Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Ông Bà - Cha Mẹ mẫu mực.
Đăng ngày 24/7/2012
E-mail     Bản in

Hai cha con, hai niềm đam mê
Đối với Lưu Quang Vũ, cha vừa là một người bạn, một người đồng nghiệp. Tình yêu nghệ thuật và nhân cách sống của cha đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến anh trong từng tác phẩm sáng tạo.

Những ngày tháng 8 mang một ý nghĩa đặc biệt với PGS. TS Lưu Khánh Thơ và các thành viên trong gia đình của chị: kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội Sân khấu Việt Nam, một ngành nghệ thuật mà vì những cống hiến không mệt mỏi, hai người thân yêu của chị đã nhận được những tặng thưởng đặc biệt của đời sống, của Nhà nước và nhân dân. Giải thưởng Nhà nước dành cho nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, người cha, và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, người anh trai của chị.

Hai người thân yêu của gia đình chị Thơ đã ra đi mãi mãi, chỉ có những vở kịch, những bài thơ của họ là còn ở lại với cuộc đời. Tháng 8 còn có ngày giỗ của Lưu Quang Vũ. Anh đã từ biệt mẹ và các em vào cái ngày định mệnh 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông, cùng với người vợ là nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và con trai Quỳnh Thơ để đi gặp cha...

Căn phòng làm việc của PGS.TS Lưu Khánh Thơ ở Viện Văn học rộng rãi và yên tĩnh kỳ lạ, trong buổi chiều mùa hè nắng dội vàng mặt phố Lý Thái Tổ. Chị rưng rưng ôn lại những kỷ niệm về hai người đàn ông thương yêu nhất của mình.

Vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và con trai Lưu Quang Vũ tại Việt Bắc năm 1949.
Vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và con trai Lưu Quang Vũ tại Việt Bắc năm 1949.

Chị kể: "Cha tôi người gốc Đà Nẵng. Thuở nhỏ ông học rất giỏi, từng đoạt giải Pháp văn của mấy tỉnh Trung Kỳ. Ông sớm phải chịu cảnh mồ côi mẹ từ năm 16 tuổi. Sau khi mẹ mất, ông vào Sài Gòn tự lập, bắt đầu viết truyện, làm thơ đăng báo, viết kịch".

Năm 1943 ông quyết định ra Hà Nội, chọn Hà thành làm quê hương thứ hai của mình. Kháng chiến bùng nổ, ông đưa gia đình đi tản cư lên Phú Thọ, được giao phụ trách nhà in của Bộ Tài chính. Công việc đang rất yên ổn, nhưng ông lại xin gia nhập Đoàn kịch Chiến Thắng (tiền thân của đoàn Văn công Tổng cục Chính trị sau này).

Trong sự nghiệp sân khấu của mình, Lưu Quang Thuận viết không nhiều như một số tác giả khác, nhưng ông là người làm việc chu đáo và trách nhiệm. Nhiều người trong giới còn kể lại rằng, Lưu Quang Thuận là người cầu toàn đến… sốt ruột. Ở một khía cạnh nào đó, viết đối với ông là một nghi lễ, lúc nào cũng thành kính, thiêng liêng. Có khi chỉ vì để tìm một con chữ phù hợp trong một câu, một đoạn, ông loay hoay mất cả ngày giời. Vở kịch thơ "Tấm Cám" của ông là một ví dụ, ông sửa đi sửa lại mấy chục lần. Ông không chịu được sự cẩu thả, qua quýt.

Lưu Khánh Thơ viết về cha: "Tôi chưa nhìn thấy Nguyên Hồng đánh vật với những con chữ như thế nào, nhưng tôi đã gặp Lưu Quang Thuận xoay trần trong gian buồng hướng tây nóng như cái lò của ông, gò lưng dập dập xóa xóa trên những trang bản thảo. Ông là người rất nghiêm khắc với bản thân".

Sinh ra ở mảnh đất xứ Quảng "chưa mưa đã thấm", song ông lại ham mê nghệ thuật chèo xứ Bắc. Ông từng bỏ tiền riêng để lập ra đoàn chèo "Cổ phong". Những vở kịch của ông như "Quán Thăng Long", "Người Hoa Lư" "Yêu Ly", "Tấm Cám", "Mối tình Điện Biên"... cho đến nay vẫn làm xúc động khán giả yêu nghệ thuật sân khấu.

