Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 25/11/2012
E-mail     Bản in

TRONG "CÕI LIỄU"
Nhà thơ trẻ Lưu Thị Bạch Liễu công bố thơ chưa nhiều nhưng khá ấn tượng trên các phương tiện truyền thông. Có người phê bình thơ chị đã coi đây là một hiện tượng trên thi đàn nói chung và thơ nữ nói riêng. Xin giới thiệu bài viết của tôi về tập " Cõi tôi" của Lưu Thị Bạch Liễu, nhà xuất bản Hội nhà văn 2007 . V.Nh.Đọc Cõi tôi của Lưu Thị Bạch Liễu, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007

 

Nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu

                                                    Cuộc thi thơ tình năm 2006-2007 của báo Văn Nghệ, Lưu Thị Bạch Liễu được giải A với 3 trong số 5 bài thơ dự thi. Trong tập Thơ tình tuyển chọn  năm 2007 của nhà xuất bản Hội nhà văn, Lưu Thị Bạch Liễu là một ẩn số. Không có ảnh, không có năm sinh, và cả không một dòng địa chỉ. Bây giờ trong tập thơ Cõi tôi  của nhà xuất bản Hội nhà văn cũng vậy. Mặc dù chẳng khó khăn gì khi in một tấm hình, một vài dòng sơ lược về bản thân, hoặc  nhiều hơn nữa là số điện thoại, địa chỉ  email. Nhưng với tác giả Bạch Liễu, không  có một thông tin nào khác. Phải chăng, tác giả muốn người đọc chỉ hình dung chị qua thơ, và chỉ thơ mà thôi. Bởi vì  thơ là sự phản ánh chân thực nhất, là tấm gương soi của hồn người, như Hàn Mặc Tử từng viết: Người thơ phong vận như thơ…

          Có thể thấy rằng trong thơ Lưu Thị Bạch Liễu thể hiện là một người phụ nữ thích một mình, thích kín đáo, lặng lẽ độc hành. Nhiều tên bài thơ phản ánh đặc điểm này : Độc hành, Cõi tôi, Tự khúc (1,2), Không ai đùa sóng với tôi, Một mình (1,2,3).

          Những câu thơ của chị càng thêm rõ:

          Một mình trên đường Đông […]

          Một mình trên đường Sương

          bước từ mờ mịt

          vào mịt mờ

          gió vội đi đường của gió

          tôi trên đường của tôi

                             Cõi tôi

          Lặng ngàn xanh tôi đợi

          Thầm hóa đá mồ côi

                             Du xuân 2

Ta hãy đến vào ngày sinh nhật của nhà thơ thì càng rõ:

          Không rượu

          không nến

          không hoa

          chỉ một người nhớ

          đang xa

                   Sinh nhật

Chính cái tình trạng một mình, tình trạng  cô đơn cho phép người ta chìm vào trong cõi lặng,  thăng hoa lên cõi lạ, đạt được sự tự do tuyệt đối ở cõi tôi trong suy tưởng, ngẫm ngợi, nhớ thương, mơ ước và mong đợi.

          Nhà thơ có rất nhiều tâm trạng và khát khao. Người ta thấy chị cô đơn, cô đơn đến tột cùng :

           mình tôi lẻ bóng […]

           tôi một mình không bóng […]

           tôi đến nơi nào

           cũng thừa tôi cả

                   Tự khúc 1

Từ lẻ bóng đến không bóng là thêm một chặng dài cô đơn. Lẻ bóng thì vẫn còn cái bóng để mà tựa vào, để mà trò chuyện. Không bóng là chỉ còn trơ trọi một bản ngã, đến cái bóng cũng không có.  Và cái tôi ấy đến nơi nào cũng thừa ra cả thì cảm giác cô lẻ mới đạt đến tuyệt đối vì  sự cô đơn ấy ở giữa chốn đông  người. Không rõ đây có phải  là trạng thái hay là sự mong ước khá lạ lùng :

