YÊN:
            Ngày 20 tháng Giêng năm đầu hiệu Thuận Thiên[4]. Chúng tôi là:
            1. Tĩnh nạng tuyên lực minh nghĩa công thần, hành quân tổng vệ chư quân sự vinh phong Trung lượng đại phu, câu kiêm Vệ thượng tướng quân, tước Thượng Tri, huyện Thượng Hầu, Thái uý, chỉ quốc công ban quốc tính Lê Trung.
            2. Suy trung tán trị, hiệp mưu dương vũ công thần, hành quân tổng quản, Hải Dương trấn vệ chư quân sự, Nhập nội kiểm hiệu, Tư không, bình chương quân quốc trọng sự, gia phong Nhập nội đại tư khấu, Á thượng hầu, tặng Thái uý, Lũng Quốc Công, ban quốc tính Lê Nhân Chú.
            3. Suy trung tán trị, hiêu mưu bảo chính công thần, kim tử quang lộc đại phu, Đa ngư Hải môn trấn, Phụng tuyên sứ Hành quân tổng quản, Thái Nguyên trấn vệ hạ bạn kiêm Tuyên uý đại sứ, tri quân dân sự, thượng bộ quân, tặng kim ngư đai, ngân phù, Nhập nội thiếu uý, thượng tướng quân, thượng trụ quốc, Quan phục hầu, tặng Thái uý, Trụ quốc công, ban quốc tinh Lê Cuống.

            Họp các người đồng liêu lại ghi chép sự tích làm bản gia phả thực lục để truyền lại mãi mãi về sau.
            Hằng nghe:
            Cây có nghìn cành, muôn lá ắt phải nhờ gốc rễ, người có trăm ngàn cháu con để bởi tổ tiên, há chẳng phải do chưa đức, vun nhân mới được thế ư?
            Muốn cho con cháu biết được cảnh vui vẻ của hai họ thực do sự gian lao trăm chết một sống mới nên được cơ nghiệp như thế.

            Từ đức Cao tổ Lưu Nhân Dục lấy bà Trần Thị Duyệt làm vợ, nối chức phụ đạo, nghiệp nhà một thịnh, tích đức chứa nhân, yêu người thương vật. Sinh hạ ra thân phụ là Phú Bình hầu Lưu Bá Thịnh, vợ là bà Nguyễn Thị Thành nổi tiếng có lòng nhân đức, thương mến mọi người, hễ thấy ai đói thì cho cơm, ai rét thì cho áo, vì vậy không ai không nhớ nghĩa. Sinh hạ trai gái ba người[5]: con trai trưởng là Lưu Trung, con gái thứ hai là thị Trang sau được lựa vào cung làm công chúa.

            Ngày 25 tháng Giêng, bà Nguyễn Thị Thành đêm nằm mơ thấy một ông cụ già cho một viên thuốc bảo nuốt đi. Khi tỉnh dạy bà trở dạ đau bụng, đến giờ Dần sinh ra Lưu Trung. Khi lớn lên, Lưu Trung dáng người cao lớn, minh đầy lông đen, râu ria đầy mặt. Ông đã nhân từ lại dũng cảm, ai cũng kiêng nể. Bọn hung ác trong vùng không tên nào dám động tới, những kẻ thức thời đều sợ oai.

            Ông lấy vợ là bà Lê Thị Ngọc Chân, sinh được một trai, một gái. Con trai trưởng là Lưu Nhân Chú, sau lấy vợ là Nguyễn Thị Ngọc Tiêm sinh được trai gái ba người, con thứ là Lưu Thị Ngọc Ngoan sau gả cho Phạm Cuống.

            Cao tổ Phạm Cuống là Hồ triều bá Phạm Long nguyên quán ở xã Văn Lãng, huyện Văn Lãng, đời đời làm quan phiên trấn nhà Trần. Ông lấy bà Nguyễn Thị Giản sinh ra Phạm Bá Yên. Yên lấy vợ là Võ Thị Vượng. Ngày mồng 6 tháng 8 năm Đinh Dậu, niên hiệu Đại Trị thứ 10[6]. Đương đêm một khối vật sáng to bằng chiếc đấu từ ngoài bay vào trong nhà đến chỗ giường thị Vượng nằm thì biến mất. Cả nhà đều sợ. Bấy giờ thị Vượng có mang đương nằm ngủ. Phạm Yên đi vào đánh thức vợ dậy hỏi thì bảo không biết gì hết. Đến giờ Hợi sinh ra Phạm Cuống. Khi lớn lên, Cuống thân thể to lớn, lưng dày, bụng phệ mặt tròn, đầu lớn, hai dái tai thõng xuống như ngọc châu. Ông dũng cảm hơn người, mưu mô xuất chúng. Tuy ít được học, nhưng có nhiều mánh khoé, gặp việc gì khó mấy cũng dám làm, hùng cứ một phương, mọi người đều phục. Phạm Cuống nhận thấy con gái Lưu Trung là Lưu Thị Ngọc Ngoan người ở cùng huyện ở xã Thuận Thượng, đem lòng yêu mến, được Lưu Trung gả con cho. Từ đó hai nhà đi lại thân thiết, cha con anh em đều hiếu thuận hoà mục.

            Bấy giờ, cuối đời nhà Hồ, giặc Ngô sai bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc, Vương Thông, Mã Ánh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân làm tướng, chia quân các đạo, sang xâm lược nước ta, tàn sát nhân dân, không chỗ nào là chúng không đến.

            Lưu Trung cùng với con trai là Lưu Nhân Chú, rể là Phạm Cuống ẩn dấu tung tích làm nghề buôn dầu để qua ngày tháng.

