Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. LƯU TỘC VN VỚI ĐẤT NƯỚC.
Đăng ngày 24/7/2015
E-mail     Bản in

Lễ Khánh thành Nhà lưu niệm Liệt sĩ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sỹ  27 tháng 07 năm 2014, với tấm lòng đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với những người con đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, giải  phóng dân tộc, bảo vệ quê hương đất nước. Được sự quan tâm, giúp đỡ và tri ân của Đảng, Chính quyền, các ban ngành trong tỉnh Nam Định, huyện Trực Ninh, thị trấn Cát Thành, Ban liên lạc Hội tù chính trị Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng gia tộc họ Lưu thôn Hương Cát, Ban liên lạc Lưu Tộc Việt Nam, nhân dân địa phương đã khởi công xây dựng công trình Nhà lưu niệm Liệt sỹ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu tại quê nhà, trên mảnh đất trước đây gia đình Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu đã sinh sống ở thôn Hương Cát, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

 Sau gần một năm tích cực thi công xây dựng công trình, ngày 19 tháng 07 năm 2015 Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh đã tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu. Ngay từ chiều tối ngày 18 tháng 07 năm 2015, ban tổ chức cùng gia đình và họ Lưu thôn Hương Cát đã đón rước tượng Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu về Nhà thờ tưởng niệm để làm Lễ tâm linh: (tượng bán thân, cao 85cm bằng đồng hun, do Hội tù chính trị Côn Đảo và hội Luật gia cung tiến)

Gần nửa tháng nay, trên các trục đường từ huyện Trực Ninh, thị trấn Cát Thành, thôn Hương Cát dẫn về Nhà lưu niệm Liệt sỹ anh hùng Lưu Chí Hiếu, cờ, hoa, băng ron, khẩu hiệu rực rỡ, người người hân hoan phấn khởi, xe cộ tấp nập. Nhiều đoàn khách từ miền Nam ra, từ Hà Nội về, từ Hải phòng tới, từ các huyện bạn về đây để cùng dâng hương tưởng niệm tri ân Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu.

  Về dự lễ khánh thành có Ông Phạm Hồng Hà UVTƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Trần văn Chung  - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nam Định; Ông Bạch Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND Nam Định; Ông Phạm Quang Thái - Bí thư Huyện ủy Trực Ninh cùng các ban ngành, cơ quan hữu quan của tỉnh và huyện.

Về dự lễ khánh thành còn có sự hiện diện của: Đại diện Tỉnh ủy và UBND Bà Rịa, Vũng Tàu; Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Côn Đảo, Hội tù chính trị Côn Đảo; Hội Luật gia; Hội truyền thống cấp ủy Trực Ninh; Hội đồng hương Trực Ninh tại Hà Nội, Hội cựu học sinh cấp ba Trực Ninh;  Ban liên lạc Lưu Tộc Việt Nam; các tướng lĩnh, sỹ quan trong lực lượng vũ trang, các  công ty, doanh nghiệp, doanh nhân, gia đình Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu cùng cộng đồng họ Lưu thôn Hương Cát và toàn thể nhân dân địa phương.

 Mở đầu buổi Lễ là màn chèo của đoàn chèo Nam Định hát về Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu, tiếp theo  Ông Nguyễn Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh tổ chức chào cờ và điều hành chương trình lễ khánh thành.

Thay mặt cho Huyện ủy, UBND huyện Trực Ninh, Ông Lưu Văn Dương - Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh,  đã đọc diễn văn khánh thành Nhà lưu niệm Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu, ôn lại lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Trực Ninh, tiểu sử Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu, sau đây là toàn bộ bài phát biểu: 
                                                                     
                                                                DIỄN VĂN KHÁNH THÀNH 
NHÀ LƯU NIỆM ĐỒNG CHÍ LƯU CHÍ HIẾU
 
Kính thưa : Anh linh Liệt sỹ, Anh hùng LLVT Nhân dân Lưu Chí Hiếu;    
      

Kính thưa các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân !

