Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 27/2/2015
E-mail     Bản in

Hoa trắng giữa dòng đời
Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, là những người mà tôi đã gặp - có thể rất bình thường như bao người khác khi xuôi ngược trên đường phố. Chỉ khi chứng kiến họ làm việc, chúng ta mới có thể nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của họ qua tinh thần tận tụy và đức hy sinh. Họ đã chọn cho mình công việc không hề nhẹ nhàng trong nghề y - nghề vốn vất vả, nhiều áp lực...


Ths.BS LƯU THỊ NHẤT PHƯƠNG

Đã bước qua khỏi “Mùng” nhưng không khí Tết vẫn còn nguyên vẹn trong căn nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, đường Vành đai phi trường, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đứng trước thềm nhà, chị Nga nở nụ cười đôn hậu khi nghe hỏi về tình trạng sức khỏe của bé Trần Trúc Nguyên. Chị nói: “Đây là cái tết thứ 6 gia đình tôi được hưởng trọn niềm vui, kể từ khi Nguyên mắc bệnh”. 

Năm 2001, khi vừa 40 tháng tuổi, đang vui đùa như bao đứa trẻ khác, đột nhiên Nguyên không cầm nắm được, chân đi xiêu vẹo, thường xuyên bị té... Các bác sĩ chẩn đoán Nguyên bị hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Đây là hội chứng rất hiếm gặp, làm liệt cơ thể của người bệnh từ từ. Chị Nga kể: “Tôi đưa cháu đi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh. Qua 4 tháng, tuy cháu đã khỏi bệnh nhưng vẫn chưa đi đứng bình thường được, phải tập vật lý trị liệu thường xuyên. Cháu đã rất may mắn khi được bác sĩ Phương (bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, BVNĐ Cần Thơ- PV) cùng các cộng sự tập đi đứng...”. Chị Nga đang kể thì bé Nguyên từ ngoài chạy vào nhà, lễ phép chào khách rồi nói với mẹ: “Chiều mẹ chở con vô bệnh viện thăm cô Phương, nghen mẹ!”.

Đến phòng Vật lý trị liệu, BVNĐ Cần Thơ mới thấy hết sự vất vả của những người thầy thuốc khi tập đi, tập nói cho bệnh nhi... Với những trẻ chưa đi vững, các kỹ thuật viên vừa tập vừa chơi với trẻ. Có bé đã lần được theo thanh inox, bước từng bước một, các bác sĩ cứ dõi theo, động viên: “Đi đi con! Đi đi! Giỏi quá!”. Nhắc đến bác sĩ Phương, thân nhân của bệnh nhi nào cũng cảm động kể về sự tận tụy của chị. Còn nhắc đến bệnh nhi, chị Phương nhớ vanh vách, nào là bé Nguyên, bé Huy, bé Trúc... đã đi được; bé Ngọc, bé Lam, bé Yến... đang tập và có tiến triển tốt. Chị Phương tâm sự: “Gần 6 năm công tác, hạnh phúc nhất của tôi và các cộng sự là chứng kiến bệnh nhi đi được, nói cười được. Tỷ lệ trẻ khỏi bệnh sau di chứng nặng không nhiều, đòi hỏi bệnh nhi, gia đình và cả bác sĩ phải nhẫn nại, quyết tâm trong tập luyện”. 

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương đến với công việc điều trị vật lý trị liệu một cách tình cờ. Tốt nghiệp ngành y, chị đi làm trình dược viên. Năm 2001, đến BVNĐ Cần Thơ giới thiệu thuốc, chứng kiến cảnh những bệnh nhi đang vất vả luyện tập từng bước đi, từng tiếng nói, nụ cười, và những ánh mắt chan chứa hy vọng của các bậc cha mẹ, khiến chị quặn lòng đến rơi nước mắt. Chị muốn làm một điều gì đó cho các em. Và chị đã quyết định đi học lớp ngắn hạn 6 tháng về vật lý trị liệu ở TP Hồ Chí Minh, rồi xin vào làm việc tại BVNĐ Cần Thơ. 1 năm... 2 năm... thời gian cứ thế trôi qua, chị ngày càng gắn bó và càng thêm yêu công việc của mình.

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BVNĐ Cần Thơ, nhận xét: “Bác sĩ Phương rất nhiệt tình, tận tụy trong công việc. Không chỉ giỏi về chuyên môn, bác sĩ Phương còn tham gia nhiều hoạt động phong trào văn - thể- mỹ và say mê nghiên cứu khoa học”. Đề tài “Bước đầu đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân ngoại trú tại Phòng vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng BVNĐ Cần Thơ từ tháng 1-2004 đến tháng 1-2007” của chị được ngành y tế đánh giá cao. Để có được kết quả đó, chị Phương đã suy nghĩ, tìm tòi tư liệu qua sách vở, báo chí, Internet... Đa số tài liệu liên quan đến đề tài đều bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Vậy là, ban đêm và ngày nghỉ trong tuần, chị dành để học tiếng Pháp, bồi dưỡng tiếng Anh. Chị tâm sự: “Hiện tại, tôi cùng các cộng sự trong khoa thực hiện đề cương nghiên cứu khoa học liên quan đến điều trị vật lý trị liệu cho trẻ nhưng chuyên sâu về một bệnh lý. Tôi hy vọng đề tài này sẽ góp một phần nhỏ nâng cao hiệu quả điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhi...”.
 
HUỆ HOA - BÍCH KIÊN Báo Cần Thơ


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)