Ξ|Ξ   HIẾU - HỶ ::. NGÀY GIỖ - TƯỞNG NIỆM.
Đăng ngày 25/10/2013
E-mail     Bản in

Thiếu tướng HOÀNG THẾ THIỆN vị tướng ba lần Nam tiến
Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (20/10/1922 – 5/9/1995), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Di ảnh Thiếu tướng HOÀNG THẾ THIỆN
(LƯU VĂN THI)

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 1 hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân huy chương khác. Ông còn được Hội đồng Viện hàn lâm Hermann Gmeiner thuộc tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế trao tặng giải thưởng "Kim vàng Danh dự" do đã có những đóng góp đặc biệt cho tổ chức này.

Thượng tá (1958), Đại tá (1966), Thiếu tướng (1974)


"Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu". (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

"Anh Thiện có nhiều kinh nghiệm về công tác chính trị và có kiến thức quân sự. Anh chiến đấu rất dũng cảm. Anh Thiện đã cùng anh Nguyễn Hữu An chỉ huy, chỉ đạo Sư đoàn 1 đánh nhiều trận hay, đặc biệt là đánh thiệt hại nặng lữ dù 173 của Mỹ trong chiến dịch Đắc Tô I trên đồi 875 ở phía tây bắc Kon Tum vào mùa Đông năm 1967 ... Điểm đặc biệt của anh Thiện: tuy là Chính ủy nhưng rất chú ý đến quân sự và nghiên cứu về tình hình địch. Một Chính ủy như thế quả là hơi hiếm". (Thượng tướng Hoàng Minh Thảo)

"Anh Hoàng Thế Thiện - Chính ủy là người toàn năng, không chỉ giỏi về chính trị mà còn là người hiểu biết về quân sự, khá sâu những vấn đề có liên quan đến cương vị của mình và rất xứng đáng là nhân vật trung tâm của Sư đoàn" (Thượng tướng Nguyễn Hữu An)

"Tuy là Chính ủy nhưng anh Hoàng Thế Thiện có trình độ cao về nghệ thuật quân sự, về cách đánh của nhiều hình thức tác chiến khác nhau. Vì vậy, anh không chỉ đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị mà anh còn thực sự là một cán bộ chỉ huy quân sự, đi sâu vào tác chiến ... Điều làm gương cho chúng tôi và cán bộ quân sự nói chung là địch tìm mọi cách chống lại ta thì anh luôn tìm cách để đánh thắng địch. Đây là một điểm rất đặc biệt ở anh Thiện, một Chính ủy mà cũng là một nhà quân sự. Địch có cách này thì ta có cách khác hay hơn nó để đánh thắng nó. Đây là điều rất cần thiết trong chiến tranh". (Thiếu tướng Hoàng Đan)


Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện tên thật là Lưu Văn Thi sinh năm 1922 tại Hải Phòng trong một gia đình nghèo yêu nước. Cha ông từng tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và tham gia phong trào mặt trận Bình dân, là sáng lập viên đồng thời là Ủy viên Ban trị sự Hội Ái hữu công nhân tư gia thành phố Hải Phòng, cụ từng bị thực dân Pháp bắt giam. Gia đình cụ cũng là cơ sở của nhà Cách mạng Nguyễn Lương Bằng.

Ngay từ khi còn là học sinh Trường Bonnal, Hoàng Thế Thiện đã tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước của phong trào Hướng đạo sinh thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1940, ông tham gia Tiểu tổ bí mật do nhà cách mạng Vũ Quý phụ trách, tự động xây dựng lại cơ sở cách mạng bí mật tại thành phố Hải Phòng đã bị địch khủng bố tan rã trước đó. Ông tham gia hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ từ năm 1940 và được cử làm Ủy viên Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ thành phố Hải Phòng.

