Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. NHÂN VẬT LƯU TỘC & SỰ KIỆN.
Đăng ngày 26/7/1917
E-mail     Bản in

Tiến sĩ Lưu Lệ Hằng: Giản dị mà tỏa sáng
(HanoiTV) - Tiến sĩ Mỹ gốc Việt Lưu Lệ Hằng đã nhận hai giải thưởng danh giá nhất trong ngành thiên văn học. Và dù ở đâu, bà luôn giữ phong cách giản dị và chân thành.
GS Lưu Lệ Hằng. Ảnh: nongnghiep.vn
Hy vọng trong vô vọng
Tiến sĩ (TS) Lưu Lệ Hằng, sinh ra ở thành phố Hồ Chí Minh, định cư ở Mỹ năm 12 tuổi. Bà tốt nghiệp cử nhân ở Đại học Stanford, nhận bằng tiến sĩ của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Để ghi nhận công lao tìm ra hơn 30 tiểu hành tinh, tên bà được đặt cho tiểu hành tinh 5430 Luu.
Cách đây vừa tròn 30 năm, năm 1987, nghiên cứu sinh Lưu Lệ Hằng (Jane Luu) cùng người thầy của mình, nhà thiên văn học David Jewitt đi tìm bằng chứng cho sự tồn tại của vành đai Kuiper - khu vực nguyên thủy nhất được biết đến trong Hệ Mặt trời và chứa đựng thông tin về quá trình hình thành Hệ Mặt trời.
Cuộc hành trình kéo dài năm năm từng bị cho là "vô vọng" và không nhận được sự tài trợ của bất kỳ trường đại học hay quỹ nghiên cứu nào. "Mọi người khuyên chúng tôi đừng theo đuổi đề tài này, vì vành đai Kuiper chỉ là một ý tưởng... bịp bợm", nhà thiên văn học nổi danh nhớ lại.
Song hai thầy trò không đi theo lời khuyên, họ dồn tiền để có thể theo đuổi tiếng gọi đam mê thôi thúc bên trong. "Khi đã ước muốn điều gì thì... đừng có sợ, vì đã sợ thì sẽ không dám làm bất cứ thứ gì!", bà Hằng cho biết.
Phát hiện vành đại Kuiper đã đưa bà cùng cộng sự đến với hai giải thưởng danh giá nhất của ngành thiên văn học thế giới vào năm 2012 - Giải thưởng Kavli và Giải thưởng Shaw.
Phát hiện đó được đánh giá là “đã khám phá và mô tả những vật thể ngoài Hải Vương tinh, một kho báu khảo cổ học về thời kỳ xa xăm khi mới hình thành Hệ Mặt trời, và đó cũng là nguồn gốc được tìm kiếm từ lâu về các ngôi sao chổi ngắn hạn”.
Và bà đã làm đúng những gì mình tâm nguyện. Cùng với giáo sư hướng dẫn David Jewitt, người phụ nữ mê bầu trời vượt qua nỗi sợ "vô vọng" với tìm kiếm của mình để dồn tiền cho những chuyến bay xa đến đài thiên văn, để làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt (thiếu ôxy do đài thiên văn ở trên núi cao), vượt qua sự kỳ thị với các nhà khoa học nữ, và hi vọng sẽ có một ngày tìm được vành đai Kuiper.
Và đêm 30/8/1992, họ đã bắt gặp dấu vết của vành đai từng bị cho là không tồn tại trên đời. Và họ dần phát hiện nhiều hơn thế. “Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương hệ, trong vành đai Kuiper giống như hành tinh Diêm Vương tinh vậy… Khám phá này làm thay đổi hoàn toàn quan niệm của chúng ta về định nghĩa hành tinh là gì”, TS Lưu Lệ Hằng nhận định. 

 
  Vành đai tiểu hành tinh Kuiper
Từ chối lo lắng về nấc thang sự nghiệp
Đứng trên đỉnh cao vinh quang, TS Lưu Lệ Hằng không thay đổi quan niệm sống. Khi thấy bản thân có thể bị xáo trộn bởi ngoại cảnh, bà sẵn sàng từ bỏ tiền tài và danh vọng. Mặc dù lập gia đình với một nhà thiên văn học Hà Lan và có một vị trí tốt - giáo sư Đại học Leiden (Hà Lan), nơi có khoa thiên văn học lâu đời nhất ở châu Âu, bà quyết định quay về làm việc trong phòng nghiên cứu của MIT, trước sự bất ngờ của đồng nghiệp.

 
TS. Lưu Lệ Hằng gặp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2015. Ảnh: tintuc.hues.vn
"Tôi có vị trí giáo sư thường trực rất tốt, và mọi người nghĩ rằng tôi đã điên rồi khi rời ghế giáo sư. Tuy vậy, tôi rất vui và không muốn quay lại cuộc tranh đua quyết liệt trong giới học viện. Hồi còn làm nghiên cứu sinh, tôi chẳng phải lo toan gì về kinh phí tài trợ, chẳng phải lo lắng gì về chuyện leo lên các nấc thang sự nghiệp." TS. Hằng tâm sự với phóng viên VietnamNet. 
Người phụ nữ dễ mến và thẳng thắn sống giản dị, không quá coi trọng bề ngoài. Vì vậy, dù tham gia sự kiện quan trọng hay gặp gỡ nguyên thủ, nhà thiên văn học nổi danh vẫn chọn đồ khiến mình thoải mái nhất. Nhiều nhà báo nhận xét trang phục của nhà nghiên cứu xuất chúng không khác khách du lịch bình dân. Và điều đó chưa bao giờ làm bà bận lòng.
TS. Lưu Lệ Hằng chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (thứ ba từ trái sang) năm 2015.
Có lẽ đam mê lớn nhất của đời bà vẫn là tìm kiếm lời giải cho những giả thuyết khoa học của mình. TS. Lưu Lệ Hằng chia sẻ với báo Tuổi trẻ: 
“Nếu ta tò mò về một cái gì đó, thế mà ta chưa tìm được câu trả lời nào thỏa đáng thì ta hãy tự mình tiến hành một số quan sát hoặc thí nghiệm, không quan tâm đến việc có ai đó bàn ra tán vào. Phải kiên trì, các bạn ạ, bởi vì lời giải thường rất khó tìm thấy; nếu không thì người khác đã tìm thấy trước ta rồi.
Và, cuối cùng, các bạn phải giữ cho đôi mắt luôn rộng mở, tâm trí luôn rộng mở, bởi lẽ bạn không bao giờ biết điều gì bạn có thể trông thấy ngày mai”.
Minh Thắng