Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. TÌM VỀ CỘI NGUỒN.
Đăng ngày 26/4/2018
E-mail     Bản in

Đôi điều tản mạn nhân Huý nhật 960 năm Ngài Thái Úy Lưu Khánh Đàm
(LUUTOC.VN) - Xin phép được chia sẻ "đôi điều tản mạn" đầy tâm huyết của ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội.


 
     Ngày 25/4/2018, nhằm ngày mồng 10 tháng Ba Mậu Tuất, Huý nhật Đức Thái uý Lưu Khánh Đàm, con cháu Lưu Tộc VN tề tựu đông đủ, cùng với Lãnh đạo huyện uỷ, UBND, MTTQVN; Lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, MTTQVN xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tổ chức long trọng Lễ Dâng hương bái yết, tưởng nhớ công lao tiền nhân, báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam. Dưới bầu trời khi mưa, khi ngớt, ai ai nấy đều trật tự lắng nghe từng lời phát biểu của ông Trần Tiến Thuật - Chủ tịch xã Canh Tân nói về cội nguồn ngày huý của Thái uý Lưu Khánh Đàm; báo cáo của Hội đồng Lưu tộc do ông Lưu Thiên An - Phó trưởng Ban Liên lạc Lưu Tộc Việt Nam, nhiệm kỳ 2013 - 2018. 
      Về tham dự Lễ Giỗ có đông đủ các Nhánh của dòng họ Lưu từ mọi miền quê đất nước trải dài từ Lào Cai – nơi có đỉnh Fan- Xi- Fang cao ngút trời Nam đến xứ Thanh – nơi xuất gốc của Cụ Lưu Ngữ - (Thân sinh của Cụ Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều), có dòng họ Nghệ An quê Bác - nơi con cháu Cụ TS.Lưu Đức An quần tụ, đến cố đô Huế; Tp Đà Nẵng; Tp.Hồ Chí Minh, rồi họ Lưu có mặt cả tận miệt vườn Nam bộ, Tây Nguyên xa xôi… nói chung khắp nơi đủ cả. Có người đưa cả gia đình đến dâng hương. “Nguyên lão” cao niên nhất là Cụ Lưu Văn Mẫn năm nay 92 tuổi - nguyên Phó chánh VPTƯ; Cụ Lưu Lý quê Thanh Hà - đất vải Hải Dương năm nay 91 tuổi - người anh hùng được gắn đầy ngực huân, huy chương… nhiều cụ bà tóc bạc phơ miệng cười hoan hỉ… Trai gái, trẻ già quen cũng như mới lần đầu gặp nhau đều chung một triết lý: Hướng về cội nguồi - Kiến tạo tương lai. 
   Ngày Giỗ Lưu Tổ (một trong các vị Cao Tổ họ Lưu) trùng ngày giỗ Quốc Tổ, thật là vinh quý, thiêng liêng. Con cháu dòng học Lưu mang trên ngực tấm phù hiệu Lưu Tộc. Có người mang phù hiệu mới với chữ “劉” ngay ngắn uy nghiêm, một số vẫn trung thành huy hiệu cũ với logo hình ảnh ngôi đền Tứ vị Đại Vương (Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều, Nguyễn Huy, Nguyễn Kỳ) do dân làng Lưu Xá, Canh Tân góp công đức tạo dựng và giữ gìn. Đến nay nhiều thông tin về đền này được khắc trên đầu các cột gỗ lim vẫn còn nguyên. Trước Đền là cây sanh mấy trăm tuổi toả bóng mát xanh rờn đã được công nhận cây di sản Việt Nam. Chiếc huy hiệu cũ như một kỷ niệm ban đầu để cháu con biết tìm về nguồn cội, biết nơi thờ phụng Đức Tổ họ Lưu. Thế là có cũ, có mới, có trước, có sau. Chiếc huy hiệu mới được thiết kế với tinh thần đoàn kết rộng mở, với ngụ ý sâu xa rằng, con cháu họ Lưu không chỉ có những người theo dòng Cụ Lưu Khánh Đàm, Lưu Ba (tức là cụ Lưu Điều) mà còn cả các dòng chảy khác nhau của Lưu Tộc, với các tên tuổi hiển hách thuộc hàng Thượng đẳng thần của Việt Nam như Cụ Lưu Cơ (劉基) là một trong những vị khai quốc công thần nhà Đinh, có công giúp Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp, chấm dứt loạn 12 sứ quân thế kỷ 10, đồng thời là người cai quản Hoàng thành Thăng Long, có công tu sửa thành quay về hướng Nam (hướng về kinh đô Hoa Lư thay vì hướng về phương Bắc như chính quyền đô hộ đã xây dựng) trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về đây. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong các sứ quân, lên ngôi vua. Chính sử cũng như thơ ca dân gian thường nói đến "Tứ trụ Bặc, Điền, Cơ, Tú" tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh, là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ và Trịnh Tú. Những người giúp vua Đinh dẹp sứ quân, thống nhất đất nước. Cụ Lưu Cơ có đền thờ tại làng Đại Từ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Cụ Lưu Nhân Chú (劉仁澍), hay Lê Nhân Chú, là công thần khai quốc nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người xã An Thuận Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cụ tham gia hội thề Lũng Nhai (1416), cùng khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi ban đầu, tham gia các trận đánh ở ải Khả Lưu, trận thành Tây Đô, chiến dịch Chi Lăng Xương Giang, lập nhiều công lao. Sau khi chiến thắng quân Minh, cụ được vua Lê Thái Tổ phong chức Tể tướng, đứng đầu hàng võ, kiêm coi chính sự nhà nước. Ngày nay Đền thờ cụ tại Núi Văn, xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tiến sĩ Lưu Đức An (Sinh năm Canh Tuất 1490 - Mất năm Nhâm Tuất 1562) người xã Vũ Nghị, tổng Lễ Thần, huyện Thanh Lan, phủ Thái Ninh (nay thuộc thôn Vũ Công, xã Thái An, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình). Năm Đại Chính thứ 19 (1538) ông về kinh ứng thí, vượt lên trên 1000 sĩ tử, cụ đỗ Đồng tiến sĩ và được vua Mạc tin dùng. Ngay từ khi chưa đỗ, cụ đã được vua cho giữ chức Hàn lâm kiểm thảo, Cẩn sự lang. Đến thời Mạc Đăng Doanh, Quảng hòa thứ 3 (1543) Cụ được nhận chức Giám sát ngự sử, cho ở trong cung, can gián điều hay lẽ phải cho vua. Đến năm 1544, sai ra biên trấn giữ chức Tả Lang Đạo Kinh Bắc, giúp vua cai quản hai vùng Bắc Ninh, Bắc Giang và đến năm 1545 lại đổi bổ chức Hiến sát sứ trấn Vĩnh Định (tỉnh Nghệ An), một năm sau lại chuyển lên biên giới phía bắc giữ chức Thanh hình hiến sát sứ Lạng Sơn. Năm Quang Bảo thứ 3 (1556) cụ được vua triệu về Kinh, tấn phong Triều liệt đại phu, phủ doãn Phụng Thiên, được dự bàn việc triều chính và một năm sau Mạc Quang Bảo gia phong ông hàm Tự Khanh, liệt vào bậc Khanh hầu…Các tiền bối họ Lưu ta tuy không làm vua nhưng đều là những bậc anh hùng cái thế, uy danh lẫm liệt, công huân vang dội, khai quốc công thần. 

