Ξ|Ξ   TIN TỨC ::. NHÂN VẬT LƯU TỘC & SỰ KIỆN.
Đăng ngày 26/10/2021
E-mail     Bản in

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải: Người trở về từ cõi chết đến vị tướng giản dị đời thường
(DANVIET) - Nhập ngũ năm 17 tuổi, chiến đấu anh dũng trong trận chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, người lính ngày ấy đã hy sinh và được đồng đội đem đi chôn cất. Nhưng anh đã "sống lại" một cách kỳ diệu và tiếp tục đóng góp cho cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, trở thành một vị tướng anh hùng. Ông là Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Hải Phòng.
 Người trở về từ cõi chết...

Tôi nghe danh ông đã lâu nhưng gặp ông cũng chỉ vài ba lần trong những dịp tham gia các hoạt động cùng Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam. Lần này đến với thành phố hoa phượng đỏ quê hương ông, tôi may mắn lại được gặp ông và cùng tham gia các hoạt động của Hội đồng Lưu Tộc trong thời gian hai ngày.
 
Ông Lưu Xuân Cải phát biểu tại Đại hội Lưu Tộc Hải Phòng lần thứ nhất (ngày 25/4/2021). Ảnh: Lưu Văn Bính
 
Thiếu tướng Lưu Xuân Cải sinh ngày 26/5/1954, tại xã An Hưng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng. Năm 1971, khi vừa tròn 17 tuổi, mặc dù chưa đủ tuổi nhập ngũ nhưng cũng như bao thanh niên Việt Nam thời ấy, thời mà hừng hực "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", thời của "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù", anh đã xung phong lên đường nhập ngũ, rồi được huấn luyện tại Trung đoàn 5 Yên Tử - trung đoàn được mệnh danh là "Trung đoàn huyền thoại".

Phần lớn các chiến sĩ được huấn luyện tại Trung đoàn 5 _ Yên Tử khi ra trận đều lập được nhiều chiến công vang dội, từng làm cho kẻ thù khiếp sợ và cho rằng "Yên Tử là trung tâm đào tạo biệt kích của Việt Cộng".Sau nhiều tháng huấn luyện gian khổ, tháng 6/1972, chiến sĩ Lưu Xuân Cải cùng đồng đội vào chiến trường, được biên chế vào Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312 anh hùng. Đơn vị tập kết ở làng Như Lệ, xã Hải Lệ, nay thuộc thị xã Quảng Trị. Từ làng Như Lệ, đơn vị vượt sông Thạch Hãn đột nhập vào Thành cổ dưới hỏa lực dày đặc của địch.

Ông nhớ lại: "Ngay từ lúc vượt sông, quân ta đã bị trúng đạn hy sinh, nhiều người không vào được Thành cổ, máu đồng đội nhuộm đỏ cả dòng sông". Nhắc tới đây ông bùi ngùi đọc lại 4 câu thơ bất hủ của nhà thơ, chiến sĩ Lê Bá Dương: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".
 
Các chiến sĩ tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Ảnh: Đoàn Công Tính

Chia tay ông, tôi thật sự mừng cho ông đã có một gia đình êm ấm, hạnh phúc với vợ hiền, đảm đang, hai con gái đã có nghề nghiệp ổn định, yên bề gia thất, 4 cháu ngoại chăm ngoan học giỏi... Đó là động lực, là niềm vui để ông tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước.

Cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị vô cùng khốc liệt, thời ấy người ta ví nơi đây là "cối xay thịt", nhưng 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị cũng là bản anh hùng ca bất diệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1972, khi ấy chàng trai Lưu Xuân Cải vừa tròn 18 tuổi 2 tháng, nhưng đã tham gia chiến đấu tại tâm điểm ác liệt nhất. Cuộc chiến không cân sức, có khi một trung đội của ta phải đánh lại một đại đội của địch, quân ta bị thương vong phần lớn. Bản thân ông Cải cũng bị 3 vết thương, mà nặng nhất là bị một mảnh đạn của địch găm vào vùng sọ não làm ông ngất đi. Khi tỉnh lại, ông lại tiếp tục chiến đấu.

