Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 27/1/2012
E-mail     Bản in

Thơ LƯU TRỌNG LƯ và ÂM NHẠC
Nhà thơ Lưu Trọng Lư sinh ngày 19/6/1911 tại làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi đây là một vùng đất nằm ở phía nam bờ sông Gianh, nơi có sông và núi đồi rất đẹp. Bố ông là một nhà Nho, có mối quan hệ thâm giao với những người yêu nước. Vì bất mãn chế độ phong kiến, nên đang làm quan tri huyện, khi về thọ tang cha mẹ, ông bỏ làm quan ở nhà dạy học.

 

Ngay từ nhỏ, Lưu Trọng Lư đã được bố hướng theo con đường Nho học và làm thơ theo khuôn mẫu. Nhưng tính ông lúc còn trẻ vốn nghịch ngợm, ưa thích những điều khoáng đạt, mới mẻ. Sau này, ông có kể với Lưu Trọng Văn con ông rằng : “Hồi đó mỗi lần ông nội con nói chuyện thơ thường bắt bố đứng gãi lưng. Nhưng bố không thích nghe, chỉ thích được đi chơi với lũ chăn trâu. Thế là bố “giở chiêu”… gãi thật mạnh vào lưng cụ. Ông cụ đau quá, đuổi bố đi. Bố chạy như bay ra ngoài cánh đồng với đám trẻ chăn trâu !…”. 

Hồi còn ở Quảng Bình, nhà thơ Lưu Trọng Lu theo học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế mới ra Hà Nội làm văn, làm báo để kiếm sống. Và là một trong những nhà thơ khởi xướng “Phong trào thơ mới” rất tích cực. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền, làm văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau năm 1954, ông tiếp tục hoạt động văn học, nghệ thuật: Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, từng làm Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu VN. 

Nhà thơ Lưu Trọng Lư mất ở Hà Nội vào ngày lập thu 1/7/1991, được an táng tại Văn Điển. Năm năm sau, người con là nhà thơ - nhà báo Lưu Trọng Văn mua được một mảnh vườn rộng ở quận 7, TP HCM nên đưa di hài nhà thơ vào Nam hỏa táng rồi đặt trong vườn nhà, coi như là đáp ứng di nguyện của người cha. Thực ra di nguyện đó chẳng nằm trong tờ di chúc hay lời trăng trối nào cả, mà đấy là tâm tư được gửi trong bài “Miếng đất”: 


“Tôi nào mơ nhà cao cửa rộng 
Chỉ xin dăm thước đất 
Mần cái ao nhỏ 
Đêm nằm mơ con mè con trắm chơi trăng 
Thảo lòng, trồng sống được vài cây để năm 2000 chăng chớ 
Vào tay áo này được đón gió ngàn khơi…” 

(Thơ di cảo).
 
Ngoài Lưu Trọng Văn, người con thứ chín của ông còn là nhà đạo diễn phim tức Lưu Trọng Ninh khá nổi tiếng. 

Tác phẩm Lưu Trọng Lư : 

Về thơ : Tiếng thu (1939), Tỏa sáng đôi bờ (1959), Người con gái sông Gianh (1966), Từ đất này (197l).

Về truyện : Người sơn nhân (truyện, 1933), Chiếc cáng xanh (truyện, 1941), Khói lam chiều (truyện, 194l), Mùa thu lớn (tuỳ bút, hồi ký, 1978), Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký, 1989) 

Tác phẩm sân khấu : Nữ diễn viên miền Nam (cải lương), Cây thanh trà (cải lương), Xuân Vỹ Dạ (kịch nói), Anh Trỗi (kịch nói), Hồng Gấm, tuổi hai mươi (kịch thơ,1973) 

Nhà thơ Lưu Trọng Lư được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 2000, với các tác phẩm : “Người con gái sông Gianh”, “Tiếng thu”, “Tỏa sáng đôi bờ”. Trong đó, có thể nói Tiếng thu là một tác phẩm có sức sống bền lâu và lan tỏa nhất. 

Thơ Lưu Trọng Lư và âm nhạc của tôi 

Lưu Trọng Lư là người bạn thân với nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của người nhạc sĩ này đã viết về người bạn đã khuất như sau : 

"Tôi yêu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư từ hồi nào không biết, nhưng tôi chọn một bài thơ tiêu biểu nhất của anh là “Tiếng thu” để phổ thành ca khúc ngay từ năm 1945, bài này coi như là một bài hát đầu tay, vì nó mới chỉ là bài ca thứ 5 trong đời âm nhạc của tôi. ... 

"Ngay sau đó, tôi bỏ qua một bên "nhạc lãng mạn" để đi kháng chiến và chỉ khi tôi trở về thành phố thì tôi mới có cơ hội soạn lại "nhạc tình tứ, lãng mạn". Hành nghề tại phòng trà, tôi cần có bài hát để mời khán giả hát theo, tôi bèn phổ bài thơ "Vần thơ sầu rụng", bài này có những đoạn hát : "Quay đều, quay đều, quay đều", hát sau câu "Năm năm tiếng lụa xe đều, trong cây gió lạnh đưa vèo"... gợi được hành động của một cô gái quay tơ, quay đều, quay đều... và như thế là tôi làm tăng tính chất lãng mạn của thơ Lưu Trọng Lư. 

