Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. TUỔI TRẺ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 28/8/2012
E-mail     Bản in

Vận động viên Cầu mây LƯU THỊ THANH
Tham dự 4 kỳ SEA Games, 3 kỳ ASIAD liên tiếp, Lưu Thị Thanh là VĐV có “thâm niên” nhất Đoàn Thể thao Việt Nam. 25 tuổi, cô chị cả của đội tuyển cầu mây nữ Lưu Thị Thanh có số phận gắn bó với trái cầu bằng những câu chuyện khó tin.

VĐV Cầu Mây LƯU THỊ THANH
 

- Sinh: 15-9-1983

- Quê quán: Thanh Hóa

- Sở thích: nấu ăn, chơi thể thao và đi biển

- Thành tích cao nhất:

+ 2 huy chương vàng Asiad 2006

+ Được bầu chọn danh hiệu VĐV tiêu biểu toàn quốc 2006

+ Huân chương Lao động hạng 3

Luu Thi Thanh thang chinh minh moi quan trong nhat

Lưu Thị Thanh (trái)


Đi ngủ cũng mơ đến đá cầu

Chuyen gia cua nhung ky luc

Lưu Thị Thanh (trái) và đồng đội trên bục nhận HCV

Nhắc đến Lưu Thị Thanh , người dân ở đường Nguyễn Khoái (TP Thanh Hóa) nhớ ngay: “À có phải cái Thanh lúc nào cũng ham đá cầu chứ gì, với nó chẳng có gì quan trọng bằng chuyện đá cầu”.

Hơn 10 tuổi, Lưu Thị Thanh đã thích chơi cầu, lúc đầu chỉ là “đá độ” với anh trai, hàng xóm trông thấy về “mách” bố mẹ Thanh: “Con gái gì mà chơi trò của bọn con trai”. Thế nhưng bố mẹ Thanh lại rất tôn trọng sở thích của con gái. Khi ấy trái cầu được làm bằng những mảnh vỏ lon bia buộc thêm túm lông gà.

Thanh càng chơi càng điêu luyện, đặc biệt là khoản tâng cầu. Lúc đầu vượt qua anh trai, sau đến các bạn hàng xóm và trở thành cô học sinh “siêu đá cầu” ở trường.

Chẳng thế mà khi tỉnh Thanh Hóa tổ chức giải đá cầu chinh, Lưu Thị Thanh đương nhiên trở thành đại diện của trường và giật luôn giải nhì. Chỉ có giải nhì vì lần thi đấu ấy cũng là lần đầu Thanh làm quen với quả cầu chinh thật sự, đi giày, chơi lưới chứ không phải “chân dép” và dùng quả cầu bằng lon bia như ở nhà. Sau đó, Thanh được gọi vào đội tuyển năng khiếu đá cầu của tỉnh.

Thanh tâm sự: “Tôi có thể không ăn nhưng không thể không đá cầu. Thậm chí không biết bao nhiêu lần tôi nằm mơ ngủ thấy mình đá cầu tới mức… lăn cả xuống đất. Để được xem một trận đấu hay, tôi có thể đánh đổi bất kể thứ gì”.

Hai lần suýt bỏ cầu mây

Chuyen gia cua nhung ky luc
Để có những động tác tấn công ngoạn mục, Lưu Thị Thanh đã phải khổ luyện hơn 10 năm
Năng khiếu bẩm sinh, sự đam mê đã đưa Thanh trở thành VĐV chính thức của đội tuyển cầu chinh Thanh Hóa rồi thành viên của đội tuyển đá cầu Việt Nam. Năm 1996, Sở TDTT Hà Nội tổ chức thi tuyển cầu mây.

Lúc ấy môn này mới du nhập từ Thái Lan, ai cũng lạ và con đường ngắn nhất, nhanh nhất là chọn những VĐV đã giỏi môn cầu chinh để thi đấu thử. Lưu Thị Thanh đã được thuyết phục thi thử.

Khởi đầu không đơn giản như Thanh nghĩ, trái cầu mây tròn, nặng hơn nhiều so với cầu chinh nên khi tâng cầu Thanh không thể thực hiện được. Đã có lúc Thanh tính chuyện bỏ cuộc nhưng suy đi nghĩ lại, Thanh tự nhủ “Sao nguời khác làm được mà mình lại không”.

