Ξ|Ξ   HỌ LƯU ĐỊA PHƯƠNG ::. MIỀN TRUNG ::. Quảng Nam.
Đăng ngày 25/10/2019
E-mail     Bản in

ĐẤT THIÊNG TRÀ KIỆU, DUY XUYÊN, QUẢNG NAM
(LUUTOC.VN) - Trà Kiệu là đệ nhất xã trong "Quảng Nam tam đại xã", là cố đô của Chăm Pa, là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia với rất nhiều bậc tiền nhân nổi tiếng, trong đó có hai Cao Tổ tiêu biểu của Lưu Tộc Việt Nam là Tiền hiền Khai Cơ Lưu Kim Giám - tước Hàm Rồng Bá và Thượng Hậu Hiền Lưu Văn Tâm, đều được ban sắc phong.

Phù điêu mô tả Kinh đô cổ của Chămpa
Trà Kiệu suốt 6 thế kỷ (IV - X) là đất thiêng, đã từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa, do vua Phạm Hồ Đạt (Fanhuta 380-413) dựng nên. Kinh đô này có tên là Simhapura, có nghĩa là Thành Sư Tử. Các vua Chămpa cũng chọn thung lũng Mỹ Sơn (cách Trà Kiệu trên 10km đường chim bay và cách Đà Nẵng 40km) để xây Thánh địa - một quần thể tháp thờ các vị thần Bhadresvara [1, tr.6] bảo hộ cho vương quyền và xứ sở, nay là Di sản Văn hoá Thế giới.
Vùng đất Trà Kiệu đã có dấu ấn lịch sử triều Tiền Lê, khi vua Lê Đại Hành đem đại binh Nam tiến để trinh phạt trừ mối hoạ Chămpa cấu kết với nhà Tống ở phía Bắc, âm mưu thôn tính Đại Việt năm 982 [2]. Lê Đại Hành đại thắng, Kinh đô Chămpa phải di dời từ Đồng Dương (Quảng Nam) vào Đồ Bàn (Bình Định) [3,tr.43]. Tướng quân Lưu Kế Tông quân quản và trở thành vua Vương quốc Chămpa [4] trong 3-5 năm (984-989). Tiếp theo, vào năm 1306 Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả con gái là Huyền Trân Công chúa (em gái của vua Trần Anh Tông) cho vua Chăm là Chế Mân [1, tr.7] với của Hồi môn là Châu Ô và Châu Lý (sau đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu).
Trà Kiệu, tính đến 2020 là một xã được thành lập 550 năm, kể từ thời điểm 13 vị Thủy Tổ Tiền Hiền rời vùng đất Thanh-Nghệ-Tĩnh, theo chiếu dụ của vua Lê Thánh Tông vào Nam mở nước. Trà Kiệu đến năm 1907 trở thành 1 xã lớn nhất trong Quảng Nam Tam Đại Xã (nhất Trà Kiệu, nhì La Qua, ba Tú Tràng).
13 vị Thủy tổ đó thuộc các dòng họ: Lê Đình, Lưu Văn, Nguyễn Thanh, Nguyễn Thanh, Nguyễn Tất, Nguyễn Quang, Nguyễn Đăng, Đinh Công, Nguyễn Hữu, Nguyễn Thành, Nguyễn Như, Nguyễn Tá và Lê Quang. Các Ngài đã lập nên xã Trà Kiệu vào những năm 1470 -1479, được triều Nguyễn (1924) sắc phong là “Trà Kiệu Khai Cơ Tiền Hiền” với Thần hiệu là Dực bảo Trung Hưng Linh phò tôn thần và vào triều Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế (1613-1635) được phong tước Bá (tước thứ 3 sau tước Công và tước Hầu trong quan phẩm đương thời). Thuỷ Tổ họ Lưu Văn là Cao Tổ Lưu Kim Giám - tước Hàm Rồng Bá.
Theo chủ trương chiêu dân lập ấp của nhà Vua, dân số xã Trà Kiệu ngày càng đông, đất đai ngày càng mở rộng. Năm 1905 có tới trên 2.000 mẫu ruộng và hơn 400 dân đinh. Triều đình chia thành 5 xã nhỏ: Trà Kiệu Trung, Đông, Tây, Nam và Trà Kiệu Thượng, thuộc hai xã Duy Trung, Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay. Tuy nhiên, việc thờ cúng và lễ hội truyền thống vẫn được tổ chức chung cho cả 5 xã.
