Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. VIỆC TỐT NGƯỜI TỐT HỌ LƯU.
Đăng ngày 26/8/2013
E-mail     Bản in

Tấm lòng với dòng họ quý hơn vàng
(LUUTOC.VN) - Liệt Tổ, Liệt Tông của chúng ta đã viết lên những trang sử oanh liệt của họ Lưu - Việt Nam, để xứng đáng với các bậc tiền bối, chúng ta đang tiến hành nghiên cứu lịch sử dòng họ Lưu Việt Nam. Đây là một việc làm rất linh thiêng, nhằm làm sáng tỏ công trạng của Tổ tiên, tìm nguồn gốc dòng họ, kết nối họ tộc và tôn vinh các danh nhân họ Lưu VN tiêu biểu... Tất cả các tư liệu và thông tin về họ Lưu đúng là “Quý hơn vàng” cho việc nghiên cứu này. Rất mong các đồng tộc cùng chung tay tham gia, dành ít thời gian để “săn lùng” tư liệu về dòng họ mình và các dòng họ Lưu địa phương lân cận. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một trong những gương sáng điển hình, rất tâm huyết với dòng họ: Ông Lưu Thế Bình, xã Yên Bái, Yên Định, Thanh Hóa.
 
Ông Lưu Thế Bình nghiên cứu Gia phả dòng họ và sách Dư địa chí
tại ngôi nhà có 4 đời họ Lưu Thế đã cư trú 116 năm

Việc nghiên cứu họ Lưu Việt Nam đang được triển khai theo Đề cương đã công bố. Đây là việc rất cần sự nỗ lực của tất cả đồng tộc để thu nhận được nhiều tư liệu và thông tin của tất cả các đồng tộc họ Lưu trong nước và hải ngoại (gốc Việt). Chúng tôi rất mừng, rất ấn tượng và cảm phục những gương sáng nhiệt tâm, cống hiến bền bỉ hàng 20-30, thậm chí 50 năm đi tìm tổ tông và chắp mối dòng họ của các đồng tộc như: Ông Lưu Cẩm Thạch (Nam Định), Ông Lưu Thành Huy (Quảng Ngãi-Lâm Đồng), Ông Lưu Văn Quảng (Nam Định-TP Hồ Chí Minh), Ông Lưu Xuân Đáo (Nghệ An)...  

Hiện nay, có một số dòng họ Lưu còn giữ được giả phả trên dưới 30 đời, trong đó có ghi những danh nhân, danh thần họ Lưu ở một số địa phương... Tuy nhiên, có vài dòng họ còn đắn đo chưa muốn bộc lộ ra thông tin đại chúng về dòng họ Lưu của mình. Ban Nghiên cứu LTVN chúng tôi hoàn toàn có thể chia sẻ những suy nghĩ dè dặt đó, vì trong lịch sử đã có những giai đoạn nhiều dòng họ (trong đó có họ Lưu) phải mai danh ẩn tích để tồn tại... Rất may, quan điểm, xu thế và nhận biết xã hội thời nay đã thay đổi cơ bản. Trăm họ bách tính Việt đã xác định: nền tảng của cả Dân tộc Việt Nam là các họ tộc. Nhiều dòng họ đã kết nối được từng khu vực và toàn quốc, nhất là họ đã xây dựng được Kỷ yếu và Cây Phả hệ họ của mình.

Lưu Tộc Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu trên quy mô cả nước. Nếu thu nhận được nhiều tư liệu về các dòng họ Lưu từ các địa phương, trên cơ sở nghiên cứu biện chứng của chúng ta, có sự hỗ trợ và hợp tác với các nhà nghiên cứu đầu ngành về sử học, dân tộc, văn hóa, nhân chủng học... thì chắc chắn cây Phả hệ Lưu Tộc Việt Nam sẽ nhanh chóng được hình thành, Kỷ yếu nghiên cứu về họ Lưu Việt Nam sẽ về đến đích, đáp ứng lòng mong mỏi của đại đa số đồng tộc họ Lưu Việt Nam.