Tháng 1 năm 1942, ông tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc và được giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn Thanh niên Cứu quốc của Việt Minh thành phố Hải Phòng, đồng thời phụ trách một cơ sở bí mật trong thanh niên, học sinh thành phố. Sau một đợt đấu tranh treo cờ, phân phát truyền đơn toàn thành phố Hải Phòng có kết quả vào cuối năm 1942, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cứu quốc toàn thành phố và thống nhất đầu mối chỉ đạo.

Tháng 3 năm 1943, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt tại Ngân hàng Đông Dương và đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Ông bị kết án 5 năm tù khổ sai, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Trong tù, mặc dù bị tra tấn, đày ải nhưng ông không nhụt trí đấu tranh. Ông được kết nạp vào nhóm Trung Kiên ở Hỏa Lò và Hội Lao tù Cứu quốc ở Sơn La, được nhà cách mạng Trần Đăng Ninh trực tiếp huấn luyện về công tác bí mật và vận động quần chúng.

Tháng 3 năm 1945, ông vượt ngục tập thể trong nhóm của nhà cách mạng Trần Quốc Hoàn rồi về Thái Nguyên tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 4 năm 1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang Tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Vũ Nhai. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia giành chính quyền tại thị xã Thái Nguyên. Tháng 10 năm 1946, ông làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Tháng 10 năm 1946, ông làm Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Vĩnh Yên.

Tháng 4 năm 1947, ông được điều vào Quân đội làm Phái viên Chính trị Khu 10, rồi Trưởng phòng Chính trị Liên Khu 10 - Quân khu ủy viên. Tháng 7 năm 1948, ông được cử làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Sông Lô (E209). Tháng 9 năm 1949, ông được Bộ Quốc phòng cử làm Trưởng đoàn cán bộ quân sự vào tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, Nam tiến lần thứ nhất. Tháng 7 năm 1950, ông làm Phái viên Kiểm tra Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tháng 11 năm 1950, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Tây Đô (Khu 9), Chỉ huy phó các chiến dịch Long Châu Hà II và chiến dịch Sóc Trăng II. Cuối năm 1951, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Cửu Long (Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ). Tháng 10 năm 1952, ông làm Trưởng phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ - Quân khu ủy viên, ủy viên Ban Tuyên huấn và ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc phụ trách Ban Đại diện miền Tây Nam Bộ. Tháng 12 năm 1955, ông làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 3 - Quân khu ủy viên. Tháng 7 năm 1956, Ông làm Chính ủy Ban Nghiên cứu Sân bay. Tháng 12 năm 1958, ông được phong quân hàm Thượng tá. Tháng 1 năm 1959, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Cục Không quân.

Tháng 10 năm 1964, ông trở lại chiến trường Nam Bộ trên con tàu "không số" (Đoàn 125) với bí danh là Hoàng Dân tức Tư Dân, Nam tiến lần thứ hai. Lúc này, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có chủ trương thành lập một sư đoàn chủ lực của Quân Giải phóng miền Nam ở miền Tây Nam Bộ. Ông về thẳng miền Tây để chuẩn bị cho việc thành lập sư đoàn này và đảm nhiệm chức vụ Chính ủy sư đoàn, nhưng vì nhiều lý do khách quan nên sư đoàn này không thành lập được.

Tháng 12 năm 1964, ông làm Phó Chính ủy Quân khu 8 (Trung Nam Bộ). Tháng 7 năm 1965, ông về miền Đông tham gia thành lập Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân Giải phóng miền Nam, làm Phó Chính ủy - Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị đầu tiên của Sư đoàn 9. Tháng 2 năm 1966, ông được phong quân hàm Đại tá. Tháng 8 năm 1966, ông về Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 1, Đảng ủy viên Mặt trận B3; ông đã cùng Tư lệnh sư đoàn Nguyễn Hữu An chỉ huy, chỉ đạo Sư đoàn 1 đánh nhiều trận hay, đặc biệt là đánh thiệt hại nặng Lữ dù 173 của Mỹ trong chiến dịch Đắc Tô 1 trên đồi 875 ở phía tây bắc Kon Tum vào mùa đông năm 1967. Tháng 1 năm 1969, ông làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 304.

