Ξ|Ξ   GƯƠNG SÁNG ::. HỘI GÁI - DÂU - RỂ LƯU TỘC VN.
Đăng ngày 23/8/2012
E-mail     Bản in

Bà Huyện Thanh quan làm cung trung giáo tập dưới triều Vua nào?
Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ nữ xuất sắc trong nền văn học cổ điển Việt Nam. Thơ của bà chỉ để lại 5-6 bài, mà bài nào cũng hay, bởi tính mẫu mực của thể loại thơ Đường luật và cái tình hoài cổ sâu xa ghi đậm một thời kỳ lịch sử trong thơ bà. Điều đáng chú ý là xưa nay người ta đánh giá cao thơ bà, nhưng không ghi lại được mấy về cuộc đời của bà. Thậm chí người ta cũng không biết tên thật của bà.
 
Bà Huyện Thanh Quan là tên gọi theo chức vụ của chồng tên là Lưu Nguyên Ôn (hoặc Huân, có tài liệu ghi nhầm là Lưu Nghi) là tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Nhân vật nữ sĩ bà Huyện Thanh Quan đến nay vẫn giữ để đặt tên đường phố ở Hà Nội, Huế, Đà Lạt, Sài Gòn,… hoặc làm mục từ trong các sách từ điển. Cách đây gần 50 năm, các nhà nghiên cứu Hán Nôm, GS. Bùi Văn Nguyên và Vũ Tuấn Sáng (Tảo Trang) đã công bố tên thật của bà là Nguyễn Thị Hinh. Tuy nhiên, về tiểu sử của bà vẫn còn một số chi tiết chưa thống nhất hoặc còn bỏ trống. Đó là năm sinh, năm mất và bà làm Cung Trung giáo tập dưới triều vua nào?
 
Tình cờ cách đây mấy năm chúng tôi có đọc tại thư viện Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số tháng 12 năm 1962, trong đó có bài của GS. Bùi Văn Nguyên cho biết tên húy của bà là Nguyễn Thị Hinh, “làm Cung Trung giáo tập dưới triều vua Tự Đức, chứ không phải triều vua Minh Mạng” (ý này tác giả không chứng minh). Từ nguồn tư liệu trên, chúng tôi đã đi tìm sử liệu để làm sáng tỏ. Chúng tôi đã tìm đọc 18 tài liệu trong đó có nói về nữ sĩ bà Huyện Thanh Quan. Hầu hết các văn bản đều không nêu tên thật của bà, kể cả năm sinh, năm mất. Riêng về chức vụ bà làm Cung Trung giáo tập thì mỗi sách nói mỗi khác… Các sách viết bà làm chức vụ này dưới triều Minh Mạng có: 1. “Cảo thơm” toàn tập của Đoàn Như Khuê, 1919; 2. “Nữ lưu văn học” của Sở Cuồng - Lê Dư, 1929; 3. “Văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ XIX” của hai tác giả Nguyễn Tường Phượng và Bùi Hữu Sủng, 1953; 4. “Lược thảo lịch sử văn học” tập 2 của nhóm Lê Quý Đôn, 1957; 5. “Từ điển văn học Việt Nam”, 1983; 6. “Giai thoại văn học Việt Nam” của hai tác giả Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch, 1988; 7. “Kể chuyện các vua triều Nguyễn” của Nguyễn Viết Kế, 1994; 8. “Từ điển Bách khoa”, tập I, 1995; 9. “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Bá Thể, 1997.
Số tài liệu còn lại ghi rõ bà làm Cung Trung giáo tập dưới triều vua Tự Đức. Cụ thể như sau:
10. “Littérature Annamite” của Cordière (Pháp), 1914.
11. “Quốc văn trích diễn” của Dương Quảng Hàm, 1942.
12. “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm, 1943.
13. “Thi văn bình chú” của Ngô Tất Tố, 1943.
14. “Tạp chí Nghiên cứu văn học” số 12,1962.
15. “Thành ngữ - Điển tích - Danh nhân từ điển” của Trịnh Văn Thanh, 1966.
16. “Danh nhân từ điển” của Nguyễn Huyền Anh, 1970.
17. “Người đẹp Nghi Tàm - Cuộc đời và thơ bà Huyện Thanh Quan” của Bùi Bội Tỉnh, 1996.
18. “Thơ Mai Am và Huệ Phố”, Nxb Thuận Hóa, 2004.
Trong số 18 tài liệu ghi trên đây có tư liệu thuộc về giai thoại văn học và truyền thuyết dân gian (xin miễn nêu cụ thể). Theo tôi suy nghĩ, khi nghiên cứu về sử liệu không thể lấy giai thoại hay truyền thuyết để làm căn cứ được, mặc dầu cũng có lúc ta cần đến để tham khảo. Chính vì nhận thức được phương pháp luận sử học như trên, nên chúng tôi phải sàng lọc, thẩm định, xác minh tư liệu để tìm ra sự thật lịch sử một cách khách quan, chứ không dám phê phán một tư liệu nào được ghi trên đây cả. Mong độc giả thông cảm.
 
