Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 27/12/2013
E-mail     Bản in

Điểm sáng của Họ Lưu ở Thái Nguyên - Thanh Hóa
(LUUTOC.VN) - Nhân dịp sắp có Lễ hội tưởng niệm 580 năm (1434 - 2014) tạ thế của Tể tướng Lưu Nhân Chú (Mùng 4 Tết Giáp Ngọ - 2014). BBT trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Lưu Văn Thành tóm tắt sơ lược hành trạng của Tể tướng Lưu Nhân Chú - vị Khai quốc công thần Nhà Hậu Lê và là Danh nhân lịch sử của Đất nước Việt Nam, từng được các Nhà Sử học Trung ương và tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu rất kỹ và tổ chức hội thảo khoa học năm 2001(1).
 

Lễ hội Lam Kinh 2013 

           Lưu Nhân Chú là con của một dòng họ Lưu quí tộc, ít nhất có bốn đời là thế tập phiên trấn quản giữ đất đai Thái Nguyên, một vùng trọng yếu ở phía Bắc kinh đô Thăng Long. Lưu Nhân Chú sinh năm nào chưa rõ. Theo Giả phả(2) thì Phả đồ từ Cao tổ đến Lưu Nhân Chú như sau:
          Cụ Tổ là Thái Nguyên Quản trị phụ đạo Lưu Công, thụy Huyền Nghi, được phong tước là Thái lai hầu đời đời thế tập(3) (đời 1), sinh ra:
  • Phụ đạo Lưu Nhân Dục thụy Khắc Thuần - (đời 2);    
  • Phú Bình hầu Lưu Bá Thịnh - (đời 3);
  • Thái úy Giới Quận công Lưu Trung - (đời 4);
  • Thái phó Trung Quốc Công Lưu Nhân Chú - (đời 5);
  • Lưu Thị Ngọc Ngoan lấy Phạm Cuống (con rể) - (đời 5).  
Sinh ra và lớn lên trong một dòng họ như vậy, lại gặp thời loạn lạc, giặc Minh dày xéo đất nước nên Lưu Nhân Chú sớm có cái nhìn sáng suốt và có chí hướng tìm đường chống giặc, cứu nước chứ không đi theo nhà Hồ và nhà Hậu Trần.

Nhà Hồ và hậu Trần đều tiến hành kháng chiến chống quân Minh, nhưng đều bị thất bại; đến năm 1413 cuộc kháng chiến của nhà hậu Trần bị thất bại hoàn toàn. Xét thấy dòng họ Lưu ở Thái Nguyên có uy tín và có thế lực, nhưng không thể đủ sức chống lại giặc Minh nên năm 1409 gia đình họ Lưu ở Thái Nguyên, (gồm bố là Lưu Trung, con trai là Lưu Nhân Chú và con rể là Phạm Cuống) đã sáng suốt lựa chọn đi theo ngọn cờ họ Lê (của hai bố con Ngài Lê Khoáng, Lê Lợi) ở Khả Lam, Thanh Hóa, chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa chống giặc Minh.

Trong Gia phả họ Lưu ở Thái Nguyên có nêu thêm yếu tố tâm linh rằng việc gia đình Lưu Nhân Chú đến Lam Kinh phò Lê Lợi được thần thánh mách bảo, cũng giống như trường hợp của Trần Nguyên Hãn (từ Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tìm đến Lam Sơn phò Lê Lợi là việc làm hợp lẽ trời, hợp với lòng người, tất yếu đi đến thành công.  

