Ξ|Ξ   VĂN HÓA ::. Tư vấn - Chia sẻ Kiến thức - Kinh nghiệm.
Đăng ngày 23/2/2014
E-mail     Bản in

PGS,TS Lưu Văn An: Thi tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thí sinh có nhiều quyền lợi
Nhân dịp khởi động mùa tuyển sinh năm 2014, phóng viên AJC đã có cuộc phỏng vấn PGS,TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền để tìm hiểu thêm thông tin về công tác tuyển sinh và quyền lợi của thí sinh khi trúng tuyển vào Học viện.


PGS,TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền 

Phóng viên: Xin PGS,TS cho biết một số thông tin mới về tuyển sinh vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2014?

PGS,TS Lưu văn An: Năm nay, giống như năm 2013, Học viện tổ chức tuyển sinh cho 29 ngành, chuyên ngành đào tạo với 1800 chỉ tiêu thuộc ba khối:

- Thứ nhất, khối lý luận chính trị, bao gồm các chuyên ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế- chính trị, Quản lý kinh tế, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Chính trị phát triển, Chính sách công, Quản lý văn hóa tư tưởng, Quản lý xã hội, Khoa học quản lý nhà nước, Giáo dục lý luận chính trị, Văn hóa phát triển;Thông tin đối ngoại, Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế.

- Thứ hai, khối báo chí- truyền thông, bao gồm các chuyên ngành: Báo in, Báo ảnh, Báo truyền hình, Báo phát thanh, Báo mạng điện tử, Báo chí đa phương tiện, Quay phim truyền hình, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Xuất bản.

- Thứ ba, khối các khoa học xã hội và nhân văn khác, bao gồm: Xã hội học, Công tác xã hội, Biên dịch tiếng Anh.

Tất cả các chuyên ngành đều tuyển khối C và D1, ngoại trừ chuyên ngành Biên dịch tiếng Anh chỉ tuyển khối D1. Học viện không tuyển sinh khối A.

Điểm mới năm nay là: Điểm trúng tuyển vào Học viện được xét theo nhóm ngành, ngành và chuyên ngành kết hợp với điểm xét tuyển theo khối thi. Thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo nhóm ngành nhưng không đạt điểm trúng tuyển theo ngành, chuyên ngành đăng ký dự tuyển ban đầu sẽ được đăng ký chuyển sang ngành, chuyên ngành có điểm xét tuyển thấp hơn trong cùng nhóm ngành, cùng khối thi nếu còn chỉ tiêu. Thời hạn đăng ký chuyển ngành, chuyên ngành trong vòng 7 ngày kể từ khi công bố điểm chuẩn.

Phóng viên: Theo PGS,TS dự báo tuyển sinh năm nay, thí sinh sẽ tập trung vào những ngành nào?

PGS,TS Lưu văn An: Kinh nghiệm nhiều năm tuyển sinh cho thấy, khối báo chí truyền thông thường có số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển cao, đặc biệt là chuyên ngành Phát thanh - Truyền hình, Báo in, Báo mạng điện tử, Quan hệ công chúng, Thông tin đối ngoại... Đây là các chuyên ngành đòi hỏi sinh viên giỏi ngoại ngữ, năng động, sáng tạo. Khi ra trường, các em nhanh chóng thích nghi với nhiều công việc khác nhau. Các chuyên ngành: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Quản lý xã hội… cũng có số thí sinh dự thi khá cao.

Một số chuyên ngành lý luận chính trị có số thí sinh đăng ký dự thi không cao. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, chủ yếu là thí sinh (nhất là vùng nông thôn, miền núi) thiếu thông tin về những chuyên ngành này. Trên thực tế, chương trình giảng dạy các chuyên ngành này đều gắn với thực tiễn cuộc sống, có nhiều môn thực hành, kỹ năng nghiệp vụ. Sinh viên khối ngành này ra trường có nhiều cơ hội xin việc làm, như: giảng viên chính trị ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; trường chính trị tỉnh, thành; trung tâm chính trị quận, huyện; cán bộ nghiên cứu ở các viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, cán bộ thực tiễn ở các tổ chức, cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương: các ban Đảng, Văn phòng Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân; ngoài ra có thể làm công tác Đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội…

Phóng viên: Xin PGS,TS cho biết về công tác chuẩn bị cho tuyển sinh năm 2014 của Nhà trường?

PGS,TS Lưu văn An: Năm nay Học viện vẫn tổ chức tuyển sinh theo phương thức “3 chung” của Bộ Giáo dục và đào tạo. Nhà trường đã thành lập Ban Tuyển sinh đại học, Ban chỉ đạo tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh để chuẩn bị các công việc liên quan đến kỳ tuyển sinh sắp tới. Các Ban này sẽ thường xuyên cập nhật thông tin trên Website Học viện và liên kết với một số cơ quan báo chí truyền thông, với Bộ Giáo dục và Đào tạo để giới thiệu về Nhà trường, các khoa, về các chuyên ngành đào tạo, cũng như tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh trong quá trình lựa chọn chuyên ngành để dự thi.

Phóng viên: Theo PGS,TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có những điểm mạnh nào thu hút thí sinh đăng ký thi tuyển?