Đam mê sân khấu nhưng Lưu Quang Thuận không phải mẫu người vì niềm ham mê ấy mà lơ là những tình cảm quan trọng khác trong cuộc đời. Tất nhiên người cha nào cũng yêu con, nhưng Lưu Quang Thuận có lẽ là một người cha yêu con "đặc biệt".

Bà Lưu Quang Thuận còn kể lại, khi bà sinh Lưu Quang Vũ, chồng bà sung sướng cứ chạy đi chạy lại không biết làm gì, thấy ai đi qua cũng gọi vào khoe con. Ông yêu con đến nỗi, cứ khi trời tối là ông "giành phần" bế con, không ai tranh với ông được, nhìn thấy cảnh đó ai cũng phải buồn cười. Ông ôm con đi khắp nhà vì sợ đứng một chỗ thì muỗi đốt truyền bệnh sốt rét cho con. Ông dạy con học chữ bằng những câu ca dao, tục ngữ, dạy con đánh vần bằng bản tin thắng trận.

Gia đình nghèo mà đầm ấm của ông với bầy con nhỏ lúc nào cũng ríu ran, vui vẻ. Tất cả các con đều học được ở ông tấm lòng nhân hậu và yêu thương con người. Ông ghét nhất thói ích kỷ, độc ác, dửng dưng và xa lạ với nỗi đau của người khác. Ông truyền cho các con tình yêu văn chương nghệ thuật với tâm niệm rằng bất kỳ đứa trẻ nào biết yêu cái đẹp, yêu văn học sẽ không bao giờ trở thành người xấu.

Không áp đặt các con trong việc chọn nghề, vì với ông nghề nào cũng đều cao quý như nhau, Lưu Quang Thuận chỉ nhắc nhở các con một điều cốt lõi, rằng, người ta có thể có khuyết điểm lúc này lúc khác, nhưng quan trọng là phải biết vươn lên sau những lần vấp ngã.

Sau này, khi đã trưởng thành và đi theo con đường làm thơ, làm sân khấu của cha, có những năm tháng Lưu Quang Vũ ở trong tâm trạng buồn phiền, chán nản do hoàn cảnh chung và riêng. Tác phẩm của Vũ có thời kỳ không được đăng báo. Anh buồn như trong trong chính câu thơ anh viết: "Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một tấm gương chẳng biết soi gì".

Nhìn con, Lưu Quang Thuận rất đau lòng. Ông xót xa khi viết cho con những dòng thư: "Con là con trai lớn của bố mẹ. Sau những lần con vấp ngã bố mẹ rất đau lòng. Nhưng điều quan trọng nhất là sau vấp ngã ấy con phải đứng lên, không được buông xuôi, không được chán nản".

Đối với Lưu Quang Vũ, cha vừa là một người bạn, một người đồng nghiệp. Tình yêu nghệ thuật và nhân cách sống của cha đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến anh trong từng tác phẩm anh sáng tạo. Cha dạy anh biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị nhất trong cuộc sống, biết nâng niu vẻ đẹp của một bông hoa, một nhành cây, lá cỏ. Cha cho anh một tâm hồn nhạy cảm từ tấm bé, khi anh tập tọng viết những câu thơ đầu tiên trong đời mình.

Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" khiến Lưu Quang Vũ bắt đầu được chú ý như một gương mặt sân khấu triển vọng. Bằng tất cả niềm vui và nỗi âu lo của một người đã nếm trải mọi buồn vui của đời nghệ sĩ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận đã dành thời gian phân tích cho con về sự nghiệt ngã của nghệ thuật, để con có thể nhìn thấy rõ những được mất mình có thể sẽ gánh trong đời khi lựa chọn nghệ thuật làm lẽ sống. Rằng, đôi khi ta có thể đánh đổi cả đời mình cho nghệ thuật, nhưng cái mà mình giành được vẫn là con số 0. Nghĩa là phải dấn thân và phải chấp nhận những cô đơn, đau khổ như là số phận vẫn đợi để quàng lên vai mỗi người nghệ sĩ.

