Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. LƯU TỘC VIỆT NAM.
Đăng ngày 27/3/2013
E-mail     Bản in

MỘT NGÀY KẾT NỐI Ý NGHĨA CỦA HỌ LƯU VN
(LUUTOC.VN) - Ngày Rằm tháng Hai năm Quý Tỵ (tức 26/03/2013), là một ngày kỷ niệm đẹp và rất ý nghĩa của Họ Lưu Việt Nam. Được lời mời của dòng họ Lưu Viết ở Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội, BLL (Lâm thời) Họ Lưu Việt Nam đã đến thăm, giao lưu, dâng hương nhân ngày giỗ của các vị Cao Tổ của dòng Họ Lưu Viết ở Hữu Hòa.
 
Đây là một dòng họ Lưu lớn, lâu đời tính đến nay là 19 đời; hiện có 823 đinh, có Lăng Mộ Tổ rất to và trang trọng; có truyền thống đoàn kết gắn bó con cháu trong nội tộc, để các gia đinh đều được vinh dự “câu đương” thì từ ba năm nay ghép đôi gia đình để được nhận đăng cai lo việc họ (làm giỗ và chăm lo hiếu hỷ...). Năm nay gia đình Cụ Lưu Viết Thục và Cụ Lưu Viết Hải được câu đương.
 
 
Trong buổi Lễ Giỗ Tổ, đại diện “câu đương” tổng kết hoạt động của dòng họ đã làm được trong thời gian qua như: tổ chức Mừng Thọ cho các Cụ cao niên, có 03 Cụ thọ 90 và 02 Cụ thọ 80; thưởng cho các cháu thi đỗ đại học 03 cháu và báo cáo công khai thu chi tài chính. Năm 2013 có 205 xuất đinh dự Lễ Giỗ Tổ; không khí rất vui và đầm ấm.

 
Có một câu chuyện sống động về Cụ Lưu Viết Đăng 71 tuổi, cựu chiến binh chống Mỹ. Cụ Đăng nhập ngũ 1965, là lính dù rồi chuyển sang đặc công; sau 4 tháng hành quân dọc Trường Sơn đã vào đến mặt trận Đông Nam Bộ và trở thành biệt động bám chặt các quận nội thành Sài Gòn đánh Mỹ. Tết Mậu Thân (1968), Cụ đã đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, chẳng may bị thương nặng không thoát ra ngoài được, phải tự ém mình vào thùng chứa rác của phi trường; mãi đến lúc 1 tuần sau xe rác của phi trường mang đổ thùng rác ra ngoài, Cụ mới tự thoát ra tìm đường về Long An và gặp đơn vị tiếp tục chiến đấu. Cụ cũng là người lính biệt động ngồi trên chiếc xe tăng thứ 2 tiến vào dinh Độc Lập đúng ngày đại thắng 30/04/1975.

Đoàn BLL Họ Lưu Việt Nam, gồm TS Lưu Văn Thành – Phó Trưởng ban thường trực BLL; Doanh nhân Lưu Thành – Phó Trưởng ban BLL; Đại tá Công an Lưu Thiện Minh, đại diện họ Lưu thôn Bãi Thủy, xã Định Yên, Yên Định, Thanh Hóa và đạo diễn Lưu Vĩnh, đã thông báo và mời dòng họ Lưu - Hữu Hòa về dự Lễ kỷ niệm 955 năm ngày tạ thế của Thái úy Lưu Khánh Đàm và buổi họp mặt các dòng họ Lưu toàn quốc Việt Nam Lần thứ nhất tại đền Nhị vị Lưu Đại vương ở Lưu Xá, xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình vào ngày Mùng Mười tháng Ba (tức 19/04/2013). Giấy mời của BTC (huyện Hưng Hà) và chương trình cụ thể sẽ thông báo vào đầu tuần sau. Cuộc gặp mặt với dòng họ Luư Viết rất đầm ấm và chân tình; Họ Lưu Viết thống nhất sẽ cử đoàn về dự ngày Mười tháng Ba trọng đại sắp tới.

