Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. NHÂN VẬT LƯU TỘC & SỰ KIỆN.
Đăng ngày 26/7/2015
E-mail     Bản in

GS.Lưu Lệ Hằng: Muốn thành công phải phớt lờ sự kỳ thị
Dù gia đình ủng hộ khi dấn thân vào con đường khoa học, Lưu Lệ Hằng, nhà thiên văn Mỹ gốc Việt, vẫn phải đối mặt với thái độ kỳ thị phụ nữ trong quá trình học và làm việc.
Giáo sư Lưu Lệ Hằng nói rằng trở ngại lớn nhất của bà trong sự nghiệp chính là sự coi thường, kỳ thị của nhiều người đối với phụ nữ làm khoa học. Ảnh: Vietnamnet
 
Là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt Giải thưởng Kavli trong lĩnh vực Vật lý thiên văn (vốn được coi là Giải Nobel trong lĩnh vực Vật lý thiên văn), giáo sư Lưu Lệ Hằng góp phần phát hiện 31 tiểu hành tinh. Song thành tựu khiến bà trở nên nổi tiếng là việc phát hiện Vành đai Kuiper – một vùng chứa hàng trăm triệu vật thể bằng băng có dạng bánh vòng. Phát hiện của bà làm thay đổi quan niệm của giới thiên văn về lịch sử của hệ Mặt Trời.
Để ghi nhận công lao của Lưu trong việc khám phá 31 tiểu hành tinh, người ta lấy tên bà để đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu. Năm 2012, bà nhận hai giải thưởng khoa học cao quý nhất trong lĩnh vực thiên văn học là Giải thưởng Shaw và Giải thưởng Kavli. 
Nhà thiên văn Mỹ gốc Việt lấy bằng tiến sĩ Vật lý Thiên văn ở Viện Công nghệ Massachussetts vào năm 1990 trước khi giảng dạy tại Đại học Harvard lừng danh. Sau đó bà sang Hà Lan để dạy tại Đại học Leiden. Khi quay về Mỹ, bà tạm rời xa lĩnh vực thiên văn để làm việc tại Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachussetts. Hiện tại bà nghiên cứu các giải pháp công nghệ cho hoạt động an ninh quốc gia của Mỹ.
Không ai vươn tới đỉnh vinh quang một cách dễ dàng và Lưu Lệ Hằng không phải là ngoại lệ. Theo giáo sư, trở ngại lớn nhất của bà trong quá trình theo đuổi con đường khoa học chính là thái độ hoài nghi, hành vi phân biệt đối xử đối với phụ nữ làm khoa học.
“Dù ở phương Đông hay phương Tây, trong lĩnh vực khoa học nói riêng và mọi lĩnh vực khác nói chung, tư tưởng kỳ thị phụ nữ vẫn tồn tại với mức độ khác nhau. Đó là một thực tế và tôi không hy vọng nó sẽ thay đổi. Tôi chỉ có thể cố gắng hết sức và phớt lờ thái độ kỳ thị hay coi thường của một số người. Nếu cứ nghĩ tới sự kỳ thị của người khác, bạn sẽ không thể thành công”, nữ giáo sư tâm sự khi giao lưu với sinh viên sau buổi thuyết trình khoa học “Cách nhìn mới về hệ Mặt Trời tại Đại học Bách Khoa Hà Nội hôm 24/7.
Giáo sư nói thêm rằng, bà may mắn vì không gặp trở ngại từ gia đình trên con đường khoa học. Cha và mẹ tôn trọng mọi lựa chọn của bà trong cuộc đời và sự nghiệp.
Về bí quyết chọn nghề phù hợp, tiến sĩ Lưu Lệ Hằng nói rằng đam mê là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với những người bắt đầu bước vào cuộc sống.
“Các bạn trẻ hãy cố gắng tìm ra một công việc khiến các bạn sẵn sàng dốc hết sức lực, tâm huyết và thời gian vì nó. Khi đã tìm ra niềm đam mê, các bạn hãy quyết tâm theo đuổi nó tới cùng”, bà nói.
Dù nổi danh nhờ lĩnh vực thiên văn, giáo sư Lưu Lệ Hằng vẫn rẽ ngang để tìm kiếm thử thách mới. Hiện tại bà là chuyên gia kỹ thuật của Phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. 
Lưu Lệ Hằng (tên tiếng Anh: Jane X Luu) sinh năm 1963 và theo gia đình sang Mỹ khi 12 tuổi. Bà lấy bằng cử nhân Vật lý của Đại học Stanford vào năm 1984. Cũng trong năm đó, khi tham quan Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), bà thấy ảnh về sao Mộc, sao Thổ do phi thuyền Voyager gửi về. Quá thích thú trước những hình ảnh về vũ trụ, nữ cử nhân quyết định theo ngành Thiên văn. Năm 1986, Lưu Lệ Hằng học tiếp tại khoa Trái đất, Khí quyển và Khoa học hành tinh của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp giáo sư, tiến sĩ Lưu Lệ Hằng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp giáo sư, tiến sĩ Lưu Lệ Hằng tại Hà Nội hôm 24/7. Ảnh: VGP
 
Năm 1987, Lưu Lệ Hằng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ Viện Công nghệ Massachusetts. Người hướng dẫn bà là giáo sư David C. Jewitt. Về đề tài nghiên cứu, ông gợi ý rằng bà nên tìm những vật thể bên ngoài các hành tinh khổng lồ.
Sau khi quan sát bầu trời bằng kính thiên văn của Đài quan sát Mauna Kea thuộc quần đảo Hawaii trong 5 năm, vào ngày 30/8/1992, họ phát hiện một vật thể thuộc hệ Mặt Trời và xa hơn cả sao Hải Vương (trước đó giới khoa học nghĩ Hải Vương Tinh là vật thể xa nhất trong Thái Dương Hệ). Đó chỉ là sự khởi đầu, bởi sau đó hai người phát hiện ra rằng vật thể ấy thuộc một vành đai thiên thạch ở rìa của hệ Mặt Trời. Họ gọi nó là Vành đai Kuiper. Vành đai chứa khoảng 70.000 vật thể có kích thước hơn 100 km và hàng trăm triệu vật thể có kích thước từ 1 km tới dưới 100 km.
Ngày nay, các nhà thiên văn trên khắp thế giới đã phát hiện hơn 1.500 vật thể thuộc Vành đai Kuiper. Sự tồn tại của nó làm thay đổi đáng kể quan điểm của nhân loại về hệ Mặt Trời.
“Thái Dương Hệ không phải là nơi có trật tự như chúng ta tưởng. Chúng ta từng nghĩ các hành tinh khổng lồ chuyển động trên quỹ đạo cố định, song trên thực tế chúng từng tồn tại ở những vị trí khác. Tóm lại, giới thiên văn chợt nhận ra rằng họ chẳng hiểu rõ bất cứ điều gì về hệ Mặt Trời. Liệu đây có phải là một điều tốt? Tôi nghĩ vậy, bởi thực tế đó đồng nghĩa với việc chúng ta có thể mong đợi nhiều khám phá mới”, bà bình luận.
 
LINH PHONG