Vậy là lại lao vào luyện tập và cùng với Thúy Vinh, Trần Thị Vui, Lưu Thị Thanh có tên trong bộ “tam cô nương” đầu tiên của cầu mây nữ Việt Nam gây chấn động ở ASIAD 13 khi chỉ thua sát nút tuyển Myanmar ở trận chung kết.

Lần thứ hai Thanh có ý định chia tay cầu mây là thời điểm liên tiếp có những chuyện buồn. Phong độ sa sút, Thanh bị loại khỏi danh sách đội tuyển dự giải cầu mây Đông Nam Á năm 2000. Khoảng thời gian đó với cô gái Thanh Hoá này như một “cực hình”.

Một lần nữa, bỏ qua nỗi buồn và sự mặc cảm, Thanh lại lao vào tập luyện. Bốn tháng ròng rã từ tháng 7 đến tháng 11/2005, vừa để chứng tỏ năng lực, vừa để quên đi nỗi buồn, Thanh tập với cường độ lớn hơn cả những gì mà BHL đội yêu cầu.

Cô tâm sự: “Có lúc, tôi muốn bỏ chơi cầu để đi làm nhưng tôi không muốn mọi người chê cười bỏ cuộc sớm. Tôi tự ra thêm bài tập cho mình một ngày ba buổi, chính vì thế mà nhiều khi bị căng thẳng tới mất ăn mất ngủ nhiều ngày”.

VĐV duy nhất có tên trong “Chuyện lạ Việt Nam”

Gần 5.500 lần, chính xác là 5.485 lần tâng cầu liên tiếp chỉ trong vòng 62 phút là kỷ lục của Lưu Thị Thanh được ghi trong “Chuyện lạ Việt Nam”. Điều đáng nói là khi Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị Thanh làm chương trình thì chính cô cũng suýt “quên” khả năng đứng một chỗ tâng cầu vì Thanh có nhiệm vụ làm chuyền hai và bắt bước một trong đội.


Lưu Thị Thanh trong giây phút đăng quang ở Á vận hội Doha
 

Lưu Thị Thanh còn giữ một kỷ lục mà hầu hết các VĐV đều thèm muốn: Cộng với hai tấm HCV ASIAD mới có, Lưu Thị Thanh đã có gần… 100 tấm huy chương giành được từ các cuộc thi trong nước và quốc tế.
Không ngờ chỉ sau một vài tiếng tập luyện, khả năng tâng cầu hồi nhỏ của Thanh trỗi dậy và VTV3 đã ghi hình luôn, kết quả là một kỷ lục Việt Nam được xác lập. Đây rõ ràng là một kỷ lục khó phá bởi nó đòi hỏi kỹ thuật và cả sức khỏe. Sau khi lập lỷ lục, Thanh đã phải nằm bệnh viện vì mất sức.

Có một kỷ lục nữa mà Thanh cùng các đồng đội đang nắm giữ, ít được nhắc đến hơn. Đó là tại SEA Games 22 tại Việt Nam, dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Lưu Thị Thanh, đội tuyển cầu mây nữ đã phá kỷ lục ASIAD với 4.915 điểm ở nội dung vòng tròn đích (kỷ lục cũ do đội tuyển Thái Lan lập ASIAD 14 Busan 2002 là 4.515 điểm). ASIAD 15 đã không đưa nội dung trên vào chương trình thi đấu, nếu không có lẽ Thanh đã lại “ẵm vàng”.

Lưu Thị Thanh - Cô Tèo tuyệt vời!

 
VTC - Tèo là tên thân mật của Lưu Thị Thanh, đội trưởng đội tuyển cầu mây nữ quốc gia, cô gái vàng đã cùng đồng đội đoạt hai huy chương vàng ASIAD 15 (Đại hội thể thao Châu Á) tháng 12 vừa qua, đưa cầu mây Việt Nam lên đến đỉnh cao vinh quang.

Chị Tèo tuyệt vời thật đấy! Đó là lời khen chân thành của đàn em dành cho chị đội trưởng sau khi đã giành chiến thắng từ những trận cầu ngạt thở. Còn với riêng “chị Tèo”, chiến thắng chỉ đơn giản là vượt qua chính mình, luôn luôn là như vậy.

“Những ngày đầu gia nhập đội tuyển cầu mây quốc gia, em chẳng biết làm gì với quả cầu. Không tâng được, không làm được bất kì điều gì với nó. Các chị trong đội học nhanh hơn em nhiều, ba ngày sau đã làm được. Em nghĩ mình kém thế này thì làm sao theo nổi. Mãi đến nửa tháng sau, em mới làm được, mà đã làm được là nhất luôn, qua hết các chị”.