PGS,TS Lưu văn An: Theo thống kê của Ban Quản lý đào tạo, trong những năm gần đây số lượng thí sinh thi vào Học viện ngày càng tăng, nhiều nhất là năm 2013. Điều này trước hết xuất phát từ các lợi ích mà các em có được khi học tại Học viện:

 Thứ nhất, với đặc thù là trường Đảng duy nhất trong hệ thống các trường  đại học trên cả nước, sinh viên Học viện khi ra trường, ngoài việc được nhận tấm bằng cử nhân chuyên ngành, còn được nhậnGiấy chứng nhận trình độ cao cấp lý luận chính trị (đối với khối lý luận chính trị) hoặc trình độ trung cấp lý luận chính trị (đối với khối báo chí truyền thông và khối các khoa học xã hội và nhân văn khác). Có giấy chứng nhận này, các em sẽ thuận lợi hơn khi đi xin việc ở các cơ quan Đảng và Nhà nước.

 Thứ hai, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ năm 2013, sinh viên học các chuyên ngành: Triết học Mác- Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo dục lý luận chính trị được miễn học phí. Ngoài ra, các em có thành tích học tập cao còn được nhận học bổng.

Thứ ba, hiện nay Học viện mở khá nhiều lớp bồi dưỡng nhằm củng cố, nâng cao kiến thức về các lĩnh vực, chuyên ngành khoa học. Sinh viên Học viện được tạo điều kiện thuận lợi (về thời gian, về học phí) để tham gia các khóa học ngắn hạn để nhận chứng chỉ về: nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, báo chí- truyền thông, quan hệ công chúng, thông tin đối ngoại, tuyên giáo, xuất bản, đường lối cách mạng ĐCS VN… Đây là cơ hội để sinh viên mở rộng kiến thức, đồng thời có thêm văn bằng, chứng chỉ để tự tin hơn khi đi xin việc.

Thứ tư, học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sinh viên có nhiều cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, Học viện có 14 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 3 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, các em có thể dự thi và học chương trình sau đại học tại Học viện.

Thứ năm, đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện có trình độ cao, tâm huyết với nghề. Hiện nay, Nhà trường có hơn 100 nhà giáo có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; gần 200 thạc sỹ. Ngoài ra, Nhà trường còn có đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội… Nhà trường còn mời các nhà hoạt động chính trị thực tiễn, các tổng biên tập, phó tổng biên tập, nhà báo có kinh nghiệm đến giảng dạy, hội thảo, tọa đàm với sinh viên. Bên cạnh đó, Nhà trường còn mời nhiều giáo sư, chuyên gia từ các nước phát triển như: Mỹ, Úc, Đức, Anh, Pháp… đến giảng dạy.

Thứ sáu, Học viện là cơ sở trọng điểm quốc gia về đào tạo giảng viên lý luận chính trị, cán bộ công tác tư tưởng - văn hóa và báo chí - truyền thông, vì vậy cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập ngày càng được tăng cường. Hiện nay, Nhà trường đã có phòng studio, nơi thực tập cho các sinh viên báo chí truyền thông, phòng diễn giảng cho sinh viên khối lý luận chính trị và quan hệ công chúng; hầu hết các giảng đường đều có máy chiếu, các phòng học tin học, ngoại ngữ được trang bị tương đối đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại…

Thứ bảy, phong trào sinh viên của Học viện khá phong phú và sôi nổi.  Hàng năm có nhiều hoạt động ngoại khóa thu hút đông đảo sinh viên tham gia: Lễ hội Hallowen, cuộc thi hoa khôi sinh viên báo chí, cuộc thi hùng biện tiếng Anh, Olimpic triết học… Sinh viên các khoa đều thành lập câu lạc bộ khoa học chuyên ngành. Ngoài ra, các câu lạc bộ của sinh viên như câu lạc bộ ghi ta, võ thuật, đội văn nghệ xung kích, đội truyền thông… hoạt động rất tích cực. Đặc biệt, các em còn được tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia các dự án quốc tế về đào tạo báo chí truyền thông.

Thứ tám, là trường Đảng nên Đảng ủy Học viện rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong sinh viên. Hàng năm, có khoảng 200 sinh viên được kết nạp Đảng, hàng trăm sinh viên được chứng nhận là đối tượng kết nạp Đảng. Đây là cơ hội thuận lợi để sinh viên tu dưỡng bản thân, rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức ngay trên ghế Nhà trường.

Tóm lại, với những điều kiện, lợi thế như trên, sinh viên của Học viện được trang bị kiến thức cần thiết có thể làm tốt công việc chuyên môn, đồng thời có cơ hội rèn luyện các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và công tác. Hầu hết các cơ quan tiếp nhận sinh viên của Học viện đều đánh giá cao tính nhạy bén, thích ứng với môi trường làm việc mới nhanh. Vì vậy, tôi tin rằng mùa tuyển sinh năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiếp tục là trường được đông đảo thí sinh lựa chọn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS,TS!

 

 

Theo Mai nghiêm (Thực hiện)


Gửi ý kiến của bạn
(Xin hãy viết chữ có dấu! Xin cảm ơn!)