Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 28/7/2016
E-mail     Bản in

’Lời nói dối cuối cùng’ - thông điệp của Lưu Quang Vũ về lòng trung thực
Vở kịch nổi tiếng - sắp được Nhà hát Tuổi trẻ tái dựng - từng là cơn sốt trên sân khấu thủ đô năm 1986, với những giá trị sống còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Nhân kỷ niệm 28 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1988-2016), Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại Lời nói dối cuối cùng. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Trương Nhuận - cho biết tác phẩm nằm trong kịch mục thành công của Nhà hát. Vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1985, bắt đầu dàn dựng cuối năm và công diễn trong 1986. Trương Nhuận từng là một trong nhiều khán giả tới Nhà hát Lớn Hà Nội xem kịch với tâm thế háo hức. Ông nhớ Lưu Quang Vũ khi đó đã thành hiện tượng mà mỗi vở diễn ra đời, công chúng đều chờ đón để được xem. Thế hệ vàng của Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Lê Khanh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Hải... góp phần đưa vở diễn trở thành cơn sốt trong năm 1986 và 1987.

Với tinh thần khôi phục các vở diễn hay để diễn viên trẻ có cơ hội thử sức, đồng thời mang thêm nhiều tác phẩm giàu tính nhân văn của Lưu Quang Vũ đến với khán giả thủ đô, Nhà hát Tuổi trẻ lựa chọn Lời nói dối cuối cùng trong dịp này. Trước đó, họ từng phục dựng Mùa hạ cuối cùng, Ai là thủ phạm, Lời thề thứ chín...

Tác phẩm từng có tên khác

NSND Phạm Thị Thành là người đầu tiên dựng vở kịch vào tháng 9/1985. Sau hơn 30 năm, bà Phạm Thị Thành vẫn còn giữ tập kịch bản với từng chú thích hay những đoạn bổ sung bằng mực đỏ.
 
Đạo diễn Phạm Thị Thành.
Phạm Thị Thành cho biết tác phẩm được Lưu Quang Vũ lấy cảm hứng từ những tích dân gian, với tên ban đầu là Cuội, Bờm và Lụa - các nhân vật trong vở kịch. Sau khi đọc kịch bản, bà đề xuất đổi tên thành Lời nói dối cuối cùng với ý nghĩa khái quát hơn và Lưu Quang Vũ đồng ý với điều đó.Theo NSND Phạm Thị Thành, dù mượn tích dân gian, các tác phẩm của Lưu Quang Vũ luôn gắn với hơi thở đời sống đương đại, phản ánh nhiều vấn đề thời sự bên cạnh việc đào sâu thế giới nội tâm đa sắc màu của con người.

Trong sự nghiệp của mình, nữ đạo diễn đã dựng hơn 200 vở kịch, trong đó có khoảng 25 vở của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm Lời nói dối cuối cùngthu hút bà vì lối viết bay bổng, sáng tạo. "Anh Vũ với tôi trước đó thân nhau nên khi nào có vở mới thì Lưu Quang Vũ đều đưa cho tôi đọc. Sau này có cố đạo diễn Vũ Đình Nghi cũng làm các vở kịch của Lưu Quang Vũ. Vũ Đình Nghi làm sâu sắc còn tôi làm tế nhị, bay bổng nhưng có gì đó rất đời nên Lưu Quang Vũ cũng thích. Hồi đó, tôi với Lưu Quang Vũ được rất nhiều nơi mời bởi ở đâu có hai cái tên Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành là đông khách", nữ đạo diễn chia sẻ.

Tác phẩm là chính kịch dù được dựng lại theo thể loại hài kịch

Với Phó Giáo sư Lưu Khánh Thơ - em gái nhà viết kịch Lưu Quang Vũ,Lời nói dối cuối cùng là một trong những tác phẩm khai thác chất dân gian đặc sắc của anh trai mình. Bà Lưu Khánh Thơ chia sẻ trước đây Lưu Quang Vũ không xác định Lời nói dối cuối cùng là hài kịch mà coi như một vở chính kịch với những thông điệp sâu sắc về đời sống. Chính vì thế, việc Nhà hát Tuổi trẻ đề tác phẩm thuộc thể loại hài kịch trong lần phục dựng này khiến bà có chút ngạc nhiên.