            Một hôm, ba người đến miếu Gấm, xã Quan Ngoại, huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng, xứ Sơn Tây thì vừa tối, gặp mưa to gió lớn vào tạm trú ở miếu, lấy chiếu che dầu, ngồi dựa vào tường đợi sáng để đi. Chừng nửa canh một, cả ba người đều nghe tiếng quân lính, voi, ngựa rầm rập đi ngoài cửa miếu như đại quân kéo qua. Bỗng nhiên có tiếng người họi: "Huynh có đi chầu giời không?". Lại nghe tiếng đáp: "Tôi có khách xin kiếu, huynh đi chầu giời nếu có việc gì, lúc về xin báo cho biết". Nghe thấy vậy, ba người kinh hãi suốt đêm không dám ngủ.

            Chừng đến canh năm, lại có tiếng voi ngựa như lần trước. Có tiếng hỏi rằng: "Hôm nay huynh có lên chầu Thượng đế có việc gì?" Lại có nghe có tiếng đáp rằng: "Thượng đế với ba phủ cùng họp bàn đã treo bảng trước điện cho đức Lê Lợi làm vua nước Nam Việt ta". Lại có tiếng hỏi: "Quê quán ở đâu? Làm sao được như thế"? Lại có tiếng đáp: "Ở thôn Như Áng, sách Khả Man[7], huyện Lương Giang, lộ Thanh Hoá. Ông ấy quý người hiền, ham việc thiện, nhiều đời có công đức xem mọi người như anh em thân thích. Nay phương Nam có loạn lớn, nên Thượng đế sai ông xuống cứu nhân dân. Vì lẽ như thế chứ có phải để ai cũng được đâu”. Lại nghe hỏi: “có việc gì nữa không?” Ở xã Yên Dưỡng, huyện Đông Triều năm nay đại hạn, dân làng đắp đàn cầu mưa, Thượng đế sai thần xuống chứng giám. Xã có làm con bò để tế rồi để quên con dao trong bãi phân bò. Người trong xã nghi nhau lấy trộm, chửi mắng om xòm. Trong đó có người nói: "Chỉ có thần Tam Đảo ăn trộm dao của chúng mày chứ ai thèm lấy. Thần nghe thế bỏ về tâu với Thượng đế, không chứng giám đàn ấy nữa. Bởi vậy xã Yên Dưỡng có cầu cũng không ứng. Hai vương nói hết chào nhau rồi đi.

          Đến mờ sáng, ba người, lạy tạ thần rồi gánh dầu đi. Khi đến xã Yên Dưỡng ba người vào hàng uống nước hỏi thăm các cụ già sự tình đều có cả. Khi xem lại đống phân, thấy con dao nằm đó mới tin là thật.

          Từ đấy, Lưu Trung và con trai Lưu Nhân Chú cùng rể Phạm Cuống trở về bản quán, phân phó gia sản, dặn dò vợ con, nói dối đi buôn xa, đến thẳng Lam Sơn. Lúc bấy giờ khe truông hiểm trở, đường xá gập ghềnh, ba người đến trọ ở thôn Nguyên Xá, thăm hỏi người trong thôn, không ai dấu diếm điều gì. Hôm sau ba người đến yết kiến Vua Lê Lợi nói rằng: "Nghe đồn đại, được biết hoàng thượng là người nhân nghĩa, lượng cả bao dung chúng thần xin đến làm tôi tớ, nhờ chỗ làm ăn, mong được nhờ cậy". Vua mới hỏi ba người quê quán ở đâu, tên họ là gì, tại sao đến đây. Lưu Trung tình thực trình bày như sau: "Cha chúng tôi vốn là quan phiên trấn, quê quán vốn ở hai xã Văn Lãng, Thuận Thượng, vì quân Ngô tàn ngược nên dấu tông tích làm nghề buôn bán, tìm đến nơi đây mong được dụng nạp". Vua nói chuyện rất vui, tiếp đãi rất hậu. Từ đấy ba người qua lại luôn, khi ở lại cạnh vua, khi đi cày bừa cùng với Trương Lôi ở động Chiêu Nghi. Trong nhà hễ có việc gì đều tin dùng giao phó cho hết.

          Lúc bấy giờ vua mới 25 tuổi, làm chức quan phụ đáo chính, ban nhân bố đức rộng lượng, khoan hồng, nuôi nhiều tân khách, lấy cày bừa làm thú, lấy sách vở làm vui. Nhân dân trong vùng ai cũng kính nể. Ngày qua tháng lại vừa được ba năm. Một hôm nhân vua cùng ngồi với ba người. Ba người mới nói hết sự thật đưa dao ra làm tin. Vua hiểu ý nhưng bụng vẫn còn ngờ, không khoe mình kiêu, không lộ ra nét mặt lúc nào cũng thản nhiên như không. Thật có khí tượng khác người, tài đức hơn người.

          Hồi giờ Dần ngày Rằm tháng Giêng, năm Nhâm Thìn (1412) người nhà vua là Trương Lôi đương cày ở động Chiêu Nghi, chợt gặp một vị sư già, mặc áo trắng, chống gậy có vẻ ung dung than rằng: "Tiếc thay? Có kiểu đất này không biết thuộc ai?"

          Trương Lôi nghe nói rất mừng, đến gần hỏi rằng: "Lão tăng nói gì, tôi đây liệu có được không?" Nhà sư suy nghĩ một lúc rồi nói rằng: "Ta xem tướng đức nhà người làm vương chưa đủ nhưng làm tướng có thừa. Thuyền nhỏ không thể chở được vật nặng". Trương Lôi lại nói: "Tôi có thầy tôi ở nhà, dám xin lão tăng ghé vào nghỉ chân”. Lão tăng không chịu, lại nói: "Dám xin lão tăng tạm chờ tôi xin về nhà rước thày tôi ra, may ra được chăng?". Trương Lôi về nhà trình vua. Vua ra chào lão tăng, tới nơi quỳ xuống hỏi. Lão tăng cười nói rằng: "Tốt quá, thật là người đáng được ngôi đất này". Nhà vua mới chỉ tay lên trời mà thề nặng lời. Lão tăng khen rằng: "Nếu đã có lòng như thế, già này không tiếc gì hết. Già đây họ Trinh tên chữ là Bạch Thạch, nhân thấy hình thế mạch đất này nếu đưa mộ táng vào đấy không qua ba năm thì sẽ thành ngôi thiên tử" Trai tất quý không thể nói xiết, gái thì tiếc gì không đủ chồng. Chỉ ngại con cháu về sau tất phải phân tán rồi lại trung hưng mãi mãi không bao giờ hết". Nói xong, lão tăng chỉ cho huyệt đất "tạo càn hướng tốn" lấy núi Linh Sơn làm án. Liền sau đó,Trương Lôi, Lưu Trung bốn người rước linh xa lên an táng ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi. Việc xong, lão tăng bay thẳng lên trời. Nhà vua trông theo vọng bái. Mới biết việc này do trời đất. Từ đó lòng vua mới thật tin. Năm đó vua 28 tuổi trong lòng mới phấn chấn quyết tâm.

