Ξ|Ξ   GIỚI THIỆU ::. TÁC PHẨM & TÁC GIẢ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 25/11/2012
E-mail     Bản in

Truyện ngắn : Rùa tai đỏ - LƯU THỊ BẠCH LIỄU
TP - Cô không nên chọn con vật khốn kiếp này. Hiểu chưa? Hiền lành à? Trông thì hiền lành thật đấy. Thà nó hung ác ra mặt để còn biết mà đề phòng. Hiểu chưa? Cô đừng tin vào vẻ ngoài hiền lành, nó nuốt sống mọi thứ đấy. Không chỉ đớp tay mà nó làm một nhát vào tim ta cơ. Hiểu chưa?
Ảnh minh họa: Lê Trí Dũng
Ảnh minh họa: Lê Trí Dũng.


Tôi gật đầu lia lịa sau từng lần “hiểu chưa” mà thực chất không hiểu gì hết.

Bà ta nói một tràng dài để hả cơn giận chứ cái con vật tôi đang xem đây chắc không phải là nguyên nhân khiến bà ta sôi máu.

Tôi là khách quen của hàng chim cảnh, cá cảnh. Biển hiệu kẻ thế cho gọn còn bán đủ mọi loài dị thường, từ rắn rết chuột lang đến bọ cạp, những con vật khủng khiếp, miễn là có người chịu trả tiền rước về nuôi. Hồi tôi còn nhỏ vẫn thường nghe bà nội hay nói xa nói gần với mẹ tôi:

Đàn ông hay có những hành động điên rồ và thú vui kì quái là do phụ nữ hoặc luôn dung túng, hoặc luôn khuyến khích họ. Cứ thử mặc kệ không vào hùa xem, chúng lại chả chán ngay.

Nói vậy nhưng bà vẫn vừa dung túng vừa khuyến khích những trò kì quặc của các anh tôi. Có ai đến mách thì bà vừa xin lỗi vừa bảo với họ rằng tìm tòi và khám phá thế giới vốn là thiên tính của đàn ông. Tôi cũng mặc nhiên mang thiên tính của phụ nữ là chiều theo những đòi hỏi rất vô lý của cậu con trai sáu tuổi, vì thế nên mới là khách quen của cửa hàng này. Chán ngấy những cá chọi, ốc mượn hồn, con trai tôi đòi có một con rùa. Tìm đâu ra rùa bây giờ. Nó hướng dẫn đến hàng cá cảnh nào cũng có, bọn bé trai lớp con đều có cả rồi, thua chúng nó con không chịu đâu. Con nhịn ăn cho đến chết! Con trai mới chỉ xị mặt đã khiến tôi cuống cả lên.

Thì đây, con rùa đang ở ngay trước mắt tôi, cả một đàn ông bà cháu chắt nhà rùa. Con to bằng cái đĩa nhỡ, con nhỏ chỉ nhỉnh hơn miệng chén uống trà. Con nào cũng vẽ thêm một viền màu phía sau mắt, hoặc màu đỏ, hoặc màu cam. Có lẽ bọn chúng chọn hẳn tông màu nổi bật này để tránh bị mang tiếng “mắt xanh mỏ đỏ”. Những con rùa lịch kịch tấm mai nặng nề, ngúc ngoắc cái đầu to thô lố.

Cái giống này ấy hả. Rùa tai đỏ nhập từ Mỹ, con nhỏ mười lăm ngàn, nhỡ ba chục, to bảy nhăm. Ôi dào, gì mà nó chả ăn. Thuồng luồng ba ba rắn rết. Các sếp ăn gì thì nó ăn nấy. Các ông ấy không có ăn thì toi ngay chứ lũ này không ăn cũng không chết đâu mà sợ. Giá mà chết đi cho rảnh nợ.

Tràng liên thanh vẫn bắn liên hồi kì trận vào tai tôi.

Mày chết đi cho tao rảnh nợ! Tao chết đi cho tao rảnh nợ!

Hóa ra là bà ta gào lên trong điện thoại chứ không phải nói với tôi. Xong câu đó, bà ta tắt máy rồi khóc nức lên.

Thú thật là tôi sợ phải thấy cảnh thằng con phùng mang trợn mắt vì không được đáp ứng ngay thứ mà nó đòi hỏi chứ không phải tôi có hứng thú đi buôn chuyện xã hội, càng không sẵn lòng biến mình thành cái bô cho người khác trút tâm sự. Mà tôi có muốn đi cũng không được vì bà cá cảnh đã níu chặt lấy tay tôi. Tôi đành ngồi lại.

