Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 27/01/2011
E-mail     Bản in

Nhà văn Lưu Quốc Hòa: Người thức cùng mùa đông
Chia sẻ: Hèn gì, nhìn Lưu Quốc Hòa thỉnh thoảng hồn nhiên như trẻ con. Hết cười lại nói, có lúc khóc nức nở... thành ra anh là người khó hiểu.
 
Nhà văn LƯU QUỐC HÒA

Có một thời, nhắc đến nhà văn Lưu Quốc Hòa, người yêu văn học nhớ ngay đến cuốn tiểu thuyết của anh là Vĩnh biệt làng Ô Hợp. Có lẽ sự “nổi tiếng” ấy đã mang lại cho Lưu Quốc Hòa nhiều cảm hứng để... sáng tạo. Anh viết nhiều, mỗi đêm... “đẻ” được một truyện ngắn, mấy tứ thơ bay bổng. Số anh đa đoan, chìm nổi nhưng luôn tỏa sáng cái tâm của một nhà văn yêu nghề, sẵn sàng bỏ đi những danh cùng lợi vì con chữ, vì đã trót làm người.

Giờ đây, ngày ngày, ngoài những phút  ngao du cùng bạn bè, anh trở về nhà chăm chút cho cái gia đình nhỏ của mình. Ấy vậy, không phải lúc nào sự chăm chút cũng hiệu quả. Nó mơ hồ, gượng gạo như tính cách và cách sống của một kẻ không hề lập dị nhưng đang thái hóa thành lập dị.

Tôi đã nhiều lần gặp và chuyện trò dăm ba câu cùng Lưu Quốc Hòa, khi thì bất ngờ thấy anh đang bán báo, anh dí tờ báo vào tay bảo, giàu gì tiền bạc, mi cầm mà đọc rồi rút chiếc điếu cày hút xoành xoạch. Khi lại thấy anh ngồi trong một quán bia tối như hũ nút uống cùng một ông nhà văn già, bàn rất rôm rả về một chủ đề văn học đương đại. Cùng cánh viết văn, anh thẳng thắn “mắng” tôi: “Văn chú mày viết thế có ngày chết không kịp ngáp...”. Anh nhiệt tình, nhễ nhại đọc và sửa giúp cánh viết trẻ, có lẽ thế nên anh có nhiều “đệ tử” khắp các miền.

Một số bạn bè bảo Lưu Quốc Hòa “láu cá”. Tôi thấy oan cho anh quá, bởi đôi mắt anh sắc như dao, thỉnh thoảng gợn những suy tính cơm áo. Nhưng cũng đôi mắt ấy, hay rơi lệ chẳng vì cái gì to tát mà đôi khi chỉ vì người ta vô tình giẫm lên một tờ báo cũ.

Nói Lưu Quốc Hòa như vậy, có lẽ ít ai tin. Bởi vì hễ ai gặp anh, cảm giác đầu tiên cũng... sợ, sợ vì nghe anh tào lao chuyện đủ thứ. Những câu chuyện của anh không có hồi kết, nó liên miên trong những hồi ức cũ – mới lẫn lộn, xô bồ. Anh bảo, anh từng làm nghề thổi kèn... đám ma. Tôi không tin, anh bảo mặc vì nghề gì cũng có cái vinh của nó. Cái vinh của người thổi kèn đám ma là cái vinh nghệ sĩ. Anh đã đào tạo được khá nhiều “nghệ sĩ” kèn hiếu mà nếu giờ gặp lại, người ta gọi anh là... sư phụ.

Anh viết nhiều, viết như mắc bệnh viết. Thỉnh thoảng lại thấy truyện ngắn của anh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tháng trước, anh điện thoại cho tôi bảo, tối nay bật đài nghe kể chuyện đêm khuya. Thì ra là một câu chuyện về làng quê mà anh đã thai nghén bao nhiêu năm làm người, Câu đồng dao làng Vòi, Chim sa cá nhảy, Nắng quái chiều hôm... và nhiều truyện ngắn khác, toàn về làng quê. Cái quý ở chỗ ấy, cái đáng ghét cũng ở chỗ ấy – bởi anh moi móc hết cái xấu này đến cái xấu khác ở nơi mình sống mà đưa lên mặt báo.