          Ít lâu sau, có tên Đỗ Phú ở xã Hào Lương vì thù oán với nhà vua, dẫn quân Ngô đến đào lấy linh xa ở xứ Phật Hoàng, đem treo ở sau thuyền. Vua mới sai Trương Lôi, Lưu Trung, Lưu Nhất Chú, Phạm Cuống tất cả 20 người đầu đội cỏ gai, xuôi từ dòng trên bơi xuống đến phường Giang Khẩu, nhân lúc giặc ngủ say, trộm lấy linh xa hài cốt đem về bí mật táng vào chỗ cũ. Rồi lấy hài cốt khác bỏ vào linh xa táng chồng lên trên. Sáng ra giặc thấy linh xa theo sau thuyền đã mất, đến chỗ cũ thấy đã táng rồi, bèn đào lấy hài cốt trên về tán nhỏ thành tro vứt xuống dòng sông[8].
          Nhà vua mới cùng Trương Lôi, Trương Chiến, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống cộng 20 người[9] cùng nhau ăn thề hợp sức đồng lòng có bài văn thề như sau:

Lời thề cùng trời đất.
          Năm đầu hiệu Thiên Khánh[10] năm Bính Thân (1416) tháng Hai, ngày Một là ngày Kỷ Mão qua ngày 12 là ngày Canh Dần.
          Chúng tôi phụ đạo chính ở lộ Khả Lam, nước A Nam, cùng với Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lưu Trung, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Hiểm, Võ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Võ, Phạm Cuống, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến.

          Xin đem lễ vật kính dâng lên tâu cáo với Hiệu thiên Thượng đế, Hậu thổ địa hoàng cùng các vị thần sông, núi, danh lam ở trong nước, cúi xin các vị chứng giám mà thưa rằng: Có bè bạn ở phương xa đến, kết giao vui vẻ, đã nói ra thì phải giữ lòng tin. Vì thế nên phải có lễ tâu cáo.

          Nay phụ đạo chính ở nước chúng tôi là Lê Lợi cùng với Lê Lai cho đến Trương Chiến 18 người, tuy quê quán họ hàng có khác nhau, nhưng đã đã kết nghĩa anh em thề cùng như chung một tổ. Phận vinh hiển dầu có khác nhau, nguyện tình cùng họ không bao giờ khác.

          Nay nhân bọn giặc Ngô xâm chiếm nước Nam, tàn sát nhân dân rất là khổ sở. Nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến 18 người, chung sức đồng lòng, giữ vững đất nước, làm cho nhân dân ăn ở được yên lành; thề chết sống đều phải cùng nhau, không dám quên lời thề ước.

          Chúng tôi cúi xin Trời, đất và các vị thần linh chứng giám ban cho trăm phúc, tự thân mình, nhà mình, con cháu trong họ hàng đều được yên vui, cùng hưởng lộc Trời.

          Nếu Lê Lợi, Lê Lai cho đến Trương Chiến sinh lòng này khác, cầu ơn hiện tại, núp bóng quân thù, không cùng đồng lòng, quên lời thề ước.       
          Chúng tôi cúi xin Trời đất, thần linh giáng cho trăm vạ. Tự mình cho đến con cháu, họ hàng đều bị tru diệt, chịu hết hình phạt của Trời.

 
                                                                   Nay kính tấu.
Bài thứ hai: Lời thề với các tướng
          Thái tổ Cao Hoàng đế, trẫm[11] tinh Lê huý Lợi chi làm đại thiên hành hoá, phủ trị bang gia.
          Vì vậy, trẫm nguyện cùng chư tướng, thứ thủ thiết kỵ đột quân đẳng nhân.
          Hễ kẻ làm công thần cùng trẫm mà mở được thiên hạ, chưng sau thiên hạ thái bình, thì trẫm nhớ đến công thần, chư tướng, hết lòng hết sức, danh ấy để lại muôn đời, vĩnh thuỳ trúc bạch, cho chưng sau, con cháu trẫm cùng con cháu chư tướng đều được hiển vinh hưởng phúc lộc. Dù bể kia hay cạn, núi nọ hay bằng thì công ấy trẫm chắng há quên chư tướng.
          Dù trẫm chẳng như nguyền ấy, vậy thì trẫm chẳng truyền cho con cháu như nhời ấy.
          Trẫm nguyện bằng: cỏ điện nên rừng, điện này nên nước, núi này nên băng, ấn này nên [giáo][12] đồng gươm sắt, bằng trẫm làm được thiên hạ, nhớ công chư tướng hiển hách, vả lại truyền cho con cháu nhà trẫm muôn đời. Bằng như nhời nguyền ấy, thì cho quốc gia trường trị, yên như bàn thạch. Hoàng hà như đái, Thái sơn như lệ: con cháu nhà trẫm muôn đời quang đăng bảo vị.
          Vì vậy phải hết nhời cùng chư tướng, hễ đã đi làm công thần ở cùng trẫm đồng tâm hiệp lực, chớ ngại khó khăn, hoạ làm được thiên hạ, chẵng những nhời ấy, Trẫm lại cậy nhời này.
          Như trong binh pháp rằng: Nhân nghĩa chi binh, hoà mục vi thượng. Nếu có binh nhân nghĩa, thì có hoà mục mới khá được. Hiệu lệnh cho tin.
          Chữ rằng: Phép giả thiên hạ chi công cộng, dù ai chẳng phải, đã có phép trời luật nước. Ai nấy thì cho mục tín hiệu lệnh cho nghiêm; sở pháp hoà làm việc thiên hạ, để công danh muôn đời, lộc hưởng thiên chung.
          Ngày 12 tháng 2 năm Bính Thân, năm đầu hiệu Thiên Khánh[13]