          đôi mắt tôi không ngủ

          sáng thành hai vì sao

          hai vì sao không ngủ

          cháy mãi một nơi nào

                             Tự khúc 1

Rồi chị mong được thành đá mồ côi, mong được cháy:

          người như dòng sông biếc

          qua nguồn đổ về xuôi

          lặng ngàn xanh tôi đợi

          thầm hóa đá mồ côi

          mong một lần được cháy

          dẫu tàn tro suốt đời

                             Du xuân 2

Chị thú nhận tình trạng bỏng khát một hồn sông, một tình yêu lãng mạn:

          Mỵ Nương em bỏng khát

          chao nghiêng chén bạch đàn

          chỉ vục được xác nước

          hồn sông đã vụt tan

                             Sông Cầu

Chị đồng cảm với người đàn bà … đầy biết ơn /  chút dịu dàng hiếm hoi của chồng mình, khao khát được hóa thành cây để đón nhận một chút quà tặng của thiên nhiên, làm ra một nụ cười:

          khao khát hóa thân thành cây

          được mở lòng đón

          chút dịu dàng mưa

          chút chói chang nắng

          chút heo may lành lạnh

          muôn mắt lá

          hắt ra một nụ cười

                   Đợi 1

Cái nỗi khát thèm dưới đây dù chứa đầy mâu thuẫn, nhưng chúng ta có thể tin là thật vì nó là trạng thái “không rành mạch” thường gặp ở người thơ ( chữ của Nguyễn Duy : tôi vốn không rành mạch bao giờ):

          chẳng thể hóa một ngọn núi phía Thượng Lâm

          vẫn thèm trở lại Na Hang

          ngồi bên một người

          đã từng thề

          không bao giờ gặp lại

                       Thèm trở lại Na Hang

Người đọc sẽ gặp một trái tim đã khép ( Một lời tiễn biệt), trái tim hóa chim trời vỗ nắng (Một chiều mưa giăng), đôi mắt khép (Tự khúc 2), bài hát ru “ chỉ là hai tiếng à ơi…dang dở” ( Hát ru), trạng thái vô cảm “ không còn nỗi đớn đau…không còn nỗi tái tê…không còn nỗi trống rỗng”, ( Sông nhìn tôi nhìn sông) những nỗi buồn  thẳm sâu hay phảng phất  (Không nỗi buồn nào buồn hơn nỗi buồn nào)…Cô đơn, khao khát, kiêu hãnh, bền bỉ, dứt khoát…tầng tầng tâm trạng là Lưu Thị Bạch Liễu của cõi tôi.

          Một đặc điểm nổi trội của tập thơ là có một thế giới tự nhiên vừa thân thiện, vừa hòa đồng, nhưng cũng nhiều khi tương phản luôn luôn đồng hành cùng nhân vật trữ tình. Phải chăng vì con người độc hành đó vẫn cần và khát thèm bè bạn, nhưng cái người nhớ sinh nhật đang xa, người  bao năm khảm khắc thì đang ở phương nào, người yêu thì vì sự kiêu hãnh “không gọi” (người yêu I),  hoặc dù đã  hẹn mà hình như chưa làm, chưa thực hiện, những người khác cũng khó sẻ chia “cõi tôi”. Mặt khác, chính tác giả cũng thấy rằng thế giới thật bình yên, thật nhỏ hẹp, khép kín, đồng nghĩa với “ tôi đang tự hủy diệt tôi” ( Một chiều nào tôi không trở dậy). Vì thế mà thiên nhiên luôn luôn có mặt? Chỉ biết rằng thường thường, chỉ có thể gặp trong thế giới trẻ thơ những sự vật thiên nhiên có linh hồn, nghĩ suy, trò chuyện như người trong quan niệm dân gian vạn vật hữu linh. Trong thơ Lưu Thị Bạch Liễu,  thiên nhiên hoạt động như người. Đây không chỉ đơn thuần là biện pháp nghệ thuật nhân hóa, mà nó như là một tất yếu, nó là một phần của tâm hồn thi nhân.

