Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 25/8/2013
E-mail     Bản in

Nhớ kịch Lưu Quang Vũ: Đau đáu phận người muôn thuở
(Dân Việt) - Cho đến nay, Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất, người duy nhất thuộc thế hệ chống Mỹ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, bằng những tác phẩm sân khấu.

Đã có lúc người ta tưởng kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn như một “món hàng tươi sống” nhưng thời gian đã chứng minh, nó trường tồn bởi mỗi tác phẩm đều mang trong mình một niềm đau thao thức, trăn trở với kiếp người, phận người muôn thuở.


Như một “Triệu Tử Long”

Vào đời với tư cách một nhà thơ – người lính năm 17 tuổi, những vần thơ đẹp tài hoa của Lưu Quang Vũ đã làm nhà phê bình Hoài Thanh, sau nhiều năm ít chú ý đến các nhà thơ trẻ, viết riêng bài phê bình, với lời nhận xét: “Một tâm hồn rất tha thiết với đất nước mà nhiều băn khoăn day dứt”. Chắc ông không ngờ nét riêng ấy còn thể hiện rõ ràng hơn trong toàn bộ sáng tác của Lưu Quang Vũ, từ thơ, truyện đến kịch.

 
Cảnh trong vở “Điều không thể mất”. Ảnh: Quang Hưng
 
Sau ngày đất nước thống nhất, không khí xã hội có nhiều biến động. Lưu Quang Vũ làm thơ, viết báo, viết truyện, nét tài hoa cộng sự trải nghiệm đã tạo nên một tác giả đa tài. Nhưng phải tới bờ “tam thập nhi lập”, khởi đầu bằng kịch bản viết lại “Sống mãi tuổi 17”, được Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng, Lưu Quang Vũ mới thực sự trở thành một tác giả xuất sắc và độc đáo trong Văn học Việt Nam.

Cho đến nay, Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất, người duy nhất thuộc thế hệ chống Mỹ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, bằng những tác phẩm sân khấu.

Các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ chỉ nở rộ trong 10 năm, cuối thập niên 70 sang thập niên 80 thế kỷ trước. Đó chính là thời điểm lịch sử được gọi là Đổi mới. Và kịch của Lưu Quang Vũ không phải là con đẻ mà là một tác nhân tích cực và đi hàng đầu thúc đẩy sự vận hành của khoảnh khắc lịch sử ấy.

Vào thời điểm đó, sân khấu miền Bắc đã có một bước đột phá mạnh mẽ và quyết liệt khi hướng vào đề tài xã hội, nhiều vở diễn có đề tài hiện đại, mang hơi thở hiện đại. Sân khấu được đánh giá là ngành nghệ thuật đi đầu trong cuộc đấu tranh dân chủ hóa xã hội với hàng loạt vở diễn thuộc các kịch chủng kịch, chèo, cải lương, tuồng, kịch dân ca: “Bài ca giữ nước” (chèo Tào Mạt), “Nhân danh công lý” (kịch Võ Khắc Nghiêm – Doãn Hoàng Giang), “Mùa hè ở biển” (kịch Xuân Trình), “Em đẹp dần trong mắt anh” (Tất Đạt)…

Trong khoảnh khắc huy hoàng đó, Lưu Quang Vũ xuất hiện như một Triệu Tử Long tả xung hữu đột, cung cấp tiết mục cho hàng trăm đơn vị sân khấu cả nước. Hơn 50 vở kịch viết trong 10 năm có thể chưa phải là một con số làm nên kỷ lục nhưng nhớ lại những năm 1980, cứ hoàng hôn, hàng nghìn nghệ sĩ và nhân viên mấy chục đơn vị sân khấu các loại hình trên cả nước nô nức chuẩn bị biểu diễn các tiết mục của một tác giả; hàng vạn khán giả xếp hàng chen chúc mua vé vì vở diễn đó của Lưu Quang Vũ; khắp các sân khấu, hàng trăm diễn viên hóa thân vào các nhân vật thuộc nhiều thời, nhiều thuở với những hỉ, nộ, ái, ố, ly, hợp, thì cho đến nay, chưa một tác giả nào vượt được.