Sau bảy năm theo cha con Cụ Lê Khoáng – Lê Lợi xây dựng lực lượng, năm 1416, Lưu Nhân Chú tham gia Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức. Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu, trong đó có Lưu Nhân Chú, nguyện cùng chung lòng, dốc sức chiến đấu chống giặc Minh, giải phóng quê hương đất nước. Lưu Nhân Chú trở thành một trong những “Công thần Lũng Nhai” (Danh sách những người tham gia Hội thề Lũng Nhai có sự khác nhau nhưng tất cả tư liệu lịch sử hiện có đều xác nhận Lưu Nhân Chú có mặt trong Hội thề Lũng Nhai). Sau hội thề Lũng Nhai, bốn thành viên gia đình Lưu Nhân Chú (gồm Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Trịnh Khắc Phục - anh cùng mẹ khác cha với Lưu Nhân Chú và em rể Phạm Cuống) đều nằm trong 51 người được Lê Lợi chọn làm tướng lĩnh(4).  

Từ năm 1416 đến 1418, Lưu Nhân Chú được Lê Lợi cử về Thái Nguyên để tập hợp lực lượng, rèn luyện binh sĩ, tích trữ lương thảo cho cuộc khởi nghĩa.

Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo bùng nổ, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Khởi nghĩa Lam Sơn đã nhanh chóng phát triển lớn mạnh thành một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa) trở thành nơi hội tụ sức mạnh kháng chiến của toàn dân tộc. Ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, cha con Lưu Nhân Chú đã là những tướng lĩnh tiên phong của nghĩa quân Lam Sơn.

Trong 7 năm (1418-1424), Lưu Nhân Chú cùng các tướng lĩnh và nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu hết sức anh dũng, vào sinh ra tử để bảo vệ chủ tướng Lê Lợi, bảo vệ lực lượng và căn cứ địa Lam Sơn, thắng địch nhiều trận, đưa tình thế của cuộc khởi nghĩa từ thế phòng ngự sang thế tấn công. Lưu Nhân Chú đã xông pha chỉ huy đánh trận ở mọi chiến trường như ở Thanh Hóa, Nghệ An, Ai Lao, Đất Bắc, Biên giới... điển hình là các trận: Khả Lưu (Nghệ An - 1424), Tây Đô (Thanh Hóa - 1425), chặn địch ở vùng đất Bắc (1426), Chi Lăng (1427), Xương Giang (1427)... Trong trận Khả Lưu, Bồ Ải, tiêu diệt viện binh đường thủy của quân Minh từ Đông Quan đánh vào Tây Đô. Trận Xương Giang – Chi Lăng, tiêu diệt toàn bộ viện binh của quân Minh do Liễu Thăng cầm đầu, tướng  giặc Liễu Thăng bị chặt đầu.

Ngoài lĩnh vực quân sự, ông còn rất giỏi trong các lĩnh vực ngoại giao, tổ chức lực lượng, củng cố chính quyền và xây dựng đất nước.  

          Lưu Nhân Chú được Lê Lợi tin tưởng tuyệt đối và giao cho nhiều chức vụ quan trọng như: Hỏa thủ Thiết đột kỵ vệ (1416), Thiết đột kỵ vệ tướng quân (1417), Hành quân Đốc quản, Nhập nội Đại Tư Mã (3-1427), Nhập nội Tư Không (6-1427), Tể tướng (1427); đặc biệt vào dịp xưng vương (1428) Lê Thái Tổ đã phong Lưu Nhân Chú là Công thần hạng 2 và ban quốc tính (1428); Nhập nội kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự (1428) với tước vị Lũng Quốc công, Á Thượng hầu, Nhập nội Tư khấu (1431). Còn Lưu Trung được ban làm Hành quân Tổng quản hạ Thái Nguyên, xứ chư vệ quân sư; Phạm Cuống làm Đồng tổng quản Quy Hóa trấn tri quân dân sự (1426); Năm 1428, được gia phong: Lưu Trung làm chức Nhập nội Đại tư mã Đại tướng quân, Chi Quận công; Phạm Cuống làm Nhập nội Thiếu úy, Thượng tướng quân Thượng trụ quốc, Trù Quốc công; Trịnh Khắc Phục làm Tả kim ngô Thượng tướng quân Phán Thái tông Chính phủ(5).