Hôm nay, Đảng bộ và nhân dân Huyện Trực Ninh long trọng tổ chức Lễ khánh thành Nhà Lưu niệm Liệt sỹ Anh Hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu – người con của quê hương đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta bồi hồi xúc động và tự hào ôn lại những chặng đường vẻ vang, những trang sử hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Trực Ninh. Ôn lại và ghi nhớ cuộc đời hoạt động cách mạng, gương chiến đấu hy sinh của Liệt sỹ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu.

 Trực Ninh là huyện giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nhân dân dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã góp phần làm nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc; quê hương chúng ta là một trong những cái nôi Cách mạng của tỉnh Nam Định, tháng 7-1926 tổ chức Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội được thành lập, là một trong 5 Chi bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội đầu tiên của tỉnh Nam Định. Ngày 10 - 12 - 1929 lá cờ Đảng tung bay trên Cây Gạo Cầu Cao như một biểu tượng rực rỡ của ý chí quật cường cách mạng của nhân dân Trực Ninh. Đảng ra đời, phong trào đấu tranh Cách mạng phát triển mạnh;  thực dân Pháp đã đàn áp, khủng bố gắt gao; nhiều cán bộ, Đảng viên, học sinh và quần chúng Cách mạng đã bị chúng bắt giam, tra khảo hết sức dã man nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, tiếp tục đấu tranh.

Tổng khởi nghĩa, Trực Ninh được chọn làm điểm giành chính quyền đầu tiên của tỉnh Nam Định; từ tối ngày 16/8 đến 3 giờ chiều ngày 17/8/1945, nhân dân và lực lượng vũ trang đã đánh chiếm huyện lỵ Cát Chử (nay là Thị trấn Cát Thành) giành chính quyền. Thắng lợi này là “đột phá khẩu” để Ban cán sự Đảng tỉnh rút kinh nghiệm lãnh đạo nhân dân các huyện giành chính quyền thắng lợi trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 22/8/1945.

Trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; Đảng bộ, quân và nhân dân Trực Ninh đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; phong trào thi đua yêu nước phát triển, là hậu phương vững chắc đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường, thực hiện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả cho tiền tuyến lớn, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc có 15.035 thanh niên Trực ninh lên đường tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, 13.197 người tham gia du kích, dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong; 3.031 người đã anh dũng hy sinh cống hiến trọn đời cho tổ quốc được công nhận là Liệt sỹ; 6.193 thương, bệnh binh; 197 bà mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng trăm người bị tù đày trong các nhà tù của thực dân, đế quốc; hàng nghìn người phải chịu nỗi đau suốt đời bởi chất độc da cam, mang những bệnh tật hoặc hy sinh hạnh phúc riêng của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng đất nước; năm 2002 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Trực Ninh được Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kính thưa các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân.

Xã Cát Thành xưa, nay là Thị trấn Cát Thành được thành lập năm 1978 hợp nhất từ 2 xã Trực Cát và Trực Thành; là nơi có phong trào cách mạng phát triển sớm, ngay từ những năm 1925, 1926 Nhà giáo Đào Đình Mẫn dạy học tại Trực Thành đã truyền bá tư tưởng yêu nước, giải phóng dân tộc của Cụ Phan Bội Châu, Cụ Phan Chu Trinh; truyền bá tôn chỉ, mục đích của tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” và năm 1927 Nhà giáo Đào Đình Mẫn cùng với Nhà giáo Phạm Gia, Nhà giáo Đỗ Quang Nhân thành lập nên Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội tại Trực Ninh; từ đó phong trào cách mạng tại Làng Hương Cát nói riêng và Cát Thành nói chung phát triển mạnh.

