Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 28/12/2011
E-mail     Bản in

Hồi ký Phật sống LƯU CÔNG DANH
Đây là tập ký của Cụ Lưu Công Danh - một trong những tấm gương sáng về lòng yêu nước thương nòi, căm thù giặc ngoại xâm sâu sắc; về lòng nhân ái; về nghị lực phi thường, ý chí bất khuất, hết lòng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Cuộc đời và tấm lòng của Cụ rất đáng để mọi người suy nghĩ và học tập.

TẤM GƯƠNG CỤ LƯU CÔNG DANH
 
Ở Kiên Giang có một con người mà cuộc đời luôn có những thăng trầm, biến đổi, từ đi tìm kế sinh nhai, qua nhiều nước, tới việc tu hành thành Phật, trở về, tham gia kháng chiến, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là Cụ Lưu Công Danh, được nhân dân gọi bằng cái tên trìu mến: “Ông Phật sống đi làm cách mạng”. Chuyện về ông như một huyền thoại nhưng rất thật, được người đời mến mộ.

Năm 2003 này, Cụ Lưu Công Danh tròn 103 tuổi. Cụ đã sống, lao động, phấn đấu hơn một thế kỷ. Cụ là người có tinh thần yêu nước thương dân nồng nàn, ghét cay ghét đắng mọi áp bức bất công. Hơn một thế kỷ qua, Cụ đã đi qua nhiều nước trên thế giới, chịu biết bao gian khổ, trong đó phần lớn thời gian dành cho tu Phật, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cho nghề y cao quý.

Cuộc đời và tấm lòng của Cụ Lưu Công Danh thật cao quý, đáng để cho mọi người học tập, noi theo. Vì thế, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trương viết và xuất bản quyển hồi ký ghi lại chuyện cuộc đời Cụ. Đây có thể xem như một tác phẩm văn học bởi sức hấp dẫn của các sự kiện và bởi tính trung thực cao khi ghi chép lại cuộc đời Cụ, một nhân vật có thật nhưng quá đặc biệt cả về cuộc sống, sự nghiệp lẫn tính cách.

Cuốn hồi ký “Phật sống” Lưu Công Danh có thể còn chưa thật đầy đủ do được thực hiện trong lúc tuổi của Cụ Lưu Công Danh đã rất cao, sức khỏe đã giảm sút. Tuy nhiên, với tấm lòng trân trọng đối với một con người đã có nhiều cống hiến cho đời, cho sự nghiệp cách mạng, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xin trân trọng giới thiệu với đồng chí, đồng bào trong ngoài tỉnh, với bạn đọc gần xa tập sách quý này !
 
            Thị xã Rạch Giá, Kiên Giang, ngày 01-1-2003

            Trương Quốc Tuấn

            Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang
 
 
Phật sống Lưu Công Danh

ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC

Tôi may mắn là người sống qua 2 thế kỷ: Thế kỷ 20 đầy biến cố, đau thương nhưng vô cùng anh dũng và vẻ vang của dân tộc. Thế kỷ 21, đất nước đang trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa với tương lai cất cánh hóa rồng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ viết hồi ký về cuộc đời mình, mà lại viết ở tuổi Một trăm lẻ thì lại càng khó khăn, vì ở tuổi này người ta hay quên, nhớ bất thường. Thế nhưng, cuộc đời có những điều mình không nghĩ, rồi hoàn cảnh đặt mình ở một vị trí nào đó, mà vị trí ấy có liên quan đến lịch sử, đến cái chung, thì dù không muốn, cũng phải làm vì trách nhiệm.

Do đó, tôi viết hồi ký về cuộc đời tôi, không phải vì sự phô trương, nổi tiếng của mình, mà chính vì cái lớn lao là tôi từ một con người bình thường, do hoàn cảnh đất nước và hoàn cảnh lịch sử đã trở thành con người “nổi tiếng” như anh em quen biết trước đây và nhà văn Phạm Tường Hạnh - một nhà văn đã gần 90 tuổi - người đã viết lý lịch cho tôi 50 năm về trước và đã viết về tôi như huyền thoại của “vua Phật đi kháng chiến”. Còn tôi, ở cuốn hồi ký này, tôi chỉ muốn nhận về mình: một con người bình thường do lịch sử sinh ra và chính cách mạng và Đảng đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Nhờ Đảng và cách mạng, tôi đã trở thành một Lưu Công Danh có ích cho đời.

Hôm nay, ở tuổi 102, Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang đã tạo điều kiện cho tôi có tập hồi ký này. Tôi lấy làm cảm kích và vô cùng biết ơn. Dù có nhiều điều đã quên do tuổi tác, nhưng có những điều hằn sâu trong tâm trí và đã khắc cốt, ghi xương, thì không thể nào quên... 

 
Chương 1
QUÊ HƯƠNG VÀ THỜI NIÊN THIẾU

Tôi lớn lên, nghe ba tôi kể: Ông nội tôi là người Quảng Đông, tên Lưu Vàng, qua Việt Nam lúc còn nhỏ, sống ở Cần Thơ. Ông nội tôi gặp bà nội tôi là người Việt, tên Trần Thị Én, ở tổng Thới Bảo (xã Trường Thành, huyện Ô Môn, Cần Thơ) khoảng năm 1840. Ba tôi sinh ra tại đây, nhưng khi lớn lên, đi theo ông nội tôi ở dưới xáng múc(1). Ông nội tôi làm nghề nấu ăn cho các thợ xáng múc người Việt và người Pháp. Cuộc sống dưới xáng không ổn định một nơi nào, thường lênh đênh trên sông nước.

Ông nội tôi người hiền lành, nhưng rất nghiêm khắc. Ông đặt cho ba tôi tên Lưu Tấn Thành, với hy vọng con mình sẽ thành đạt trên đường đời. Ba tôi ảnh hưởng tính cách của ông nội tôi: chịu khó lao động, làm việc siêng năng, kỹ lưỡng. Thấy ba tôi chịu khó, ông nội tôi gởi ba tôi theo một chiếc xáng để làm các công việc lặt vặt và học nghề. Mấy người lớn thấy ba tôi chịu khó làm việc, họ cho ba tôi theo ruồng rừng, phóng kênh cho xáng múc ở Long Xuyên, Rạch Giá - kênh Hà Tiên. Cùng làm việc trên xáng với ba tôi, có một người thợ xáng học rất giỏi, nói được tiếng Pháp. Người này quê ở xứ làm gạch Năng Gù - Long Xuyên. Ông thấy ba tôi hiền lành, tận tình chỉ dạy nghề cho ba tôi và dạy ba tôi học. Có lẽ hiểu cuộc đời tha hương, tự lập của ông nội tôi, nên ba tôi đã quyết chí học tập cho thành nghề thợ xáng qua sự chỉ dạy của người bạn, để nuôi sống gia đình. Người bạn lấy làm cảm mến ba tôi, ông mai mối cho ba tôi làm quen với người em ruột của mình là Huỳnh Thị Hương. Duyên nợ đẩy đưa, hai người nên vợ nên chồng. Khi ba tôi cưới má tôi, ba tôi chính thức làm công coi máy dưới xáng, rồi sau đó làm thợ cả.