Thỉnh thoảng anh lại trầm tư, cũng chỉ bởi những gì anh nhìn thấy ở người nông dân và những khó nhọc họ đang phải gánh. Càng gánh càng nặng, anh bảo vậy nhưng cái khó mà anh không làm được cho họ là đất và tiền. Nông dân cần đất để cày cấy nhưng cũng cần tiền để trang trải những khó khăn trước mắt. Ấy thế là bao nhiêu “bờ xôi ruộng mật” được “nâng cấp” thành sân gôn, thành khu nhả khói và ti tỉ những thứ khác. Anh đưa tất cả vào truyện, dường như tiếng thở dài bất lực trước những câu chuyện mình viết ra. Nó như một mớ những lý luận suông trên giấy mà không tài nào “giật” lại được cho nông dân một miếng đất cắm dùi.

Bạn thân của anh là nhà văn Đào Thắng cũng là một cây viết đáng gờm về đề tài nông dân. Hôm anh đưa tôi đi gặp Đào Thắng và nhà văn quân đội Trương Thanh để bàn về một cuốn sách sắp ra, anh nhỏ nhẹ gì đó rồi tất bật... mất hút! Nhà văn Đào Thắng quay sang tôi nói nhỏ: “Hắn thế mà gớm! Văn như người...”. Tôi chẳng hiểu lắm về điều ấy nhưng nhận ra trong mắt Đào Thắng những ưu ái, tri kỷ của đôi bạn văn vong niên.

Đọc tiểu thuyết Vĩnh biệt làng Ô Hợp của Lưu Quốc Hòa, bạn đọc không biết nên vui hay nên buồn. Nó chân thật như chính cuộc đời của một nghệ sĩ thổi kèn... đám ma. Nó ỉ ôi nhưng không theo mạch thảm thiết, đôi khi “giật giật” mà bất kỳ người viết văn nào cũng nhận ra trong đó chất sống và những chiêm nghiệm đến quằn quại. Tôi đã từng đọc đi đọc lại tác phẩm ấy, mỗi lần như vậy lại thấy như đánh vật với những biến thái “Ô Hợp” nhưng không thể “vĩnh biệt”. Đó âu cũng là sức hút và sự lôi kéo đến mê dụ của tiểu thuyết dài đến trên bốn mươi ba nghìn chữ.

Gần đây, Lưu Quốc Hòa “đá” sang cả sân thơ. Không biết anh có duyên với thơ hay không nhưng thơ trong anh cứ da diết, lặng lẽ không kém những thao thức trong văn: Nghẹn đắng giữa chừng/Bữa tiệc vui vừa mở/Dòng tin lặng lẽ/Em vĩnh biệt cõi đời... (Khóc em). Ấy là những dòng viết thật lặng lẽ khi anh đang cùng nhà văn Lê Lựu vào Sài Gòn ồn ã dự ngày lễ doanh nhân.

“Tớ đâu phải doanh nhân, tớ là một thằng nhà văn nghèo kiết xác, một thằng thổi kèn đám ma... Nhưng thế đã sao, cái quý giá nhất là cái tâm làm người...” - Lưu Quốc Hòa trong một phút trầm buồn buột miệng nói với tôi như vậy. Có lẽ thế mà tiêu chí của anh là “văn phải đúng, đúng bao giờ cũng hay”. Tôi không nghĩ thế, vì đúng chưa chắc đã hay. Như anh chẳng hạn, viết đúng quá đến nỗi có lần bị gã coi chợ kiêm đồ tể vác dao vào nhà dọa... giết. Anh sợ quá, mãi đến khi Hội Nhà văn vào cuộc, Lưu Quốc Hòa mới thoát được nạn bị... thổi kèn.

Hèn gì, nhìn Lưu Quốc Hòa thỉnh thoảng hồn nhiên như trẻ con. Hết cười lại nói, có lúc khóc nức nở... thành ra anh là người khó hiểu. Anh khoe, chuẩn bị cho xuất bản Tuyển tập truyện ngắn chọn lọc và tiểu thuyết Những người thức với mùa đông - “Khi ấy, cậu sẽ hiểu tớ là đứa trẻ con có... râu”, Lưu Quốc Hòa cười ranh mãnh.          

 

Theo TRẦN THẾ HÒA


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)