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước; Đảng bộ, quân và dân thị trấn Cát Thành luôn đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn gian khổ lập nhiều chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc; năm 2004 Nhân dân và LLVT nhân dân thị trấn Cát thành được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực Lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nơi đây, xưa là làng Hương Cát, xã Trực Thành nay là Tổ Dân phố Bắc Hoà, Thị trấn Cát Thành; Năm 1913, đã sinh ra đồng chí Lưu Chí Hiếu; Cha mẹ mất sớm, được người chú nuôi dưỡng, cho đi học tại trường làng, được thầy giáo truyền cho tinh thần yêu nước, cách mạng, đồng chí đã sớm gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và được giao nhiệm vụ liên lạc, in tài liệu, rải truyền đơn.

Cuối năm 1934, đồng chí Lưu Chí Hiếu tìm cách liên lạc với cách mạng để thành lập tổ chức “Thanh niên dân chủ” đưa phong trào đấu tranh của nhân dân làng Hương Cát đi lên. Năm 1942, phong trào bị địch đàn áp dã man, đồng chí được cấp trên chỉ đạo bí mật sơ tán lên Hà Nội, ra Hải Phòng và vào Sài Gòn tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 5/1945, đồng chí tham gia phong trào Thanh Niên Tiền Phong, tháng 8/1945 tham gia chính quyền Sài Gòn Gia Định và tháng 4/1946 được tuyển vào Ban Công tác 4, tháng 12/1951sát nhập Tiểu Đoàn Quyết tử 950.

Tháng 7/1954, đồng chí Lưu Chí Hiếu được điều về Ban công vận Quận ủy – Quận 1, thành phố Sài Gòn. Ngày 06/7/1955  đồng chí Lưu Chí Hiếu bị địch bắt khi đang trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình của nghiệp đoàn thợ giày do Uỷ ban Cứu trợ - bảo vệ tài sản dân chúng thành phố phát động và bị giam tại đề lao Gia Định (Biên Hoà) cùng 4 người khác với tội danh “chỉ huy đám biểu tình”; sau địch chuyển đồng chí về giam tại Trung tâm huấn chỉnh Biên Hoà, là một trong số 305 tù nhân “nguy hiểm” ở các nhà lao trên toàn miền Nam bị đày ra Côn Đảo ngày 20/3/1957.

Tại Nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lưu Chí Hiếu bị giam ở phòng số 6, trại I. Đây là trại giam dành cho những đối tượng “to gan”, “lớn mật” chống ly khai Đảng. Đồng chí Lưu Chí Hiếu cũng như nhiều tù chính trị chống ly khai đã phải trải qua đủ mọi loại cực hình của chốn “địa ngục trần gian” này. Ngay từ những ngày đầu bị bắt, bị đày ải và tra tấn rất dã man, nhưng đồng chí luôn sát cánh với những chiến sĩ kiên trung đấu tranh kiên cường, liên tục trong suốt 4 năm liền từ năm 1957 đến năm 1961 chống mọi thủ đoạn cưỡng bức, chống ly khai đảng. Càng bị địch tra tấn, hành hạ đồng chí Lưu Chí Hiếu càng tỏa sáng phẩm chất cao quí của người cộng sản. Khi lực lượng chống ly khai chỉ còn lại 7 người, bị địch giam giữ ở Chuồng Cọp, đã xuất hiện tư tưởng thỏa hiệp, muốn “Nhượng bộ một phần để cứu mạng sống”. Trước tình hình đó đồng chí Lưu Chí Hiếu đã giữ vững lập trường: “Các anh bàn gì thì bàn, nhưng đừng bàn chuyện ly khai Đảng, đừng quyết định cho tôi ly khai, tôi không đi đâu”. Đồng chí nói với mọi người: “Đảng dạy chúng ta chiến đấu chứ không dạy chúng ta đầu hàng. Dẫu chúng ta có hi sinh đến người cuối cùng thì thời gian và lịch sử sẽ báo cáo lại với Đảng, với Bác. Không thể ly khai được. Ly khai là làm sai tiếng nói của lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta. Ly khai là cướp không xương máu của những người đã hy sinh”.