"Hai "ca khúc nhịp ba" (Tiếng thu, Vần thơ sầu rụng) cũng giống như những bài hát đương thời Thu cô liêu, Cung đàn xưa của Văn Cao... đã tạo ra một lối phổ thơ, nói cho đúng hơn là đã tạo ra những "giai điệu" Việt Nam mới, hát trên "tiết điệu - prosodie" lục bát hay song thất lục bát". Tính chất chung của những ca khúc này chắc chắn phải là "lãng mạn tính" rồi, nhất là nếu "ca từ" lại là thơ của Lưu Trọng Lư ! 

"… Những bài thơ Lưu Trọng Lư mà tôi phổ nhạc cho thấy vào lúc còn trẻ, tôi đã cố gắng làm cho nhạc của tôi phải hợp lý (logic), có câu cú đàng hoàng và nhất là dễ làm người nghe cảm động. Đó cũng nhờ ở "lãng mạn tính" tuyệt vời của lời thơ nơi thi sĩ. Bài thơ “Tiếng thu” Theo Trần Đăng Khoa, nhà thơ Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới. Nhận định về nghệ thuật thơ ông, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh đã có những nhận xét : "Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt giũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy". 

Nhận định này dường như đã thành nỗi ám ảnh. Và rồi suốt đời, Lưu Trọng Lư cứ loạng choạng, cứ bập bõm bước trong cái vòng kim cô mà Hoài Thanh đã tiên đoán và vạch ra ngay từ khi ông mới xuất hiện trên thi đàn. Và nếu chọn một bài thơ hay nhất của Lưu Trọng Lư, nghĩa là ngoài thơ, nó không có gì bấu víu, thì chính là bài Tiếng thu. 

TIẾNG THU 

Em không nghe mùa thu 
Dưới trăng mờ thổn thức? 
oOo 
Em không nghe rạo rực 
Hình ảnh kẻ chinh phu 
Trong lòng người cô phụ 
oOo 
Em không nghe rừng thu 
Lá thu kêu xào xạc 
Con nai vàng ngơ ngác 
Đạp trên lá vàng khô... 


Bài thơ này chỉ vỏn vẹn có 9 câu, chia làm ba đoạn, mỗi đoạn lại so le, các ý trong bài thơ rời rạc, khấp khễnh, chẳng ý nào ăn nhập với ý nào. Nếu cứ theo cách hiểu máy móc của những nhà phê bình quen thói bắt bẻ, cứ đè thơ ra mà tìm tư tưởng, tìm ý nghĩa thì đây là bài thơ "đầu Ngô mình Sở". Đã thế, tác giả còn tỏ ra vụng về. Ấy vậy mà khi gộp lại trong một tổng thể, bài thơ hay đến lạ lùng. Người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ xảy ra có một lần. 

Cái hay của bài thơ này không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch roi. Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. 

MỘT MÙA ĐÔNG hay NGƯỜI EM SẦU MỘNG 

Thơ của Lưu Trọng Lư được các nhạc sĩ tên tuổi từ Bắc vào Nam phổ thành ca khúc rất nhiều, nhưng nổi bật ngoài bài thơ Tiếng Thu được Phạm Duy phổ nhạc từ năm 1945, về sau có nhạc sĩ Y Vân lấy ý trong một liên khúc thơ của Lưu Trọng Lư gồm bốn bài mang tựa “Một mùa đông 1, 2, 3 và 4 để soạn thành nhạc phẩm “Người em sầu mộng”. 

Ca khúc này được nữ ca sĩ Thanh Thúy trình bày đầu tiên trên sóng phát thanh Sài Gòn, đã gây được tiếng vang lớn đến với người thưởng thức âm nhạc và cho đến nay nhạc phẩm “Người em sầu mộng” cũng chưa mai một. 

Sau đây bốn bài thơ “Một mùa đông” của nhà thơ Lưu Trọng Lư : 

Nhạc phẩm “NGƯỜI EM SẦU MỘNG”

(Thơ Lưu Trọng Lư – Nhạc Y Vân) 

Em là gái trong song cửa / Anh là mây bốn phương trời / Anh theo cánh gió chơi vơi / Em vẫn nằm trong nhung lụa 
Em chỉ là em gái thôi / Người em sầu mộng muôn đời / Tình như tuyết giăng đầu núi / Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời 
Ai bảo em là giai nhân / Cho đời anh đau buồn / Ai bảo em ngồi bên song / Cho vương nợ thi nhân Ai bảo em là giai nhân /
Cho lệ đêm Xuân tràn / Cho tình tràn gối chăn /Em chỉ là em gái thôi / Người em sầu mộng muôn đời / Tình như tuyết giăng đầu núi / Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.

 

 

Theo NGUYỄN VIỆT


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)