Vì là thợ cả, nên chủ xáng cho gia đình tôi đươc làm một phòng tạm trên xáng cho tiện sinh hoạt. Người anh cả của tôi Lưu Quang Nên, sinh năm 1898 trên xáng, hai năm sau, tôi cũng được sinh ra dưới xáng. Má tôi kể: Bà được ông nội và ba tôi truyền lại nghề nấu ăn các món Tàu, món Tây, bà nấu rất khéo. Do đó, khi chủ xáng cần các bữa tiệc cho người Tây hoặc cho khách, má tôi thủ vai một người thợ nấu ăn không thua đầu bếp có tiếng là ông nội tôi. Ở trên xáng ăn uống không thiếu thốn, nên khi mang thai tôi, má tôi thèm ăn món gì cũng dễ tìm, nên tôi đươc nuôi đầy đủ từ còn trong bụng mẹ. Bà nội tôi đỡ đẻ rất giỏi, má tôi được bà nội tôi và một người mụ vườn đỡ đẻ dưới xáng vào chiều 29 tháng chạp năm 1900. Má tôi kể: Tôi tôi sinh ra, nặng hơn bốn ký lô, ngực nở, tiếng khóc rất to. Bà mụ nói: “Thằng này phổi lớn, khóc khỏe, chân tay dài, dễ nuôi”. Ông nội tôi rất vui mừng vì có con trai và 2 cháu nội trai sẽ nối nghiệp nghề xáng. Nhưng khi xem tuổi của tôi và ba tôi, ông nội tôi nói: “Thằng nhỏ này khắc tuổi mày (tức ba tôi), nếu không dạy kỹ lưỡng, nó ngỗ nghịch lắm”. Bà nội tôi cự lại, vì tôi còn nhỏ mà bị ông xem tướng, xem tuổi, nói điều không hay ho gì cho lắm. Còn má tôi thì đượm buồn, có lẽ bà tin sách số của ông nội tôi?

Trong quá trình theo xáng từ Long Xuyên qua Rạch Giá, nhất là khi tham gia ruồng rừng, phóng kênh cho xáng đào, ba tôi để ý một vùng đất hoang vu là Mốp Giăng (xã Mỹ Lâm, thuộc tổng Kiên Hảo, quận Châu Thành, nay là xã Mỹ Hiệp Sơn - huyện Hòn Đất). Thế là ông đã quyết định đến đây khai khẩn đất hoang vào khoảng năm 1905-1907. Mặc dù đến đây khai khẩn đất hoang, nhưng ba tôi vẫn làm thợ cả cho xáng và tham gia đào kênh Rạch Giá - Hà Tiên và kênh Cái Sắn vào những năm 1920-1924. Do đó, tôi có một quê hương chính là nơi ba tôi đến khai khẩn đất hoang ở kênh Móp Giăng, xã Mỹ Lâm, để rồi tại nơi đây có một dòng họ Lưu duy nhất là gia đình tôi. Mộ tổ họ Lưu: ông bà nội tôi, ba, các cô, chú của tôi đều được an táng tại mảnh đất này. Ba tôi mất năm 1948, khi tròn 66 tuổi.

Tuy có một quê hương là Mỹ Hiệp Sơn, nhưng thời thơ ấu của tôi không được sống ở làng quê, mà chủ yếu sống trên những chiếc xáng cùng cha. Má tôi có tám con, sinh năm một, sau tôi còn đến sáu người em nữa. Kể tôi và anh cả tôi, thì tôi có 8 anh em. Lương thợ cả của ba tôi chỉ đủ gói ghém gia đình. Bà may cho mỗi người con hai bộ áo quần. Thời đó, nhiều gia đình phải mặc quần bao áo bố, gia đình tôi như vậy cũng gọi là tạm no đủ. Nhưng tính tôi hiếu động, hay nghịch phá, lội dưới sông như ráy cá, áo quần lúc nào cũng ướt, nên má tôi cho tôi ở truồng. Sau này má tôi kể: khi 7-8 tuổi, bắt mặc quần, tôi khóc, phải đánh đòn mới mặc. Má tôi rất thương tôi, còn ba tôi hay la rầy vì tôi nghịch ngợm. Tuy vậy, những gì ông làm dưới xáng, ông đều tập tành cho tôi từ khi tuổi thơ. Sau này lớn khôn, nối nghiệp cha và có nghị lực để vượt qua những thử thách gay go của cuộc đời, chính nhờ tôi có một tuổi thơ gian khó và đầy thử thách như vậy.

 
Chương 2 
 
CHA TRUYỀN CON NỐI VÀ NHỮNG BIẾN CỐ TRONG GIA ĐÌNH

Khoảng năm 1921, phần đất ba tôi khai khẩn khoảng hơn 300 công tầm lớn2 ở Mốp Giăng đã hoàn chỉnh. Má tôi và người anh lớn cùng mấy em tôi cai quản phần đất này. Tôi và ba tôi vẫn theo xáng.

Dù là công nhân, nhưng ba tôi vốn là người học nho, nên rất trọng lễ nghĩa, còn tôi thì không tuân theo kỹ luật gia đình, hay cự cãi với ba tôi, vì tuổi trẻ hiếu thắng, lại có tính ngang bướng, nên ba tôi nói thế này, tôi làm thế khác theo ý tôi, cũng chung quanh việc làm thôi. Thấy hai cha con cứ lục đục mãi, mọi người càng tin theo sách số ông nội tôi coi trước đây. Tôi thì không tin gì hết. Ông nội tôi rất thương ba tôi và cũng rất thương cháu nội, nên ông khuyên ba tôi truyền nghề “cặp rằn” (coi xáng) cho tôi và gởi tôi theo một xáng khác. Lúc đó, Rạch Giá có mấy chiếc xáng-măng, xáng-oong, xáng-la. Ba tôi gởi tôi theo xáng-la để làm cặp rằn. Công việc của tôi là thổi tu huýt, chạy qua chạy lại định hướng cho xáng múc đổ đất lên bờ.