          Ngày 20 tháng 4 năm ấy, nhà vua sai Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống ba người trở về tứ trấn bí mật mộ quân lính, chiêu tập những người trốn tránh, thu nạp kẻ chống đối, đợi thời dấy binh. Lưu Trung lạy ra về, ngày giả làm khách buôn, bí mật mộ quân; đêm cùng nhau lấy mỡ viết vào lá cây: "Lê Lợi làm vua nước Nam Việt". Kiến theo mỡ ăn thủng lá thành chữ. Người Ngô trông thấy cho là điềm trời.

          Bấy giờ tình thế chưa cho phép hành động được. Ngày qua tháng lại đã qua năm thứ ba, ba người đã gây được muôn đội, phục kín đợi vua dấy lên, nhân đó về triều. Những năm trước, khi vua 30 tuổi được ấn báu, năm 31 tuổi được gươm thần, năm 32 tuổi được cán gươm. Thấy Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống ba người về, vua vui mừng đem chuyện trước kể lại cho họ biết.

          Bấy giờ vua đã 33 tuổi, đại quân khởi nghĩa. Còn Lê Trung thì vâng theo tiến đánh, giúp đỡ việc khó khăn, đồng lòng hiệp sức, nên nhà vua phong cho Lê Trung làm chức: Sô khởi nghĩa, thứ thủ thiết kỵ đột quân sự Giới lai hầu; Lê Nhân Chú là chức: Sô khởi nghĩa, thứ thủ thiết kỵ đột quân vệ, Vinh sơn hầu; Lê Cuống làm chức: Sô khởi nghĩa, thứ thủ thiết kỵ đột quân sự, Hằng nghĩa hầu, cùng nhau chia đường đem quân đi đón đánh phục kích giặc.

          Đến ngày...[14] tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) vua Thái Tổ ta được thời mở vận, ứng giời thuận người, giặc biết tình hình, đem quân tướng đến vây bức. Nhà vua sai Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống đem quân phục đánh quân giặc, chém được hơn 3.000 đầu[15], lấy được quân tư khí giới rất nhiều. Vua bèn ban thưởng cho kim phù. Đến ngày 29 tháng 8 quân giặc tức giận đem quân đến đánh nhà vua. Lúc bấy giờ nhà vua quân ít, lương thiếu, ẩn náu ở núi Linh Sơn tuyệt lương đến ba tháng. Quân lính rất đói ăn phải ăn củ nâu, hoa quả và mật ong. Còn Phạm Cuống trở về làng mình chuyển gia tài đến nuôi quân để đợi lương đến. Vua khen ngợi ban thưởng, quân sĩ đều rất vui mừng. Nhà vua mới vỗ về quân lính, ước thúc bộ ngũ, các tướng đều cảm kích thề không chung sống với giặc.
          Tháng 4 năm Kỳ Hợi (1419), vua Thái Tổ sai Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống ba người tiến đánh thành Nga Nhạc, đánh to phá được giặc chém được hơn nghìn đầu15 rồi lui quân về đóng ở sách Lư Sơn. Người Minh đuổi đánh, vua đặt quân phục đánh phá được giặc. Nhưng vì thế giặc còn mạnh, quân ta ít nên lại rút lui vào núi.

          Năm Canh Tý (1420) giặc Ngô đem quân lấn đánh. Các tướng cùng Lưu Trung phục quân bốn mặt chẹn đánh, giặc bị tan vỡ chết rất nhiều. Ta bắt được ngựa hơn nghìn con, đốt hết chiến khí của giặc. Vua thưởng kim phù.

          Năm Tân Sửu (1421), quân cứu viện của giặc do tướng là bọn Trần Trí, Sơn Thọ đem thổ dân và đảng ngụy cộng hơn vạn người bức vua ở sách Phi Lẫm. Vua mới họp các tướng với Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống đương đêm chia quân úp đánh, chiêng trống cùng khua, phá bốn dinh của giặc, chém được hơn ngìn đầu, thu được quân trang khí giới rất nhiều. Quân giặc tuy bị tan rã nhưng sau lại nhóm lại, được bọn thổ dân báo biết quân ta ít, có ý khinh nhường mở núi thông đường tìm vua ta đánh. Vua sai Lưu Trung và các tướng núp quân ở những chỗ đường đèo nghẽn hẹp. Đến nửa ngày, giặc quả đi qua đấy. Các tướng buông quân các nẻo ra chặn đánh. Quân giặc lại bị thua, bị chém chết rất nhiều. Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống được khen thưởng và ban kim phù.

          Năm Nhâm Dần (1422), tướng giặc là bọn Phùng Quý, Mã Kỳ, Trần Trí đem quân bốn mặt vây vua. Nhà vua bị vây tưởng không sao thoát được, mới lấy nghĩa tồn vong, hiểu dụ các tướng sĩ. Vua tôi trông nhau mà khóc, Lưu Trung cảm động, cùng các tướng liều chết xông ra đánh giặc, tự mình vào trận trước, chém được tướng giặc là Phùng Quý và hơn nghìn đầu, ngựa hơn trăm con. Bọn Mã Kỳ, Trần Trí thua chạy về Đông Quan.

          Vua đóng ở Linh Sơn, lương thực bị cạn phải giết bốn voi, hơn mười con ngựa, cùng thêm rau măng cho quân lính ăn chờ lương đến. Lúc bấy giờ Lê Thuyết, Trịnh Đồ đi qua Lào lấy lương đem về.