Kế tiếp 13 Trà Kiệu Khai cơ Tiền Hiền, các đời sau có nhiều Thuỷ tổ các tộc từ phía Bắc và các vùng khác về Trà Kiệu, khai khẩn thêm ruộng đất, cũng được sắc phong, như: 4 vị Trà Kiệu Thứ Thế Tiền Hiền(khai đất năm 1535), 13 vị Trà Kiệu Hậu Hiền(khai đất năm 1578), 12 vị Liệt Tổ (khai đất năm 1657, do không có sắc phong vì không đủ giấy tờ nên gọi là Liệt Tổ); 7 vị Trà Kiệu Thượng Hậu Hiền (khai đất Trà Kiệu Thượng năm 1661, theo đạo Thiên Chúa, tham gia xây dựng Giáo đường Trà Kiệu đầu tiên), trong đó có Cao Tổ Lưu Văn Tâm là hậu duệ của Khai cơ Tiền Hiền Lưu Kim Giám.

Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, Duy Xuyên, Quảng Nam
Năm 1955, chư tộc Ngũ Xã đã tôn tạo xây dựng lại ngôi Nhà thờ Tiền hiền, do năm 1947 bị dỡ huỷ, tiêu thổ kháng chiến cùng đình Trà Kiệu để đánh giặc Pháp. Từ đó đến nay có thêm 20 tộc phái đến cư trú lâu dài tại Trà Kiệu nên bài vị Tổ tiên cũng được thờ tại Nhà thờ, được xưng là Liệt Tổ. Tất cả Thứ Thế Tiền Hiền, Hậu Hiền và Thượng Hậu Hiền đều được sắc phong như Tiền Hiền khai cơ ở trên. Như vậytrong Nhà thờ,tổng số có 69 vị Tổ, đại diện cho 63 họ tộc được tôn thờ (Danh sách có trong Phụ lục kèm theo).
Trước đây, Trà Kiệu có đồng bộ đình, nhà thờ Tiền Hiền và chùa, đều được xây dựng năm 1680. Đình thờ các thần linh và văn thần, võ chức. Nhà thờ Tiền Hiền Trà Kiệu (khi tách Trà Kiệu thành 5 xã nhỏ thì gọi là Nhà thờ Tiền Hiền Ngũ xã Trà Kiệu), được Bộ VHTTDL cấp bằng công nhận “Di tích Lịch sử – Văn hóa” cấp quốc gia vào năm 2005.
    Trong địa phận Trà Kiệu có những di tích ấn tượng, như Lăng mộ 13 vị Khai cơ Tiền Hiền và 4 vị Thứ Thế Tiền Hiền với 2 bia mộ đá cẩm thạch, xây dựng (1892) đến nay vẫn được gìn giữ nguyên vẹn; Lăng mộ Cử nhân, Tả Tham Tri Bộ lại Nguyễn Đức Chánh (1802-1850), quê ở xã Duy Trung, là một quan thanh liêm, tài cao về văn học đã từng giảng giải kinh sách cho vua Tự Đức và truyền thụ cho gần 100 môn sinh, trong đó có người đỗ Tiến sĩ Khoa bảng; các danh lam thắng cảnh, như chùa Bửu Châu Quang, do Hiếu Văn Hoàng hậu (vợ chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên) lập năm 1613 trên núi Non Trược.
 

 Chùa Trà Kiệu vẫn được bảo tồn đến nay.
Đến năm 1824, chùa được dời về địa phận xã Chiêm Sơn, đổi tên thành Vĩnh An Tự (chùa Vua). Thay vào đó xây nhà thờ Đức Mẹ Trà Kiệu như ngày nay [1, tr.41]. Phía Nam nhà thờ Ngũ Xã còn lưu giữ di tích thành cổ kinh đô Trà Kiệu dài 2.000m, cao 4m và dày 20m. Phía Tây có Giếng Tiên, nằm trên núi độ cao 80m, bốn mùa nước xanh mát.
