Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. MỪNG THỌ.
Đăng ngày 26/12/2011
E-mail     Bản in

Mừng thọ : cần cái tâm
Tổ chức chúc thọ,mừng thọ trong gia đình,dòng tộc,cộng đồng dân cư là một nét đẹp truyền thống. Mấy năm gần đây, tại Hà Nội,vào dịp đầu năm mới,chính quyền và Hội Người cao tuổi thành phố thường tổ chức chúc thọ các bậc cao niên trang trọng, đầy ý nghĩa, có các vị lãnh đạo của Trung ương, thành phố và các ban ngành tới dự. Sau lễ dâng hương trước thềm điện Kính Thiên – Hoàng Thành Thăng Long là chúc thọ các cụ gắn với lễ hội mang đậm nét văn hoá truyền thống nhằm tôn vinh,động viên người cao tuổi giữ gìn sức khoẻ,sống lâu để góp phần dạy bảo con cháu,xây dựng gia đình, quê hương,đất nước.

 

Ở những vùng nông thôn, cứ vào dịp đón Tết Nguyên đán, nhiều gia đình có ông bà, bố mẹ, tuổi chẵn từ 70 trở lên là con cháu, dòng tộc, chính quyền, Hội Người cao tuổi tổ chức mừng thọ. Trong không khí mùa Xuân ấm áp, tại gia đình con cháu xa gần, hội tụ đông đủ, rộn ràng trong tiếng cười nói chúc tụng tốt đẹp cùng món quà ý nghĩa: bộ quần áo mới, tấm khăn, mũ và tiệc ngọt hoặc bữa cơm thân mật.

Nhiều làng, xã vào một ngày đẹp trời đầu tháng Giêng sau tết âm lịch rộn ràng tiếng trống, đường làng có đội múa rồng, lân rước các cụ về hội trường hoặc đình, chùa để chúc thọ. Nhiều cụ chân chậm, mắt mờ ở tuổi 80, 90 nhưng nụ cười mãn nguyện hạnh phúc. Có cụ nói: “Các con, các cháu tổ chức thế này là tôi vui lắm, lúc xuôi tay tôi đâu có biết đám tang thế nào”.

Tuy nhiên, bên cạnh những lễ mừng thọ mang nét truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương kể trên cũng còn những buổi lễ mang tính hình thức, phô trương, trục lợi. Có gia đình ngày thường với cuộc sống phải chật vật chăm sóc bố mẹ già, cố tổ chức mừng thọ các cụ cho bằng thiên hạ rồi mắc nợ, gằn hắt nhau, niềm vui chỉ có một ngày, nỗi buồn dai dẳng cả năm.

Rồi chuyện những người con thành đạt, đương chức, đương quyền tổ chức lễ mừng thọ cho bố mẹ để “xét tuyển” các đệ tử trung thành từ các món quà, bao gói. Có gia đình con, cháu, dâu, rể ở nhiều cương vị lãnh đạo cấp này nọ, buổi lễ thật linh đình, long trọng hơn cả lễ hội làng xã. Các đoàn ô-tô từ Hà Nội, Hải Phòng, thành phố, thị xã kéo về vài chục cái, hoa phướn, loa đài, quay phim, chụp ảnh rầm rộ, hàng trăm mâm cỗ được đặt ra hoan hỉ.

Ông cụ hoặc bà cụ được mừng thọ đến buổi dùng cơm chỉ còn biết ngồi thở, bởi trước đó phải cố cười, cố nói lời cảm ơn các quý khách đến chúc tụng và nhận phong bao, lễ lạt. Khi cuộc liên hoan đã xong, là lúc gia đình thống kê, ghi chép tên tuổi ở các phong bao lễ lạt và tranh luận số tiền, số quà của các cụ dành để làm gì, của ai, ai giữ?. Cũng không phải không có việc sau chén tạc hân hoan, rượu vào lời ra, khen chê lẫn nhau trong anh em con cháu là một cuộc ẩu đả.

Theo loichuchaynhat.com