Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 25/11/2012
E-mail     Bản in

“Độc hành” với “Cõi tôi”
Giới thiệu sách: “Độc hành” với “Cõi tôi” (Đọc Cõi tôi của Lưu Thị Bạch Liễu, NXB Hội Nhà Văn - 2007)

Tôi gặp Lưu Thị Bạch Liễu một lần duy nhất trong ngày hội thơ Việt Nam lần thứ V tại sân thơ trẻ năm vừa rồi. Lần đó tôi cũng đọc thơ như chị, ai cũng có vẻ tất bật nên không nói chuyện được nhiều. Và sự thật thì tôi chưa có nhiều ấn tượng về chị. Đến khi biết tin chị là một trong ba người đạt giải Nhất trong cuộc thi Thơ tình của báo Văn nghệ trẻ với chùm thơ: Người yêu, Một lời tiễn biệt, Sông nhìn tôi nhìn sông. Tôi mừng cho chị, rất mừng! Nhưng nào đã quen biết gì để nhắn một cái tin chúc mừng. Vậy là tôi đành im lặng, dù trong lòng rất phấn khởi!

Thế rồi một lần người bạn cùng lớp về quê rồi xuống học, trong ba lô còn có thêm mấy quyển thơ của Lưu Thị Bạch Liễu nhờ mang xuống tặng cho một số người bạn, trong đó có tôi. Cầm tập thơ trên tay, tôi lấy làm ngỡ ngàng. Lâu nay, tôi vẫn cứ tin rằng, không có gì quý hơn quà tặng là những cuốn sách. Và phải quý mến nhau lắm người ta mới tặng sách cho ai đó. Chỉ một lần gặp thôi mà tôi lại được chị tặng thơ! Thật sự tôi vui mừng đến không tả nổi!

Cõi tôi là một tập thơ mỏng, chỉ vọn vẹn 34 bài, hiện lên rõ nhất là nỗi cô đơn của cái tôi đang “độc hành” (tên một bài thơ trong tập). Cái tôi trong thơ Lưu Thị Bạch Liễu cô đơn nhưng không cô độc. Bởi trên con đường mà chỉ có thân cô ấy, cái tôi trong thơ chị đã biết bầu bạn với thiên nhiên hài hoà, để người và vật cùng chung nhau tâm trạng. Ngẫm lại, câu thơ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” luôn luôn đúng dù ở thời đại, hoàn cảnh nào.

Ngay từ khổ đầu của bài thơ đầu tiên, tác giả đã sớm bộc lộc sự cô đơn của cái tôi khi chỉ có một mình giữa đất trời bao la:

một mình trên đường Đông

trăng xanh

những đống lửa đốt đồng run lên vì lạnh

con đường như cây cầu

nối từ chơi vơi này

sang chới với kia.

(Cõi tôi)

Hai nhóm từ “chơi vơi” và “chới với” nghe thì có vẻ nhẹ bẫng nhưng ở đó sự cô đơn đang chen chúc nhau, xô dạt nhau khiến thi sĩ càng thêm lẻ loi. Còn nữa, cô đơn như thế này trong ngày sinh của mình, chẳng biết đã có ai gặp chưa?

Không rượu

Không nến

Không hoa

(Sinh nhật)

Lại nữa:

tôi không thể ru tôi

những đêm trời vui trăng sao

tôi đến nơi nào

cũng thừa tôi cả.

(Tự khúc)

Nỗi cô đơn, thân phận thân cô thế cô cứ trải dài miên miết. Nó phong toả ngay trên những tiêu đề của bài thơ: Độc hành, Một mình, Một buổi chiều nào tôi không trở dậy, Không nỗi buồn nào buồn hơn nỗi buồn nào… Để cuối cùng, trên con đường dài hun hút, cái tôi thảng thốt nhận ra:

đã đi

quá nửa cuộc đời

mới hay

đất gọi

ơi hời

dưới chân.

(Độc hành)

Lưu Thị Bạch Liễu mang tâm trạng của cái tôi độc hành trên đường dài vào cả trong tình yêu. Và mặc dù, người con gái trong thơ chị khi yêu cũng mãnh liệt, hết mình:

phố đen chiều mưa

em trắng đêm nhớ

bật chùm hoa gạo đỏ

cháy lên mà chờ.

(Đợi 2)

Nhưng có vẻ như tình yêu trong thơ chị là một thứ tình yêu gập ghềnh, không êm xuôi, bằng phẳng. Nó gần đấy mà xa đấy:

xa xôi vời vợi

cách có một lòng

tôi thành ngọn gió

một trời long đong.

(Nhớ)

Chắc là cũng phải có một lý do nào đấy chứ? Chị lý giải:

anh đã ngập ngừng hồi lâu

nửa tin nửa ngờ

cánh cửa nhà dù mở

nhưng anh không thấy được

cửa một trái tim vừa khép.

(Một lời tiễn biệt)

Quả đúng như thế! Tình yêu, nếu không vượt qua được những cám dỗ, thử thách; ngay cả những lời thị phi thì khó lòng mà đến được với nhau. Và Lưu Thị Bạch Liễu đã tìm ra một kết cục tất yếu:

giữa một buổi chiều mưa bụi giăng tơ

chợt thấy sợi tơ lòng giữa chúng mình rất mảnh

trái tim em hoá chim trời vỗ nắng

(Giữa một chiều mưa giăng)

Bên cạnh đó, cái tôi của Lưu Thị Bạch Liễu còn nặng tình nặng nghĩa với những vùng đất mà chị đã đi qua. Mà cái tôi ấy cũng thật lạ! Giá như vùng đất ấy thanh bình, dịu êm, lặng lẽ cho cam. Đằng này:

giá mỗi dòng sông cứ mòn mỏi mỗi phương

đã không dữ dội

một Na Hang

(Na Hang)

Đã thế, khi xa rồi, chị vẫn cứ muốn “thèm trở lại Na Hang”. Để làm gì vậy? Phải chăng câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên đã là một phần của câu trả lời: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Chốn xa lạ rồi sẽ trở thành thân quen. Và khi thân quen rồi, người ta sẽ có cái nhìn thoáng hơn về nơi mình từng sống. Để rồi, nhìn đâu cũng thấy đẹp hơn, lung linh hơn:

thèm trở lại Na Hang

nhìn lung linh bóng đỏ

áo người chèo thuyền thắm những gù hoa

(Thèm trở lại Na Hang)

Xét cho cùng, thơ Lưu Thị Bạch Liễu không phải đọc để thuộc (có khi lại rất khó thuộc), mà đọc để đồng cảm với cái tôi ngổn ngang tâm trạng. Cái tôi ấy sẽ cô đơn hơn khi không nhận được những sẻ chia từ phía người đọc. Bởi lẽ, thơ vốn là “điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu”.

Lưu Thị Bạch Liễu đã cố gắng làm mới thơ trong việc chọn lựa đề tài, cách diễn đạt, tâm thế. Thơ chị có bản sắc, giọng điệu riêng không lẫn vào đâu được. Có thể nói, Cõi tôi giống như một bông hoa rừng đang trong thời kỳ rực nở; cố gắng phô ra những vẻ đẹp riêng cho đời, cho người. Đồng thời, Cõi tôi cũng là một tín đáng mừng, đặt trong hoàn cảnh thơ trẻ đang lâm vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay…

 

 

 

 

Theo Hồ Huy Sơn


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)