Trà Kiệu còn nổi tiếng với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục, kết hợp với thuỷ tú sơn kỳ, địa linh nhân kiệt nên có nhiều người xuất chúng là con cháu các Đức Khai cơ Tiền Hiền, làm quan đến chức Vinh Lộc Đại Phu, Thái đường Tự Khanh, Chánh Phó Vệ uý, Phấn Võng Tướng quân..., được Vua ban sắc phong. Đặc biệt,Trà Kiệu còn lưu danh Thống Thủ Thái phó Mạc Cảnh Huống là bạn "tình nghĩa cột chèo" với chúa Nguyễn Hoàng, Thủy tổ của tộc Mạc Nguyễn Trường ở Trà Kiệu Tây và chi họ Nguyễn Trường ở Phú Cốc, Quế Sơn, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ngaì là Đệ nhất công thần phù giúp chúa Nguyễn Hoàng từ buổi ban đầu, được vua ban sắc phong là “Khai Quốc Công Thần” mang quốc tính, được thờ ngang hàng với các vị thần trong đền Trung Nghĩa. Mộ của Ngài toạ tại xứ Hoàn Châu, cạnh chùa Trà Kiệu. Nhiều Đức Tiền nhân, như 4 đời hậu duệ kế tục của Liệt Tổ Huỳnh Văn Lệ, đã thi đỗ Cử nhân 4 khoá thi liên tục 1848 -1891, được bổ dụng làm quan. Khi quân Pháp xâm lược Việt Nam, các Cụ không chấp nhận làm tay sai cho Pháp mà lui về ở ẩn, dạy học và trở thành những bậc sĩ phu đáng kính, đào tạo ra nhiều thế hệ học trò khoa bảng đỗ đạt và thành tài cho đất nước.
Thời đại Hồ Chí Minh, Trà Kiệu phát huy truyền thống tốt đẹp của Tiền nhân đã tham gia kháng chiến chống giặc xâm lược bảo vệ Tổ quốc, nhiều bà mẹ đã trở thành Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều người đã hy sinh tuổi trẻ cho đất nước trở thành thương binh, Anh hùng Liệt sĩ, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Tiêu biểu về họ Lưu Văn có các ông Lưu Thiều - Bí thư Huyện uỷ đầu tiên Duy Xuyên, Lưu Đình Hoàng, Lưu Lợi... là cán bộ trung kiên tham gia hoạt động cách mạng. Hai xã Duy Trung, Duy Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ngoài ra, có Anh hùng Lao động Lưu Ban, được tặng Huân chương lao động, Huân chương độc lập trong thời kỳ đổi mới. Mặt khác, có nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ và rất nhiều thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân... đang tích cực cống hiến cho kiến thiết nước nhà.
Hằng năm, các thế hệ con cháu Ngũ Xã Trà Kiệu từ mọi miền Tổ quốc, kể cả nước ngoài đều hội tụ về Trà Kiệu tham dự Lễ Hội để cúng tế, dâng hương tưởng niệm công đức Tổ Tiên. Đặc biệt, năm 2020 Ngũ Xã Trà Kiệu sẽ tổ chức Lễ hội tròn 10 năm rất lớn và trang trọng. Hướng đến sự kiện trang trọng này, Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam và Nghệ nhân Nhân dân Trần Độ, làng nghề Gốm Bát Tràng đang phối hợp với các chi tộc họ Lưu Văn ở huyện Duy Xuyên nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung và cùng Hội đồng chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu có một việc làm có ý nghĩa để tri ân các bậc Tiền nhân khai cơ lập nên Ngũ xã Trà Kiệu, nhất là có Ngài Cao Tổ Khai cơ Tiền Hiền Hàm Rồng Bá Lưu Kim Giám.
                                                                   Tiến sĩ Lưu Văn Thành
Chủ tịch Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặc san kỷ niệm 535 năm Ngũ Xã Trà Kiệu - Lịch sử và di tích tiền nhân Ngũ Xã Trà Kiệu; Tác giả Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu, 4/2005.
2. Đại Việt sử ký toàn thư (Trọn bộ), Nxb Thời đại, 2011.
3. Có 500 năm như thế, Bản sắc Quảng Nam từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Tác giả Hồ Trung Tú, Nxb Thời đại 2011.