Bắt đầu cuộc sống độc lập, tôi mới có dịp ngẫm nghĩ lại mình và nhớ lại cuộc sống gia đình. Tôi bắt đầu ý thức được tình thương của mẹ của cha. Ba tôi thấy tôi làm việc chí thú, nên người, ông lấy làm mừng lắm. Dù không học nho như ba tôi, nhưng tôi cũng tìm thầy dạy để học chữ trên xáng. Có lúc không làm xáng, tôi theo bạn bè đi làm vó đặt cá, làm rọ, nò đặt tôm, tép. Lúc ấy rừng rậm, kênh rạch đầy tôm cá. Bạn tôi rất nhiều thành phần, đứa biết võ, đứa biết chữ, đứa nào biết gì, cũng dạy cho nhau. Tôi học được rất nhiều thứ nơi bạn bè. Ba tôi thường xuyên hỏi han, biết tôi sửa đổi tính nết, ông mừng lắm. Ông tìm qua chỗ tôi làm, cha con tâm sự, ông động viên tôi, ông hỏi tôi muốn cưới vợ không, ông sẽ lo cho để về quê quản lý ruộng đất với má tôi. Tôi ậm ờ, ba tôi không nhắc lại chuyện vợ con cho tôi, mà nói sang chuyện làm ăn ở nhà. Một đứa con mang tiếng là ương bướng, nhưng lòng tôi cũng mềm đi khi cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ, nhất là ba tôi, từ một anh thợ quèn, nay là thợ cả, rồi có trong tay vài trăm công đất từ công sức lao động mà có, tôi càng thương ba tôi. Tôi hỏi ông:

- Ba còn từ con không?

Ông xoa đầu tôi, mắt chớp chớp:

- Tiên tổ mày, nếu không từ, mày đâu có nên người. Giờ thì còn từ gì nữa, ráng nên người để mà lo vợ con, 23 tuổi rồi chớ nhỏ nhít gì.

Sau này, cuộc sống có nhiều biến cố, nhiều lúc ôn lại quãng đời mình, đây là một trong những kỷ niệm với ba tôi làm tôi cảm động và nhớ nhất. Khi đất đai thành khoảnh ở Mỹ Lâm, ba tôi cho lập một đình thờ thờ Bà Chúa xứ và đình thờ Thần Hoàng, tại đầu kênh Mốp Giăng (hai đình nằm trên hai bờ kênh). Tôi nghe người lớn kể lại, ba tôi cho lập đình khoảng năm 1923-1927 gì đó. Riêng đình thờ Thần Hoàng, sau này ba tôi làm một lễ rước vong linh người anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực về thờ. Để che mắt thực dân Pháp, trong đình không có bài vị ông Nguyễn Trung Trực, mà chỉ thờ chung Thần Hoàng và vong linh các chí sĩ anh hùng yêu nước. Ba tôi hay kể về khí phách hiên ngang của ông Nguyễn Trung Trực mà ông đã nghe người lớn kể lại. Hiện nay, bà con ở Mỹ Hiệp Sơn vẫn gọi đình này là đình thần Nguyễn Trung Trực và vào các ngày rằm, 30 hàng tháng, các rằm lớn, đặc biệt là ngày giỗ Ông, bà con trong làng đến thắp hương, tưởng niệm.

Vì là một trong những người đến Mốp Giăng sớm nhất khai khẩn đất và có công lập đình, hơn nữa, dòng họ Lưu của tôi cũng có vị thế trong xã hội: ông nội tôi đi làm xáng, ba tôi cũng làm xáng, tham gia đào hai kênh xáng Hà Tiên và Cái Sắn, quen lớn rộng rãi nên ba tôi được dân làng cử làm Hương cả và bà con Mỹ Hiệp Sơn gọi ba tôi là cả Thành. Mỹ Hiệp Sơn thuở ấy đất rộng người thưa, đất mới khai khẩn thật mầu mỡ. Ruộng nhà tôi năm nào cũng trúng. Ba tôi cho làm nhà kho chứa lúa. Má tôi là một phụ nữ giỏi giang, chịu khó, bà đã lo cai quản toàn bộ công việc gia đình: từ lo việc ngày mùa, việc quản lý gia sản, nuôi dạy con cái và luôn luôn chu đáo nhà cửa. Má tôi rất có tay chăn nuôi. Phía sau kho lúa, ba tôi cho xây một chuồng heo rất rộng. Trong chuồng lúc nào cũng có từ ba, bốn chục con heo lớn. Còn gà vịt thì đếm không xuể.

Khi ba tôi làm hương cả, nhà thường xuyên có khách khứa. Cứ vài ngày là làm một con heo đãi khách. Má tôi làm việc nhà từ sớm tinh mơ đến chín, mười giờ đêm mới nghỉ ngơi. Khi tôi và ba tôi ở xáng về, mấy bà con ở xóm khoe: “Bà cả Thành làm việc cả ngày, tay không lúc nào khô”. Họ nể phục má tôi vì đức tính cần cù lao động và nhân từ. Có lẽ vì những năm tháng sống cùng ba tôi rày đây mai đó trên sông nước, bà nếm đủ vất vả, nhọc nhằn, nhất là những lần vượt cạn trên sông nước bềnh bồng, người đàn bà nào không khao khát một mái nhà. Cho nên, khi có nhà cửa, đất đai thẳng cánh cò bay, bà không bao giờ tỏ ra mình là bà chủ, bà cả, mà rất bình dân. Công việc nhà bận rộn, đăng đăng như vậy, nhưng khi trong làng có ai sinh nở, đến rước, má tôi bỏ dở công việc đi liền. Bà hay nói câu cửa miệng: “Đàn bà đi biển mồ côi một mình. Ráng giúp người ta để tạo phước cho con cái. Ngày xưa má sinh trên xáng, cũng có người sẵn lòng giúp, bây giờ, má trả lại”. Vì vậy, ở Mỹ Hiệp Sơn, có người gọi má tôi là bà Cả Thành, nhiều người gọi má tôi là mụ Hương.

Khoảng năm 1927, người anh lớn của tôi là Lưu Quang Nên bị giặc Pháp bắt vì bị tình nghi có dính líu đến tổ chức chính trị. Lúc bấy giờ, tôi đã được nghe tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, nghe tên tuổi các anh Châu Văn Liêm, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, nhưng tôi không có cách nào liên hệ được với tổ chức này. Lúc ấy đang có phong trào đòi xóa án tử hình cho cụ Phan Bội Châu và để tang cho cụ Phan Chu Trinh. Các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, trí thức tham gia rất sôi nổi. Ở Châu Đốc, Long Xuyên, nhiều nhóm thanh niên được giác ngộ cách mạng qua tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tham gia vào nhiều hoạt động yêu nước.

