Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 29/10/2012
E-mail     Bản in

Phải nhanh chóng cứu thương hiệu cốm làng Vòng
Ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Hội Làng Nghề Việt Nam thừa nhận, việc xây dựng thương hiệu cốm Làng Vòng là hết sức cần thiết.

Ông LƯU DUY DẦN

“Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng gìn giữ và phát triển thương hiệu cũng không hề dễ dàng. Vì vậy những người làm cốm làng Vòng nên tập hợp nhau lại để thành lập một hội cho mình”.

Trước thông tin cốm làng Vòng đang bị thả nổi, cơ quan chính quyền địa phương không quản lý, đa số các hộ làm cốm đều là tự phát nên việc họ có cho thêm phẩm màu làm cốm hay làm cốm giả cũng không… ảnh hưởng đến ai.

Để xảy ra hiện tượng đáng tiếc trên, một phần vì trào lưu kinh doanh kiểu “hiện đại” bất chấp mọi nguy hiểm, miễn sao có tiền, một phần vì thiếu một hiệp hội đằng sau.

Nhanh chóng cứu thương hiệu cốm làng Vòng

Trước nguy cơ thương hiệu cốm làng Vòng có thể bị mai một vì không có cơ quan chức năng nào quản lý, ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch – Tổng thư ký Hội Làng Nghề Việt Nam thừa nhận: việc xây dựng thương hiệu cốm làng Vòng là hết sức cần thiết.

Đối với làng nghề truyền thống thương hiệu rất quan trọng trong quá trình sản xuất và kinh doanh, bảo tồn hàng hóa truyền thống. Thực tế trên thế giới, rất nhiều nước, điển hình như Nhật Bản và Hàn Quốc, rất quan tâm đến việc phát triển và đăng ký thương hiệu.

Ở Việt Nam, ông Dần phân tích: Cốm làng Vòng không chỉ nổi tiếng về mặt văn hóa ẩm thực mà còn nổi tiếng cả về giá trị lịch sử. Làng Vòng nằm giữa thủ đô Hà Nội, cốm nơi đây nổi tiếng từ bao đời nay, đã đi vào đời sống của nhiều thế hệ người Hà Nội từ người nghèo, người giàu, công nhân, học sinh, sinh viên. Bao lớp người đó đều thích cốm làng Vòng.

Việc làm cốm hết sức công phu từ việc chọn gạo, làm cốm đều có bí quyết, công thức nhất định. Cốm không chỉ để ăn thông thường mà còn được người dân dùng để cúng bái, trở thành nét văn hóa tâm linh của người Việt.

“Khi hướng vào hiện đại hóa, chúng ta nên giữ lại những tinh hoa đó cho thế hệ con cháu. Chỉ tiếc rằng, ngày nay người ta đã quên đi truyền thống đó và muốn kiếm tiền bằng mọi giá” – ông Dần chia sẻ.

Ở Việt Nam, có trên 3.000 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề về văn hóa ẩm thực đã được đăng ký và phát triển thương hiệu, nhiều nghệ nhân được vinh danh. Ví dụ như: Bánh cuốn Thanh Trì, Bành dày Quán Gánh, Kẹo Sìu Nam ĐỊnh, Bánh cáy Thái Bình, chè Lam Thanh Hóa… Tuy nhiên thương hiệu cốm Làng Vòng đã có từ lâu nhưng đang dường như đang bị lãng quên.

Cần lập Hiệp hội cốm làng Vòng

Ông Dần cho rằng, việc xây dựng thương hiệu đã khó nhưng việc gìn giữ và phát triển thương hiệu còn khó hơn rất nhiều. Thực tế, có nhiều làng nghề có thương hiệu truyền thống hàng trăm năm nhưng người dân đành bỏ nghề. Nguyên nhân chủ quan cũng có mà khách quan thì càng nhiều. Có những người họ không thể sống được với nghề truyền thống của quê hương nên đành bỏ.
 

Những người nặng lòng với Cốm từng rất sốc trước hình ảnh nhuộm cốm thế này.


Trong khi đó, cốm làng Vòng rơi vào cảnh không có ai chịu trách nhiệm quản lý, không có quy hoạch. Cánh đồng cốm làng Vòng xưa kia đã trở thành những ngôi nhà chung cư sang trọng. Sự quy hoạch bừa bãi có thể làm mất cả một làng nghề có truyền thống hàng trăm năm.

Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu cốm làng Vòng, những người làm cốm cần đoàn kết nhau lại trong một tập thể, một tổ chức có thể là phường hội. Không thể làm theo kiểu tự phát, không người quản lý, bảo vệ được. Khi có phường có hội, người làng Vòng có thể làm đơn đăng ký và bảo hộ thương hiệu cốm làng Vòng của mình để có cơ hội phát triển hơn nữa.

Theo đó, Hiệp hội các làng nghề Việt Nam sẽ đứng ra cùng bà con gửi đơn lên Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch và Bộ Công thương xin đăng ký thương hiệu theo đúng quy định.

http://a8.vietbao.vn/images/vn888/hot/v2011/20111011-110409-1-avarxoicom.jpeg
Theo ông Dần, người làng Vòng nên nhanh chóng lập Hiệp hội, đăng ký thương hiệu để bảo tồn một món ăn được xem là tinh hoa quà Việt. Ảnh minh họa.

Việc thành lập phường hội và đăng ký thương hiệu, tham gia hiệp hội các làng nghề Việt Nam sẽ tạo cơ hội mới cho thương hiệu cốm làng Vòng. Lúc đó, không chỉ có thương hiệu được quảng bá mà các nghệ nhân làm cốm cũng được vinh danh.

Ông Dần cho biết mỗi năm hiệp hội đều vinh danh các nghệ nhân làm nghề truyền thống và các sản phẩm tiêu biểu. Khi tham gia Hiệp hội các làng nghề Việt Nam những nghệ nhân này sẽ được tuyên truyền giữ gìn nét bản sắc của sản phẩm truyền thống. Đối với những sản phẩm về ẩm thực, nếu vi phạm về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm hiệp hội sẽ kỷ luật và không được vinh danh trong những năm đó.

Ông Dần nhấn mạnh việc thành lập phường hội làm cốm và đăng ký thương hiệu cho cốm làng Vòng là cần thiết để thương hiệu này ngày càng phát triển hơn nữa.

 


 

 

Theo GDVN