Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 26/8/2012
E-mail     Bản in

Người đàn bà không có tên trong thơ Lưu Quang Vũ
(TT&VH Cuối tuần) - Hình tượng thi ca người đàn bà không có tên là nhân vật chính làm thành loạt bài thơ đặc sắc, sâu đậm, có sức lan tỏa lớn, trong thời gian sáng tác 1970- 1975 của nhà thơ Lưu Quang Vũ; và có thể được xem là một trong những biểu tượng quan trọng nhất để “giải mã” thế giới tâm cảm Lưu Quang Vũ giai đoạn kể trên, cũng như những bí ẩn trong thi pháp của nhà thơ viết bằng bản năng sáng tạo mãnh liệt hiếm có này.

Đối với Lưu Quang Vũ, không còn có chuyện “nguyên mẫu” của nhân vật trong bài thơ, cũng như không nên đặt vấn đề “gây cảm hứng”. Những hình ảnh con người có thực xuất phát từ đời sống hiện lên trong dòng chảy tâm thức mãnh liệt, mang vẻ huyền diệu, thiêng liêng, dồn nén nguồn xúc cảm phi thường, với cả yêu thương lẫn những điều không thể nắm bắt, không thể lập tức cảm nhận, hàm chứa cả bất thường và nguy cơ: Tóc em rối và áo em đỏ thắm/những bức tranh nổi gió ở trên tường, Nhìn nhau không thể xa/đèn mùa đông vụt tắt/màu áo em đỏ rực/cháy sau vòm cửa đêm, Mái tóc em là xứ sở của anh/mái tóc đen như một nỗi kinh hoàng. 

Những hình ảnh được tái tạo bằng tâm thức bất chấp quy luật vật lý thông thường về ánh sáng, màu sắc, mùi vị, không gian, vật thể, tạo nên một dòng cảm giác thơ mạnh mẽ, kỳ ảo, đầy sự tương hợp giác quan, vừa lý tưởng vừa huyễn mộng, phá tan những ước định tầm thường của lối cảm hứng trữ tình về một thế giới trong cái vỏ bọc sẵn có. 

Nhân vật “em” của Lưu Quang Vũ không bao giờ còn là đối tượng trữ tình giả định để ký thác tâm tư như trong ca dao cũng không phải sự phân thân của chính nhà thơ kiểu “cái tôi-khác”, sự “lưỡng phân” trong cảm hứng; mà là một biểu tượng vừa ở bên ngoài tâm thức nhà thơ, vừa khó hiểu, dửng dưng, vô định, không thể cắt nghĩa, vừa ở “bên trong”, sẻ chia, an ủi, yêu thương, cứu rỗi: Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa/ những vòm cây cao và tối/chúng ta đã gặp nhau chúng ta đã tới đây/ tất cả điều này có vẻ gì không thực/đến bây giờ anh vẫn còn kinh ngạc/Em/Con tàu về cảng mưa đêm/Ngã tư ngô đồng rụng lá, hay Người đàn bà chơ vơ/đi vòng quanh chiếc đĩa hát khổng lồ/trong bản nhạc đợi chờ của Grich/gương mặt đẹp chập chờn sau lọ mực/khi âm thầm tôi viết những dòng thơ. 

Hai đối cực này tan vào nhau, khó phân định rạch ròi, đồng thời song song tồn tại, làm thành một biểu tượng hợp nghĩa, tương tự như tính chất đa phương, tích hợp của một từ nguyên. Biểu tượng “Người đàn bà không có tên” là cái nhìn mang tính chất khách thể hóa trong dòng chảy nội tâm sâu thẳm của nhà thơ, vừa đại diện cho cái mênh mông bất tri của cuộc đời, vừa là hiện thân cái biến hóa không bờ bến của tâm cảm, mà nhà thơ vừa nương tựa vào nó như sự cứu rỗi cho những phi lý của thực tại mà con người không thể lý giải hay vượt qua, đồng thời mở lối cho những khao khát, “những giấc mơ điên rồ những ngọn lửa không có thật”, vừa ngày đêm khơi dậy những đau đớn và bất an. 

Quan niệm về “thế giới khách thể” sơ khai, với những sự vật khái niệm ổn định, những vận động được lý giải bằng các quy luật luận lý thông thường, ví dụ luân lý hay một “lẽ phải” nào đó, hay “được-mất”, “đúng-sai”, “vui-buồn”, “hay-dở”, “xa-gần”, thậm chí “nhân quả”… không còn ý nghĩa trong thơ Lưu Quang Vũ. Thế giới khách thể với nhà thơ là lãnh địa vô biên, không dễ dàng nhận thức và biểu đạt, mà con người chỉ còn giữ được một phép màu duy nhất, đó là khơi sâu những năng lực suy tưởng, hình dung, tưởng tượng, sống một cách thẳm sâu nhất nội tâm mình, chỉ từ đó người ta mới có được một hình ảnh “tương đối chân thực” về những gì đang diễn ra, bao gồm cả bản thân và thế giới. Hiện thực thi ca của Lưu Quang Vũ là hiện thực của giấc mơ, trí tưởng và những gì sâu xa hơn thế. 