Tôi theo họ và bắt đầu hiểu các khái niệm “đế quốc, thực dân”, “giải phóng dân tộc”. Tuy các khái niệm còn mơ hồ và chưa có một tổ chức nào trực tiếp hướng dẫn, lãnh đạo, nhưng ý thức của thanh niên, lòng căm ghét chế độ thực dân đã hình thành trong tôi. Các bạn tôi cũng tỏ rõ thái độ này. Lúc bấy giờ, mật thám Pháp dày đặc, chúng lùng sục khắp nơi, tìm bắt bớ những người yêu nước và cách mạng. Ba tôi không ngăn cản tôi và anh tôi tham gia các phong trào của thanh niên, mà ông còn kể chuyện Bác Tôn Đức Thắng kéo cờ trên chiến hạm tham gia phản chiến của các thủy thủ phản đối Chính phủ Pháp, lòng căm ghét thực dân ức hiếp dân mình; ông còn biết cả truyện con Rồng tre của Nguyễn Ái Quốc. Tôi biết chính ba tôi đã hướng tôi đến một con đường sống có lý tưởng; ông gieo vào lòng tôi một tình cảm mới mẻ và ông cũng biết anh trai tôi đã đến con đường đó - tổ chức cách mạng. Sau đó, giặc Pháp giết chết anh Lưu Quang Nên của tôi và người em trai kế tôi là Lưu Văn Muôn cũng hy sinh.

Lúc bấy giờ tôi không nghĩ gia đình mình đã trở thành gia đình cách mạng, nhưng hai người thân trong gia đình đã chết vì nghĩa lớn, đó là điều vinh dự. Má tôi đau vật vã. Không ai bỏ má tôi cô đơn trong nỗi đau mất hai núm ruột của mình. Sau khi theo các bạn tham gia vào các phong trào ở Long Xuyên, Châu Đốc, nhiều bạn bè đã bị bắt, tôi chạy về Mỹ Lâm. Ở đây cũng không yên ổn gì. Các tên địa chủ thân Tây bắt đầu nổi lên hống hách, ức hiếp và đe dọa cướp đất của dân. Đầu sỏ là tên địa chủ Trần Kiều và Cả Hổ. Địa chủ Kiều là một tên đầu đảng khét tiếng. Y đã cướp ruộng dân ở vùng Cái Sắn, rồi sang Mỹ Lâm. Đợt đầu hắn cướp 8.000-9.000 công (1 công + 1.000 mét vuông) đợt sau 11.000-12.000 công. Hắn luôn tỏ ra trịch thượng và đắc ý. Ba má tôi phấp phỏng với mấy trăm công đất mồ hôi công sức của mình. Tôi nói với ba má:

- Tính con ngay thẳng, ngang ngược, không sợ ai từ nhỏ. Con còn có sức khỏe nhất nhà, bọn nào hống hách vào làng này ăn cướp, để con tính cho.

Má tôi sợ tôi đánh lộn, không đủ sức chống chọi với mấy băng đảng kia, rồi bị chúng giết chết, bà khóc lóc, khuyên can. Không khí sợ sệt bọn cướp lúa, giựt đất bao trùm lên khắp làng xóm. Một số nông dân và thanh niên ở Mốp Giăng, Mỹ Lâm đã ngấm ngầm chuẩn bị một kế hoạch đánh cướp. Một hôm, má tôi kêu tôi lại, bà rầu rĩ nói:

- Con cưới vợ người ở làng mình đi, để trụ hình làm ăn. Đi phiêu bồng hoài biết chừng nào yên bề gia thất?

Tiếng thổn thức của người mẹ đã làm mềm lòng tôi. Lúc này tôi đã xấp xỉ 30 tuổi và từng có một mối tình. Nhưng vì đi theo xáng lênh đênh sông nước, không ổn định nơi nào, nên dù yêu, tôi cũng không bảo bọc được người mình yêu. Hơn nữa, người con gái tôi yêu gia đình thuộc loại khá giả ở Thốt Nốt, người ta có ác cảm với công nhân xáng “lu bu”, chỉ yêu con người ta qua đường. Người con gái tôi yêu bị sự kháng cự, cấm đoán của gia đình, nàng cũng thấy tình yêu thật mong manh. Khi tôi theo xáng đi đào kênh Sóc Xoài, rồi chạy theo các bạn tham gia phong trào thanh niên ở Châu Đốc, Long Xuyên, cô ấy khóc hết nước mắt. Đó là năm 1927. Đây là mối tình đầu của tôi. Nghe má tôi nói cưới vợ, lòng tôi ray rứt, xốn xang, nhớ đến người con gái hiền lành yêu mình tha thiết, dù bị gia đình ngăn cấm, cũng vượt qua, tự nguyện chung sống với tôi. Tôi không có ý bỏ nàng, mà quyết một ngày trở lại tìm cho được. Tôi im lặng một lúc, rồi nói với má tôi:

- Con đã sống với một cô gái khi con còn làm xáng ở Thốt Nốt. Cô này con nhà tử tế, người ta tin cậy con, con phải có trách nhiệm với người ta. Cổ đã có thai với con rồi!

Tôi chống chế và nói đại nói càng là cô ấy đã có con với tôi, để má tôi ngưng chuyện hỏi vợ ở quê cho tôi. Nhưng vì quá bất ngờ, má tôi hoảng hốt, bà kêu lên: “Con làm lỡ hết chuyện rồi con ơi. Ở nhà đã coi mắt con Ngân con bác Phòng ở Mỹ Lâm. Nhà đó so với gia đình mình là môn đăng hộ đối. Con làm vậy còn mặt mũi nào nhìn ai”! Rồi bà khóc. Tôi thương má tôi luôn hy sinh vì con cái. Tuy gia đình đã khá giả, nhưng bà luôn vất vả, làm lụng suốt ngày. Chuyện bà mong có nàng dâu trong nhà là rất hợp lý. Tôi an ủi má:

-         Má để con đi Thốt Nốt, con nói phải quấy với gia đình người ta rồi con về nhà hãy tính chuyện này sau. Con thấy mình có lỗi...