Cái con quái vật có gương mặt hiền lành ấy nó đang ăn tim gan, ăn tủy ăn óc tôi đây, cô ạ. Tôi cả đời cố sống cũng vì nó, không sống nổi cũng vì nó.

Hóa ra bà ấy đang kể về cô con gái tên là Huyền. Cô này tôi đã gặp mấy lần, giúp mẹ bán hàng, không có gì gây chú ý, một dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt nhỏ nhắn, đến giọng nói cũng nhỏ nhẹ. Tôi nghĩ có vẻ là cá tính chứ không phải cố tình tạo ra như thế. Tôi đã từng thấy cô gái này cũng như lũ cá cảnh, luôn lặng lẽ trong thế giới của mình, chẳng làm phiền đến ai. Có lần cô nhỏ nhắn đến chỗ bà mẹ cùng một thằng nhỏ chừng bốn, năm tuổi, bà mẹ nựng cháu:

Hôm nay mẹ Huyền cho Tún ăn gì?

Mới biết cô đã có chồng, có con. Nhà chồng gia giáo, kinh tế cũng khá. Và nếu như không phải chính là mẹ đẻ của cô đang rít lên những lời uất hận đến thế thì tôi đã nghĩ hẳn có ai đó vì quá ghen tỵ với cuộc sống đầy đủ của cô nên mới đơm đặt lên câu chuyện kinh khủng này.

Hơn một tuần liền cô gái luôn ngồi ở vị trí ấy, bàn cạnh bể cá, sau mấy chậu trúc cảnh. Lúc nào Tuấn đến quán đều cũng thấy cô gái ngồi đấy rồi. Nhẩn nha một mình, không có vẻ gì đang đợi ai, cũng không có vẻ gì bị lỡ hẹn. Cô ngồi đó, trông cô độc và bình thản, lúc thì lơ đãng nhìn mấy con cá nhàn nhã bơi trong bể, lúc lại chăm chú theo vòng bay vô định của con ruồi đang tìm nơi đậu. Tuấn mười chín tuổi, sinh viên năm hai khoa giáo dục thể chất. Bọn con gái lớp Tuấn toàn vận động viên, cô nào cũng cao to và thô lỗ như đàn ông. Lần đầu tiên, Tuấn gặp một người con gái trầm lặng đến vậy nên cậu chàng bị hấp dẫn ghê gớm.

Nỗi đam mê cuồng nhiệt của chàng trai trẻ đã khiến cô gái cảm động. Huyền cho Tuấn biết Huyền hơn Tuấn bốn tuổi, Huyền đã ra trường và đi làm tại một phòng nghiệp vụ của thành phố, công việc không bị gò bó thời gian, quan hệ lại rất rộng, có nhiều cơ hội làm kinh tế. Yêu nhau, hàng sáng, Huyền đến cơ quan nhận việc rồi chạy về nhà trọ với Tuấn. Học đại học xa nhà, không muốn cậu con trai một phải ở ký túc xá chật chội, bố Tuấn, người đứng đầu một huyện của tỉnh biên giới có cửa khẩu quốc tế sầm uất, đã thuê hẳn cho cậu quý tử ngôi nhà hai tầng đầy đủ tiện nghi ngay cổng trường.

Cậu trai mười chín tuổi, có cơ thể đàn ông đẹp như tạc và khuôn mặt chưa hết nét ngây thơ đã được cô bạn gái dẫn dắt vào sự đam mê chết người của thể xác. Mỗi khi Huyền dang ra là Tuấn không còn nghĩ gì đến giờ học sắp bắt đầu hay buổi thi hết môn ngày mai.

Huyền kể cho Tuấn là Huyền đang ở nhờ nhà bác, bác của Huyền giữ chức vụ quan trọng ở tỉnh, sau này Tuấn muốn làm ở cơ quan nào bác cũng xin được. Huyền đang tính ra ở riêng vì ở nhờ nhà bác không được thoải mái, tính bác nghiêm khắc nên cứ phải để ý giờ giấc. Đúng là hôm nào đến giờ tan tầm buổi chiều là Huyền đã vội về, dù Tuấn giữ thế nào cũng không được. Có hôm, Huyền còn chở thằng bé con của anh nhà bác đến chỗ Tuấn chơi. Tuấn cũng đã được Huyền dẫn về thăm nhà bác của Huyền. Hôm ấy cả nhà đi vắng hết, nhà chỉ có mình Huyền. Tuấn muốn vào phòng của Huyền nhưng Huyền không cho nên dỗi bỏ về. Có Huyền, Tuấn thấy cuộc sống thật ngọt ngào.