Đó là Bản cam kết quyết tử chống ly khai của đồng chí Lưu Chí Hiếu. Bọn gác ngục phản kháng quyết liệt, mùa đông năm 1961 chúng khiêng hàng chục thùng nước lạnh, vôi bột lên Chuồng Cọp xối xuống đầu các chiến sĩ chống ly khai suốt ngày đêm. Những trận đòn không ngừng cùng với sự ăn uống vô cùng tồi tệ của địch đã dần làm sức lực của các chiến sỹ suy sụp nhanh chóng, những chiến sĩ chống ly khai đã dần kiệt sức; Song, các đồng chí vẫn kiên cường, với tinh thần tự lực chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn chống ly khai, chống tố cộng, chống chào cờ, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Trong một lần tra tấn dã man, thấy đồng chí Lưu Chí Hiếu nôn ra máu, địch tăng cường khủng bố; đồng chí Lưu Chí Hiếu đã chọn con đường quyết tử, chọn cái chết để chặn bàn tay khủng bố của kẻ thù. Đồng chí tuyên bố với bọn ác ôn ở Chuồng Cọp: Nếu còn tiếp tục hành hạ, truy bức tư tưởng tồi tệ kiểu này thì tôi sẽ đập đầu chết ngay trong Chuồng Cọp. Bọn ác ôn điên cuồng tấn công, chúng tra tấn liên tục, dội hơn 40 thùng nước xuống đầu đồng chí. Đồng chí đã anh dũng hy sinh ngay trong đêm 24/12/1961. (nhằm ngày 17 tháng 11 năm Tân Sửu)

Sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng đợt khủng bố của kẻ thù. Cuộc đời hoạt động cách mạng và chiến đấu của đồng chí Lưu Chí Hiếu, của Ông già Cao Văn Ngọc và những đồng đội đã ngã xuống trong Chuồng Cọp Côn Đảo là những bản anh hùng ca bất diệt.
Mặc dù kẻ thù đã thực hiện tất cả những thủ đoạn thâm độc nhất, tàn bạo nhất nhưng vẫn không khuất phục nổi trái tim và khối óc của những người cộng sản kiên cường; cuối cùng địch phải kính phục và thừa nhận rằng: “Vũ lực không thể thắng được trái tim những người cộng sản”.

Tấm gương chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, thể hiện một lập trường cách mạng kiên định như bức thành đồng của đồng chí Lưu Chí Hiếu trở thành ngọn cờ, là điểm tựa  tinh thần cho những người tù chính trị Côn đảo củng cố đội ngũ, thống nhất tư tưởng và hành động để chiến đấu với kẻ thù. Ngày 03/02/1972, lực lượng tù chính trị Câu lưu tại Trại VI (Khu B) đã thành lập Đảng bộ mang tên Lưu Chí Hiếu. Người đồng đội cùng thời chiến đấu với đồng chí là Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Thuận đã dành 7 trang để viết về Lưu Chí Hiếu trong tập Hồi ký Bất khuất, trong đó có câu: “… chúng tôi (tức 5 người còn lại) luôn nhắc nhau rằng cho dù cuộc chiến đấu kéo dài năm ba năm nữa rồi tất cả phải hy sinh thì Lưu Chí Hiếu vẫn cứ là số một”  và Giáo sư sử học Trần Văn Giàu khẳng định: “Đó là người anh hùng thực sự, hàng trăm lần anh hùng

Với những công lao, tấm gương anh hùng, bất khuất; ngày 23/02/2010.  Đồng chí vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cao quí: “Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam”.

Kính thưa các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân.

Thực hiện truyền thống đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, để tưởng nhớ công ơn của Liệt sỹ, Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau; Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, nguyện vọng của Hội Cựu tù Chính trị Côn Đảo và thân nhân đồng chí; Ban chấp hành Đảng bộ, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện đã thống nhất chủ trương vận động ủng hộ kinh phí đầu tư xây dựng Khu Lưu niệm Liệt sỹ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu; UBND huyện đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và dự toán công trình: Gồm các hạng mục công trình Nhà Lưu niệm, Nhà khách, Sân, kè ao, tường bao, đường vào với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ  đồng; thành lập Ban Vận động kêu gọi, ủng hộ kinh phí đầu tư xây dựng; nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của công trình và tinh thần trách nhiệm với người Anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc; các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, doanh nhân; các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện đồng tình ủng hộ.