Má tôi đồng ý cho tôi đi. Rồi chừng như không an lòng, bà theo năn nỉ: “Gia đình mình đã có người bị Pháp bắt. Đi đâu giờ cũng có người rình rập, con đi không khéo, có bề gì làm sao má chịu nổi”. Tôi không sợ mình đi bị ai bắt bớ, mà sợ thêm một lần làm tổn thương trái tim người mẹ. Còn người yêu tôi, không biết giờ này ở đâu. Điều tôi biết chắc, vì yêu tôi, có thể cô bị gia đình đánh đập, hoặc tệ hơn là “cạo đầu bôi vôi”. Nghĩ vậy, tôi quyết định không đi tìm cô ấy, để cho mọi chuyện rồi sẽ qua đi. Cô ấy sẽ quên tôi và chấp nhận sự định đoạt của gia đình. Tôi thầm mong cho cô ấy được hạnh phúc và tôi chấp nhận quyết định của gia đình.

Thế là sau mối tình đầu đậm đà ấy, tôi chính thức lập gia đình cuối năm 1931. Người vợ do gia đình cưới hỏi tên là Lê Thị Ngân, nhỏ hơn tôi 6 tuổi. Gia đình bên vợ cũng thuộc hàng phú nông. Vợ tôi thuộc làu bài học nữ công gia chánh, nết na thùy mị, càng làm má tôi hài lòng. Bà mừng vì đã “cột chân” được tôi. Hơn một năm sau, dòng họ Lưu của tôi vui mừng có cháu đích tôn - con trai đầu lòng của tôi ra đời. Cháu được đặt tên Lưu Khỏe. Vợ tôi sinh năm một, liên tiếp hai năm sau đó, tôi có thêm một đứa con trai tên Lưu Kiếm và một con gái tên Lưu Thị Hằng. Cuộc sống gia đình đang yên vui. Bỗng có một biến cố xảy ra, làm đảo lộn mọi dự tính tương lai của tôi và cả các con tôi.

Đó là vào những năm 1932-1933, kênh Mốp Giăng, dân cư mỗi ngày một đông đúc hơn. Thực ra khi các chiếc xáng-măng, xáng-oong, xáng-la đã đào xong toàn bộ hệ thống kênh đào Ba Thê, Tri Tôn, Tám Ngàn, thì người Pháp xem như đã hoàn tất một chương trình thủy nông, phục vụ cho việc khai thác thuộc địa của thực dân ở tỉnh Rạch Giá. Hệ thống thủy lợi mới này, tạo nên một vùng đồng ruộng mới của vùng Châu Thành thật màu mỡ. Dân cư đông dần lên cũng là lẽ tự nhiên. Tôi không còn theo xáng nữa, mà toàn bộ gia đình tôi tập trung vào nghề nông trên phần đất hơn 300 công của mình. Có sống với xóm làng, đồng ruộng tôi mới nhận ra một điều: người nông dân khai hoang lập nghiệp vô cùng vất vả. Mồ hôi, nước mắt và cả máu của họ trộn lẫn trong bùn lầy, mưa nắng mới có những cánh đồng phì nhiêu. Còn bọn “chúa đất”, bọn địa chủ người Tây, người Tàu, người Việt thân Pháp, thì lại chăm bẵm, thèm thuồng những cánh đồng màu mỡ của nông dân. Chúng luôn rắp tâm và tìm mọi thủ đoạn để cướp giật.

Thủ đoạn cướp đất của chúng là: Chúng đến phần ruộng nào ưng ý là đo ranh, cắm cột (cọc), rồi tuyên bố đất của chúng. Với thủ đoạn này, những tên địa chủ như Trịnh Xuân Nghĩa (thời đó, có người cho rằng tên này còn là mật thám quốc tế) đã cướp được trên 12.000 công đất của nông dân ở vùng Ba Thê; còn tên Trần Kiều thì cướp hết ruộng của dân ở vùng Cái Sắn, y sang Mỹ Lâm, cướp đợt đầu cả chục ngàn công, đợt sau cũng hơn một ngàn công. Nhiều nông dân Mỹ Lâm mất ruộng đất là vậy.

Tức nước vỡ bờ. Những nông dân đã mất ruộng cùng nông dân ở Móp Giăng, trong đó có tôi bày ra kế hoạch đánh cướp. Nhưng rất tiếc, trận đánh cướp quyết liệt xảy ra ở Mốp Giăng lần đầu tiên vào mùa khô năm 1933, tên địa chủ Trần Kiều, Cả Hổ, không có mặt để bị ăn no những trận đòn bằng sào đo ruộng, bằng dao, rựa, chỉ có bọn cướp “đàn em” của chúng. Một tên bỏ mạng tại đây. Khi tên cướp bị dân Mốp Giăng đánh chết, tôi biết dân ở đây thế nào cũng bị trả thù và chắc chắn rồi sẽ còn những cuộc đấu tranh, đánh trả bọn cướp đất khốc liệt hơn. Tôi nói với bà con ở xóm để tôi nhận tội này. Ngày hôm sau, tin con ông Cả thành đánh chết tên cướp được đồn ra nhanh. Gia đình lập tức đưa tôi trốn khỏi Mỹ Lâm, rồi chuyện gì nữa, sau đó mới tính tiếp.

Gia đình thì tính vậy, nhưng riêng tôi, nghĩ đến chuyến đi này tôi sẽ làm được một việc gì đó có ý nghĩa đại để như tham gia vào việc chống địa chủ cướp đất, được sự tổ chức, lãnh đạo của ai đó, chứ không phải là chuyện chạy trốn để thoát thân.

Và điều ấy đã đến !

 
Chương 3
BƯỚC NGOẶT CUỘC ĐỜI

Biết tôi sẽ đi, má tôi thổn thức, rỉ vào tai tôi:

- Con tính đi đâu và đi như thế nào?

Tôi biết má tôi rất thương và lo lắng cho tôi. Bây giờ mọi quyết định của tôi không phải chỉ riêng cho bản thân tôi mà còn liên quan đến cha mẹ, vợ con tôi. Tôi đã từng có tiền án trong các vụ tham gia phong trào với thanh niên ở Long Xuyên, giờ đây còn nhận đánh chết tên cướp, tôi không thể sống yên ổn được trong làng, mà sẽ còn liên lụy đến gia đình. Tôi an ủi má:

- Con sẽ trốn đi nơi khác một thời gian. Hiện nay bọn băng đảng đang tìm người đánh chết đồng bọn chúng để trả thù. Khi con trốn khỏi làng, mọi người cứ đổ hết cho con.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng khi phải rứt gia đình: cha mẹ già, một vợ và 3 con nhỏ để đi một nơi nào mà mình chưa biết được điều gì sẽ xảy ra, ruột gan tôi rối bời. Tôi vắt tay lên trán suy tư mãi, rồi buột miệng nói với vợ tôi.