          Năm Quý Mão (1423) tướng giặc là bọn Trần Trí, Sơn Thọ đem quân đến vây bức vua. Vua lại sai Lưu Trung ra đánh phá được rất lớn, chém được rất nhiều đầu giặc.

          Năm Giáp Thìn (1424), vua định chia chủ tướng binh mã định ra các đạo trong ngoài tăng cường thống quản. Bọn tướng giặc Trần Trí, Phương Chính, Thái Phúc, Bột Yên đem quân đến vây bức vua, trước mặt sau lưng rất nguy vấp. Trời đã sắp tối, chí vua vẫn bền, vẫn sai binh ra chẹn đánh. Vua sai Lưu Trung đặt quân phục chém được hơn nghìn đầu giặc, lấy được quân tư khí dụng rất nhiều, chém được Trần Trí, quân giặc tan chạy.

          Tháng 5 năm Ất Tỵ (1425) vua sai bọn Lê Trung, đi gấp đường lẻn về đánh úp thành Tây Đô, giặc Minh không hề hay biết. Tướng Giặc là Trương Hùng[16] đương chở 3000 chiếc thuyền lương từ Đông Quan đến. Quân Phục trong thành nổi dậy chém được hơn 500 đầu giặc, bắt sống rất nhiều, cướp được thuyền lương đuổi giặc chạy đến Nghệ An mới thôi[17].
          Tháng 7 năm Bính Ngọ (1426), vua cho Lưu Trung làm Hành quân tổng quản, hạ Thái Nguyên xứ chư vệ quân sự, Phạm Cuống làm đồng tổng quản, Quy Hóa trấn tri quân dân sự.

          Tháng 6 năm Đinh Mùi (1427), vua sai Lưu Nhân Chú làm hành quân đốc quản, nhập đội đại tư mã, lĩnh tiền, hậu tả, hữu tứ vệ kiêm tri tân vệ chư quân dân sự. Ngày 18 tháng 9 năm ấy, tướng giặc là bọn Liễu Thăng, Mộng Thạnh, Thôi Tụ, Hoàng Phúc, Lý Khánh chia đường tiến sang mỗi can đều có 15 vạn quân, ngựa đều ba vạn con. Vua sai cha con Lưu Trung đem quân một vạn, voi 5 con, đặt quân phục ở ải Chi Lăng đợi đánh, lại say bọn Lê Liễu ra đánh giả thua tháo chạy. Khi bọn Liễu Thăng đuổi đến nơi, quân phục bốn mặt vùng dậy xông ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên, treo đầu lên cây đa, tóc dài một trượng, quân giặc bỏ chạy, quân ta chém được hơn một vạn đầu giặc. Sau đó, cha con Lưu Trung vâng mệnh đóng lại giữ đồn ở núi Mã Yên. Giặc lại kéo đến, quân ta xông ra đánh chém được tướng giặc là Lương Minh. Bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc đem quân đến cứu lại bị quân ta đánh thua. Ta lại bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc lấy được ấn tín bạc các xứ, chém được hơn ba vạn đầu giặc, thu được trâu dê, lừa, ngựa, vàng bạc, vải, lụa quân trang, quân dụng không thể kể xiết.

          Vua gia phong cho bọn Lưu Trung làm chức Nhập nội tư mã đại tướng quân, tước thượng tri, Huyện thượng hầu, ban quốc tinh; Lưu Nhân Chú là chức Tư không nhập nội tư khấu, Thượng tướng quân, ban quốc tính; Phạm Cuống làm chức Nhập nội thiếu úy, Thượng Tướng quân, Quan phục hầu, ban quốc tính; cả ba đều ban cho đai kim ngư và ngân phù.

          Từ đấy, giặc không dám đến nữa sai người đến xin hòa hảo. Vua sai Lưu Nhân Chú đi sứ bàn hòa. Nhà Minh sai sứ sang phong. Bên ta lại qua lại triều cống y như đời Hồng Vũ thuở trước.

          Mậu Thân năm đầu hiệu Thuận Thiên (1428) nhà vua lên ngôi Hoàng đế, định công ban thưởng. Gia phong cho Lê Trung làm chức: Sô khởi nghĩa, thứ thủ thiết đột kỵ quân sự, Tĩnh nạn tuyên lực minh nghĩa công thần, Trung lượng đại phu, Câu kiềm vệ tướng quân, tước Thượng tri, Huyện thượng hầu, ban đại kim ngư và ngân phù, Nhập nội đại tư mã đại tướng quân Chỉ quận công, cho ruộng 100 mẫu, các xứ sở y như trong sắc thư.

          Vợ là Nhập nội phong ôn lương nhu thuần từ huệ trinh tiết đại phu nhân đại phu công chúa.

          Gia phong cho Lê Nhân Chú làm chức: Sô khởi nghĩa thứ thủ thiết đội kỵ quân vệ, Thôi hùng tán trị, Hiệp mưu dương vũ công thần, Nhập nội kiểm hiệu, Tư không kiêm tư khấu, Bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội hoàng tông, Thượng á hầu, ban đại kim ngư và ngân phù, Lũng quốc công. Cho ruộng 500 mẫu xứ sở y như trong sắc thư.

          Vợ là Nhập nội phong phụ đức ôn dung liệt nghĩa thuần chất bảo định công chúa.

          Gia phong cho Lê Cuống làm chức: Sô khởi nghĩa thứ thủ thiết đột kỵ quân sự, đồng tổng quản, Qui hóa trấn như quân sự, Thôi trung tán trị, Hiệp mưu bảo chính công thần, Đa tán trị, Hiệp mưu bảo chính công thần, Đa ngư Hải môn kiêm trấn, Phụng tuyên sớ, Nhập nội thiếu úy, ban đai kim ngư và ngân phù, Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Quan phục hầu, Trụ quốc công. Cho ruộng 500 mẫu, các xứ sở y như trong sắc thư.

          Vợ là Nhập nội phụng tứ uy nghi dung đức từ mão đoan trang đại phu công chúa.