Bây giờ xin nêu dẫn chứng mà theo chúng tôi có sức thuyết phục. Bà Huyện Thanh Quan xuất thân trong một gia đình khoa cử quan lại có nề nếp tại làng Nghi Tàm, cạnh Hồ Tây (Hà Nội). Theo phong tục Việt Nam, bà về làm dâu họ Lưu quê chồng ở làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc về Hà Nội). Dòng họ Lưu này có 1 vị đỗ tiến sĩ và 4 vị đỗ cử nhân dưới triều nhà Nguyễn. Chồng bà, ông Lưu Nguyên Ôn, tự là Ái Lan, sinh năm Giáp Tý (1804), đỗ cử nhân năm Mậu Tý (1828) dưới triều vua Minh Mạng thứ 9, tại trường thi Hương Nam Định. Sau khi thi đỗ, ông được bổ dụng làm tri huyện Thanh Quan (Thái Bình), về sau bị can, giáng chức làm Thư lại bộ Hình năm Giáp Ngọ (1834) đời vua Minh Mạng thứ 15. Hơn mười năm sau, ông lên dần chức Viên ngoại lang, thì bị ốm nặng, qua đời tại Kinh đô Huế năm Đinh Mùi (1847), đời vua Thiệu Trị thứ 7, hưởng dương 43 tuổi. Lúc này bà vợ ông và các con vẫn ở lại miền Bắc. Năm sau, dưới triều vua Tự Đức nguyên niên (năm Mậu Thân - 1848), chồng bà được truy tặng hàm Lang trung, một chức quan đứng hàng thứ năm ở bộ Hình, hàm chánh tứ phẩm. Như vậy, ông Lưu Nguyên Ôn đã làm quan dưới hai triều vua: Minh Mạng và Thiệu Trị. Theo GS. Bùi Văn Nguyên diễn giải thì: “… Tự Đức tự cho mình là ông vua hay chữ, nên rất chú ý đến việc học; vua nghe tiếng bà vợ ông Lưu Nguyên Ôn là một nữ sĩ, nên muốn mời bà vào cung, bèn truy tặng cho chồng bà hàm Lang trung để xoa dịu việc vua Minh Mạng giáng chức chồng bà…”. Đây là một việc làm có tính chất an ủi một người phụ nữ góa bụa có tài và có học vấn. Và rồi sự việc đã đến. Mùa xuân năm Kỷ Dậu, Tự Đức năm thứ 2 (1849) sau ngày giỗ đầu chồng, bà Huyện Thanh Quan nhận được chỉ dụ của vua Tự Đức triệu bà “quả phụ Lưu công” vào triều; mặc dầu đang còn để tang chồng, bà cũng phải sắp xếp công việc gia đình để lên đường vào kinh đô đúng lệnh vua ban. Trên đường đi ngàn dặm vào Huế, lúc qua đèo Ngang, bà xuống xe ngựa, dạo bước cho khỏi chồn chân và đứng xem phong cảnh một lúc. Chính lúc này bà đã làm một bài thơ rất hay với một nỗi buồn cô đơn đến nao lòng ở câu cuối:… “Một mảnh tình riêng ta với ta”.
Qua đèo ngang

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời,non,nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.