   Như vậy, cả hai chiếc huy hiệu của dòng họ đều mang logo - tín hiệu về dòng họ nhưng ngụ ý khác nhau. Theo tôi, chiếc huy hiệu đầu tiên mô tả thực về ngôi đền Cụ Lưu Khánh Đàm, tuy đẹp nhưng chưa bao quát cả dòng họ và chưa thể hiện sự hoành tráng, vì được chụp hình nơi đền cụ còn đơn sơ. Chiếc huy hiệu này có thể được cất giữ làm truyền thống, có thể làm to dùng làm tặng phẩm để tặng cho quan khách, những người có công lao với dòng họ. Trên đó khắc thêm hình logo mới sẽ đẹp, trang trọng và ý nghĩa hơn. Từ nay Lưu Tộc - Việt Nam thống nhất sử dụng huy hiệu mới, trên đó thể hiện những thông tin quan trọng nhất, trang trọng nhất, rõ ràng nhất, đẹp nhất về dòng họ Lưu nhằm tăng thêm tính bao quát, sự đoàn kết và định hướng - triết lý của cháu con thế hệ hôm nay với quyết tâm xây dựng, chấn hưng Lưu Tộc tiếp bước tiền nhân giữ vững khí tiết, quân công, quốc công của dòng họ. 
   Vài lời tản mạn, xin được giãi bày. Mong được sự cảm thông của mọi người trong họ.
TS. Lưu Bình Nhưỡng (Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình)
HĐLTVN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)