          (Bản này ông Trần Lê Hữu dịch, ông Chu Thiên hiệu đính).

 

Dòng họ Lưu ở xã Văn Yên (Đại Từ) rước Lễ vào đền thờ Lưu Nhân Chú

 
II.   MẤY NHẬN XÉT SƠ BỘ VỀ BẢN GIA PHẢ DÒNG HỌ LƯU

          Bản gia phả của dòng họ Lưu trực tiếp nói tới cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo bản đó nói là do ba vị Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống khi công thành danh toại tụ họp những người đòng liêu ghi lại vào tháng Giêng năm Thuận Thiên nguyên niên (1428). Nhưng xét nội dung thì thấy có thể bản này do con cháu đời sau thêm thắt vào nội dung hoặc được ghi lại sau này khi ba vị đã mất. Một là tháng Giêng năm 1428 Lê Lợi chưa lên ngôi, hai là chức tước ba vị đều ghi tất cả các chức vị được thời Lê Lợi gia phong cho. Nhưng có thể là bản gia phả chép lần đầu tiên được ghi lại trước đời Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông, vì thứ nhất, tên các địa danh nói chung đều phù hợp với thời cuối nhà Trần, đầu nhà Lê, hai là niên hiệu đều ghi là Thuận Thiên, một vài sự thay đổi trong gia phả hay nội dung hai bản văn thể ở Lũng Nhai đều đổi cho phù hợp với thời Lê Lợi đã lên ngôi (1428), ba là các chức tước của ba vị được Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông truy phong đều không thấy ghi trong bản gia phả, mặc dầu một số sắc chỉ còn được giữ lại đến ngày nay như đã liệt kê ở đầu bài báo. Tiếc rằng bản đâu tiên đó nay đã thất lạc, các bản sao chép sau này và lần cuối cùng vào thời Minh Mệnh có những chỗ lầm lẫn, đáng tiếc.

          Trong bản gia phả, các sự việc đều phù hợp với chính sử hoặc bổ sung cho chính sử như:
          1. Về xuất sứ của Lưu Nhân Chú sử đều chép là làm nghề buôn bán[18]. Bản gia phả cho ta biết Lưu Nhân Chú dòng dõi gia đình quý tộc đã bốn đời thế tập làm quan phiên trấn ở vùng Thái Nguyên. Theo bản ghi ngày sinh và ngày giỗ tổ tiên dòng họ Lưu cho ta biết ông tổ họ Lưu được nhà Trần phong cho chức Thái Nguyên quản trị phụ đạo, phong tước Thái lai hầu đời đời thế tập. Gia phả chỉ chép ông là Lưu công Thụy Huyền Nghi. Con là Lưu Xuân Dục được phong tước hầu, thụy là Khắc Thuần. Con là Lưu Bá Thịnh sinh ra Lưu Trung. Khi quân nhà Minh sang cướp nước ta, ba cha con ẩn dấu tông tích làm nghề bán dầu để tìm người đồng chí mưu việc khởi nghĩa. Bản gia phả có chép một số truyền thuyết hoang đường để giải thích lý do tại sao ba ông tìm vào Lam Sơn, như trường hợp của Trần Nguyên Hãn. Điều này một số sách chính sử cũng có ghi như trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn "làm nghề buôn dầu, ngủ ở đền thần, được triệu tốt. Vì thế tìm vào Lam Sơn"[19] hay được ghi cụ thể trong Đại Việt địa chí thời Tự Đức (Thư viện khoa học trung ương số A. 973). Một số truyền thuyết trong gia phả chép khi ba ông tới Lam Sơn giống như trong Lam Sơn thực lục[20] (việc gặp nhà sư cho Lê Lợi đất, việc Lê Lợi được kiếm thần, chuôi kiếm thần .v.v...) hay việc ba ông phụng mệnh Lê Lợi chiêu mộ binh sĩ, thừa hành lấy mỡ bôi vào là cây "Lê Lợi làm vua nước Việt Nam" để kiến ăn thủng là thành chữ. Những điều này có thể là mưu của những người khởi nghĩa muốn dùng mê tín để lôi kéo nhân dân theo nghĩa quân. Ta có thể tin là có được vì đó là việc hay thấy ở thời đó và cả những triều vua sau này nữa.

          Có điều cần suy nghĩ là tại sao ba ông người tận Thái Nguyên mà biết đường tìm vào tận Lam Sơn ngay từ buổi đầu khi Lê Lợi còn dấu mình chưa hành động. Theo con cháu họ Lưu được các cụ kể lại thì gốc gác tổ tiên họ Lưu là người Thanh Hóa, vì loạn lạc, nghèo khó phải bỏ quê lên ngược kiếm ăn. Khi lên tới Thái Nguyên, miền Đại Từ lúc đó còn hoang vu, các cụ bèn xin nhà Trần chiêu mộ dân chúng từ miền xuôi lên, phần lớn là người trong họ, đồng thời thần phục dân địa phương lúc đó là các dân tộc thuộc ngôn ngữ Tày Thái[21], có thể là người Tày hay người Cao Lan khai khẩn ruộng nương, lập thái ấp ở vùng chân núi Tam Đảo phía Tây Nam huyện Đại Từ, mà trung tâm là xã Thuận Thượng[22] nay cải là xã Vân Yên. Nên khi giặc Minh sang, với lòng quyết tâm tìm người hiền kết nghĩa để đánh giặc cứu nước, ba ông lại có quan hệ cũ với miền Thanh Hóa nên dễ tìm được tới người lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sau này là Lê Lợi.
          2. Chiến công của ba vị võ tướng được bản gia phả ghi lại chỗ tường tận, chỗ sơ lược đều phù hợp với chính sử. Điều được chú ý là đã từ năm 1409 tức là trước hội thể Lũng Nhai bảy năm và trước năm Lê Lợi giương cờ khởi nghĩa chín năm, ba ông đã tới với Lê Lợi. Qua bản gia phả ta cũng hiểu được mưu đồ của Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa đã nung ấu trong nhiều năm. Trong bản gia phả thường ghi chung chiến công của ba người. Điều đó một phần nào có làm giảm giá trị thực của lịch sử. Công đầu trong ba người phải kể là Lưu Nhân Chú, người võ tướng đã được Lê Lợi cho đứng hàng thứ 5 khi bình công, người đã chiến thắng trận Mộng Thắng, Khả Lưu, đã lãnh đạo trận Chi Lăng, Xương Giang nổi tiếng trong lịch sử, chém chết Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc, quyết định cho cuộc thắng lợi hoàn toàn của cuộc khởi nghĩa. Nếu người đọc bản gia phả tinh ý cũng thấy điều đó. Nhưng do cách ghi gia phả theo quan niệm phong kiến xưa, cha con cùng tham gia, công đều quy chung mà cha làm đại diện. Có một việc ghi riêng quy công cho Lưu Nhân Chú là việc vua sai Lưu Nhân Chú đi sứ bàn hòa. Thực chất việc này trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn ghi rõ là: "Khi Vương Thông cùng quẫn xin hàng, cho Sơn Thọ và Mã Kỳ làm con tin ở ta thì vua cũng sai con là Tư đồ Tư Hiền cùng Nhân Thụ vào thành làm con tin để bền vững lời ước".