Tháng 7 năm 1970, ông được điều vào tuyến lửa Trường Sơn, làm Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Mặt trận 968 Nam Lào rồi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (tháng 1 năm 1971). Tháng 6 năm 1971, ông làm Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn (đoàn 559) kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh khu vực 470 (tương đương Sư đoàn). Tháng 5 năm 1973, ông làm Chính ủy - Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Ngày 16 tháng 4 năm 1974, ông được phong quân hàm Thiếu tướng theo Lệnh số 21-LCT của Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Tôn Đức Thắng. Tháng 2 năm 1975, ông được điều vào chiến trường B2 (Nam Bộ), Nam tiến lần thứ ba, làm Chính ủy đầu tiên - Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, Phó Chính ủy - Thường vụ Đảng ủy Mặt trận phía Đông thuộc Bộ Tư lệnh B2. Ông trực tiếp chỉ huy hướng tiến công Dầu Tiếng - Chơn Thành. Tháng 4 năm 1975, ông tham gia chỉ huy cánh quân hướng Đông - một trong năm cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tháng 12 năm 1976, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV. Tháng 4 năm 1977, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế - Bí thư Đảng ủy Tổng cục. Từ tháng 10 năm 1978 đến tháng 6 năm 1982, ông làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng Ban B.68 Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Đoàn Chuyên gia Việt Nam toàn Campuchia, Cố vấn cho Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia, Phó Tổng đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, Phó Tư lệnh Chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia kiêm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia (đoàn 478).

Tháng 7 năm 1982, ông được điều về nước làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội. Tháng 5 năm 1983, ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa II. Tháng 2 năm 1987, ông làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tháng 7 năm 1987, ông được nghỉ hưu.

"Có thể nói rằng, chặng đường chiến đấu của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở Nam Bộ gắn liền với các đơn vị chủ lực, với quá trình xây dựng, chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang chủ lực ở Nam Bộ, từ trung đoàn đến cấp quân đoàn. Ông có mặt ở hầu khắp các chiến trường Nam Bộ, từ miền Tây, miền Trung lên miền Đông và thành phố Sài Gòn, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những ngày tháng sôi động sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Những gì ông để lại cho lực lượng vũ trang Nam Bộ là hình ảnh một cán bộ chính trị - quân sự kiên trung, tận tụy, sâu sắc, mực thước và dung hậu. Với tư cách một người lính cầm súng, trên dọc đường hành quân đánh giặc, Nam Bộ là nơi ông dừng chân nhiều nhất, cũng là nơi ông dừng lại sau cùng" (Đại tá Hồ Sơn Đài, tiến sĩ Sử học)

"Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, một vị tướng trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều cương vị, là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội đứng mũi chịu sào của nhiều đơn vị. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí đã được Đảng tin cậy giao nhiệm vụ vào chiến trường Nam Bộ trong những thời điểm khó khăn nhất, nhưng đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên 50 năm hoạt động cách mạng, gần 40 năm chiến đấu và công tác trong Quân đội, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ chính trị - quân sự trung kiên, dũng cảm, trung thực, liêm khiết, sống gần gũi với đồng chí, đồng bào, nghiêm khắc với mọi biểu hiện cá nhân chủ nghĩa. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Là một vị tướng có uy tín của Quân đội, công lao và thành tích xuất sắc của đồng chí đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ta ghi nhận. Lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của Dân tộc ta và lịch sử quá trình xây dựng, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng còn mãi mãi ghi đậm hình ảnh và công lao vị tướng có tài tổ chức và chỉ huy chiến đấu, một Chính ủy kiên trung, mẫu mực, một đảng viên ưu tú của Đảng" 
Theo Thiếu tướng TRỊNH VƯƠNG HỒNG


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)