          Đống lửa đốt đồng run vì lạnh  ( Cõi tôi)

          Đóa quỳnh tàn tái tê:

          không còn nỗi tái tê

          của đóa quỳnh tàn sớm mai

          nhận ra không ai biết đêm qua mình nở ( Sông nhìn tôi nhìn sông)

          Con đường rên lên vì nhát chổi ( Tôi, con đường và cây chổi)

          Đất gọi ơi hời dưới chân ( Độc hành)

          Lá khóc : bao nhiêu là mắt lá

                         khóc với nhau trên cành ( Một mình 1)

          Đóa hoa nhỏ lệ : Những đóa hoa nhỏ lệ giữa đêm

                                    vì chúng biết sức nóng và sự dịu dàng

                                    của ngày mai

                                     không thể nào còn giống ngày hôm nay

                                      ( Không nỗi buồn nào buồn hơn nỗi buồn nào)

           Mây và núi mải ôm nhau

          Sông Lô hổn hển đuổi theo…

                             (Gửi Hà Giang)

Rồi Thác Mơ day dứt, cây cọ hát, liễu xanh xõa tóc, màn sương trắng nhắc,  mưa nói với ngôi nhà, con suối nhìn, cây lá ngước theo, nhà sàn ngủ yên, đồi chè he hé mắt non… Hai mươi bài trong tổng số ba mươi tư bài có thiên nhiên  cụ thể thành con người như thế. Vì vậy mà các cuộc “giao lưu” của nhà thơ với thiên nhiên, với bạn đọc luôn thay đổi, bất ngờ, mới mẻ.

          Một điều đáng nói là  có một kiểu tư duy và diễn đạt thơ mới lạ, không giống bình thường. Hầu hết thơ Lưu Thị Bạch Liễu là thơ tự do. Chỉ một bài có nguồn lục bát, nhưng lại cũng được trình bày theo kiểu tự do (Độc hành).  Các câu thơ, dòng thơ của Lưu Thị Bạch Liễu thường là ngắn, rất ngắn. Đó là những kiểu câu thơ in dấu ấn riêng. Chúng ta đều biết câu thơ nổi tiếng:

          Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

          Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

                             Xuân Diệu- Giục giã

Nhưng  Lưu Thị Bạch Liễu  diễn đạt khao khát ấy theo kiểu khác hay chính xác hơn là theo cách mới của riêng mình:

          lặng ngàn xanh tôi đợi

          thầm hóa đá mồ côi

          mong một lần được cháy

          dẫu tàn tro suốt đời

                             Du xuân 2

          Trong bài Sông nhìn tôi nhìn sông, ngay nhan đề cũng đã nhòe mờ nghĩa. Sông nhìn ai? Có phải sông nhìn tôi và tôi nhìn sông ( chúng tôi trực tiếp nhìn nhau)? Sông nhìn tôi  và tôi  nhìn cái nhìn của sông (  một trong hai đối tượng  gián tiếp khi chúng tôi cùng nhìn)?  Sông nhìn đâu đó, tôi thì nhìn sông ( cái nhìn bắc cầu)? Và một loạt câu hỏi : Ai không còn nỗi đớn đau ? Tôi không còn? Sông không còn? Cả hai không còn? Vì sao lại không còn?... Đó là những ẩn số mà người đọc phải tự mình tìm lấy. Và vì vậy mỗi người sẽ có lời giải và cảm nhận riêng.