Đó là năm 1997, khi Lưu Thị Thanh 14 tuổi, chân ướt chân ráo lên Hà Nội. Giờ thì Thanh đã là đội trưởng, và luôn là người giỏi nhất chưa có ai thay thế được, từ năm 1997 đến nay.
Lưu Thị Thanh tâng bóng trước sự chứng kiến của các bạn cùng lớp Đại học TDTT TW1, Từ Sơn
 
Cô Tèo rất chăm chỉ, vừa học Đại học Thể dục thể thao, vừa tập luyện ở đội tuyển, ngoài ra còn chạy bộ để rèn luyện thêm. Cô Tèo từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ đi chơi xa lấy một chuyến, tuần trăng mật cũng không (dù vừa lấy chồng), huống hồ gì đi dã ngoại hay picnic.

Tại sao không đi chơi hả Tèo? “Em còn phải học, còn phải tập luyện, lại còn chuyện gia đình nữa, đi chơi làm sao được”, Thanh trả lời. Cô Tèo vóc dáng mảnh mai thanh thoát cũng không ham mua sắm ăn diện như các bạn cùng tuổi vì còn phải lo cho gia đình.

Làm trụ cột gia đình

Từ nhỏ, Thanh không biết đến những trò chơi thơ ấu. Tuổi thơ của Thanh là việc nhà nặng nhọc, là bệnh tật của bố và mẹ, là gia cảnh sa sút, là nuôi anh trai ăn học và góp phần trả nợ cho gia đình.

Cuộc sống của gia đình Thanh ở Thanh Hóa diễn ra giản dị trong những năm đầu tiên, bố làm bảo vệ, mẹ làm giáo viên, đến bữa ăn cơm độn khoai độn sắn như mọi người. Thế rồi bố Thanh bỏ nghề bảo vệ, chuyển sang buôn bán chất đốt. Nhà Thanh khá giả lên trông thấy.

Thanh đi học có ô tô đưa đón. Quanh nhà tàu thuyền tấp nập. Như vậy được vài năm, bố Thanh tuyên bố vỡ nợ. Toàn bộ gia sản đem gán nợ. Chủ nợ dai dẳng đoi nhà. Bố mẹ Thanh lâm vào cảnh nhục nhã vì khất nợ. Hai anh em Thanh tự nhủ: “Mình không thể để cho bố mẹ mình nhục nhã thế này. Mình phải khôi phục danh dự gia đình”.

Mẹ Thanh đau ốm, một mình Thanh là con gái trong nhà nên vừa phải đi học vừa lo nấu ăn giặt giũ cho cả nhà vừa chăm nuôi sáu con lợn. Đến bữa cho lợn ăn, bé Thanh bê nồi cám lợn to tướng muốn vẹo xương sườn. Nhiều lúc Thanh thấy gia đình mình khổ quá, cô bé chỉ muốn đi làm thuê thật xa để kiếm tiền gửi về cho nhà bớt khổ.

Hai anh em Thanh cách nhau một tuổi, chơi cầu chinh rất giỏi trong những năm học phổ thông, rồi cùng được chọn vào đội tuyển cầu chinh của tỉnh Thanh Hóa. Số tiền bồi dưỡng dành cho mỗi người lúc ấy được 90.000đ/tháng. Cô bé Thanh đem toàn bộ số tiền về nhà phụ tiền ăn cho gia đình. Trong vòng một năm, Thanh vừa chăm sóc mẹ ốm, vừa phấn đấu trong thể thao để được bồi dưỡng nhiều hơn, đem về cho gia đình.

Năm 1997, đội tuyển cầu mây nữ Việt Nam được thành lập, Thanh được gọi tham gia và quyết định đi ra Hà Nội theo con đường thể thao chuyên nghiệp còn anh trai Thanh quyết tâm chọn con đường học hành. Đó cũng là lúc kinh tế của gia đình Thanh suy sụp hoàn toàn. Trong mấy năm, Thanh đã dùng toàn bộ số tiền lương 650.000 đồng, chắt bóp thêm được vài trăm ngàn, tổng cộng là một triệu mỗi tháng gửi về nhà vừa để trả nợ, vừa để góp phần nuôi anh trai ăn học.

