Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 28/11/2012
E-mail     Bản in

Quên mình vẫn tỏa sáng
"Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em" Đây là hai câu thơ trong bài Nhìn nhau, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận tặng vợ ngày mới cưới. Bà là Vũ Thị Khánh, một cô gái người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên tại phố Ngõ Gạch, khu Ô Quan Chưởng của Hà Nội xưa

 

Ông bà Lưu Quang Thuận trong ngày cưới năm 1946
. Thời thiếu nữ, những người bạn học cùng lớp ở Trường Đồng Khánh thường gọi bà là "Khánh Quận chúa". Vì bà là con gái ông chủ hiệu giày “Quận chúa” ở đất Hà Thành, lại thêm vẻ xinh đẹp yêu kiều của một cô tiểu thư khuê các.

Những ngày đầu cách mạng, bà tham gia phong trào bình dân học vụ của nữ sinh Hà Nội. Quen biết, cảm phục, yêu mến, rồi bà trở thành vợ của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Khi đó tuy đã là tác giả của một số vở kịch nói, kịch thơ, của một số bài thơ in báo, nhưng ông vẫn chỉ là một anh công chức nghèo, một chàng trai xứ Quảng ra Thủ đô tìm cách lập thân.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà theo chồng tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Vốn xuất thân "cành vàng lá ngọc", thời gian đầu bà thật vất vả để thích nghi với cuộc sống thiếu thốn, gian khổ. Vốn có thói quen hễ đi ra đường là phải mặc áo dài, những ngày mới đi kháng chiến dù phải đi bộ, trèo đèo, lội suối, bà vẫn không chịu mặc áo sơ mi, cứ nhất định phải mặc áo dài rồi sau đó lại buộc túm hai vạt lên cho gọn. Thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, bà đã trở thành một người phụ nữ lao động, chịu đựng lam lũ vất vả, tần tảo một nắng hai sương để nuôi con.

Năm 1948, bà sinh con trai đầu lòng Lưu Quang Vũ tại Phú Thọ. Khi con mới được mấy tháng, ông Lưu Quang Thuận, lúc đó đang là Giám đốc Nhà in Quốc gia (Ấn thư cục) đã nhập ngũ, hoạt động trong Đoàn kịch Chiến Thắng, đi lưu động khắp nơi. Sau mỗi đợt công tác, mỗi mùa chiến dịch, ông mới có dịp ghé qua nhà thăm vợ con. Một mình bà chèo chống nuôi 3 con nhỏ. Hình ảnh bà trong những ngày kháng chiến gian khổ được ghi lại thật ấn tượng trong thơ Lưu Quang Vũ: Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô/ Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ/ Trong cánh tay xóm làng bồng bế/ Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương/ Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng/ Những năm dài khoai sắn nuôi con.

Suốt cuộc đời mình, bà đã hy sinh tất cả vì chồng con, chẳng nề hà một điều gì để vun đắp cho mái ấm của gia đình. Cách đây vài năm, trong chương trình Điểm tựa của tài năng - một chương trình rất có ý nghĩa, nhằm tôn vinh những người vợ, người mẹ của các nhân tài trong nhiều lĩnh vực, do Nhà văn hóa Lao động và Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh thực hiện, những câu chuyện kể của bà Vũ Thị Khánh về chồng con mình đã khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.

Người phụ nữ bình thường, giản dị ấy đã thực sự là điểm tựa về nhiều mặt cho chồng, con trai, con dâu mình đạt tới những đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước về VHNT của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhà thơ Xuân Quỳnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có phần đóng góp rất lớn của bà. Trong bài thơ Mẹ của anh, Xuân Quỳnh đã dành cho bà những câu thơ rất xúc động: Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.

Theo PGS.TS LƯU KHÁNH THƠ