Ông Lưu Thế Bình (sinh 1954) là một ví dụ điển hình vừa đi dạy học tại trường THPT Yên Định 2, vừa tâm huyết theo gót cha (Cụ Lưu Thế Sâm) và ông nội (Cụ Lưu Thế Chứ) đã chắp nối hoàn thiện Gia phả dòng họ Lưu Thế - Yên Bái, sưu tầm, dịch và giữ gìn được Ngọc phả đền Hồ Bái quê nhà. Hơn thế nữa, qua Website LUUTOC.VN, ông Lưu Thế Bình đã chủ động liên hệ với Ban Nghiên cứu LTVN, cung cấp bản dịch Gia phả họ Lưu Thế - Yên Bái và một số thông tin về các dòng họ Lưu tại các làng xã bên cạnh, trong đó có các dòng họ Lưu tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, nơi có đền Đồng Cổ và là nơi thời Hùng Vương có ba dòng họ Trịnh, Lưu và Hà sinh sống. Thông tin sưu tầm của Ông Lưu Thế Bình được tóm tắt như sau:

1.Thông tin về Đền Hổ Bái, xã Yên Bái, Yên Định, Thanh Hóa:

 

Cụ Lưu Thế Sâm, (Thân sinh của ông Lưu Thế Bình) người đã giữ gìn, nghiên cứu và viết tiếp để có được cuốn gia phả.

Căn cứ vào cuốn Thần phả bằng chữ hán do Cụ Lưu Thế Sâm lưu giữ được, do nhà Nghiên cứu Hán Nôm Bùi Vĩ biên dịch (1992) thì Đền Hổ Bái đã có từ xưa, ít nhất có trước năm 40, vì theo Thần phả có ghi sự kiện Hai Bà Trưng đã về tạ lễ sau khi đánh thắng quân Hán. Đền trước đây đã bị cháy, được nhân dân tôn tạo, dựng lại năm Thành Thái cửu niên, Đinh Dậu (1897). Đền Hổ Bái đã được xếp hạng là Di tích Văn hóa – Lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994.
 

Cổng tam quan và Đền Hổ Bái thờ Thần Hợp Lang, con trai thứ 11 của Lạc Long Quân.

Đền Hổ Bái thờ Thần Hợp Lang, con trai thứ 11 của Lạc Long Quân, ngoài ra trong đền còn thờ 2 danh thần Quan Võ họ Lưu là: Lưu Thế Tán (Phụ quốc Thượng tướng quân, Tước Trà quận công) và Lưu Thế Toản (Thái Phó sính Quốc công hùng dũng, Đại tướng quân Dực bảo trung hưng Trung đẳng phúc). Về Quan Văn được thờ trong đền là Danh nhân họ Trịnh là: Hoàng Giáp Trịnh Cảnh Thụy và Tiến Sĩ Trịnh Minh Lương.

2.Gia phả họ Lưu Thế - Yên Bái, Yên Định, Thanh Hóa:

Tính đến nay là 20 đời. Đây là dòng họ Lưu trâm anh thế phiệt, có 4 cao tổ là cấp Quận công được các đời vua Lê và Nguyễn phong sắc. Đó là Quận công Phương - Lưu Thế Tán, Thượng tướng quân giúp nước, Đô đốc Bắc bộ phủ, bậc thượng trụ, là trụ cột đất nước; Vi đô Nguyên soái Lưu Thế Chân, Dương Quận công - Lưu Thế Canh, bậc tướng quân anh liệt, Đô chỉ huy sứ, phẩm trật bậc trung; (Có Gia phả kèm theo dưới đây) và Quốc công - Lưu Thế Toản, Thành hoàng làng, Thái Phó, Đại tướng quân, trung hưng Trung đẳng thần.

 

 
 Nhà thờ Họ Lưu - thôn Tâm Đông, Yên Bái




3.Thông tin về họ Lưu Thế - Yên Bái:

Dòng họ Lưu Thế - Yên Bái hiện có hai Chi: Chi chính (Chi I) có số lượng lớn hơn khoảng 400 đinh, còn Chi II có số lượng ít hơn, khoảng 46 đinh (đó là Chi ông Lưu Thế Bình là Trưởng Chi II).

 
Ông Lưu Thế Bình, Trưởng Chi II của Họ Lưu Thế ở Yên Bái

Chi I có một gia đình tiêu biểu là gia đình của hai cụ Lưu Thế Tự (nguyên là Hiệu Phó trường Cấp 3 huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) và Cụ bà Trịnh Thị Phố. Các con của hai Cụ đều trưởng thành vẻ vang, ba người con đầu tiên đều tốt nghiệp đại học (trong đó có Tiến sỹ Lưu Thế Vinh là tốt nghiệp tại Nga 2002, hiện dạy học tại ĐHCN TP Hồ Chí Minh), 1 con là sỹ quan QĐND; Người con trai thứ 5 chính là Liệt sỹ - AHLLVT Lưu Thế Hà, đã được giới thiệu chi tiết trên website LUUTOC.VN ngày 22/8/2013 trong Mục “Gương sáng Lưu Tộc/Lưu tộc Việt Nam với đất nước”. Có một chi tiết Ông Lưu Thế Bình đã chuẩn xác lại là:

“Trận đánh diễn ra ác liệt ngay từ phút đầu. Lưu Thế Hà cùng 3 đồng đội không ngờ địch lại tháo lui đúng mũi chiến đấu của nhóm mình. Anh đã cùng đội vọt lên truy kích. Địch dựa vào bờ suối bắn như đổ đạn để tháo chạy. Hà dựa vào gốc cây to để tránh đạn và quan sát. Khi anh trườn lên, nấp sau một tảng đá để tiện bao quát thì phát hiện ra tên đại tá chỉ huy đang đốc thúc đồng bọn, “phải bắt tên này đền nợ máu” - ý nghĩ đó đã thôi thúc Hà. Mặc dù đã bị thương, Hà vẫn trườn lên, chọn đúng tầm, giương khẩu AK nhằm đúng đầu tên ác ôn. Loạt đạn đó đã trúng đích, xác tên đại tá đổ vật xuống bờ suối cùng mấy tên thân tín. Anh cố gượng nhưng máu ở 2 vết thương ra nhiều. Băng bó xong cho Hà, cả đơn vị xốc tới truy quét tận hang ổ cuối cùng của chúng; 24 tên đã đền mạng, nhiều tên bị bắt và bị thương, số còn lại giơ tay hàng. Đây là trận chiến đấu cuối cùng của đơn vị, truy quét sạch bọn Fulrô trên địa bàn Tây Nguyên. Đồng đội cáng anh về đến sân bệnh viện để cấp cứu thì trái tim Lưu Thế Hà đã ngừng đập; lúc ấy là 13 giờ 30 phút, ngày 7/4/1981.

Năm 1982, Lưu Thế Hà được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Huy chương "Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ Quốc" và được Tổ quốc ghi công là Anh hùng LLVTND. Lưu Thế Hà đúng là tấm gương sáng ngời, là niềm tự hào của dòng họ Lưu Thế - Yên Bái nói riêng và cho Lưu Tộc Việt Nam nói chung, như ý bài thơ “Tặng con Lưu Thế Hà” của Ông Lưu Thế Tự:

 
Trên sổ vàng Tổ quốc ghi công
Rực sáng tên con một anh hùng
Người Cộng sản trung kiên bất khuất
Gương muôn đời tuổi trẻ soi chung
Rực rỡ thay dòng họ Lưu Thế
Xứng danh con cháu Sính Quốc công
Trai Hổ Bái lừng danh khắp chốn
Lưu Thế Hà chói lọi chiến công.

 Ngoài ra, xã Yên Bái còn có họ Lưu Vũ với đồng tộc tiêu biểu là Thiếu tướng Lưu Vũ Súy (1924-2007), nguyên là Bí thư Đảng ủy, Cục Trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, QĐNDVN, Ông Lưu Vũ Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định, Thanh Hóa và Ông Lưu Vũ Bờn, nguyên Cục trưởng Cục LTTP, nay thuộc Bộ Công Thương.  

4.Thông tin về dòng họ Lưu - Đan Nê, Yên Thọ, Yên Định:

Họ Lưu - Đan Nê có 4 dòng họ, gồm:
- Họ Lưu Đình - Tiêu biểu có Thiếu tướng Vũ Hắc Thông (Lưu Đình Hy) Cán bộ Lãnh đạo Cục dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu, QĐNDVN; đã mất.
- Họ Lưu Quang - Tiêu biểu có Bà Lưu Thị Phương Mai, nguyên Quyền Bộ trưởng, Bộ LTTP (những năm 1968-1970) đã mất.
- Họ Lưu Phúc - Tiêu biểu có Ông Lưu Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Bảo Long.
- Họ Lưu Huy: ...
(Những thông tin trên do Ông Lưu Hùng Hòe Cựu chiến binh QĐNDVN làng Đan Nê cung cấp).

5.Những thông tin quan trọng khác: (Trích từ địa chí huyện Yên Định)

- Năm 1295, nhà Trần sai Lưu Miễn (người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; đỗ Trạng nguyên năm 1239) đi chỉ huy bồi đắp đê các xứ ở Thanh Hóa, từ đó những con đê sông Mã, sông Chu được đắp và bồi đắp kiên cố hàng năm.

- Ở Làng Đan Nê, xã Yên Thọ Yên Định có nhiều dòng họ, nhưng có ba họ chính lập ấp rất sớm, đó là họ Trịnh, họ Lưu và họ Hà; Trong bài văn cúng tế của các họ Trịnh, Lưu, Hà ở đây bao giờ cũng có câu: “Việt lưu bách tổ Việt; kiến ấp Trịnh, Lưu, Hà...” (Thông tin này có phần khớp với một thông tin khác là ba họ trên có từ năm 2569 trước CN - sẽ được xem xét và chuẩn xác tiếp...).  


 
Ban Nghiên cứu LTVN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)