Rồi anh trai Thanh đỗ thủ khoa Học viện Khoa học quân sự và á khoa trường Đại học Ngoại thương. Anh băn khoăn lựa chọn: Học quân sự được bao cấp hoàn toàn nhưng không phù hợp sở thích, hoặc học ngoại thương – ngành yêu thích nhưng phải tự bỏ chi phí. Thanh đã khuyên anh trai thế này: Anh nên chọn trường Ngoại thương vì đó là ngành anh yêu thích, chỉ khi làm những gì mình yêu thích, mình mới phát huy hết khả năng.

Cô em gái lại tiếp tục nuôi anh trai học đại học, chăm sóc cho anh trai từng li từng tí, giặt đồ cho anh, góp cơm thừa sau mỗi bữa ăn ở trung tâm huấn luyện đem đến trường cho anh. Để tiết kiệm, hai anh em mặc chung quần áo của nhau. Vô cùng cảm động trước sự quan tâm của em gái, anh trai Thanh quyết tâm giành học bổng du học, và quả thật, sau hai năm đầu, anh đã đậu học bổng đi Nhật.

Trong những năm tháng đó, anh em Thanh đã nỗ lực vượt qua một cú sốc lớn. Bố Thanh lâm bệnh, lại thêm suy nghĩ quá nhiều về hoàn cảnh gia đình nên qua đời sớm vào năm 2000. Hai anh em từ Hà Nội chỉ kịp về đến nhà vào giờ phút cuối cùng của bố. Trước khi mất, ông dặn: “Anh em con phải luôn nhớ rằng các con là đôi cánh mà thân con chim chính là mẹ của các con”.

 
Lưu Thị Thanh với sự giản dị và đôi mắt giàu nghị lực ngoài đời thường
 
 Không lâu sau khi bố ra đi, đôi cánh anh em Thanh đã lớn mạnh rồi. Anh trai Thanh đã lập nghiệp ở Nhật. Tiền thưởng từ các huy chương của Thanh và số tiền anh trai gửi về đủ để trả hết nợ nần và chu cấp cho mẹ.

Chiến thắng của ý chí

Thanh nói phần lớn ý chí của mình có được là từ lối sống của bố và sự động viên của anh trai, còn mẹ dạy Thanh cách chăm sóc bản thân. Trong thể thao cũng như trong cuộc sống, phải biết tôn trọng bản thân mình để không va vấp, quan trọng nhất là nỗ lực và tự rèn luyện mình. Hào quang chỉ là nhất thời, chiến thắng chính mình mới là đáng kể. Những thành tích của Thanh trong sự nghiệp chứng tỏ điều đó.

Hai năm sau khi giữ vị trí thủ quân đội cầu mây quốc gia, “chị Tèo” của đội bị “hiểu lầm” nghiêm trọng. Đó là vào năm 2005, sau khi Lưu Thị Thanh lập kỷ lục tâng cầu nhiều nhất trong chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” do VTV3 sản xuất, cô bị hạ vị trí, ra khỏi đội tuyển chính thức, xuống ghế dự bị và không được tham gia thi đấu. Thanh buồn vô cùng vì nghĩ rằng việc mình xuất hiện trên truyền hình chỉ là góp phần làm đẹp hình ảnh cho cầu mây Việt Nam chứ không có động cơ “ngôi sao” như người ta nghĩ.

Trong hai tháng trời, Thanh không ngủ được, gầy tọp đi vì suy nghĩ. Người thân thương cảm cho Thanh, bèn khuyên cô bỏ đội. Thanh lập tức gạt đi những lời khuyên đó, cô nghĩ: “Không thể như thế được. Mình là đội trưởng, ra đi trong tình cảnh này tức là đầu hàng. Hiện nay vẫn chưa có ai thay thế được vị trí của mình, ra đi tức là từ bỏ trách nhiệm với đội tuyển. Có thể ban huấn luyện muốn nhân dịp này để thử thách mình. Phải lấy lại sự tin tưởng bằng một cách duy nhất, đó là hành động thôi”.

Thanh vẫn đều đặn có mặt trong các buổi tập luyện và giữ vững phong độ của mình. Cho đến sát Seagames 2005 một buổi tập, Thanh mới được gọi trở lại đội chính thức. Sau sáu tháng chiến đấu với bản thân, Thanh đã giành được sự tin tưởng của ban huấn luyện.