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên. Năm Thuận thiên thứ nhất (1428), Lê Thái Tổ đã vinh phong nhiều chức vụ cao quí và ban cho những công thần theo khởi nghĩa từ đất Lũng Nhai. Trong bài chế khen thưởng ban cho Lưu Nhân Chú, vua Lê Thái Tổ tuyên dương ông là: “Người phù tá có tài, là bề tôi tận tụy của nước. Nên trẫm cho cái vinh hạnh ở ngôi Tể tướng mà vẫn giữ cái chức nhiệm coi nắm binh quyền. Nay ban cho chiếu chỉ để nêu rõ bậc quan sang… Xét Lưu Nhân Chú tài năng như cây tùng, cây bách, chất người như ngọc phan ngọc dư. Vậy cho ngươi đứng đầu hàng võ, kiêm coi chính sự trong nước”(1; tr.145).

Lê Lợi đã đánh giá rất cao công lao tài đức của Lưu Nhân Chú qua bài chế phong chức năm Đinh Mùi 1427, sau khi đánh thắng quân Minh: “Núi Linh Sơn đói khổ mấy tuần, ngươi hằng lo lắng; xứ Ai Lao muôn phần vất vả, ngươi chẳng tiếc than. Cứu nguy, phù suy giành lại cơ đồ trong những ngày cháo rau cơm hẩm; trừ hung dẹp bạo, quét thanh trời đất khỏi tai ương ngực sắt gươm vàng. Trận đánh ở Bồ Đằng, Khả Lưu như trúc chẻ tro bay; trận đánh ở Xương Giang, Chi Lăng như băng tan ngói lở. Giúp nên nghiệp lớn, càng rõ công to sáng nghiệp là khó khăn, ngươi đã lấy võ công mà dẹp nạn; thủ thành không phải dễ, nước cần có hiền tài để giúp phò. Vậy cho ngươi đứng đầu hàng võ trong triều, kiêm coi chính sự nhà nước…”(1; tr. 18)  

Năm 1434, Lưu Nhân Chú bị Lê Sát giết hại. Về sau vua Lê Thái Tông đã minh oan cho ông và đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) được phong tặng là “Thái phó Trung Quận công”; Lưu Trung được phong tặng là “Thái úy Giới Quận công”(6). Trịnh Khắc Phục, khi Lưu Nhân Chú bị giết, cũng bị giáng chức xuống coi việc hình ngục và năm 1451 cùng con trai là Trịnh Bá Nhai cũng bị giết; Hai năm sau giải oan, được phong tặng là Thái úy Yên Quốc công; Năm 1484 được phong tặng là Ngọc Sơn hầu; Phạm Cuống được phong tặng là Hoàn Mỹ (Nghĩa) hầu.

Các đời vua sau này cũng xét cho những người có công với triều Lê được hưởng bổng lộc. Như vua Gia Long năm thứ nhất (1802), Nguyễn Ánh xuống chiếu cho con cháu 33 công thần Khai quốc và trung hưng đời Lê được hưởng nhiêu ấm, trong đó có tên cha con Lưu Trung , Lưu Nhân Chú, Lê Khắc Phục và Phạm Cuống.

Về mối liên hệ họ Lưu ở Thái Nguyên và Thanh Hóa.

Về sự thân tín, thì “Lưu Trung lấy bà dâu góa dòng họ Lê Lợi và sinh ra Lưu Nhân Chú”(7). Ở đền thờ Trịnh Khắc Phục (ở làng Vân Đồn, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn) có ghi: bố đẻ Trịnh Khắc Phục là Trịnh Nhữ Lượng, mẹ là Lê Ngọc Biền. Sử liệu cho biết: “Mẹ Lê Lợi là bà Trịnh Ngọc Thương, Trịnh Nhữ Lượng là cháu (của bà) và Lê Lợi đã có lần nhận Lưu Nhân Chú là con”(8) khi Lê Lợi cử Tư Tề và Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin. Như vậy, Lê Lợi và Trịnh Nhữ Lượng là anh em “con cô con cậu” và bằng vai cùng Lưu Trung. Chính mối quan hệ họ hàng là một lý do Lê Lợi tin dùng gia đình Lưu Nhân Chú và giao cho những trọng trách và các trận đánh cần sự tin tưởng nhất(9)