 
Hậu duệ Họ Lưu ở làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 1932

Cùng ngày, BLL Họ Lưu VN đến thăm Tổ đường dòng họ Lưu - Nguyệt Áng, xã Đại Áng và họ Lưu - Tam Hiệp, cùng huyện Thanh Trì, Hà Nội. Làng Nguyệt Áng là làng khoa bảng với 11 tiến sỹ nho học (trong đó có 1 Trạng nguyên); họ Lưu ở đây vinh dự có 3 tiến sỹ: Lưu Tiệp (đỗ năm 1772), Lưu Định (1775) và Lưu Quỹ (1835), đều cùng là người ruột thịt.
 

 Ngoài ra, họ Lưu có 04 Hương cống/Cử nhân (trong đó có Cử nhân Lưu Nguyên Ôn là chồng của Bà Huyện Thanh Quan - bà chúa thơ nôm Việt Nam) và 08 Sinh đồ. Làng Nguyệt Áng có quần thể di tích tâm linh rất đồng bộ và linh thiêng, gồm Đình làng (sửa lần I năm 1630); chùa Thanh Đảo (trùng tu lần đầu 1932), chùa do ba người họ Lưu là Lục sự Lưu Đạm; Bà Lưu Thị Tín và Cử nhân - Tiên chỉ Lưu Thành góp tiền để dân xây dựng nên. Hiện nay, trong nhà Tổ của chùa có tượng Lưu Đạm được thờ ở gian cạnh cùng tượng Sư Ông thờ ở gian giữa; Văn chỉ (đình Thánh), dựng năm 1667; Nhà thờ họ Lưu (Mão Kim từ đường) và Nhà thờ Tiến sỹ Lưu Quỹ.
 

Họ Lưu Nguyệt Áng trước kia rất đông, nhưng những năm gần đây nhiều con em trong họ đã ra các quận nội thành làm ăn và định cư lâu dài xa quê, hiện tại chỉ còn một hộ của Ông Lưu Tự là bí thư chi bộ thôn đang sống ở quê để vừa trông nom Từ đường của dòng họ Lưu và nhà thờ Tiến sỹ Lưu Quỹ. Ông Lưu Tự thay mặt Trưởng họ (là anh trai tên Lưu Thứ) nhận lời sẽ tổ chức đoàn lớn về dự hai sự kiện tại Lưu Xá.
 

 
Đoàn cũng tới gặp mặt Họ Lưu Đình, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp. Đây là một dòng họ Lưu có khoảng 105 hộ, gồm hai Chi, Chi trưởng hiện sống ở thôn Bạch Lưu Hạ, xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc (nhưng gốc tích là ở xã Tam Hiệp). Chi Huỳnh Cung là Chi thứ, nhưng trông nom mồ mả và Từ đường.
 

Theo hướng dẫn của Ông Lưu Đình Kiểm, Chủ tịch xã Tam Điệp, đoàn đã đến thắp hương Từ đường họ Lưu Đình và đình Huỳnh Cung (di tích được xếp hạng quốc gia). Ông Kiểm nhận lời sẽ tổ chức một đoàn về Lưu Xá vào ngày Mười tháng Ba tới, đoàn có thể gồm đại diện các dòng họ Lưu Đình của Huỳnh Cung, Bạch Lưu Hạ và hai dòng họ Lưu Văn và Lưu Bách ở hai làng bên cạnh xã Tam Hiệp (tuy khác dòng máu).
 
Đại tá Lưu Thiện Minh lần này may mắn ra công tác tại Hà Nội nên tham gia các buổi giao lưu với ba dòng họ Lưu nói trên. Đại tá Minh là người rất tâm huyết với dòng họ Lưu, đã giới thiệu dòng họ Lưu Thiện, thôn Bãi Thủy, xã Định Yên, Yên Định, Thanh Hóa là dòng họ lớn, có gia phả lâu đời, vừa khánh thành lăng mộ và nhà thờ họ được xây dựng rất bề thế và lộng lẫy, có thể là kiểu mẫu để các dòng họ Lưu khác tham khảo. Ông Lưu Thiện Minh thống nhất sẽ là đầu mối thông báo cho các dòng họ Lưu tại huyện Yên Định nói riêng và Thanh Hóa nói chung tham dự Lễ kỷ niệm 955 năm Húy nhật Ngài Lưu Khánh Đàm và họp mặt Họ Lưu Việt Nam vào ngày Mười tháng Ba Quý Tỵ (19/4/2013).
 
BBT LUUTOC.VN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)