4. Le Royaume de Champa; Tác giả M. Georges Maspero, Paris et Bruxelles -Les editions G. Van Oest, MDCCCCXXVIII và www.vihanonlines.com/index.php?...vua-chiem-thanh/05 052009.
 
PHỤ LỤC: Danh sách 69 vị tổ tiền nhân khai cơ của Ngũ Xã Trà Kiệu
1.Trà Kiệu Khai cơ Tiền Hiền (13 Ngài): 1- Lê Đình Lộc (An Bá Bá), 2-Lưu Kim Giám (H àm Rồng Bá), 3- Nguyễn Thanh Long (An Chánh Bá), 4- Nguyễn Thanh Chiên (Nghĩa Dũng Bá), 5- Nguyễn Tất Thành (Nghĩa Oai Bá), 6- Nguyễn Quang Lộc (Vân Linh Bá), 7- Nguyễn Đăng Phò (Tào Giang Bá), 8- Đinh Công Bính (Chiêm La Bá), 9- Nguyễn Hữu Phối (Bình Sa Bá), 10- Nguyễn Thành Nữ (Châu Nhai Bá), 11- Nguyễn Như Đơn (Bản Tân Bá), 12- Nguyễn Tá Tạo (Khê Môn Bá) và 13- Lê Quang Nghị (Đồng Tháp Bá).
2.Trà Kiệu Thứ Thế Tiền Hiền (4 Ngài): 1- Nguyễn Đức Tộ, 2- Nguyễn Văn Cày, 3- Võ Văn Long và 4- Phạm Thế Thành.
3.Trà Kiệu Hậu Hiền (13 Ngài): 1- Lê Đức Khoan, 2- Nguyễn Văn Phú, 3- Nguyễn Văn Xử, 4- Nguyễn Viết Tuế, 5- Phạm Văn Ba, 6- Đoàn Ngọc Khuê, 7- Lê Phước Dệ, 8- Nguyễn Viết Dũng, 9- Lê Văn Dư, 10- Đặng Công Đài, 11- Trương Văn Tốt, 12- Lê Văn Hiệp và 13- Nguyễn Cảnh Vạn.
4. Trà Kiệu Thượng Hậu Hiền (7 Ngài): 1- Lưu Văn Tâm (Hậu duệ của Tiền Hiền Lưu Kim Giám), 2- Nguyễn Thanh Cảnh (Hậu duệ của Tiền Hiền Nguyễn Thanh Long), 3- Nguyễn Quang Ba (Hậu duệ của Tiền Hiền Nguyễn Quang Lộc), 4- Nguyễn Đăng Ứng (Hậu duệ của Tiền Hiền Nguyễn Đăng Phò), 5- Đinh Công Triều (Hậu duệ của Tiền Hiền Đinh Công Bính), 6- Lê Văn Càn (từ miền Bắc vào) và 7- Nguyễn Viết Bỉnh (từ miền Bắc vào).
5. Trà Kiệu Liệt Tổ Khai cơ (12 Ngài): 1- Nguyễn Văn Tám, 2- Huỳnh Văn Lệ, 3- Nguyễn Văn Vu, 4- Nguyễn Văn Tranh, 5- Trần Doãn Trinh, 6- Phạm Văn Lộc, 7- Phạm Văn Thể, 8- Lê Văn Hoà, 9- Huỳnh Văn Bửu, 10- Bùi Văn Cửu, 11- Nguyễn Văn La và 12- Nguyễn Văn Xử.
6. Trà Kiệu Liệt Tổ Khai cơ (20 Ngài -sau 1955): 1- Nguyễn Văn Xuân, 2- Nguyễn Văn Chế, 3- Dương Đức Lý, 4- Huỳnh Ngọc Thạnh, 5- Trần Văn Xuân, 6- Trần Văn Đằng, 7- Nguyễn Văn Biện, 8- Lương Văn Đợi, 9- Nguyễn Văn Tài, 10- Huỳnh Văn Kỷ, 11- Nguyễn Văn Trương, 12- Phạm Văn Ruộng, 13- Nguyễn Văn Lô, 14- Lý Văn Chiến, 15- Trương Văn Huyển, 16- Nguyễn Văn Lộc, 17- Dương Hữu Công, 18- Lê Văn Hảo, 19- Phạm văn Sỹ và 20- Nguyễn Văn Cẩn./.
 


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)