Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 25/8/2013
E-mail     Bản in

25 năm nhớ Lưu Quang Vũ
(Dân Việt) - Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã rời xa cuộc đời 25 năm nay nhưng kỷ niệm về ông vẫn còn nguyên trong tâm trí bạn bè.

Nhân sắp đến dịp kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông (29.8.1988 - 29.8.2013), NTNN trân trọng giới thiệu tâm sự của nhà thơ Ngô Thế Oanh và nhà thơ Anh Ngọc. 

Nhà thơ Ngô Thế Oanh: Một tài năng thiên bẩm

Lưu Quang Vũ là một tài năng đa dạng làm thơ, viết văn, viết kịch bản… Tuy phải rời xa cuộc đời vào năm 40 tuổi- cái tuổi sung sức nhất của đời sáng tạo nhưng anh đã làm được nhiều việc vì tài năng thiên bẩm. Vào những năm 1970, tập thơ “Hương cây, Bếp lửa” của 2 tác giả trẻ Lưu Quang Vũ – Bằng Việt ra đời đã nổi tiếng đình đám. Nhưng ấn tượng mạnh hơn là những năm sau đó, “sau sự cố cuộc đời”, thơ của anh về chiến tranh, B52, đã tạo nên một luồng riêng biệt khác hẳn giai đoạn đầu, có nhiều cống hiến độc đáo cho thơ.

 
Nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Vào những năm 1980, kịch của Lưu Quang Vũ nổi tiếng nhất trên sấu khấu Việt Nam đương đại. Tất cả các đoàn đều diễn kịch của Lưu Quang Vũ và luôn được nhân dân hâm mộ. Có thể nói, trong thời gian này, các đoàn kịch đã sống được nhờ Lưu Quang Vũ. Anh đã kế tục được tinh thần của cha mình là cụ Lưu Quang Thuận - vốn là một nhà viết chèo - nhưng Vũ đã đi xa hơn. 

Ở Vũ, nổi bật là tài năng ngôn ngữ, đối thoại, độc thoại, cảm quan về thời đại, nắm bắt mạch ngầm của thời đại và thể hiện cái day dứt, băn khoăn đầy ẩn ức của những năm tháng đó. Nhân vật của anh sống được và sống mãi với thời đại. Còn nhớ rất nhiều đoàn kịch ở các tỉnh, địa phương phải về Hà Nội ăn dầm ở dề để chờ Lưu Quang Vũ viết kịch cho, anh đã làm việc cật lực nhưng chất lượng kịch luôn đảm bảo.

Lưu Quang Vũ đã hoàn thành sứ mệnh về sân khấu của mình. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” sẽ còn sống lâu dài và vẫn đang được dàn dựng tới ngày hôm nay. Bởi kịch của anh sâu sắc, thẳng thắn và trên hết là tình yêu thương con người. Tài năng do bẩm sinh và sự đưa đẩy của số phận đã giúp Vũ để lại dấu ấn trong sân khấu Việt Nam như Nguyễn Đình Thi, Tào Mạt… nhưng Lưu Quang Vũ lại là hiện tượng đặc biệt vì số lượng tác phẩm, sức cuốn hút với khán giả và tính độc đáo của vở kịch.

Nhà thơ Anh Ngọc: “Vườn trong phố”là bài thơ hay nhất thế kỷ

Bài thơ “Vườn trong phố” của nhà thơ Lưu Quang Vũ theo tôi có thể được coi là một bài thơ hay nhất thế kỷ XX, như tiêu biểu cho phong cách thơ của anh thời kỳ đầu- trẻ trung, tươi tắn và trong sáng lúc anh đang tự hào có mặt giữa lòng cuộc chiến đấu của dân tộc, một cuộc chiến đấu gian khổ ác liệt, nhưng đầy chất lãng mạn và lạc quan. 

Bởi vậy, về mặt tư tưởng, “Vườn trong phố” cũng mang một tinh thần chung như mọi bài thơ chống Mỹ khác. Chẳng hạn ở đây là cái lôgíc rất phổ biến: Ca ngợi vẻ đẹp của những gì làm nên hậu phương của người chiến sĩ, qua đó cắt nghĩa sức mạnh tiềm ẩn phía sau cuộc chiến đấu của chúng ta: “Vườn không níu được bước chân trở lại/Nhưng lá còn che mát suốt đường anh”.

Cả bài thơ là một bản giao hưởng tưng bừng của hình ảnh, sắc màu, âm thanh, mùi vị và xúc giác - nghĩa là những cảm nhận đập vào mọi giác quan ngỡ như luôn mở hết cỡ của một con người là chàng thi sĩ đa cảm và nhạy cảm. Không cần dẫn ra đây thì bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy tất cả thế giới rực rỡ và náo động trong bài thơ. Một vài ví dụ: Chỉ riêng về màu sắc, ta đã thấy có đủ cả tím, trắng, hồng, bàng bạc, xanh, nâu... cho đến cả cầu vồng bảy sắc! Những câu thơ chật ních cảm giác, tựa hồ không thể thêm gì vào được nữa: “Hoa tím, chim kêu, bàng thưa lá nắng. Trái tròn, căng mập nhựa sinh sôi...”. Đã tròn, còn căng, còn mập... đã nhựa lại thêm sinh sôi.

Và chi phối tất cả vẫn là cái mùi vị trần tục, chất nhục cảm nồng nàn không giấu giếm: Từ một làn môi dịu dàng, ẩm ướt, nước da nâu đầy sức sống và đầy bản sắc của ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ, đến: “Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài/Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ”. 


Chính cường độ tình cảm quá mạnh đã phá vỡ con đê khuôn sáo của từ ngữ, tạo nên cả một dòng thác của những hình ảnh, những liên tưởng đầy đột biến và táo bạo không ngừng đập vào tất cả giác quan của người đọc chúng ta như một cơn lũ của ngôn từ hình tượng. Đó là tất cả những ấn tượng mà thơ Lưu Quang Vũ đã để lại trong tôi từ những ngày đầu tiên biết Vũ và cho đến nay vẫn hầu như nguyên vẹn.

Một lối nói như thế đã biến những khái niệm có tính triết lý thành máu thịt của cuộc sống. Đó là thứ triết lý tươi xanh, hái lên từ vườn đời tươi rói, thứ vũ khí chỉ các nhà thơ mới có. Bởi chỉ cần qua một bài thơ này thôi, ta đã thấy Lưu Quang Vũ là một hồn thơ vừa sâu sắc thâm trầm, vừa tràn đầy cảm xúc. 

Có phải vì thế mà cho đến hôm nay, sau 25 năm ngày Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đi xa, ngồi đọc lại những dòng này, hình ảnh Vũ lại hiện lên trước mắt tôi thật rõ. Một gương mặt trẻ trung, thư sinh nhưng lại dưới một mái đầu sớm hói, và nhất là với một đôi mắt trầm tư hun hút như luôn có gì day dứt không nguôi. 

Lưu Quang Vũ là thế, nhà thơ gần như là duy nhất vừa mang dấu ấn của một thời chống Mỹ vừa nối được vào cái mạch thơ vĩnh cửu của dân tộc, bằng một cái đầu giàu tư tưởng và một trái tim tràn ngập những buồn vui, yêu ghét của đời thường.


http://www.clipnhac.net/danh-sach/Nh%E1%BB%9B%20L%C6%B0u%20Quang%20V%C5%A9
 
Theo Thiên Việt (ghi)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)