 Hiện nay ở Thanh Hóa, họ Lưu có ở hầu hết các huyện. Đây là một dòng họ hầu như không có thay đổi sang họ khác. Họ Lưu tập trung chủ yếu ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Đông Sơn. Nhưng vẫn chưa có tư liệu nào để gắn kết hoặc phân biệt các họ Lưu đó là gốc từ Lưu Diễm, Lưu Miễn thời Trần, hoặc Lưu Trung - Lưu Nhân Chú thời Lê. Hy vọng sẽ có một ngày khi chúng ta có đủ cơ sở khoa học tìm ra nguồn gốc của họ Lưu trên đất Thanh Hóa và mối quan hệ với họ Lưu vốn ở Thái Nguyên.

Tuy nhiên, cũng có vài ánh xạ có thể gợi mở sự gắn kết giữa một số họ Lưu ở Đông Sơn, Thọ Xuân với Lưu Trung - Lưu Nhân Chú. Ở xã Xuân Tín huyện Thọ Xuân ngày nay có một Từ đường họ Lưu. Theo những người trong dòng họ thì đây là nơi thờ vị khai sinh ra dòng họ Lưu ở Thọ Xuân. Từ đường thờ “Lưu Thái phó Quận công”.

Trong tỉnh Thanh Hóa, những người họ Lưu có danh tiếng từ Lưu Diễm - Lưu Miễn thời Trần đến Lưu Hưng Hiếu, Lưu Ngạn Quang thời Lê sơ và đến Lưu Thành, Lưu Thì Cử thời Lê Trung Hưng thì không có một ông họ Lưu nào được phong tặng Thái phó, Thái úy hoặc Quận công, Quốc công(10). Chỉ có Lưu Trung được phong tặng là Thái úy Giới Quận công, Lưu Nhân Chú được phong tặng là Thái phó Trung Quận công, Lưu Đình Chất được phong tặng là Thiếu bảo Lộc Quận công.

Phải chăng chính nơi đây là nơi thờ Lưu Nhân Chú mà vì nhiều lý do các tư liệu đã thất lạc mà chỉ còn lại trong lòng người họ Lưu và nhân dân trong vùng ở đây một niềm tự hào về một “Khai quốc công thần” Lam Sơn họ Lưu - “Lưu Thái phó - Quận công”?

Có một điều rất đặc biệt, trên thực địa 3 xã Đông Anh, Đông Minh, Đông Yên ngày nay đều thuộc tổng Lê Nguyễn xưa, gồm 3 làng Viên Khê (xã Đông Anh) có đền thờ Tiến sỹ, Thượng thư Lưu Quang Ngạn và ông Lưu Hồng Quý; làng Vân Đô (xã Đông Minh) có đền thờ Trịnh Khắc Phục và làng Mộc Nhuận (xã Đông Yên) có đền thờ Phạm Cuống, nằm liền kề sát nhau, hình thế chân kiềng vững chắc.

Lưu Nhân Chú, Lưu Trung và Phạm Cuống là niềm tự hào và sống mãi trong lòng dân Thái Nguyên, hàng năm được nhân dân tổ chức Lễ Hội Núi Văn - Núi Võ, vào ngày Mùng 4 Tết Nguyên Đán để tôn vinh tại Khu di tích Núi Văn - Núi Võ, trung tâm là đền thờ Lưu Nhân Chú, ngay sát chân núi Tam Đảo. Thành phố Thái Nguyên được vinh dự có hai công trình mang tên Người, đó là đường Lưu Nhân Chú và trường THPT Lưu Nhân Chú. 
 