- Mình ở nhà gánh các chuyện gia đình và nuôi cha mẹ, dạy dỗ con cái cho nên người. Tôi phải đi trốn thôi, tôi đã bàn với má. Nếu tôi ở lại chúng cũng tìm giết và sẽ liên lụy đến gia đình và xóm làng. Tôi trốn, chúng sẽ tìm một mình tôi thôi.

Quá đột ngột, vợ tôi kêu lên một tiếng thất thanh “Trời ơi!” rồi thổn thức, ngất lịm. Tôi to nhỏ dỗ dành. Thương các con tôi nhỏ dại. Đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi. Giấc ngủ của chúng thật vô tư, lòng tôi bịn rịn, xốn xang lắm. Má tôi lúc đầu không cho tôi đi, nhưng tôi giải thích lợi hại, bà đã đồng ý.

Lúc bấy giờ, mật thám Pháp được tung ra khắp các địa phương ở Rạch Giá, Châu Đốc, Long Xuyên... những nơi tôi dự định đến. Long Xuyên là quê của bà nội tôi, Ô Môn, Cần Thơ là quê ngoại tôi. Tôi quyết định đến Ô Môn trước, ở đó có đồn điền Cờ Đỏ, trước đó tôi đã nghe có các phong trào hoạt động của tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, nghe đến tên tuổi anh Ung Văn Khiêm, anh Hà Huy Giáp. Nhưng tôi không thể liên lạc được với một cá nhân và tổ chức nào, mà đến đâu cũng nhìn thấy bọn lính mã tà... Tôi vòng qua Long Xuyên, nơi tôi đã theo các bạn thanh niên tham gia phong trào đấu tranh đòi hoãn thuế, phản đối bắt phu... (trước đó phong trào này nổ ra mạnh ở Chợ mới, Châu Đốc và quận Châu Thành), với hy vọng tìm được hướng đi cho cuộc đời mình. Đi mãi, tiền túi cạn dần. Tôi theo đám con nít đánh giầy, bán báo để biết tin tức, rồi theo đám võ Sơn Đông... Một hôm tôi nghe người ta nói: “dân Ba Thê dậy giặc”. Vì mang tội “đánh chết cướp”, tôi cũng giật mình, hỏi phăng đến, mới biết ra dân Mốp Giăng, Ba thê đã vùng lên đánh lại bọn cướp đất của dân để bán cho địa chủ do tên Đốc phủ sứ Trần Văn Phước cầm đầu. “Vùng Ba Thê dậy giặc” là báo cáo của tỉnh trưởng Rạch Giá cho thống đốc xứ Nam kỳ lúc đó. Lòng tôi mở cờ. Thế là người dân xứ Móp Giăng, Mỹ Lâm, Ba Thê quê tôi đã đứng lên bảo vệ mình. Tôi định quay về xứ, vì nghĩ biết đâu trong cuộc đấu tranh đó, có người đứng ra lãnh đạo, tổ chức. Từ Châu Đốc, tôi xuống tới Long Xuyên, lại thấy lính, thấy người bị bắt, bị đánh. Sẵn mang cùng một “tội” “dân Ba Thê dậy giặc”, tôi nghĩ trên đường trở về chưa tới nhà tôi rất có thể bị bắt. Tôi vào nhà một người quen, giả người Khmer đi buôn vải, để tìm đường qua Nam Vang.

Từ sau cao trào 1930-1931 giặc Pháp đàn áp nhân dân ta và những người yêu nước, cách mạng càng dã man tàn bạo. Tôi đã chứng kiến những ngôi nhà ở làng Mỹ Luông, Chợ mới bị đốt cháy thành than, xác dân lành chết phơi trên đồng do bọn lính lê dương giết. Tôi qua Nam Vang bằng đường bộ từ biên giới Châu Đốc - Campuchia. Đây là lần đầu tiên tôi xa xứ sở. Cuộc đời công nhân xáng, lênh đênh trên sông nước nay đây mai đó, nhưng tôi chưa từng nếm trải nỗi buồn xa đất nước, mà lại đi xa trong hoàn cảnh đất nước đầy đau thương. Lòng tôi sục sôi căm giận. Tôi xót xa nghĩ đến cha mẹ già, nghĩ đến vợ và các con thơ... Tôi linh cảm mơ hồ cho chuyến đi viễn xứ lần này có thể đầy bất trắc xảy ra với tôi.

Khi ở Châu Đốc, theo những người buôn vải, tôi qua làng dệt vải của người Chăm ở Châu Giang, tôi quen và kết bạn với một người Khmer chuyên buôn vải tên Trầm Khul. Anh dạy tôi tiếng Khmer, tôi dạy anh tiếng Việt. Ở làng Chăm, tôi cũng quen với một người bạn người Chà (địa phương hay gọi là Chà Và). Người bạn này rất tốt. Anh cho tôi một số vải để vận xà rông như người Khmer. Anh tên Xa-ri-man, nhưng tôi gọi anh là Nam, phần để dễ gọi, phần khi đi xa tôi sẽ nhớ tôi có những người bạn tốt như anh ở xứ nhà.

 
Chương 4 
TÌM VIỆC LÀM TRÊN ĐẤT KHÁCH

Tôi đến Nam Vang đúng vào dịp người dân Campuchia làm lễ chịu tuổi (khoảng tháng 3 âm lịch năm 1933). Các chùa chiền trang hoàng đẹp lộng lẫy. Nhạc ngũ âm vang lên suốt đêm ngày. Tôi biết nhiều tiếng Campuchia, quen dần cách chào hỏi với hai bàn tay chắp trước ngực. Nhiều người tin tôi là dân Campuchia. Tôi tập cho thích nghi phong tục, tập quán địa phương để dễ tìm việc làm. Tôi đã trải qua cái Tết xa nhà đầu tiên. Buồn não nuột. Nhưng giống như người đã phóng lao thì theo lao. Bây giờ, tôi chỉ mong có việc gì để làm nuôi sống được bản thân trên đất khách và dành dụm được tiền trở về xứ.

Lẫn trong dòng người đi làm mướn, đi buôn bán, tôi đã đến được Bat-đom-boong. Đây là vựa lúa gạo lớn nhất Campuchia lúc đó. Hàng ngày có nhiều ghe chài chuyển lúa về Phnôm Pênh, Sài Gòn. Tôi mừng thầm trong bụng và dò ra bến cảng. Thấy tôi to, cao, người chắc nịch, một người dân địa phương hỏi:

- Anh làm được phu khuân vác không?

Tôi gật đầu, mừng quá nói như líu lưỡi:

 - Tôi làm được, hãy cho tôi làm!