Cũng như vậy về bài  Gửi Hà Giang. Tại sao một người  bạn cố thuyết phục rằng đàn ông Hà Giang trầm như núi cuồng nhiệt như dòng chảy mà người viết lại không thấy thế : “tôi chỉ thấy đàn ông Hà Giang lạnh hơn gió đông trên đỉnh Mã Pì Lèng” . Và thật bất ngờ là  sông Lô hổn hển đuổi theo dặn “ đừng quên tình người Hà Giang như cây trên đá bám rễ rồi là xanh đến muôn sau”. Liệu người thơ về xuôi có tin , có nhớ lời dặn ấy? Lại cũng là một tình huống bỏ lửng, để thơ còn gợi nghĩ, gợi cảm, gợi dư ba…

          Tác giả cũng khá  sành khi sử dụng các điệp ngữ, tương phản. Ví dụ ở trong bài “ Không  ai đùa sóng với tôi”. Chị đưa ra một loạt các tính từ trạng thái rộng lớn, sôi động để rồi đối lập với sự thiếu vắng, cô đơn:

          mênh mang biển  

          mênh mang trời

          trùng trùng ngàn mây ngũ sắc

          nhộn nhịp đàn cá khoe vây

          chộn rộn bầy tôm búng nước

          không ai đùa sóng với tôi.

Một số bài thơ có sự tiết kiệm từ ngữ ở mức tối đa,  tạo ra một trật tự cú pháp lỏng lẻo, mở ra trường liên tưởng rộng rãi, gần với bất định. Chẳng hạn:

          Mưa

          giữ lại ở Na Hang

          nghe thác Mơ

          xối lòng hồ

          day dứt

          sông Gâm

          hòa làm gì vào sông Năng!

                          Na Hang

Ai day dứt? Mưa day dứt? Thác Mơ day dứt? Lòng hồ day dứt? Sông Gâm day dứt? Nhân vật trữ tình day dứt? Không rõ ràng. Nhưng hình như chính vì thế mà có sự cộng hưởng day dứt, làm nên ám ảnh khôn nguôi.

          Cách quan sát cảnh vật của tác giả cũng làm cho lời thơ hấp dẫn, mới mẻ:

          con đường như cây cầu

          nối từ chơi vơi này

          sang chới với kia

          một mình trên đường Sương

          bước từ mờ mịt

          vào mịt mờ

                             Cõi tôi

          nhìn mưa lăn trên mái nhà của mẹ

          lăn qua chín bậc cầu thang thành dòng sông nhỏ

          chảy một đời không tới nổi bình yên.

                             Người yêu 2

          em ngắm  nhìn anh bằng đôi mắt khép

          thấy phía trước dằng dặc một con đường

                   Tự khúc 2

Ở trên đã nhắc đến thiên nhiên tương đồng và tương phản đồng hành cùng người thơ. Đây là một ví dụ về hiệu quả nghệ thuật diễn đạt có tương đồng, tương phản và vừa tương đồng vừa tương phản:

          phố mờ trong mưa

          em mờ trong nhớ […]

          phố đen chiều mưa

          em trắng đêm nhớ […]

          mặt trăng mải theo trái đất

          bao buồn vui

          lúc khuyết

          lúc tròn

          em cả đời quay quanh ảo mộng

          chưa một lần mỏi mệt như trăng

                             Đợi 2

                   Nếu có thể nói về hạn chế của Cõi tôi thì chính là ở chỗ tác giả tô đậm và khai thác triệt để cõi tôi, thành ra cái phần ngoài cõi tôi không được thể hiện đầy đủ và có phần mờ nhạt. Cái tôi là quan trọng, song nếu chỉ có thế thì cũng không có gì phải bàn nhiều, dù là cách thể hiện cái tôi có nhiều mới mẻ. Nhưng Lưu Thị Bạch Liễu còn trẻ:

          mùa hạ tôi nhan sắc tuổi ba mươi

          rừng rực cháy đến từng chân tóc

                             Về một bài thơ tôi đã lãng quên

Trong những cõi khác tiếp theo của hành trình sáng tạo, với sức trẻ, sự tự tin Lưu Thị Bạch Liễu chắc chắn sẽ còn gây không ít ngạc nhiên.

                                                                                                                                                 17/5/2009

 

 


Theo Nguyễn Đức Thiện