“Người đàn bà không có tên” là hiện thân của chính những giá trị ấy: Lá cơm nguội rụng vàng mặt phố/mùa đông sắp tới rồi/mùa đông này ta sẽ phải chia tay/một chuyện chia tay có gì đâu em nhỉ/một chuyện tình tan vỡ có gì đâu. 

“Người-đàn-bà-không-có-tên” là sự xóa nhòa những hình dung cụ thể, vật thể, nhưng không phải để hướng tới sự phổ quát, khái quát hóa, mà là hiện thân của sự vô biên, không nắm bắt. Đó cũng là vô biên mà Lưu Quang Vũ suốt đời nương tựa, theo đuổi: Tôi bôi xóa rất nhiều thề ước đẹp/riêng với em tôi chẳng phản bao giờ…, Những dòng thơ giằng xé giày vò/là mây trắng của một đời cay cực/Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp/Em, em là mây trắng của đời tôi. 

Cũng chính nhờ quan niệm ấy, nhà thơ đạt tới sự thức tỉnh, hiện thực của thi ca, của tư tưởng và nghệ thuật cao, xa, rộng, muôn phần hơn hơn thứ hiện thực “mắt thấy”, và quan trọng hơn, chính nó là cốt lõi sâu xa tạo ra thực tại đang có của con người: Anh sống hết bài thơ anh đã viết/em thương ơi lúc ấy em biết hết/những gì anh chưa biết nói hôm nay. 

Mùa Hè năm 1992, tôi bắt đầu đi tìm tư liệu về cuộc đời nhà thơ Lưu Quang Vũ, với niềm tin tưởng, tình yêu của ông, những thói quen, ví dụ cách nghĩ, cách diễn đạt, lối cảm xúc trước sự kiện, hành vi… sẽ cho thấy phần nào nhân cách cũng như ứng xử nghề nghiệp của ông, và hy vọng đó sẽ là gợi ý để tìm hiểu rõ hơn nhân cách sáng tạo Lưu Quang Vũ. Tôi tin người ta không cần phải biết những thông tin về nhân thân, con người lịch sử của nhà thơ mới có thể nhận định đúng về tác phẩm thơ. Một khúc đoản thi hay trường ca, đều có thể hàm chứa trong nó những yếu tố lớn hơn sự phản chiếu đời sống tinh thần riêng biệt của một cá thể. Nhưng một nhà thơ tài năng là người để lại dấu ấn của mình bằng sáng tạo ngôn ngữ và sáng tạo thực tại thi ca, mà ở đó cho thấy rõ con đường từ những chất liệu hữu hạn, những kinh nghiệm hữu hạn một con người có thể nếm trải, đến với thế giới mênh mông bất tận những chứng nghiệm lạ thường. 

Chị Thu An ở đoàn chèo Hà Nội, người từ 5 năm trước để lại ấn tượng tươi sáng trong lòng công chúng với giọng vàng anh cao vút, vai hoàng tử Shila trong vở chèo Nàng Shita từng thắp sáng sân khấu hàng năm liền, nay là “người đàn bà không hát”; kể cho tôi những gì chị còn nhớ được về “anh Vũ”. Chị đưa tôi tìm gặp những “người đương thời” xưa của nhà thơ. Không ai có thể giúp cho tôi sự hình dung trọn vẹn về chân dung tinh thần của Lưu Quang Vũ, ngoài những tổn thương và sự trong trẻo lạ thường người ta vẫn hiểu về con người nhà thơ. 

Hơn 15 năm nữa trôi qua, vàng anh giờ lại hót, dù thanh âm, luyến láy chẳng còn được trong trẻo, cao vút như xưa. Giở lại những bài thơ của Lưu Quang Vũ, viết từ những năm 1970 - 1975, một lần nữa đối diện với thế giới tâm tưởng đau thương, bất an, nhưng không bao giờ nguôi quên khát khao, tôi chợt nghĩ rằng lý tưởng của Lưu Quang Vũ cũng là lý tưởng của thi ca, lý tưởng của cái không bao giờ có thể đưa ra một phán quyết chung cuộc cũng như một ranh giới nào cụ thể. Như thế, những gì còn lại của cuộc đời ông cũng có thể được nhìn bằng ánh sáng trong suốt của sự dâng hiến, như một cảm thức tôn giáo bẩm sinh nơi con người. Ông thuộc số nhà thơ có riêng một lãnh địa chỉ bằng giá trị thi ca: Và anh yêu em cũng chẳng còn anh/nếu ngày mai em không làm thơ nữa (Xuân Quỳnh).  

 
 
Theo KHÁNH PHƯƠNG