Nhiều tập thể, cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ tiền mặt và hiện vật giá trị lớn; đặc biệt đồng chí Phạm Hồng Hà - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định đã ủng hộ 100.000.000 đồng và cũng là người khởi xướng kêu gọi, phát động ủng hộ xây dựng khu lưu niệm; Công ty cổ phần địa ốc MB land ủng hộ 500 triệu đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ ủng hộ 300.000.000 đồng; Cụ Phạm Văn Ngọ, Ông Phạm Văn Khôi – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CPĐT và xây dựng Giao thông Phương Thành ủng hộ tiền và toàn bộ hoành phi, câu đối, đồ thờ tổng giá trị hơn 300 triệu đồng; ông Trần Văn Huyên – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 5 ủng hộ 50 triệu đồng; ông Trần Thanh Tâm - Viện trưởng Kiểm sát huyện Côn đảo ủng hộ 50 triệu đồng; ông Nguyễn Quang Hiền – Tổng giám đốc,  Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội MIC ủng hộ 50 triệu đồng; Hội Học sinh cấp 3 Trực ninh Khóa 1974-1977 ủng hộ 50 triệu đồng.

Đến nay, Ban vận động đã nhận được số tiền ủng hộ 1,537 tỷ đồng và các hiện vật, gồm: Hoành phi, câu đối, đồ thờ, tủ trưng bày kỷ vật, bàn ghế trị giá hơn 200 triệu đồng. Huyện uỷ, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện trân trọng đón nhận và lưu danh công đức của các tập thể, cá nhân tại sổ vàng để lại cho muôn đời thế hệ mai sau.
 
Kính thưa các vị đại biểu! các đồng chí và toàn thể nhân dân !

Hôm nay, công trình Nhà Lưu Niệm Liệt sỹ, AHLLVTND Lưu Chí Hiếu và một số hạng mục phụ trợ đã hoàn thành giai đoạn 1, giá trị xây dựng hơn 3,0 tỷ đồng; đảm bảo chất lượng và các yêu cầu về kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật,  là một trong những công trình đẹp có giá trị về kiến trúc và mỗi hạng mục công trình đều mang ý nghĩa sâu sắc:

Tường bao và cổng có kiến trúc dân gian cổ truyền, tạo sự uy nghi, linh thiêng của nơi thờ tự; Bước vào sân là bản sao tấm bia tại Côn Đảo ghi khái lược cuộc đời hoạt động, chiến đấu và hy sinh anh dũng của đồng chí Lưu Chí Hiếu; nhà Lưu Niệm để lưu giữ bản sao những kỷ vật, những tài liệu về công lao, thành tích đặc biệt xuất sắc của đồng chí; Ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc cổ truyền, mô phỏng ngôi nhà cũ của gia đình đồng chí Lưu Chí Hiếu, tất cả các hạng mục công trình cũ, mới cùng với hàng cau, ao cá hoà quyện tạo nên cảnh quan của nông thôn Việt Nam giản dị và thanh bình; thể hiện tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân Trực Ninh, của thị trấn Cát Thành, của dòng họ và gia đình muốn đón Anh linh của đồng chí về với quê hương, đất mẹ. Đồng thời khẳng định Đảng bộ và nhân dân Trực Ninh mãi mãi ghi nhớ, mãi mãi biết ơn người Anh Hùng đã tận hiếu, tận trung vì nền độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Đúng như nội dung đôi câu đối trước cung thờ:

 
Thể phách gửi núi sông, mãi mãi vinh quang cùng đất nước
Linh hồn quy đất mẹ, đời đời gương sáng với nhân dân

 Nhân  nghĩa hiếu trung tròn một dạ
Tự do độc lập đến muôn đời!
 
Kính thưa các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân!