Lễ hội Núi Văn – Núi Võ năm 2013 tại Đền thờ Tể tướng Lưu Nhân Chú, phía sau là Núi Võ
 
Sắp tới tròn 580 năm mất của Tể tướng Lưu Nhân Chú (1434 – 2014), BTC Lễ hội sẽ tổ chức long trọng hơn so với hàng năm tại đền Lưu Nhân Chú, xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên. Năm nay là năm lần đầu tiên Lưu Tộc Việt Nam đã kết nối toàn quốc được với nhau và đã thành lập BLL Lưu Tộc Việt Nam. Rất mong đồng tộc họ Lưu Việt Nam du Xuân lên trẩy hội Núi Văn – Núi Võ và dâng tâm hương lên Cao Tổ tiêu biểu, xuất chúng của Họ Lưu Việt Nam được thờ tại đây.
                          
 

Ghi chú:
(1) - Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”, do Sở VHTT Thái Nguyên và Viện Sử học Việt Nam tổ chức, được Sở VHTT Thái Nguyên phát hành 2001.
(2) - “Tìm thấy gia phả dòng họ Lưu Nhân”; Tác giả Đặng Nghiêm Vạn; Tạp chí “Nghiên cứu Lịch sử” số 105, tháng 12 - 1967; tr. 42-49 và 56.
(3) - “Lưu Nhân Chú và Hội thề Lũng Nhai”; Tác giả Ts. Vũ Duy Mền; Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”; tr. 74.
(4) - “Gia đình Lưu Nhân Chú trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn”, tác giả Phạm Văn Kính; Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”; tr. 167-184.
(5) - Thành viên gia đình Họ Lưu: Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống và Trịnh Khắc Phục đều được xếp vào hạng Công thần khai quốc triều Lê; được Lê Lợi ban thưởng: Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống mỗi người được 500 mẫu lộc điền; Lưu Trung và Trịnh Khắc Phục mỗi người được 100 mẫu lộc điền; Vợ Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống đều được phong là Công chúa.
(6)  - “Lưu Nhân Chú và dấu ấn dòng họ Lưu ở Thanh Hóa”; Tác giả Ts. Hà Mạnh Khoa; Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”; tr. 215-224.
(7) - Nguyễn Trãi toàn tập - NXB KHXH Hà Nội 1976, tr.183.
(8) - Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH, Hà Nội 1968, tr. 82; tr. 383-384.
(9) - Lam Sơn thực lục (Bản sao của dòng họ Lê Sát), TH 1976, tr. 205 (tham chiếu từ (6)).
(10)- Danh sách những người họ Lưu ở Thanh Hóa đỗ Tiến sỹ Nho học (theo “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919”, tác giả Ngô Đức Thọ - Chủ biên, Nxb Văn học, Hà Nội 2006):
a.  Lưu Diễm (1211 - ?): thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa. Ông đỗ Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh khoa Nhâm Thìn (1232) đời Trần Thái Tông, làm Đông các đại học sĩ.
b.  Lưu Miễn: thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa. Ông đỗ Đệ nhất Giáp, Đệ nhất danh khoa Kỷ Hợi (1239) đời Trần Thái Tông, làm An phủ sứ Thanh Hóa.
c.  Lưu Hưng Hiếu (1456 - ?) quê ở Lương Hà, huyện Vĩnh Lộc. Ông đỗ Bảng nhãn khoa Tân Sửu (1481)  đời Lê Thánh Tông, giữ chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Hàn lâm viện sự.
d. Lưu Ngạn Quang (1457 - ?): làng Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Tân Sửu (1481) đời Lê Thánh Tông. Ông giữ chức Tả thị lang bộ Lại.
e. Lưu Đình Chất (1566 - ?): làng Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Đinh Mùi (1607) đời Lê Kính Tông. Ông giữ chức Thiếu bảo Lộc quận công.
g. Lưu Thành (1665 - ?): thôn Vĩnh Trị, xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa. Ông đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712) đời Lê Dụ Tông, làm chức Đông các hiệu thư.
 
TS. LƯU VĂN THÀNH


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)