Cảnh Đèo Ngang
 
Vào đến kinh đô, bà được bố trí làm việc ở Viện Đoan Trang với chức học quan Cung Trung giáo tập dạy văn chương, lễ nghi, phép tắc cho các công chúa và cung nữ. Tại đây, các quan lại trong triều thường gọi bà với cái tên “Lưu phu nhân”. Trong quá trình dạy học, bà đã làm quen với các nhà thơ hoàng tộc như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, công chúa Mai An,… Theo Dương Quảng Hàm viết trong sách Quốc văn trích diễn thì “vua Tự Đức có ban thơ chữ và thơ Nôm, phu nhân họa được, vua quý trọng lắm”. Sách Thi văn bình chú của Ngô Tất Tố nói: “Vua Tự Đức có ban thơ, bà có họa lại”… Sau hơn 8 năm làm chức học quan, năm Đinh Tỵ, Tự Đức thứ 10 (1857) bà xin về hưu lúc 53 tuổi, để lại ở kinh đô hai người con gái yêu thương đã gả chồng và nhiều kỷ niệm êm đẹp trong lòng bạn bè và bạn thơ ở miền sông Hương, núi Ngự. Tin bà xin về hưu đã làm cho công chúa Mai An (sinh năm 1826, con gái vua Minh Mạng) cảm thấy buồn vì phải xa bạn. Công chúa đã làm một bài thơ bằng chữ Hán (mà theo chúng tôi đây là một dẫn chứng cụ thể) có nhan đề là: “Tống Lưu Ái Lan thất Nguyễn Thị quy Hà Nội”. Phiên âm: (Nguyễn Thị phả năng thi, dư thường dữ xướng họa)
Sổ tải thiên ngung lạc vi cùng
Vô đoan hành sắc thử thông thông
Lạc hoa phi nhứ tam xuân mộ
Hiểu nguyệt tàn dương nhất lộ trung
Thượng hữu quan hà ngư nhạn tín
Bất ứng Nam Bắc mã ngưu phong
Long Biên kiến thuyết giai sơn thủy
Cực mục sầu nan nghiễn tịch đồng(1)
Dịch thơ: Tiễn bà Nguyễn Thị, vợ ông Lưu Ái Lan về Hà Nội
(Bà Nguyễn Thị hay thơ, thường cùng tôi xướng họa)
Xướng họa bao năm chửa trọn vui,
Khi không vội vã thấy xa rồi,
Tơ bay hoa rụng mùa xuân muộn
Trăng sớm trời chiều lối dặm khơi,
Sông ải còn mong thư có nhạn,
Bắc Nam chẳng lẽ biệt tăm người,
Long Biên nghe nói nhiều danh thắng,
Nghiên bút buồn trông khó đủ đôi
(Lương An dịch thơ)
Từ những căn cứ tư liệu bằng văn bản nêu trên đây, chúng tôi xin tóm lược như sau: bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê tại làng Nghi Tàm gần Hồ Tây (Hà Nội) làm Cung Trung giáo tập dưới triều vua Tự Đức. Bà sinh năm Giáp Tý (1804). Năm mất hiện chưa rõ. Nhưng có thể đoán rằng tuổi thọ của bà cũng vào loại xấp xỉ ở tuổi “cổ lai hy”, vì có tư liệu cho biết năm Canh Ngọ Tự Đức thứ 23 (1870) bà có dâng tờ biểu vào triều xin vua Tự Đức xóa bỏ lệ cung tiến chim Sâm Cầm hàng năm cho dân làng Nghi Tàm, và nhà vua đã đồng ý.
Đến năm 1873, thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất, bà còn chạy loạn theo đồng bào…(?).
Trước đây ở bậc phổ thông và ở bậc đại học có học thơ bà Huyện Thanh Quan. Thơ bà để lại không nhiều, nhưng bài nào cũng hay. Đề tài trong thơ bà là “cảnh thiên nhiên hắt hiu… gợi một niềm thương nhớ cũ… người đọc không có ý niệm về cảnh trước mắt, mà cảm thấy lặng lẽ một nỗi buồn cô quạnh về cái đã trôi qua…” (Trích Giáo trình Lịch sử Văn học, trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1962).
Rất mong các nhà nghiên cứu trao đổi thêm về vấn đề này để hoàn thiện nền văn học sử của chúng ta.
Chú thích
(1). Ở Viện Hán Nôm (Hà Nội) có tập thơ “Diệu Liên thi tập” cũng có in bài thơ này.
Tài liệu tham khảo:
Ngoài 18 tài liệu đã nêu trên, chúng tôi còn tham khảo:
- Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993.
- Tạp chí Nghiên cứu Văn học số tháng 1 năm 1963, bài viết của Tảo Trang - Vũ Tuấn Sáng, nói về dòng họ Lưu ở làng Nguyệt Áng, Thanh Trì, Hà Đông.
 
 
 
 
Theo Nguyễn Thúc Chuyên - Nhà nghiên cứu Tp Huế