Công trình Nhà Lưu niệm Liệt sỹ, Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu hoàn thành, có sự quan tâm sâu sắc của đồng Chí Phạm Hồng Hà – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định; sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng tình ủng hộ đóng góp công sức trí tuệ, tiền của của các cơ quan, đơn vị, tập thể; các doanh nghiệp, doanh nhân,  nhân dân trong và ngoài huyện; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân huyện Trực Ninh; nguyện vọng của Hội cựu tù chính trị Côn Đảo và của thân nhân đồng chí Lưu Chí Hiếu.

Thay mặt Huyện uỷ, UBND, UBMT Tổ quốc Việt Nam huyện; tôi trân trọng cảm ơn đồng Chí Phạm Hồng Hà – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định; trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện; Hội cựu tù chính trị Côn đảo, cảm ơn Hội đồng hương, Hội doanh nhân Trực Ninh tại Hà nội và con em Trực Ninh trên mọi miền Tổ quốc, cảm ơn các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng công trình đầy ý nghĩa này.

Trân trọng ghi nhận và biểu dương Ban vận động, Ban Quản lý dự án, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cát Thành, Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng Nam Định; Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Hưng Thịnh; thân nhân đồng chí Lưu Chí Hiếu đã có nhiều cổ gắng trong quá trình triển khai xây dựng công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Thời gian tới Đảng bộ và nhân dân huyện Trực Ninh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của đồng Chí Phạm Hồng Hà, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh. Đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân; Các tầng lớp nhân dân; cán bộ, công nhân viên chức; cán bộ hưu trí, mất sức; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; các vị chức sắc và tín đồ tôn giáo trong huyện; bà con quê hương Trực Ninh đang sinh sống, công tác trên mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài bằng tình cảm và trách nhiệm của mình đối với người Anh hùng, tiếp tục ủng hộ tạo nguồn vốn thanh toán cho các hạng mục công trình giai đoạn 1 và hoàn thành các hạng mục công trình còn lại để khu Lưu niệm ngày càng trang nghiêm, sạch đẹp.

 Phòng Lao động Thương Binh và xã hội; Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc thị trấn Cát Thành, các tầng lớp nhân dân và gia đình, dòng họ Lưu – làng Hương Cát thường xuyên chăm lo, giữ gìn phát huy đúng giá trị của công trình.

Kính thưa các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân!

Trong không khí trang nghiêm và vô cùng xúc động này, trước anh linh của đồng chí Lưu Chí Hiếu, người con ưu tú của quê hương Cát Thành, Trực Ninh, Nam Định; Đảng bộ và nhân dân Trực Ninh, nguyện sẽ tiếp bước truyền thống của đồng chí góp phần xây dựng đất nước, xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh và giàu đẹp,  xứng đáng với lòng mong muốn và công lao của đồng chí và các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí ta đã hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

Xin kính chúc các vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể nhân dân sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ! 
 
Ông Phan Trọng Bình, một trong NĂM NGÔI SAO SÁNG, vẹn toàn khí tiết, toàn thắng trở về đã nói với các bạn tù, khi chỉ còn lại 7 người trong đội ngũ chống ly khai cộng sản ở Chuồng Cọp Côn Đảo rằng: "nếu chúng ta có tiếp tục cuộc chiến đấu này được vài tháng hay vài năm nữa mới hy sinh thì Lưu Chí Hiếu vẫn là số một”. Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu Lưu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận đấu tranh trong nhà tù. Ông hy sinh vô cùng anh dũng đêm 24-12-1961 tại Chuồng Cọp Côn Đảo, tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ông đã được tôn vinh là “những ngôi sao sáng nhất” trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết ở nhà tù Côn Đảo, được đánh giá là “hàng trăm lần anh hùng”