Lưu Quang Vũ đã chọn viết kịch, làm thơ và đi theo ánh sáng của nó, với niềm tin mơ hồ mà chắc chắn, không thể nói thành lời, giống như một câu văn trong truyện "Đảo giấu vàng" mà anh thuộc lòng từ tấm bé: "Tuy hắn không phải là thủy thủ nhưng ở hắn có một vẻ gì đó gợi cho người ta nhớ đến biển".

Ở Lưu Quang Vũ, dẫu cho có lúc buồn anh viết như kể lể: "Tôi biết làm gì, tôi biết đi đâu/ Tôi chẳng còn điếu thuốc nào/ Đốt lên cho đỡ sợ" hay "Tôi chán cả bạn bè tôi/ Bao năm rồi họ không nói một câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi họ ngồi ở lại"... vẫn hiện lên tầm vóc của một nhà thơ với những mong manh, đổ vỡ, tuyệt vọng không thể nào tránh được của đời sống quá ồn ào, bụi bặm.

Trong lĩnh vực sân khấu, nhiều năm liền, cái tên Lưu Quang Vũ ở đâu người ta cũng bắt gặp, trên những băng rôn quảng cáo biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật khắp trong Nam ngoài Bắc. Những vở kịch của anh nóng ran hơi thở của đời sống, đề cập những vấn đề mỗi công dân đều đang quan tâm, đang chờ lời giải đáp. Lưu Quang Vũ chẳng khác gì một cơn lốc, với tốc độ viết làm kinh ngạc nhiều đồng nghiệp. Bản thảo anh viết một đêm có khi người khác đánh máy hoặc chép lại phải mất một ngày.

Năm nào cũng có 6-7 vở kịch của Lưu Quang Vũ được dàn dựng. Có những thời điểm, một đêm, hàng chục vở của anh được công diễn. Trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, Lưu Quang Vũ có 8 vở tham dự thì 6 vở đoạt Huy chương Vàng, 2 vở đoạt Huy chương Bạc. Những thành tích ấy cũng đủ để nói lên tài năng, lòng đam mê của anh dành cho sân khấu.

Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận không được chứng kiến những ngày tháng rực rỡ nhất của con trai mình. Đối với Lưu Quang Vũ, sự ra đi đột ngột của người cha là một cú sốc lớn. Anh lần giở lại di cảo của cha, tìm thấy một vở kịch còn dang dở trên bàn viết của ông, vở "Nàng Si-ta" mới khép lại một chương đầu.

Để báo hiếu cha, cũng là lời hứa sẽ tiếp tục con đường cha đã đi, Lưu Quang Vũ hoàn thiện vở diễn này trong một thời gian ngắn. "Nàng Si-ta" của hai cha con nhà viết kịch tài năng đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận trong một thời gian dài. Anh cũng cùng với mẹ và các em biên tập, hoàn thiện những tập sách mà cha để lại, trong đó có tập thơ Lưu Quang Thuận mà chính Lưu Quang Vũ đã đặt tên: "Cám ơn thời gian".

Như một dự cảm về sự hữu hạn của đời người, Lưu Quang Vũ đã viết và yêu cuống quýt như thể ngày mai anh không còn có được ân huệ ấy. Anh cố gắng nắm bắt những hiện thực của đời sống anh đang trải qua và hiển hiện nó trên trang giấy, với quan niệm rằng, người ta không thể nào có ích cho ngày mai nếu không có ích cho hôm nay.

Thơ và kịch của Lưu Quang Vũ đã được nhiều nhà chuyên môn đi sâu đánh giá, phân tích. Câu chuyện về những người phụ nữ đi qua hay dừng lại trong trái tim và tình cảm của anh cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Anh và nữ sĩ Xuân Quỳnh đã để lại trong đời sống văn nghệ Việt Nam một mối tình có lẽ là đẹp nhất, theo chủ quan của tôi, người viết những dòng này.

Mối tình ấy trở nên bất tử bởi chính những câu chuyện đời thường, những khó khăn họ đã cùng vượt qua để đến được với nhau, yêu thương và san sẻ. Bởi những câu thơ họ dành cho nhau giờ đây đã là tài sản chung của cả nền văn học. Và bởi họ đã ở cùng bên nhau không phải chỉ khi còn sống, mà vĩnh viễn, "cả khi chết đi rồi"...

 

Theo Bình Nguyên Trang (Văn nghệ Công An)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)