          3. Nhưng giá trị của bản gia phả này là cung cấp cho giới sử học một tài liệu mới: Văn bản hai bài thề của Lê Lợi với các chư tướng ở Lũng Nhai và danh sách những người tham dự hội thể đó.

          Nội dung hai bài thề, một là lời thề của Lê Lợi và chư tướng với Trời đất bằng chữ Hán, một là lời thề của Lê Lợi cùng chư tướng bằng văn nôm. Trong hai bản đó có đôi chỗ khả nghi bị người sao chép sửa chữa lại nhưng vẫn là những tài liệu đáng được chú ý. Ở Bản thứ nhất, có ghi niên hiệu Thiên Khánh vào năm Bính Thân tức năm 1416. Theo chính sử, Thiên Khánh là hiệu của Trần Cảo (1423 hay 1426). Việc ghi thêm niên hiệu này vào chứng tỏ người sao chép chỉ nhớ mang máng trước niên hiệu Thuận Thiên có Thiên Khánh và muốn thêm vào để cho đủ lệ bộ đã có ghi năm tháng phải có niên hiệu nữa. Ở bản thứ hai trong lời thề cùng chư tướng, Lê Lợi đã tự xưng là trẫm và Thái Tổ Cao hoàng đế và gọi những người cùng dự hội thề là công thần, chư tướng. Có thể người sao chép lại bản này khi Lê Lợi đã lên ngôi, vì tôn sùng Lê Lợi mà thay lời xưng hô đi chăng.

          Hai bản văn thề ở Lung Nhai này chưa thấy được chép ở một cuốn sách nào có lưu lại đến nay. Giá trị của nó là ở chỗ đó.

          Trong bản thứ nhất có ghi đủ 18 tên các vị anh hùng dự hội thề ở Lũng Nhai. Từ trước đến nay cũng chưa có một tài liệu nào chép đầy đủ. Trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có chép Lê Lai, Lê Văn An, Lê Ly, Lê Nhân Chú, Trịnh Khả, và Nguyễn Thận là người dự hội thề này. Các tài liệu này ở các cuốn sử khác cũng có chép đôi ba tên. Có điều là những ghi chép đó đều cho thấy không ngoài 18 vị ghi trong bản gia phả dòng họ Lưu này.

          Trong danh sách 18 vị cần chú ý có tên Nguyễn Trãi. Đây cũng thêm được một bằng cớ để các nhà nghiên cứu có thể làm sáng rõ thêm vấn đề thời gian Nguyễn Trãi đã bắt đầu tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Cho đến nay, chưa ai khẳng định được lúc nào Nguyễn Trãi tìm đến Lam Sơn và gặp Lê Lợi và trở thành người cộng tác gần gụi nhất của người lãnh tụ nghĩa quân. Người ta còn hồ nghi ý kiến tác giả Đại Việt thông sử cho rằng Nguyễn Trãi là một trong những hào kiệt đã đến Lam Sơn trước ngày khởi nghĩa (1418). Nếu quả thật như bản gia phả dòng họ Lưu có ghi Nguyễn Trãi đã dự hội thề ở Lũng Nhai (1416) thì chả là một điều đáng chú ý hay sao. Lại như, nếu ba cha con Lưu Trung đến với Lê Lợi năm 1409 mà phải 4, 5 năm sau mới chiếm được lòng tin cậy của Lê Lợi thời Nguyễn Trãi dù là người có tài hơn ba cha con Lưu Trung, dù đã là người dâng "Bình Ngô sách" cũng không thể không đến sớm hơn 1416 để có thể Lê Lợi tự coi là người thân tín và cho tham dự hội thề đó được.

          Bài văn thề thứ hai là một bài văn nôm. Mặc dầu người sao chép có chữa lối xưng hô của Lê Lợi, bài này cũng là một tài liệu hiếm để qua đó ta có thể nghiên cứu về ngôn ngữ, ngữ pháp, văn chương nước ta hồi bấy giờ. Đó là không kể qua hai bài văn thề còn giúp tài liệu nghiên cứu thêm về mục đích của cuộc khởi nghĩa (bài I), tính chất quân đội đã được Lê Lợi xác định ngay từ buổi đầu (bài II) v.v.

