Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Xã hội.
Đăng ngày 25/11/2012
E-mail     Bản in

Lập kỳ tích ngay lần đầu xuất quân
(HNM) - Cuộc thi đàn điện tử Châu Á - Thái Bình Dương - Asian Pacific Electronic Organ competition - lần thứ hai diễn ra tại Hồng Kông (Trung Quốc) từ ngày 8 đến 12-2. Lần đầu tiên tham dự, cả ba thí sinh của Việt Nam là học trò của PGS Lưu Quang Minh đều đoạt giải cao.
Từ phải qua: Lê Thị Quỳnh - PGS.TS.NSƯT Lưu Quang Minh - Nguyễn Thị Minh Phương - Lê Hoàng Thảo.

Cuộc thi đàn quy mô này thu hút hơn 200 thí sinh từ 8 đến 30 tuổi tham dự. Ban tổ chức chia thí sinh thành 12 bảng với 2 khu vực: âm nhạc cổ điển (Classical Music) và âm nhạc pop (bao gồm cả nhạc jazz, rock…). Đây là cuộc thi do Hiệp hội Đàn điện tử Châu Á - Thái Bình Dương (APEKA) tổ chức. Ngoài việc đứng ra tổ chức các cuộc thi, hiệp hội còn có những festival, trại hè âm nhạc với nhiều hoạt động học tập, biểu diễn, hội thảo… rất thú vị và bổ ích. Chủ tịch APEKA là GS - nhạc sĩ người Nhật Bản Agata Suguru, người đầu tiên sang giúp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam xây dựng giáo trình và chương trình đào tạo bộ môn đàn Electone. Trong 9 phó chủ tịch hiệp hội hiện nay có PGS-TS-NSƯT Lưu Quang Minh, nguyên là Phó Giám đốc, Chủ nhiệm bộ môn accordéon và nhạc jazz của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi này có ba thí sinh của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và cả ba đều có giải cao. Nguyễn Thị Minh Phương, sinh viên năm thứ tư, bộ môn nhạc jazz, thi ở bảng "Pop Music", lứa tuổi trên 22 và đoạt giải nhất với hai tác phẩm "Love in here to stay" của G.Gershwin và "Night and day" của Cole Porter, chơi theo phong cách nhạc jazz. Lê Thị Quỳnh, năm thứ nhất cao học, đã đoạt giải ba trong bảng "Classical Music", lứa tuổi trên 22, với bản "Toccata and fugue" cung rê thứ của Bach (do PGS Lưu Quang Minh chuyển soạn cho đàn điện tử). Lê Hoàng Thảo, học sinh năm thứ ba hệ trung cấp, thi ở bảng "Pop Music" dưới 18 tuổi, đoạt giải ba theo phong cách nhạc jazz qua hai bài "Beautiful love" của Vidor Young và "Triste" của Antonio Karlosjiobim. Trong cuộc thi, mỗi thí sinh chỉ được phép đánh đàn trong vòng 8 phút để thể hiện khả năng của mình.

Phải giới thiệu thêm về đàn Electone, đây là đàn điện tử mô phỏng theo phong cách của đàn Organ, có hai tầng phím và phía dưới chân thêm một tầng phím hơn một quãng tám, chủ yếu là những nốt trầm, dùng chân để chơi. Đàn Electone có khả năng phổ cập tốt mà vẫn bảo đảm tính nghệ thuật cao. Một cây đàn có thể mô phỏng âm thanh của một dàn nhạc (có thể biểu diễn cả một bản giao hưởng) hay một nhóm nhạc. Hiện nay, trên thế giới, đàn Electone được dùng phổ biến hơn, thay thế dần loại đàn Orgue keyboard (đàn điện tử một bàn phím).

Ở Việt Nam, đàn Electone có phần hơi xa lạ đối với công chúng. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam bắt đầu triển khai đào tạo các cấp học Electone từ năm 1996, nhưng việc quảng bá về cây đàn và bộ môn này còn chưa rộng rãi. Số học sinh học Electone tại học viện hiện giờ cũng không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lần đầu xuất quân với nhiều giải thưởng là niềm vui lớn, góp phần khích lệ các học sinh đang học tập và sử dụng nhạc cụ Electone, cây đàn đa năng và giàu khả năng biểu hiện cảm xúc. Hy vọng, từ thắng lợi này, công chúng Hà Nội sẽ có dịp được nghe các tài năng trẻ lứa đầu tiên học Electone biểu diễn.

Theo Hoàng Lan Báo HÀ NỘI MỚI