Thế là tôi nhập trong đội phu khuân vác lúa, gạo từ kho xuống các ghe chài. Ngày đầu tiên, chủ rất ngạc nhiên khi thấy tôi vác nhanh và vác khỏe hơn những người phu khác. Đến cuối ngày, những người phu khác được trả từ một đến một hào rưỡi, thì tôi được trả hai hào. Anh em làm chung không ghen tị, mà còn nể tôi làm khỏe được trả công như vậy là xứng đáng. Tôi có sức khỏe và chịu cực giỏi là nhờ những năm tháng theo cha đi làm xáng. Cho nên công việc khuân vác nặng nhọc vất vả cũng như khi tôi làm xáng thôi. Tiền ở đây có giá trị, một bữa cơm thật ngon cũng chỉ có 3 xu, tôi còn dành dụm được.

Tôi làm việc cần mẫn, nhanh nhẹn trong đội phu khuân vác tại bến cảng, nên dần dần ai cũng biết. Một hôm, có một người Ấn Độ đi tìm người biết tiếng Việt Nam để mướn làm phiên dịch. Ông này từ Ấn Độ sang Campuchia làm ăn và đến Bát-đom-boong xin phép mở cúp khai thác gỗ. Rừng Campuchia bạt ngàn, nhiều gỗ quý. Gỗ quý được dùng vào việc cất chùa chiền và nhà cửa cho giới quý tộc và nhà giàu. Vì thế gỗ quý bán rất có giá. Nhưng muốn vào rừng khai thác gỗ, phải giao dịch với Sở Kiểm lâm. Ông chủ người Ấn Độ đang lúng túng, vì số người ở Kiểm lâm đều là người Việt. Được người ta giới thiệu, ông chủ tìm đến tôi. Tôi bỏ nghề khuân vác, theo ông chủ Ấn Độ làm phiên dịch.

Trên đất khách quê người, đây là một dịp may hiếm có đối với tôi. Ông chủ người Ấn Độ hiền lành, phúc hậu. Ông tìm hiểu tôi qua người chủ trước đây và số anh em phu khuân vác, biết tôi hiền lành, chăm chỉ, thật thà, hay giúp đỡ và thương người. Ông hài lòng và cử tôi làm phiên dịch đại diện cho ông khi giao dịch với Kiểm lâm. Mỗi tháng, ông chủ Ấn Độ đến phát lương một lần cho những người thợ xẻ gỗ, đốn cây và đóng thuế cho Kiểm lâm. Sau khi xong các công việc ấy, đến phần tôi, bao giờ ông chủ cũng dành nhiều ưu ái. Khi thì ông thưởng cho tôi bộ quần áo, khi thì năm ba đồng, kèm theo lời khen và chúc sức khỏe. Tôi học nói tiếng Ấn Độ và nghe được tiếng, nên giữa tôi và ông chủ Ấn Độ có mối quan hệ gần gũi, thân tình hơn.

Một hôm, như mọi khi, ông chủ Ấn Độ từ Phnôm-Pênh đi Bat-đom-boong phát lương cho thợ. Vì vội vàng, ông ra xe trở về Phnôm-Pênh, bỏ quên lại chiếc vali. Đến tối, sau khi ăn cơm xong, tôi dọn dẹp nhà cửa mới thấy chiếc vali ấy. Không biết vali gì, tôi mở ra xem thử, thì ra đó là vali tiền, giấy còn thẳng băng, mới cứng. Có nhiều tờ bạc 100 đồng của Ngân hàng Pháp.

Sống tha phương, làm thuê kiếm từng đồng nuôi sống mình và dành dụm để một ngày về xứ đoàn tụ với gia đình, giờ đây, đứng trước một đống bạc mà làm đến cả đời chắc gì đã có được; tôi bâng khuâng suy nghĩ mông lung trong đêm và không chợp mắt nổi: Có nên lấy vali tiền này rồi trốn đi không? Nếu trốn thì trốn đi đâu, có thoát được không? Nếu trở về quê thì đưa đầu cho người ta bắt vì tội nhận giết chết tên cướp. Đã sợ cảnh tù đày mới bỏ xứ ra đi. Nay ở tù vì tội ăn cắp tiền ông chủ thì nỗi nhục làm sao rửa được? Bao nhiêu câu hỏi xoáy trong đầu. Tôi nghĩ đến gương mặt phúc hậu của ông chủ và lòng tốt của ông đối với tôi. Bộ quần áo tôi đang mặc trong người là của ông cho. Mới tháng trước, ông đã thưởng cho tôi 5 đồng, ngoài tiền lương của tôi. Tôi quyết định không mó đến một đồng nào trong vali của ông chủ mà ôm giữ cẩn thận cho ông.

Gần sáng, tôi nghe tiếng xe hơi thắng lại dưới sân nhà sàn. Tôi biết đó là xe ông chủ, tôi nhổm dậy, bước ra cửa. Ông chủ chạy vội lên cầu thang. Tôi cất tiếng trước để trấn an ông chủ:

- Vali ông để quên lại, còn đây.

Ông chủ như định thần lại, nét mặt ông hết căng thẳng, ông nhìn tôi chăm chăm. Tôi lôi chiếc vali từ mùng ra, đặt trước mặt ông và từ tốn nói:

- Ông chủ đếm lại đi!

Ông chủ Ấn Độ nhận chiếc vali từ tay tôi, chiếc vali không khóa từ trước. Nét mặt ông vui và có vẻ như xúc động khi thấy chiếc vali vẫn y nguyên. Ông rút trong vali một xấp tiền đưa cho tôi trước khi từ giã tôi để trở lại Phnôm-Pênh. Tôi đỡ tay ông và nói:

 - Ông chủ về mạnh giỏi, đi đường cẩn thận. Lần khác ông chủ cho, tôi sẽ nhận, lần này thì không thể nhận được.

Tôi bước theo ông chủ ra tận xe dưới nhà sàn. Ông vẫn nắm bàn tay tôi một cách tin cậy và trìu mến. Tôi cảm nhận được bao điều thân thiết trong cách nắm tay ấy. Khi xe nổ máy, ông quay một vòng tay lái quanh sân, rồi giơ tay vẫy từ giã tôi. Tôi cũng vẫy tay lại và thấy lòng mình thanh thản.

Đến kỳ phát lương tháng sau, ông chủ người Ấn Độ trở lại Bat-đom-boong. Như mọi lần, ông đỗ xe dưới nhà sàn, tôi chạy ra cửa đón ông. Vừa thấy tôi, ông tươi cười, nụ cười tôi cảm nhận được không phải giữa chủ và người làm công, mà nụ cười thân tình như người chú, người cha trong gia đình với con cái. Ông đưa tay về phía tôi và nói:

- Anh theo tôi về Phnôm-Pênh. Việc trên này có người khác thay!