Và gần đây nhất, thử thách là những trận cầu nảy lửa ở ASIAD 15. Ở nội dung đá đồng đội, chưa bao giờ Việt Nam thắng được Thái Lan. Cầu mây là môn thể thao truyền thống của vua Thái. Huấn luyện viên quyết định đưa đội 1 của Việt Nam vào thi trước. Thanh có mặt trong đội 1. Cô ý thức rằng mình là đội trưởng, nếu làm chủ được bản thân và chơi tốt vị trí chuyền hai của mình sẽ góp phần củng cố tinh thần tự tin của các em trong đội.
Đứng trước mối đối thủ mạnh, chỉ một quả phát cầu hỏng cũng có thể làm ảnh hưởng đến tinh thần của đội, bởi vậy Thanh động viên các em nhẹ nhàng, khuyên các em đừng bận tâm tới các quả hỏng. Trận đấu căng thẳng diễn ra và Việt Nam giành chiến thắng sát nút 2-1.

Tiếp đến là trận đấu của đội 2. Nhìn qua danh sách đội tuyển, Thanh thấy Việt Nam không thể chơi lại được vì đội bạn quá mạnh. Đội 2 thua nhanh. Cơ hội chiến thắng rất lớn ở trận đấu của đội 3. Hy vọng huy chương vàng lên đến 70% vì thực lực của đội bạn chỉ ngang bằng, nếu không nói là kém hơn.

Thanh gào thét cổ vũ các em đến mất cả giọng, nhưng tâm lý “chưa bao giờ thắng” đã chi phối tinh thần của các tuyển thủ trẻ Việt Nam dẫn đến kết quả thua nhanh ở hiệp 1. Thanh khóc, cô mắng các em sao không thấy đây là cơ hội chiến thắng? Điều cần nhất là cần phải vượt qua tâm lý của chính mình chứ không phải vượt qua đối thủ. Tinh thần đội 3 được xốc lại sau câu nói đó. Hiệp 2, rồi hiệp 3, Việt Nam đều giành chiến thắng áp đảo. Giấc mơ vàng đã thành sự thật.

May mắn và sức mạnh ý chí đã đem lại huy chương Vàng thứ hai cho các cô gái cầu mây Việt Nam ở nội dung đá đôi. Thanh và Thảo – hai chị em phải trải qua 17 trận đấu vắt kiệt sức lực. Bất ngờ xảy ra ở trận bán kết 2 khi Myanmar, một đối thủ nhẹ ký thắng được Trung Quốc trong thế thua. Việt Nam may mắn gặp Myanmar và thắng liền hai hiệp.

Tuyệt vời! Thanh òa khóc vì xúc động. Cô đã chờ đợi chiến thắng suốt 10 năm. Cô là người đội trưởng, đồng thời nắm giữ nhiều nội dung thi đấu nhất trong đội, từ đội tuyển, đá đôi, đồng đội, đá húp, rồi vòng tròn, vị trí nào cũng có thể chơi được.

 
Cô Tèo với những giọt nước mắt khi giành HCV Asiad
 
Trước trách nhiệm ấy đầu tàu ấy, Thanh luôn phải tập nhiều hơn để vươn tới đỉnh cao, giành danh dự cho thể thao Việt Nam. Thanh nghĩ tới nhiều vận động viên các môn thể thao khác luyện tập vô cùng vất vả nhưng không thể có thành tích cao vì tầm cỡ thua kém các nước bạn. Thanh thấy mình vô cùng may mắn và hạnh phúc, cô muốn san sẻ niềm vui sướng, tự hào cho tất cả.

Sau chiến thắng tại ASIAD và danh hiệu Vận động viên xuất sắc nhất năm 2006, trước mắt Thanh là nhiệm vụ “giữ Vàng”. Giữ vàng để khẳng định chiến thắng của cầu mây Việt Nam hoàn toàn không phải do “ăn may”. Trong Seagames tới, Thanh vừa là tuyển thủ, vừa là trợ lý huấn luyện viên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Seagames, “chị Tèo” sẽ nghỉ một thời gian để chăm lo việc gia đình, dành thời gian chăm sóc mẹ ốm.

Tiếp đó là gì? “Nếu thuận lợi và được tạo điều kiện, sau khi hoàn thành việc học ở Đại học thể dục thể thao, nếu giải nghệ, em rất muốn làm huấn luyện viên để truyền lại những gì thu thập được sau nhiều năm gắn bó với cầu mây cho các em”, Thanh nói.

 

Theo LIÊN ANH và ANH GIAO


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)