Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. NHÂN TÀI LƯU TỘC.
Đăng ngày 28/2/2014
E-mail     Bản in

Thầy thuốc của nhân dân BS. LƯU BÍCH HẰNG
Bác sĩ Lưu Bích Hằng khám bệnh cho bà con xã vùng sâu. Hơn 28 năm liền làm Trưởng trạm y tế các xã vùng sâu Hưng Hội, Hưng Thành của huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), BS. Lưu Bích Hằng luôn được cán bộ, nhân dân, nhất là bà con nghèo, đồng bào dân tộc Khmer quý mến, coi như người thân yêu trong gia đình. Nhiều người đã gọi chị bằng cái tên trìu mến "Người thầy thuốc của nhân dân"...

Bác sĩ Lưu Bích Hằng khám bệnh cho bà con xã vùng sâu.

Tôi biết bác sĩ Lưu Bích Hằng đã lâu, từ năm 1988. Khi ấy chị vừa tốt nghiệp y sĩ ra trường và được cấp trên phân công làm Trưởng trạm Y tế xã Hưng Hội, nơi chị sinh ra và lớn lên. Hưng Hội là xã có tới hơn 76% số dân là đồng bào Khmer. Mới đây, trở lại xã Hưng Thành, gặp gỡ nhiều cán bộ, nhân dân, ai cũng ngợi khen, quý mến bác sĩ Lưu Bích Hằng, Trưởng trạm y tế xã. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hằng ôn lại quá trình công tác, từ khi làm Trưởng trạm y tế xã Hưng Hội (từ năm 1988 đến 1995) rồi đi học bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, lãnh đạo bệnh viện đa khoa của tỉnh và huyện "mời" về công tác, nhưng chị từ chối, tiếp tục trở về làm Trưởng trạm Y tế xã Hưng Hội. Cuối năm 2000, do yêu cầu nhiệm vụ, bác sĩ Hằng được cấp trên điều động về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Vĩnh Lợi làm người dân Hưng Hội và các xã lân cận đều tiếc nuối. Đặc biệt, có gần 40 hộ dân trong xã đồng loạt ký vào đơn, đồng thời đến Tỉnh ủy, UBND, Sở Y tế Bạc Liêu "đòi trả lại" bác sĩ Hằng về làm Trưởng trạm Y tế xã Hưng Hội...

Do địa bàn quá rộng, Hưng Hội được chia tách thành hai xã Hưng Hội và Hưng Thành. Đáp ứng yêu cầu của cấp ủy, chính quyền và ngành y tế huyện, năm 2005, bác sĩ Lưu Bích Hằng được điều động làm Trưởng trạm Y tế Hưng Thành, xã mới thành lập, đó cũng là xã xa nhất của huyện Vĩnh Lợi. Được sự quan tâm của huyện và tỉnh đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, đặc biệt chỉ sau hơn một năm nỗ lực phấn đấu, chị Hằng cùng tập thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị đã đưa Trạm y tế Hưng Thành trở thành một trong những trạm y tế đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu đạt chuẩn quốc gia.

Do phục vụ tốt người bệnh, nên "tiếng lành đồn xa", Trạm y tế xã Hưng Thành không chỉ có tín nhiệm với bà con trong xã, mà nhiều bệnh nhân ở các xã Hưng Hội, Châu Hưng, Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi); các xã như Gia Hòa 1, Gia Hòa 2, Thuật Hòa, Hiệp Hòa, Hòa Bình (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) giáp ranh cũng tìm đến Trạm y tế xã Hưng Thành để được khám, điều trị bệnh. Là trạm y tế tuyến xã nhưng trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 người, có những ngày lên đến hơn 400 người đến khám, điều trị bệnh. Buổi sáng hôm chúng tôi đến, có tới hơn 100 người bệnh đến khám và điều trị bệnh. Dù đông, nhưng các thầy thuốc nơi đây làm việc rất nhiệt tình, chăm sóc người bệnh rất chu đáo, ân cần. Trạm Y tế xã khá sạch sẽ, hoạt động nền nếp không thua kém, thậm chí còn hơn cả bệnh viện đa khoa của không ít huyện ở Bạc Liêu hiện nay... Trạm Y tế xã Hưng Thành liên tục giữ vững là đơn vị đạt chuẩn quốc gia từ năm 2006 đến nay.

Tuy là cơ sở tuyến xã nhưng, trạm đã mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại như máy xét nghiệm huyết học 18 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa bán tự động... và mới đây được Bộ trưởng Y tế tặng chiếc máy siêu âm đã giúp các cán bộ nơi đây chẩn đoán, điều trị kịp thời cho rất nhiều người bệnh. Hiện nay, tại Trạm y tế Hưng Thành có thể thực hiện các xét nghiệm để theo dõi bệnh sốt xuất huyết, bệnh thiếu máu, các xét nghiệm chức năng gan, thận, thực hiện các test nhanh để kiểm tra bệnh viêm gan siêu vi... Đây cũng là trạm y tế đầu tiên và duy nhất ở Bạc Liêu hiện áp dụng các xét nghiệm lâm sàng trong công tác chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Không chỉ làm tốt vai trò của người thầy thuốc, bác sĩ Lưu Bích Hằng còn luôn nhiệt tình giúp đỡ những người không may mắn, nghèo khổ. Với chị việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện bằng những việc làm thiết thực. Đó là hỗ trợ trẻ mồ côi bị tàn tật cả hai chân, không nơi nương tựa; điều trị bệnh miễn phí và đặt thiết kế riêng tặng chiếc xe lăn cho một trẻ tàn tật cả hai chân; hỗ trợ điều trị bệnh suy tim cho một thai phụ có hoàn cảnh khó khăn; nhận trợ cấp một cặp bé sinh đôi do cha mẹ bé quá nghèo không có tiền mua sữa... Ngoài ra, trong mấy năm qua, chị đi vận động các nhà hảo tâm, cán bộ, nhân viên trong đơn vị khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, nhất là bà con Khmer nghèo ở hai xã Hưng Thành và Hưng Hội. Đó như là việc làm "Uống nước nhớ nguồn" đối với quê hương, những người bà con đã yêu thương, quý mến, đùm bọc chị suốt nhiều năm qua.

Gần 30 năm thầm lặng cống hiến, bác sĩ Lưu Bích Hằng đã hết mình phục vụ nhân dân, không bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Với sự cống hiến đó, nhiều năm liền chị được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" các cấp, và nhiều Bằng khen của UBND tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, chị được Bộ Y tế mời ra Thủ đô dự lễ Tôn vinh những người thầy thuốc tiêu biểu.

Theo TRỌNG DUY


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)