Tôi giật thót người. Nụ cười vừa nở vụt tắt. Tôi suy nghĩ: lẽ nào tiền trong cặp ông có bị mất, ông đưa tôi về Phnôm-Pênh để hỏi tội. Mới phút trước, thái độ ông thân tình lắm mà. Thấy tôi suy tư, ông vòng tay qua vai tôi và nói:

- Anh về Phnôm-Pênh làm việc với tôi, mỗi tháng anh làm công việc của tôi, trở lại Bat-đom-boong phát lương cho thợ, đóng thuế cho Kiểm lâm.

Niềm vui đến thật bất ngờ và trong hoàn cảnh của tôi lúc này nó lớn lao như một cuộc đổi đời. Mới mấy tháng trước là một phu khuân vác, rồi làm phiên dịch, trông coi thợ cho ông chủ đã là công việc khá “sang” rồi, nay lại về sống ở thủ đô cùng ông chủ, đến tháng thay ông chủ đi phát lương... Tôi thật sự được người chủ tin dùng. Tôi nhủ thầm trong bụng: ở hiền gặp lành!

Về Phnôm-Pênh, tôi mới có dịp tìm hiểu thêm người chủ Ấn Độ của mình. Ông tên I-bra-him, một nhà doanh nghiệp lớn ở Phnôm-Pênh. Ngoài việc mở cúp gỗ ở Bat-đom-boong, ở Phnôm-Pênh, ông có hai cửa tiệm bán vải rất lớn, phải thuê hơn 20 người Ấn Độ bán hàng và giúp việc. Ông và vợ coi hai cửa tiệm này, nhưng chủ yếu vẫn là ông, bà cùng cô con gái chỉ ở trong nhà trông coi nhà cửa và người làm trong gia đình.

Thật tình, tuy tôi cũng là con trong một gia đình có cha làm thợ cả và có chức sắc trong làng, nhưng nói điều hành, quản lý một cơ sở làm ăn thì tôi chưa từng làm. Do vậy, khi ông I-bra-him đưa tôi về Phnôm-Pênh rồi giao hẳn cho tôi quản lý một tiệm vải, tôi thật ngỡ ngàng. Nhưng lúc này, giữa tôi và ông chủ trở nên gần gũi như người nhà, bởi tính trung thực, thật thà, hiền lành của tôi và tấm lòng nhân hậu, thương người của ông I-bra-him đã gặp nhau. Tôi làm việc cho ông hết lòng và cũng học ở ông nhiều đức tính tốt đẹp. Tôi đã có một vốn tiếng Campuchia kha khá để giao tiếp với bên ngoài, đồng thời nhanh chóng học tiếng Hin-đi để giao tiếp với những người làm trong tiệm vải và những người trong gia đình ông I-bra-him.

Qua cách nói chuyện hàng ngày giữa hai ông bà I-bra-him với tôi, tôi biết gia đình này đã dành cho tôi một tình cảm, sự ưu ái đặc biệt. Một hôm, ở cửa hàng vải, khi thấy bớt công việc, ông I-bra-him gọi riêng tôi vào phòng ông và nói:

- Anh làm việc tôi rất hài lòng. Bản tính anh là người tốt, thật thà. Giữa cuộc sống này, tìm một người tốt như anh hiếm lắm. Anh biết gia đình tôi có cô con gái đã đến tuổi lập gia đình. Tôi muốn anh làm rể tôi, anh có đồng ý không?

Từ khi tôi gặp ông I-bra-him đến nay, đã có ba lần thay đổi, địa vị như là ba bước ngoặt trong cuộc đời tôi: thứ nhất, từ người phu khuân vác, sang làm phiên dịch; từ người phiên dịch, thay ông chủ phát lương cho thợ rừng, cho ông nhân; rồi quản lý một cửa tiệm độc lập lại thành phố Phnôm-Pênh. Mỗi lần là một bất ngờ với tôi. Nay thêm một bất ngờ lớn: được ông nhận làm con rể. Nếu hấp tấp, tôi sẽ trở thành người hồ đồ, lợi dụng lòng tốt của người ta. Tôi thật sự lúng túng, chưa trả lời ông ngay được, tôi xin ông để tôi suy nghĩ vài ngày mới quyết định. Suốt mấy đêm liền tôi suy nghĩ đến gia đình, vợ con ở Việt Nam, đến quê hương... Tôi mang chút mặc cảm của một người nghèo, sống tha hương, không người thân thích. Còn gia đình ông I-bra-him là ông chủ lớn, liệu con gái ông có yêu tôi không, hay rồi tôi chỉ nhận được sự rẻ khinh? Ông an ủi và cho tôi biết thêm phong tục của người Ấn Độ. Ông giảng giải:

- Phong tục của người Ấn, khi gả chồng cho con gái, gia đình sẽ tặng của hồi môn. Đây là của riêng hai vợ chồng, không ai có quyền xâm phạm vào đó.

Tôi đã có nhiều đêm thức trắng. Tôi chưa có tình yêu với cô con gái ông I-bra-him, nhưng tấm chân tình của ông tôi đã nặng mang, ơn nghĩa của ông tôi đã nhận là quá lớn: nợ áo cơm, nợ ân tình!

 
* Xem tiếp các Chương sau theo đường dẫn này: http://chiase.wordpress.com/2012/02/03/ph%E1%BA%ADt-s%E1%BB%91ng-l%C6%B0u-cong-danh-3/
 
 
Theo songhuong.com và chiase.wordpress


Ý kiến - Nhận định
Hồi ký Phật sống Lưu Công Danh
Liên hệ: Đà Nẵng - -914115*** - quangbinh548@yahoo.com.vn
Bạn Nguyễn Ngọc Liên có thể đọc thêm Chương 5 đến Chương 9 của quyển Hồi ký này tại http://chiase.wordpress theo đường dẫn sau đây:http://chiase.wordpress.com/2012/02/03/ph%E1%BA%ADt-s%E1%BB%91ng-l%C6%B0u-cong-danh-3/
BBT LUUTOC.VN
HỒI KÝ PHẬT SỐNG LƯU CÔNG DANH
Liên hệ: 57/14 an dương vươngq5 HCMC - -903815*** - lienandong@hcm.fpt.vn
Tôi cần có phần tiếp theo của tập Hồi ký này hoặc Sách được bán ỡ đâu hướng dẫn giùm. Xin cám ơn
nguyễn ngọc lien (.Mr)
Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)