Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN BẮC ::. Hải Phòng.
Đăng ngày 26/11/2020
E-mail     Bản in

RUNG ĐỘNG VỀ BÚT TÍCH CỦA TIỀN NHÂN
(LUUTOC.VN) - Ngày 05.10 Canh Tý (19.11.2020) họ Lưu Đình - Đồ Sơn tổ chức Lễ kỷ niệm 800 năm lập nghiệp tại Đồ Sơn và Giỗ Cụ Thủy Tổ của mình tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.
 Đọc bài viết trong Nội san Lưu Tộc Việt Nam số 2 -Tháng 9/2020 của Ông Lưu Toàn Thắng – hậu duệ đời thứ 33 kể từ khi Đức tổ đời thứ 9 là cụ Lưu Gia Tích khai nghiệp ở Đồ Sơn, tôi xin có vài lời về dòng họ Lưu Đình (gốc là Lưu Gia) trên mảnh đất này.
Họ Lưu Đình còn lưu giữ được một di sản vô giá, đó là cuốn “Lưu thị tông từ ngọc phả” của Lưu Đình đại tộc, làng Đồ Hải, Đồ Sơn. Ngọc phả bắt đầu được biên chép từ năm Thiệu Minh 紹 明 thứ nhất (1138), thời Lý Anh Tông, lần 2 - vào năm Thiệu Bảo 紹 寶 thứ 2 (1280) thời Trần Nhân Tông, lần thứ 3 - vào năm Bảo Thái 保 泰 thứ nhất (1720) thời Lê Dụ Tông, và lần thứ 4 cụ Tú tài Hán học Lưu Đình Đăng, tự Phúc Khoa, hiệu Huyền Sâm (cụ 6 đời của Ông Lưu Toàn Thắng) biên chép và sao lại toàn bộ phả vào năm Thành Thái 成 泰 thứ nhất (1889).
Ngọc phả ghi rõ về hậu thế của Đức Thủy tổ Lưu quan lang, Đức Thứ tổ - Lưu Kỳ, Đức Thế tổ - Thái sư đô hộ phủ Lưu Cơ. Đặc biệt, các bậc tiền nhân có gốc tích từ Yên Định, Thanh Hoá.
Vào năm Thiệu Bảo thứ 2, Canh Thìn (1280) phả viết về Đức Tổ đời thứ 9 là Cụ Lưu Gia Tích - làm quan triều Lý Huệ Tông (1194-1226). Ngài đã hội quân cùng với Đức Đoàn Thượng chống lại Trần Thủ Độ khi đó lộng quyền có ý đồ đoạt ngôi nhà Lý. Tuy nhiên, do bị thua trận nên Đức Tổ đã cùng gia đình hội nhân trên một chiếc thuyền con, tạm biệt quê hương (Liêu Trung, Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) đi xuống bán đảo Đầu Sơn (Đồ Sơn) lúc đó thuộc huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương sinh cơ lập nghiệp năm Canh Thìn (1220).
Đã 800 năm - một mốc son vàng, từ khi Đức Tổ họ Lưu đặt chân tới vùng đất đầy nắng và gió, đầm lầy, biển rộng, sông sâu, kình nghê, hổ báo, bệnh tật, bão giông, nhưng cái mặn mòi của biển đã hun đúc nhiều thế hệ con cháu họ Lưu nơi đây tinh thần kiên cường bất khuất, trí dũng song toàn. Hiện nay, họ Lưu Đình Đồ Sơn đã có đến 2000 đinh, trên dưới một lòng, tiếp bước tiền nhân xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng dòng họ đoàn kết.
Các bậc tiền nhân chắc đang ngậm cười nơi chín suối, còn chúng ta càng tự hào bao nhiêu càng chung tay xây dựng Lưu Tộc Đồ Sơn nói riêng và họ Lưu Việt Nam nói chung ngày một chấn hưng bền vững. Chúng con xin dâng lên các vị tiền nhân một nén tâm nhang và kính chúc dòng họ Lưu Đình Đồ Sơn trường tồn, hưng thịnh!
Ghi chú: Cuốn ngọc phả còn ghi: đời thứ 21 dòng Ất, chi Giáp có quận công Lưu Đình Thưởng (Lưu Bá Linh) di về Quỳ Chử, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Cụ là thân sinh ra Đệ nhị Giáp Tiến sĩ Lưu Đình Chất, làm quan thời Lê Trung Hưng đến chức Thượng thư, Phúc Quận Công, Thiếu bảo.
Cụ Lưu Đình Thiện, hiệu Tuấn Tài làm quan nhà Mạc, cùng gia quyến di cư ra đất Hồng Quảng (Quảng Ninh), sau sang định cư tại Kinh tộc tam đảo (京族三岛) Vạn Vĩ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Đời 21 dòng Mậu, chi Bính sinh ra cụ Lưu Khắc Dần, làm quan nhà Mạc, sau di cư ra phủ Hải Ninh, nay là đảo Cát Bà, Hải Phòng.
Lưu Ngọc Anh