"Vở có nhiều pha, nhân vật, đối thoại, mảng miếng của hài nhưng chủ đề của nó không phải một vở hài kịch. Tôi hiểu đó là chủ trương, định hướng của đạo diễn Chí Trung khi làm lại tác phẩm nên tôi cũng rất chờ đợi xem họ khai thác như thế nào", Phó Giáo sư Lưu Khánh Thơ chia sẻ.

Tác phẩm không thu vào chủ đề nào nhất định nhưng mạch truyện chính xoay quanh cô Lụa - một thôn nữ xinh đẹp. Một anh công tử con Phú Ông tên Lãng đần độn, ngốc nghếch nhưng mê Lụa, thường có những hành động lố lăng, kệch cỡm. Cuội cũng thích Lụa nhưng là một kẻ chuyên bày trò với sự tinh quái và tính cách dối trá. Cuội thổi sáo, làm thơ hay còn công tử Lãng bất tài, mỗi lần đi gặp Lụa đều có Cuội đứng sau lên tiếng hộ. Sự đánh tráo khiến chính Lụa bị phân tâm, không hiểu sao một tên công tử nhà giàu, đần độn, núp bóng Phú Ông khiến cô khinh ghét lại có những lúc tâm hồn bay bổng đến vậy.
 
Một cảnh trong vở "Lời nói dối cuối cùng" còn được đạo diễn Phạm Thị Thành giữ.
Phó Giáo sư Lưu Khánh Thơ phân tích Cuội dối trá nhưng đó là cõi lòng thật của Cuội nên anh ta rất nhập tâm. Mỗi lần núp dưới bóng công tử Lãng để thổi sáo, làm thơ cho Lụa đều là tiếng lòng sâu xa của Cuội.Không chỉ trong chuyện tình cảm, Cuội với sự thông minh, tinh quái, đáng yêu nhưng cũng rất thủ đoạn đã khiến nhiều chuyện rối tung rối mù, cái danh cái thực lẫn lộn. Đến cuối vở kịch, Cuội mới nhận ra và đau khổ với chính sự dối trá của mình.

"Thông điệp của tác phẩm là mọi ý định dù tốt đẹp nhưng được xây dựng trên sự giả dối cũng không đem lại hạnh phúc mà phải xây dựng dựa trên lòng tin và sự chân thực", Lưu Khánh Thơ nói. Bà cho rằng dù có thay đổi thế nào, vở diễn phục dựng vẫn phải trung thành với thông điệp đó của tác giả.

Giám đốc Nhà hát Trương Nhuận cho rằng những gì Lưu Quang Vũ muốn nói vẫn sát sườn với xã hội ngày nay. "Đằng sau những hình tượng, câu thoại là tâm sự của Lưu Quang Vũ về một xã hội đòi hỏi sự trung thực, chống lại tất cả dối trá và những điều làm con người không còn tin vào cuộc sống. Tác phẩm làm cho mọi người nhận thức và thấy được cả những cái yếu như bệnh thành tích, dối trá bằng cấp, chạy chọt chức quyền làm xói mòn lòng tin trong xã hội, cần phải loại bỏ ngay. Việc phục dựng tác phẩm góp thêm tiếng nói về điều Lưu Quang Vũ gửi gắm cách đây hơn 30 năm".

Theo ông Trương Nhuận, vở diễn gốc khi ra đời cũng có những câu thoại phải cắt bỏ chỗ này, chỗ khác khi bị cho là ám chỉ hay động chạm đến những người có chức có quyền, nói một đằng làm một nẻo. Tuy nhiên, lời thoại trong lần dựng mới này sẽ được giữ nguyên. "Hiện nay, trong tinh thần đổi mới, chúng ta phải nhìn sự vật đúng như bản chất đang có, những con người có khiếm khuyết thì phải chỉ ra để xã hội, công chúng phán xét".

Tác phẩm còn được đánh giá cao với lời lẽ trau chuốt, ngôn ngữ đối thoại giàu chất thơ, mang tính hình tượng, nhiều lớp nghĩa.

Vở kịch do NSƯT Chí Trung dàn dựng sẽ được tổng duyệt vào ngày 25/2016, sau đó sớm công diễn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Tác phẩm có sự tham gia của các diễn viên Thanh Sơn, Mạnh Dũng, Nguyệt Hằng, Minh Hằng, Sĩ Tiến, Đức Khuê, Thu Quỳnh...
Di Ca  


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)