  Sau này, nhận lời viết đề tựa  tập sách “nhà tù Côn Đảo 1955-1975”, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã dành sự đánh giá trân trọng từ đáy lòng của một người tù chính trị lớp trước: “Tôi khâm phục người thợ giày Lưu Chí Hiếu, lưu lạc từ Nam Định ra Hà Nội, vào Sài Gòn, tham gia khởi nghĩa và kháng chiến, chức vụ chỉ tương đương tiểu đội trưởng, nhưng lại thể hiện xuất sắc bản lĩnh người cộng sản, quyết tử chống li khai trong lần quyết định vận mệnh của cuộc chiến đấu vào lúc hiểm nghèo. tên anh đã trở thành một ngọn cờ của tù nhân chính trị toàn đảo. Đó là thứ “Vàng trong lửa”, đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của nhân cách Việt Nam, của khí tiết cộng sản. Mong rằng các vị anh hùng ở nhà tù Côn Đảo được ca tụng xứng đáng nhất bằng những tập sách gối đầu giường cho thanh niên, được biểu dương xứng đáng nhất bằng những pho tượng đặt ở quê hương và ở các nhà trường

          Tiếp theo chương trình Lễ khánh thành Nhà lưu niệm Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu, đồng chí Trần văn Chung - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nam Định, thay mặt Tỉnh ủy, UBND Nam Định đã phát biểu: "Mãi gi nhớ tấm gương kiên trung, bất khuất của Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, của đất nước nguyện sẽ noi gương Liệt sỹ Anh hùng LLVTND Lưu Chí Hiếu, cán bộ và nhân dân Nam Định quyết tâm làm thật tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với thương binh, liệt sỹ, và quyết tâm xây dựng mảnh đất Nam Định giàu mạnh, văn minh..

Ông Oanh thay mặt cho Hội tù chính trị Côn Đảo đã phát biểu ca ngợi tấm gương kiên trung, bất khuất của chiến sỹ cộng sản Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu và trao tặng tiền cùng một số kỷ vật. Sau phần phát biểu của các quan khách là đến Lễ dâng hương, các vị đại biểu của các đoàn cùng gia tộc họ Lưu và nhân dân đã vào Nhà lưu niệm cử hành Lễ dâng hương, hoa và các kỷ vật ...

Ngoài những tổ chức, cá nhân đã đóng góp ủng hộ công đức đối với công trình kiến tạo Khu lưu niệm như đã nêu trong báo cáo của Chủ tịch huyện, trong buổi Lễ khánh thành Nhà lưu niệm Liệt sỹ Anh hùng Lưu Chí Hiếu ngày hôm nay, còn có nhiều tổ chức, cá nhân đã tiếp tục ủng hộ  công đức cho Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, để tiếp tục xây dựng tôn tạo hoàn chỉnh Nhà lưu niệm liệt sỹ anh hùng Lưu Chí Hiếu:

* Ông Trần văn Chung - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nam Định: 10 000 000 đồng
* Ông Oanh huyện Côn Đảo: 50 000 000 đồng
* Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát: 10 000 000 đồng
* Đại tá Ngô Kiên - Cục trưởng Cục Cảnh sát  chống buôn lậu: 10 000 000 đồng
* Ông Lưu Văn Dương - Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh: 5 000 000 đồng
* Hội truyền thống cấp ủy Trực Ninh: 5 000 000 đồng
* Ông Phạm Trọng Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh: 3 000 000 đồng
* Thiếu tướng Công an Phạm Văn Lai: 2 000 000 đồng
*Ban liên lạc Lưu Tộc VN: cờ thần, trướng, tiền = 1 500 00 đồng
* Họ Lưu Thôn Hương Cát, Cát Thành: 1.000.000 đồng .

 Ngoài ra nhân dân và chính quyền địa phương thôn Hương Cát, thị trấn Cát Thành đã đống góp nhiều công sức và tiền tài vào việc xây dựng và tu bổ công trình.

          Buổi lễ khánh thành Nhà lưu niệm Liệt sỹ anh hùng Lưu Chí Hiếu được tổ chức thật trang trọng, kính cẩn, giàu tinh thần yêu thương, ấm áp tình quê hương, mang đầy phong cách cách mạng...
































 
Nam Định, Ngày 19 tháng 7 năm 2015
Lưu Thiên An
 
LƯU THIÊN AN


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)