Hai đứa đưa nhau đến phòng sản tư, bà bác sĩ bảo dạ con của Huyền đã quá mỏng do phá thai nhiều, nếu lần này cố tình phá có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuấn thương xót ôm Huyền vào lòng. Huyền nhẹ bỗng và ẻo lả như con mèo ốm. Tuấn muốn cưới, chẳng qua là Huyền cứ trì hoãn vì sợ gia đình Tuấn chê Huyền già, Huyền xấu. Tuấn thấy Huyền đẹp nhất, cả vết sẹo nơi bụng dưới, dấu tích của vết mổ sỏi thận mấy năm trước luôn khiến Huyền mặc cảm mà Tuấn vẫn thấy yêu. Mỗi khi gần nhau, Tuấn đều dịu dàng hôn lên vết sẹo ấy. Tuấn cũng nói cho Huyền biết đối với bố mẹ thì Tuấn y như ông vua con, mọi ý muốn của Tuấn đều được đáp ứng vô điều kiện. Vậy còn điều gì khiến Huyền không yên tâm. Huyền đòi phải mua được mảnh đất để còn “an cư lập nghiệp”. Mảnh đất hôm trước Huyền dẫn Tuấn đến xem có giá trên bảy trăm, Huyền chỉ phải trả có năm trăm, nhưng mới đi làm mấy năm, tích cóp mãi mới được hơn ba trăm. Tuấn bảo để Tuấn xin mẹ.

Cô biết không, hai trăm của thằng ấy với hơn ba trăm của bà mẹ chồng nó nướng sạch vào đề đóm, ăn chơi. Tôi cũng thấy lạ là sao nó sống thế mà không ai hay biết. Thằng sinh viên thì không hề tin nó đã có chồng có con. Còn nhà chồng, kể cả thằng chồng không hề biết nó đã bị đuổi việc gần hai năm nay, ngần ấy thời gian sống chung với thằng nhân tình nhãi ranh. Đến tôi đây, tôi đẻ ra nó mà còn không hay biết tí gì.

Kể ra ông trời cũng có mắt, cô ạ. Thế nào mà chị gái thằng này lại là bạn thân của chị chồng nó. Hôm về thăm em, thằng này hẹn vợ sắp cưới đến ra mắt thì chị nó nhận ngay ra, tức tốc điện thoại cho chị chồng nó đến. Ba mặt một lời vậy mà thằng sinh viên kia vẫn còn ngơ ngác không tin. Còn chuyện thằng chồng nó mới đau đời hơn, cô ạ. Nó không hề tin bất cứ sự thật nào về vợ nó. Nhất là khi con vợ nó đưa ra bức thư của thằng sinh viên thú nhận là thằng ấy đã được người ta thuê mười triệu đồng để vu vạ cho con này chứ thực tình hai đứa không có chuyện gì. Thằng chồng khờ dại liền đem dao đến chém cho thằng sinh viên mấy nhát, công an bắt nhốt cả hai, làm rõ ra thì bức thư ấy do chính con ranh nhờ bạn viết hộ để lừa chồng. Còn đứa con trong bụng, hai gia đình kia đều bảo nếu là máu mủ nhà họ thì họ sẽ có trách nhiệm. Nhưng ngay chính bản thân nó còn không biết là con của thằng nào. Tôi lựa lời hỏi thì nó quát lên bảo chiều ngủ với một thằng, tối ngủ với một thằng thì bố ai mà biết được thằng nào là thằng bố. Nó đợi đẻ xong nhà nào nhận thì nhận, không thì đem đi cho con nuôi người nước ngoài, mèng ra cũng được mấy nghìn đô.