Đến đêm hôm đó, do mất nhiều máu, kiệt sức, ông bất tỉnh... Đồng đội thấy tim ông ngừng đập, họ nghĩ ông đã hy sinh liền khiêng ông cùng 10 chiến sĩ khác đi chôn cất. Qua lời kể lại của đồng đội, ông được biết, lúc chôn cất đến người thứ 7 thì trời đột nhiên đổ cơn mưa lớn, việc chôn cất phải tạm ngưng. Nước mưa ngấm vào người làm ông tỉnh lại. Họ liền báo với đơn vị, Chính trị viên đại đội Phan Văn Nhiên đã trực tiếp kiểm tra.

Chính trị viên lấy bông trắng cho vào mũi thì thấy Lưu Xuân Cải vẫn thở phập phồng. Ngay lập tức ông được chuyển đến bệnh viện dã chiến để cấp cứu và rất may là ông được một bác sĩ có cùng nhóm máu truyền cho. Ông Cải đã được cứu sống.

Đến tháng 3/1973, nghĩa là sau Hiệp định Paris ký kết hơn một tháng, Lưu Xuân Cải được ra Hà Nội báo cáo thành tích, rồi được thưởng mấy ngày phép về thăm nhà. Trong đêm tối, nghe tiếng động ở cửa, mẹ ông hỏi vọng ra: "Ai đấy", ông trả lời: "Con Cải đây", bà cụ lại hỏi lại: "Ai đấy", ông nhắc lại: "Con Cải của mẹ đây". Bà cụ lập cập không đi ra cửa mà lại tiến về phía bàn thờ nơi có ảnh của liệt sĩ Lưu Xuân Cải và tấm bằng "Tổ quốc ghi công" ghi rõ ngày hy sinh của liệt sĩ là ngày 8/8/1972. Thì ra bà cụ nghĩ hồn ma ông trở về, nên lại thắp hương cho con yên...

Ông Cải nhớ lại: "Khi mình vào nhà, cụ vặn ngọn đèn dầu to lên, nhìn thật kỹ và sờ nắn khắp người, rồi đến chiếc ba lô... Phải một lúc sau cụ mới tin là con trai thực sự còn sống".Sáng hôm sau, bà con hàng xóm biết tin ông trở về, đã đến rất đông để chia vui cùng gia đình. Theo ông Cải, người hạnh phúc nhất, vui nhất là mẹ ông vì bà đã thấy bức ảnh của con trai yêu quý của mình trên bàn thờ được cất đi.

Vị tướng giữa đời thường

Sau cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị, Lưu Xuân Cải còn tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường, đảm nhận nhiều chức vụ chỉ huy. Sau đó, ông về công tác tại Quân khu 3, giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 350, rồi Phó Tham mưu trưởng quân khu. Ông nghỉ hưu tháng 5/2015 sau 45 năm phục vụ trong quân đội.
Trừ những khi vết thương tái phát hay khi trái gió trở trời làm ông đau nhói thì về cơ bản ông vẫn nhanh nhẹn, gương mặt cương nghị, giọng nói hào sảng, dứt khoát. Phía sau thần sắc đó là bản lĩnh của người lính "Cụ Hồ" cùng phẩm chất cao đẹp, tình cảm chân thành, luôn nghĩ về đồng đội, và những người đã từng nuôi dưỡng chở che ông trong những năm chiến tranh.

Nghĩ về làng Như Lệ - nơi đơn vị ông tập kết để bước vào trận chiến tại Thành cổ 50 năm về trước, ông bảo: "Người dân ở đó gian khổ lắm nhưng họ tốt với bộ đội, với cách mạng vô cùng". Ông nhớ đến người mẹ già của ông đã dặn dò ông trước lúc lên đường nhập ngũ: "Con cố gắng phấn đấu vì dân vì nước, phải theo được bằng anh bằng em". Ông luôn tâm niệm rằng: "Tôi trưởng thành là nhờ ơn Tổ quốc, nhờ ơn nhân dân, đã rèn luyện, đùm bọc, nhưng thiêng liêng nhất là những người mẹ - trong đó có mẹ tôi".

Về nghỉ chế độ nhưng tướng Cải vẫn tích cực tham gia các công tác xã hội. Hiện nay ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Hải Phòng, là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV và vừa trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân TP.Hải Phòng khóa XVI. Ông còn đảm nhận chức vụ Phó Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19...

Tại Đại hội đại biểu Hội đồng Lưu Tộc TP.Hải Phòng ngày 25/4/2021 vừa qua, ông Cải được bầu làm Chủ tịch, với số phiếu tín nhiệm cao nhất. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia các hoạt động khác như khuyến học, từ thiện, hoạt động của dòng họ Lưu toàn quốc... 
 
Lưu Văn Bính