          Tuy nhiên, bản gia phả dòng họ Lưu hiện tìm thấy là một bản sao chép lại bản chính, có một số chỗ lầm lẫn hoặc do thêm thắt hoặc do người chép buổi đầu đã tự chép lầm. Những chỗ lầm lẫn đó chúng tôi đã chú thích khi sao dịch bản này ở trên. Tuy những chỗ lầm lẫn đó không lớn nhưng không khỏi ta cần đặt vấn đề thẩm vấn. Hiện còn một bản gia phả của nhà họ Phạm ở Văn Lãng, Thái Nguyên. Bản này theo gia đình họ Phạm con cháu Phạm Cuống thì cũ hơn, đã rách nát, có dấu son, đã đưa cho UBHC huyện Đại từ năm 1956 trong dịp thành lập khu tự trị Việt Bắc. Tiếc rằng chúng tôi đã cố gắng tìm hỏi nhưng nay đã thất lạc, không biết cơ quan nào hay cá nhân nào giữ. Nếu có bản đó để đối chiếu thì thật tốt bao nhiêu.
*  *  *
          Dòng họ Lưu trong suốt đời Lê sơ con cháu đều được phong tước hầu. Thái ấp của họ rộng bao gồm cả vùng tây nam Thái Nguyên và lân cận. Theo sắc chỉ ghi năm Chính Hòa nguyên niên thời số ruộng do cha ông để lại đến thời Trịnh Tạc chỉ còn 356 mẫu (trước là 1.100 mẫu), rải rác không những ở huyện Đại Từ, huyện Văn Lãng, huyện Phổ Yên, huyện Yên Lãng, huyện Đồng Hỷ thuộc tỉnh Bắc Thái hiện nay, mà cả ở các huyện Võ Giàng, huyện Đông Anh nữa. Thái ấp đó lấy trung tâm là xã Vân Yên và một phần xã Kỳ Phú và Vạn Thọ ở huyện Đại Từ hiện nay. Hiện nay qua địa danh còn rớt lại ta cũng có thể thấy tinh chất hùng cứ một phương của dòng họ Lưu khi xưa như: mả tổ họ Lưu ở Miễu, suối Dinh, đình Gấm, núi Văn, núi Võ, bãi Quần ngựa, khu Tàng Lương (nơi để lương thực nay gọi chệch là Tràng Dương) .v.v... Các xã xung quanh trước Cách mạng Tháng 8 còn thờ ba vị làm thần Thành hoàng và thờ các bà chúa, cô nàng và các người trong họ Lưu.
          Sau Cách mạng Tháng 8, con cháu họ Lưu vẫn chiếm tỷ số nhiều nhất trong xã Vân Yên và tham gia hoạt động trong các ngành quân, dân, chính, Đảng. Có nhiều người có thành tích chiến đấu và sản xuất được huân chương và bằng khen.
Tháng 12-1966.
Chú thích tham khảo tài liệu:
 
 [1] Tạp chí “Nghiên cứu Lịch sử” số 105, tháng 12 - 1967; trang 42
[2] Con cháu hiện nay đều nhớ tên thực là Lưu Nhân Trụ
[3] Hiện bản sao và bản dịch để ở phòng tư liệu khoa Sử trường Đại học tổng hợp số VT 267 và HV67. Thư viện khoa học trung ương cũng đã chụp bản chính
[4] Niên hiệu này ghi không đúng vì Lê Lợi lấy hiệu là Thuận Thiên lên ngôi Hoàng đế vào 15-4 năm Mậu Thân
[5] Ghi 3 sau kể có 2
[6] Năm này cũng có thể sai vì năm Đinh Dậu là năm 1357 mà năm Đại Trị thứ 10 lại là năm Đinh Mùi 1367
[7] Các sách sử chép là Khả Lam. Ở bản Gia phả này có chỗ chép là Khả Lam
[8] Trong chính sử, chép việc Đỗ Phú xã Hào Lương dắt quân Minh vào năm 1418
[9] Ở đây ghi sai là 20 người. Thực tế như ở bài Văn thề và theo sách sử chép là 18 người; Nếu kể cả Lê Lợi là 19.
[10] Năm Bính Thân là năm 1416, năm đầu hiệu Thiên Khánh là năm 1423 hay 1426
[11] Trong bài này các chữ xưng hô có lẽ bị sửa chữa lại khi sao chép cho phù hợp với lúc Lê Lợi đã lên ngôi.
[12] Trong gia phả không có chữ giáo.
[13] Như chú thích ở trên.
[14] Bản phả chép thiếu.
[15] Các con số thiệt hại của giặc, bản gia phả thường chép nhiều hơn trong chính sử ghi. Lại thêm có chỗ chiến công của ba vị thường ghi chung và tuy trong một trận đánh, ba vị cùng ác tướng khác cùng lập công, bản gia phả ghi vào công của ba vị mà thôi.
[16] Trong bản gia phả chép không rõ là Hùng hay Đôi.
[17] Về trận đánh này, bản gia phả chép không kỹ và có sai sót.
[18] Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn - Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV. Nhà xuất bản Khoa học - Hà Nội 1965, trang 88.
[19] Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. Bản dịch của trường Đại học tổng hợp, ký hiệu VT41.
[20] Lam Sơn thực lục bản dịch của Mạc Bảo Thần, nhà xuất bản Tân Việt Hà Nội 1944. Các đọan truyền thuyết hoang đường ghi trong Lam Sơn thực lục, có chép trong bản gia phả dòng họ Lưu, theo Mạc Bảo Thần, đều do người đời sau thêm vào (theo ý của Mạc Bảo Thần).
[21] Hiện tên các mảnh ruộng cũ ở xã Vân Yên còn mang những tên Tày Thái như Nà Luông, Nà Ca, Nà Mu, Nà Buồn,bãi Cao Lan .v.v. Hiện ở Vân Yên còn có các họ Ma, họ Ma, họ Mè tuy đã hóa Việt nhưng còn nhớ gốc là người Tày.
[22] Theo bản gia phả và nhân dân Vân Yên còn nhớ  xã Vân Yên xưa là Thuận Thượng. Điều này khác với các sách sử như Đại Việt thông sử, Đại nam nhất thống  chí chép là xã Thuận An Thượng; Cương mục là An thượng; Lịch triều hiền chương loại chí (nhân vật chi) chép là An Thuận (xem Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn. Sách đã dẫn. Nhà xuất bản Khoa học. Hà Nội 1965. 
 
TS. Lưu Thị Tuyết Vân & TS Lưu Văn Thành (Sưu tầm & Biên tập)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)