Ông Hồ có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành, cánh tay trái bị thương do đạn giặc khiến những ngón tay ông co quắp lại. Trong căn nhà gỗ 4 gian, ông niềm nở kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình: ... Sinh ra trên mảnh đất nắng gió, nghèo khó của vùng quê An Long, lớn lên khi đất nước vẫn còn tiếng súng của kẻ thù ngoại xâm, để lại người vợ trẻ và đứa con đầu lòng còn thơ dại ở quê nhà, ông cùng những chàng trai trẻ của xã Thạch Bình hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Vào quân ngũ từ tháng 2-1968 ở mặt trận B1, đến tháng 5-1974 ông bị thương nặng ở chiến trường Quảng Nam. Sau một thời gian nghỉ dưỡng, ông được chuyển ra Bắc. Sau đó liên tục được điều động phục vụ trong các cơ quan của quân đội, đến năm 1991, ông trở về quê hương.
Đất nước trong những năm đầu hòa bình lập lại gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc sống những gia đình đông con như gia đình ông lại càng trở nên túng quẫn. Làm thế nào để cải thiện cuộc sống gia đình là điều khiến ông luôn trăn trở, băn khoăn. Với bản chất và nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông đã không quản ngại khó khăn vượt lên hoàn cảnh để khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương bằng việc mạnh dạn vay mượn ngân hàng, bà con được hơn 40 triệu đồng để đầu tư một chiếc máy cày khi Nhà máy Đường Việt Nam - Đài Loan đi vào hoạt động. Chiếc máy cày ấy đã giúp bà con nông dân quanh vùng trồng mía tiết kiệm được thời gian lao động, còn gia đình ông có một khoản thu nhập kha khá. Chỉ trong 3 tháng, ông đã trả xong cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Cùng với giúp bà con, ông bắt tay vào trồng mía, lúa, ngô, dưa hấu. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch được hơn 40 tấn mía, 7 tấn thóc và thu hơn 90 triệu đồng trên 1 mẫu đất trồng dưa hấu. Có đồng ra đồng vào, ông đầu tư mua sắm thêm máy xay xát, mua xe bán tải phục vụ sản xuất nông nghiệp, không những thế, ông còn kết hợp với buôn bán phân bón cây trồng... sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Vừa xây dựng kinh tế gia đình, vừa tham gia công tác xã hội ở địa phương, ở phương diện nào ông cũng nỗ lực hết mình, được bà con tín nhiệm. 5 người con của ông nay đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định, có người tham gia kinh doanh, làm nông nghiệp cùng bố, có người độc lập trong việc kinh doanh. Với các con, ông lúc nào cũng là người cha mẫu mực. Nhiều năm liền gia đình ông được công nhận là gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của huyện. Ông còn tham gia vào hội “Lính 2-1968” ở Thạch Thành, giờ chỉ còn 27 đồng chí nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc, gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau cùng tiến bộ và cùng ôn lại những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường.
Dũng cảm trong thời chiến, sáng tạo trong thời bình, ông Lưu Vĩnh Hồ thật sự là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần của người thương binh “tàn nhưng không phế”, biết nắm bắt những cơ hội trong thời kỳ đổi mới để làm giàu chính đáng và giúp đỡ được nhiều đồng đội vươn lên trong cuộc sống, được bà con nhân dân tin tưởng, yêu mến.
.