Tôi thà băm vằm nó ra làm trăm nghìn mảnh để chăn lũ thú vật này thì có khi còn thấy nó có ích hơn, cô ạ. Tôi đã phải nhịn ăn nhịn mặc, vất vả cả đời để nuôi nó ăn học mà sao nó lại trả công tôi như thế. Tôi hỏi thế mày định sống tiếp thế nào thì nó trả lời nhạt toẹt thì vẫn ăn vẫn ngủ vẫn vui chơi giải trí vẫn xả sì trét. Giá như nó còn bé bỏng, nó mà bị ngã, tôi sẽ chạy lại nâng nó lên, đặt nó đứng thẳng thớm để nó bước tiếp. Đằng này... Sao nó lại hại tôi một nhát ác thế cơ chứ. Ai mà ngờ được cuối đời tôi phải sống chui rúc trong gian hàng chật chội này, nhà đã phải bán lấy tiền trả các món nợ ăn chơi của nó mà vẫn còn thiếu.

Thôi, cô nghe tôi, mua lấy một con chó con về mà nuôi. Nó sẽ quấn quít bên cô, không bao giờ khiến cô phải phiền lòng. Mà có lúc nào cô không thích nữa thì đem bán phắt hay giết thịt mà ăn. Còn lũ con của cô, trước thì cô dứt thịt đẻ ra chúng nó, sau thì nó dứt xương dứt tủy của cô, nó sẽ bòn cô không còn một đồng cắc, bòn cô đến không còn cả hơi mà thở. Chúng tra tấn đời cô đến muốn chết cho nhẹ nhõm mà không chết nổi. Chúng trả ơn ta thế đấy. Như tôi đây này. Tin tôi đi. Hiểu chưa.

Lần này thì tôi hiểu, tuy vậy tôi vẫn chọn một con rùa, tôi thích vẻ ngộ nghĩnh và kiên nhẫn của nó. Tôi đánh giá cao sự sẻ chia thầm lặng của nó trong suốt vài tiếng đồng hồ ngồi nghe những lời thở than của bà cá cảnh. Không nhất thiết nỗi đồng cảm nào cũng phải bày tỏ bằng lời. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng loài rùa này có thể sống đến hơn bảy mươi năm trong điều kiện nuôi nhốt. Tôi đã đi được một chặng đời dài nên không cần đến tình bạn dài tới bảy mươi năm. Nhưng dù sao, việc mua con rùa, ngoài lợi ích trước mắt là khiến cho thằng con mà tôi vô cùng chiều chuộng được thoả ý thích thì tôi cũng sẽ được hưởng niềm vui ngấm ngầm ít ra cuộc đời mình cũng có kẻ gắn bó lâu dài.

Mặc dù còn đang mải sụt sịt, bà cá cảnh vẫn nhất định không chịu cho bớt đồng nào vì lý do con rùa tôi chọn có vệt đỏ đậm màu nhất. Bà ta khẳng định con rùa chắc chắn sẽ đem lại niềm vui cho người nào có nó.

Thêm có mấy nghìn mà sẽ không bao giờ còn phải buồn phiền nữa. Hiểu chưa?

Vì đã nhận đủ tiền, bà ta khuyến mại cho tôi mấy lời khuyên miễn phí:

Tôi cũng cảnh báo cho cô biết rằng cái giống này mang rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm có thể gây họa nên cô hết sức tránh xa. Đừng có nên phóng sinh vì nó sẽ chén hết mọi vật sống cùng, kể cả những loài to lớn gấp nhiều lần nó. Tóm lại nếu muốn còn tiếp tục được sống trên đời này cô cần cảnh giác với bất cứ gì trông có vẻ tử tế. Tốt nhất là nên hoá kiếp cho nó. Hiểu chưa?

Truyện ngắn của Lưu Thị Bạch Liễu

 

Lưu Thị Bạch Liễu tốt nghiệp Khoa toán ĐH Sư phạm Việt Bắc, ra làm trong ngành công an, rồi đi làm báo. Nữ nhà thơ sinh năm 1973 này hiện sống và làm việc tại Thái Nguyên.

Khởi đầu là thơ, đoạt Giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh - Báo Tiền Phong 1993 khi còn là sinh viên, Lưu Thị Bạch Liễu chuyển dần sang văn xuôi. Cô xuất bản hai tập thơ (2007, 2009) và một tập truyện ngắn (2011); Đoạt thêm một số giải thưởng có uy tín.

Truyện ngắn Lưu Thị Bạch Liễu thường rất kịch tính. Nhân vật của cô đa nhân cách, mạch văn nhanh, giọng văn khách quan nhưng có gì đó chua chát ẩn phía sau những dòng chữ.

Rùa tai đỏ là một truyện ngắn như vậy.

 

Theo L.A.H (Tienphong Online)