Năm viên ngọc quý

Trong số hơn 50 vở kịch của anh, người viết muốn nhắc tới 5 vở, dẫu chưa phải là tất cả những vở xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ, nhưng qua đó có thể hình dung ra tầm vóc của một tác giả, trong thời gian sáng tạo ngắn ngủi của mình đã góp sức đưa nền sân khấu Việt Nam đạt đến một đỉnh cao mà hôm nay nhiều người còn mơ ước.

 
Tờ gấp vở kịch "Tôi và chúng ta" tham gia hội diễn nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 1985 (Tư liệu gia đình Lưu Quang Vũ cung cấp)
 
“Hồn Trương Ba – da hàng thịt” viết lại trên cốt một truyện cổ khá phổ biến – đã có mấy tác giả dựng thành vở diễn, buổi đầu là “Trương đồ nhục”. Trong sân khấu thế giới, đây là việc bình thường nhưng đến Lưu Quang Vũ, vở kịch đã gây dư luận trái chiều khá kịch liệt. Cuối cùng thì công chúng và thời thế đã ủng hộ tác giả và đơn vị dựng: Nhà hát Kịch Việt Nam. Với một êkíp diễn viên thượng thừa, kịch nói “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” đã trở thành một vở diễn kinh điển đạt tầm cổ điển của sân khấu Việt Nam hiện đại.

Vẫn khai thác dòng cổ tích, “Ông vua hóa hổ” có vẻ ngoài giản đơn hơn trong cấu trúc nhưng không kém quyết liệt về ý tưởng: Để có thể chiến thắng, Từ Đạo Hạnh phải cầu đến sự chi viện phép thuật của hùm beo. Và khi lên nắm quyền, ông ta thực sự thành hổ. Để thay hình đổi dạng, lại phải cầu viện đến sức mạnh của lòng nhân ái Nguyễn Minh Không- người chủ trương: “Càng có sức mạnh, càng ở ngôi cao, lòng nhân ái càng phải lớn”.

Kịch lịch sử “Ngọc Hân công chúa” cho đến lễ hội 1000 năm Thăng Long vẫn được diễn. Một vở chèo có sức sống lâu bền: Ngọc Hân – Nguyễn Huệ không chỉ là đôi trai tài, gái sắc; anh hùng với giai nhân kinh điển. Một cuộc hôn nhân ép buộc hoàn toàn xuất phát từ động cơ chính trị đã thành mối tình đẹp thiên cổ bởi nhân cách, tư cách và tầm vóc của hai người.

“Tôi và chúng ta” có tên trong danh sách các sự kiện văn học nghệ thuật góp phần tích cực thúc đẩy sự ra đời công cuộc đổi mới: Nó nhìn thẳng vào một lối quản lý kinh tế thiếu nhân tố con người. Có biết bao nhiêu trăn trở thao thức để đưa nền kinh tế đất nước đi lên mà không đánh mất những gì tốt đẹp từng có trong quá khứ, vẫn là vấn đề thời sự.

“Điều không thể mất” từng làm rơi nước mắt bao nhiêu khán giả bằng một tình huống không mới nhưng cách thể hiện biến hóa, xen kẽ quá khứ chiến trường và đời thường hôm nay, không ai có lỗi mà vẫn thấy chính mình đã biện hộ cho sự bội ước với người hy sinh. Tính đa tầng, đa nghĩa, đa thanh trong vở kịch này là một sáng tạo mới của Lưu Quang Vũ.

Cho đến nay, Lưu Quang Vũ là tác giả trẻ tuổi nhất, người duy nhất thuộc thế hệ chống Mỹ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, bằng những tác phẩm sân khấu. Trong bài thơ “Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn”, Lưu Quang Vũ viết năm 70, có những lời tha thiết: “Nhưng đám hội này, chỉ một lần tôi được hát/Chỉ sống một cuộc đời giữa vô cùng năm tháng/ Chỉ một lần gặp bạn, bạn yêu thương/Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn...”. Nhớ đến một tác giả tài hoa bạc mệnh, chúng ta có niềm an ủi là điều tâm niệm đó của nhà thơ đã thành hiện thực.
Theo Nhà văn Ngô Thảo


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)